Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

‘Lạm phát tháng 9 rất bất thường’


Chỉ số giá tiêu dùng 2,2% là mức tăng lịch sử so với tháng 9 hằng năm, xô đổ mọi dự báo của các chuyên gia và cho thấy điều hành giá đang có vấn đề, theo chuyên gia Vũ Đình Ánh.
CPI tăng mạnh nhất trong hơn một năm
- Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 2,2% so với tháng 8. Ông nhận định thế nào về con số này?
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh. Ảnh: Nhật Minh
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh. Ảnh:NM
- Mức tăng trên 2% của tháng 9 là quá cao, xét cả về lịch sử lẫn bối cảnh hiện tại. Theo dõi số liệu từ năm 1995 đến nay, tôi thấy chưa có tháng 9 nào có mức tăng cao như năm nay. Như vậy có thể gọi đây là mức tăng lịch sử. Ngoài ra cũng cần thấy là trong 7 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,22%, riêng tháng 9 này đã tăng bằng cả 7 tháng cộng lại. Điều đó phần nào cho thấy xu hướng lạm phát cao đang có dấu hiệu quay trở lại.
- Nguyên nhân của sự bất thường này là gì thưa ông?
- Cuối tháng 8 không ai nghĩ CPI tháng 9 có thể tăng đến 2%. Nhưng thực tế đã vượt cả con số này. Điều đó cho thấy việc điều hành giá cũng như dự báo đang có vấn đề. Nói như vậy là bởi nhìn vào các yếu tố gây lạm phát cho tháng này, ngoại trừ việc năm học mới gây tăng giá giáo dục, hầu hết các nguyên nhân còn lại đều là do chủ quan, đặc biệt là chuyện tăng giá viện phí.
Tất nhiên, việc tăng giá nêu trên là kết quả của việc xây dựng chính sách suốt một thời gian dài, cơ quan quản lý cũng giao lại quyền quyết định cho Hội đồng nhân dân các tỉnh, theo một khung định sẵn… Nhưng việc lựa chọn thời điểm điều chỉnh vào đúng thời điểm có áp lực tăng giá (khai giảng năm học mới, áp dụng giá điện, nước mới) cũng cho thấy các nhà điều hành vẫn chưa chú ý nhiều tới nhu cầu chống “sốc” cho thị trường.

Người ta cũng chưa làm tốt việc dự báo khi không tính toán được tác động của việc điều chỉnh tới mức tăng giá chung của nền kinh tế. Chỉ cách đây vài tháng, khi lạm phát xuống thấp, nhiều ý kiến đã cho rằng lạm phát năm nay chỉ 7%. Thậm chí có người còn nói con số chỉ 5%. Bản thân chuyện dự báo đúng sai này không quá quan trọng, nhưng người ta sẽ dựa vào những dự báo đó để thiết kế chính sách. Do đó, khi thực tế vượt xa dự báo thế này, cần thiết phải xem lại.
- Sau những lo ngại về nguy cơ giảm phát cách đây vài tháng, ông nhận định thế nào về việc “thả” giá các mặt hàng, dịch vụ như vậy để “kích” CPI?
- Thực ra trong các quyết định điều hành, theo tôi có một phần hàm ý đó. Bởi cách đây không lâu, cũng đã có đại diện cơ quan chức năng cho rằng “nhân dịp” lạm phát đang thấp, có thể điều chỉnh mạnh giá xăng dầu. Tuy nhiên, chính việc CPI tháng 9 tăng tới 2,2% cho thấy nếu lựa chọn thời điểm tăng giá như vậy, họ đã sai lầm.
- Vậy việc chỉ số giá tăng mạnh trong tháng 9 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay?
- Nếu đặt mục tiêu lạm phát một con số thì tôi cho rằng không ảnh hưởng lắm, hoàn toàn có thể đạt được. Nhưng nếu muốn lạm phát ở mức khoảng 7% thì rất khó bởi hiện đã 5,13% rồi. Ở kịch bản tốt, tôi cho rằng lạm phát có thể ở mức trên 8% nếu CPI 3 tháng cuối năm tăng khoảng 1% mỗi tháng. Tuy nhiên, nếu mức tăng khoảng 2% của tháng 9 lặp lại, con số có thể cao hơn.
Cần nhớ rằng vẫn còn một số tỉnh chưa tăng giá viện phí. Nếu các tỉnh này tăng, thậm chí tăng kịch trần thì có thể “dội” vào chỉ số giá những tháng sau. Cộng với giá lương thực thực phẩm, tuy chưa tăng trong những tháng qua nhưng có thể “đảo chiều” do nhu cầu tiêu dùng cuối năm cũng như những khó khăn về nguồn cung.
- Vậy theo ông, để kịch bản “xấu” không xảy ra, việc điều hành giá cả những tháng cuối năm cần được xử lý như thế nào?
- Tôi cho rằng việc cần làm nhất là soi lại các chính sách, bởi hiện tình hình đã khác. Với chính sách tiền tệ, vẫn cần nới lỏng một chút để doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiếp tục xử lý lãi suất để họ “sống” được. Nhưng với chính sách tài khóa thì cần thắt chặt, kiên định mục tiêu kìm chế lạm phát.
Cách đây 2 tháng, cơ quan quản lý có cho biết còn khoảng 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách cho 5 tháng cuối năm, công với việc xin ứng trước 30.000 tỷ từ ngân sách 2013… Nhưng giờ tôi cho rằng nên rà soát lại, không phải dự án nào đề xuất ra cũng phải làm. Cùng với đó là chính sách quản lý giá cũng phải chặt chẽ hơn, tránh kiểu dồn dập như vừa qua nếu không muốn tài lập mức tăng CPI tới 2% như tháng 9. Khi đó, CPI cả năm có thể lên tới 9 - 10%.
Nhật Minh
Khó hiểu (!)
Ban đầu, tôi cũng thấy sự bất thường khi CPI tháng 9 tăng đột biến, nhưng nếu xem xét lại các chỉ báo nhóm hàng hóa trong rổ tính CPI thì không có gì ngạc nhiên lắm. Bởi chúng ta biết thường vào thời điểm tháng 9 nhóm Giáo dục tăng do bước vào năm học mới; thế mà thật khó hiểu hiểu các nhà hoạch định lại cho phép tăng ác nhóm gần như cùng một lúc như Y tế, điện, nước, xăng, dầu,... Đây cũng chính là điều mà tôi ngạc nhiên, vì đây không phải lần đầu chúng ta điều hành giá lên "hội đồng" như vậy, và lịch sử lặp lại. Tôi cho rằng, sự bất ổn kinh tế vĩ mô của chúng ta có thể vẫn hiện hữu, nếu chúng ta vẫn điều hành giá "giật cục" và thiếu đồng bộ như thế.
Thật chất lạm phát!
Theo tôi thì giá các mặt hàng tiêu dùng thật chất không giảm mà chỉ co bất động sản giảm mà bất động sản luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cách tính CPI nên khi tính ra mặt bằng chung là giảm nhưng các mặt hàng thiết yếu thật chất đang tăng.nếu chỉ xem xét CPI mà nói là giá đang giảm là sai. lạm phát quay trở lại nhiều trong tháng 9 một phần cũng là do các ngân hàng ( nhất la ACB ) đã bị mất lòng tin nên dẫn tới người dân di rut tiền và đẩy một lượng lớn tiền mặt vào lưu thông,một phần con do lãi suất hạ thì DN di vay tiền nhiều hơn nữa. Theo cá nhân tôi thì chinh sách kiềm chế lạm phát của NN đang có vấn đề cần phải thay đổi ngay. (kiến thức nông cạn mong anh em chỉ bảo)
Hiện tượng gì của nền kinh tế
Tôi thấy nói nhiều lạm phát đã giảm, nhưng thực tế hiện nay khi đi chợ chúng tôi cảm thấy tiêu tiền như "chảy nước" vậy, xin các chuyên gia kinh tế giải thích dùm đây là hiện tượng gì ạ.
Lạm phát sẽ tăng cao
Với chính sách dự báo của chúng ta như hiện nay tôi nghĩ lạm phát năm nay sẽ hơn 1 con số có thể nằm lên tới 15%. Cách điều hành của nhà nước đang thực sự không tốt trong khi cuộc sống người dân vẫn quá khó khăn, nền kinh tế vẫn quá khó khăn thì lạm phát vẫn tăng cao được thật khó tin.
Bình thường
Cùng một thời điểm cho phép điều chỉnh tăng giá xăng dầu, điện, nước... chưa kể đến những mặt hàng tiêu dùng có xu huớng tăng giá theo thời điểm mùa vụ dịp lễ ( khai truờng, quốc khánh, trung thu, vu lan... ) thì hệ quả CPI tăng là tất yếu thôi.
Ko hiểu nổi...
Muốn chống lạm phát mà lại nới lỏng chính sách tiền tệ???
Chính sách phải nghĩ đến dân
Tôi không biết nhiều về các chính sách để kiềm chế lạm phát gì gì đó của các vị nhưng tôi biết rằng đời sống của người dân ngày càng khó khăn hơn. Đi làm bây giờ chỉ để kiếm cái ăn là hạnh phúc lắm rồi chứ đừng có mơ mà nghĩ đến giải trí và chăm sóc sức khỏe.
Lạm phát luôn tăng
Từ đầu năm tới nay tôi thấy nói có 1 vài tháng chỉ số lạm phát rất thấp, nhưng kì thực tháng nào đi chợ cũng thấy giá cả tăng vèo vèo, không mặt hàng này thì mặt hàng khác.Chẳng hiểu chống lạm phát kiểu gì nữa.
Nhìn vào là hiểu
Nhìn từ xa thì ai cũng đoán sẽ tăng rồi lý do :
- Tháng 9 xăng dầu tăng bao nhiêu ?
- Y tế tăng bao nhiêu ?
- Giáo dục vào mùa
Chỉ đơn giản như vậy thôi, vả lại tăng trên 2% bởi vì những tháng trước đó giãm sâu
Lạm phát là bình thường
Tôi thấy không có gì bất thường vì lạm phát tăng vậy là do ngân hàng đưa tiền ra ngoài lưu thông không hợp lý thôi.
Đó là điều đã được dự đoán trước
Ngay từ đầu năm đã có thể thấy được việc điều hành chính sách như vậy: Cho tăng giá 1 loạt loại hàng hóa ảnh hưởng tới cả nền kinh tế như điện, nước, than, viện phí, liên tục giảm lãi suất không căn cứ vào thị trường, sẽ dẫn tới lạm phát cao vào cuối năm và năm sau. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng rất cao và dồn dập (tới 4 lần trong hơn 1 tháng) chính là nguyên nhân lạm phát cao trở lại nhanh như vậy. Với kiểu này thì dù mức thuế TNCN có theo nguyên đề xuất của BTC thì có khi đến khi bắt đầu áp dụng đã bắt đầu lạc hậu rồi chứ đừng nói tới chuyện lại còn giảm đi nữa.
Lạm phát xảy ra không có gì là lạ
Tôi thấy lạm phát xảy ra không có gì là lạ khi nhà nước cố ép giảm lãi suất đồng Việt xuống. Trong khi những mặt hàng do nhà nước quản lý độc quyền như xăng, dầu, điện, nước, gas... lên vùn vụt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét