Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Mong manh con chữ vùng cao


Nguyễn Bổng, CTV Phía Trước
Nói đến việc học hành của con em các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi, chúng ta thường nghe nhiều về tình trạng học sinh phải bỏ học giữa chừng. Nhận định về tình trạng này, các quan chức ngành giáo dục và chính quyền các cấp cho rằng, nguyên nhân con em các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi bỏ học giữa chừng nhiều là do ý thức học hành kém. Thực tế không hẳn như vậy, bởi có nhiều học sinh con em các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi đã và đang vượt lên khó khăn thiếu thốn, đối mặt với những điều kiện hết sức tồi tàn dưới tối thiểu để quyết tâm theo học cái chữ rất đáng khâm phục.

Vượt khó đến trường
Mang tiếng là “được quan tâm to lớn, được tạo điều kiện học hành thuận lợi”, nhưng do đặc điểm sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi rãi rác, nên hầu hết học sinh con em họ phải vượt qua quãng đường rất xa mới có thể đến được điểm trường học tập. Và cấp học càng cao, quãng đường này càng xa – xa đến cả buổi, thậm chí cả ngày đường rừng núi ghập ghềnh. Quãng đường rừng xa xôi, ghập ghềnh và phải đối mặt với nhiều hiểm nguy của sông suối chia cắt, các em thật khó có thể bền chí mỗi ngày vượt qua để theo học được cái chữ. Vào mùa mưa lũ, đường rừng trơn trợt, sông suối chia cắt, đường đến trường càng thêm vời vợi. Thế là bỏ học!
Vời vợi đường đến trường, một số em học sinh có điều kiện và muốn học cái chữ đã chọn giải pháp ở trọ gần trường học. Tuy nhiên, lựa chọn này buộc các em phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Mới đây, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với một số học sinh con em đồng bào dân tộc Kor (một dân tộc thiểu số trong thành phần các dân tộc Việt Nam) ở huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, đang theo học tại trường trung học phổ thông Tây Trà. Trực tiếp chứng kiến chỗ ăn, ở trọ học tập của các em, mới thấy cái nhìn, cánh đánh giá của các nhà chức trách về ý thức học tập của học sinh con em các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi có phần chủ quan, thậm chí vô cảm.


Những lều tạm của học sinh dân tộc Kor theo học tại Trường THPT Tây Trà. Ảnh: NB/PHÍA TRƯỚC

Chỗ ăn, ở trọ học tập của hàng chục em học sinh là những túp lều tạm bợ, hết sức đơn sơ do cha mẹ dựng lên. Không đèn, không nước, không công trình phụ, mưa tạnh cả tuần mà nền nhà vẫn còn săm sắp nước, nhão nhẹt như đám ruộng sình. Trong một túp lều, chúng tôi thấy có hai chiếc giường kê tạm bợ (một cho nam, một cho nữ). Gọi là giường, nhưng đó là các bìa gỗ bỏ ngoài rừng, các em tận dụng ghép lại làm chỗ ngủ. Chỗ ở là thế, còn cái ăn càng khó hơn. Cái bếp không có lửa, hai chiếc xoong đen sì méo mó, vài cái chén không còn lành … Tất cả chỉ có vậy – đều nguội lạnh, dường như lâu ngày chưa có gì để nấu.

Quyết tâm bám chữ

Hồ Văn Khâm, học sinh lớp 7, một trong số những học sinh ở trọ trong túp lều chia sẻ: “Gia đình các em đều nghèo, hàng tháng về nhà, cha, mẹ cho gạo và muối, thức ăn tự túc thêm bằng cách phân công nhau đi hái rau rừng”. Hàng ngày phải đi hái rau rừng, nhưng ngặt nỗi, lều tạm ở gần trường, nên hơi cách xa cái rừng để có thể hái được rau. Vây nên “kiếm đủ rau rừng cho các anh em cùng ăn, rất vất vả”, em Hồ Văn Khâm, cho biết thêm.

Kiếm được rau rừng phải đi xa, ngoài giờ học các em mất rất nhiều thời gian phân công nhau vào rừng kiếm rau cải thiện bữa ăn. Và những ngày mưa gió bão bùng, đường về nhà bị sông suối chia cắt, đứt cả gạo ăn, cũng không thể kiếm được rau rừng, cả nhóm chia nhau cầm hơi mỗi bữa vài gói mì tôm sống và nước lã.
Sinh hoạt trong lều tạm. Ảnh: NB/PHÍA TRƯỚC

Trong đôi mắt hơi thâm sâu (vì thiếu dinh dinh dưỡng) của Hồ Văn Khâm, Hồ Thị Diễm và các em vẫn ánh lên sự quyết tâm. Cũng đúng, bởi quyết tâm lắm các em mới có thể vượt lên khó khăn và thiếu thốn để không bỏ học. Nhưng dù sao thì vẫn ái ngại, bởi các em còn quá nhỏ để đối mặt trước hai tình thế đều quá khắc nghiệt. Nếu chọn giải pháp gần nhà, thì quá xa cái trường, chắc chắn các em không thể vượt qua; còn ở trọ gần trường, tuy xa cánh rừng để kiếm được rau, nhưng vẫn học được cái chữ. Và để theo học được cái chữ, hàng trăm, hàng ngàn học sinh con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi đã chọn giải pháp thứ hai.

Mùa khai trường năm học mới cũng là mở đầu của mùa mưa bão khốc liệt đang hoành hành. Trong mưa gió bão bùng, những túp lều tạm và cả tính mạng của các em nhỏ thân yêu đang quyết tâm theo học cái chữ càng mong manh, như sắp bị xô ngã, bị xé toạc bất cứ lúc nào. Thật là thiếu trách nhiệm đến xấu hỗ nếu cho rằng con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi bỏ học vì kém ý thức học hành!

© TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét