Biểu đồ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của các tháng
so với cùng kỳ năm 2011 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2012 đã tăng vọt 2,2% so với tháng trước và tăng 5,13% so với tháng 12 năm trước. Như vậy, CPI đã tăng 6,48% so với tháng cùng kỳ năm 2011 và bình quân 9 tháng năm 2012 tăng 9,96%.
Xét trong các tháng gần đây, mức tăng của tháng này tương đương với các mức tăng của 5 tháng đầu năm 2011 (tháng 1/ 2011 tăng 1,74%, tháng 2/2011 tăng 2,09%, tháng 3/2011 tăng 2,17%, tháng 4/2011 tăng 3,32% và tháng 5/2011 tăng 2,21%), tuy nhiên nguyên nhân khiến giá cả tăng cao thì khác nhau.
Nếu như đầu năm 2011, giá cả tăng phần nhiều được cho là từ các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của giá nhiên liệu, lương thực thế giới, quy luật mùa vụ khi có Tết nguyên đán, quán tính lạm phát của năm 2010 còn cao,... thì mức tăng của tháng 9 năm nay lại nằm chủ yếu ở các nhân tố chủ quan, do hai “cú sốc” đã được định hình sẵn.
Giống như giải thích cho mức tăng cao của hai thành phố Hà Nội và Tp.HCM đã được công bố, hai “cú sốc” lớn đối với giá tiêu dùng trong tháng là phí dịch vụ y tế và học phí giáo dục.
Sau khi phát tín hiệu tăng tốc vào tháng trước, phí các dịch vụ y tế chính thức nhảy vọt vào tháng này khiến chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 17,02% so với tháng trước. Giá các dịch vụ y tế tăng phản ánh việc thực hiện của các tỉnh/thành phố đối với thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài Chính về việc điều chỉnh khung giá một số dịch vụ khám chữa bệnh.
Việc ảnh hưởng của thông tư này là lâu dài đối với ngân sách hộ gia đình nhưng chỉ ảnh hưởng một lần, mang tính thời điểm đối với chỉ số giá. Do thời điểm áp dụng khung giá dịch vụ y tế mới giữa các địa phương trong cả nước có khác nhau nên chỉ số giá nhóm y tế đã tăng cả trong 2 tháng vừa qua.
Với quyền số chiếm 5,6%, mức tăng 17,02% này đã đóng góp 0,95% vào mức tăng của chỉ số chung cả nước.
Ngoài phí dịch vụ khám chữa bệnh, một cú sốc khác trong tháng là học phí giáo dục.
Đến hẹn lại lên, tháng 9 khai giảng năm học cũng là thời điểm để nhóm hàng giáo dục gồm học phí và giá các mặt hàng giáo dục như sách, vở, bút, mực... tăng giá.
Chỉ số giá nhóm giáo dục trong tháng đã tăng 10,54% so với tháng trước, chủ yếu do việc tăng giá học phí. Việc tăng học phí lần này cũng là thực hiện theo lộ trình được quy định theo nghị định của Chính phủ.
Còn nhớ, chỉ số giá nhóm giáo dục của 2 năm gần đây đều tăng rất cao vào tháng 9 (tăng 12,02% vào năm 2010 và tăng 8,62% vào năm 2011).
Cũng giống như phí dịch vụ y tế, học phí giáo dục cũng chỉ ảnh hưởng một lần, mang tính thời điểm đối với chỉ số giá. Với các tỉnh đã tăng, trong thời gian tới, học phí không còn ảnh hưởng đến chỉ số chung cho đến lần điều chỉnh tiếp theo.
Với mức tăng 10,54% này, học phí đã đóng góp 0,6% vào mức tăng của chỉ số chung cả nước.
Ngoài hai nhóm hàng tăng mạnh trên, nhóm giao thông với quyền số tương đối lớn đã đóng góp đáng kể vào mức tăng chung với chỉ số giá của nhóm đạt ở mức tăng 3,83% so với tháng trước.
Ảnh hưởng trực tiếp của các đợt tăng giá xăng dầu thời gian trước đã được tính đầy đủ vào chỉ số giá tháng này, nhất là đợt tăng khá mạnh ngày 28/8 vừa qua. Ngoài ra, các ảnh hưởng gián tiếp thông qua giá cước vận chuyển của các hãng vận tải cũng đã được thể hiện trong chỉ số giá tháng này.
Cùng với ảnh hưởng của việc tăng giá các mặt hàng xăng dầu, cụ thể là dầu hỏa, giá gas sinh hoạt tăng mạnh trong tháng đã đẩy chỉ số giá nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 2,18% so với tháng trước.
Một số quan điểm gần đây cho rằng sức cầu trong nền kinh tế, cụ thể là cầu tiêu dùng cá nhân đã có dấu hiệu dần hồi phục. Tuy nhiên, qua góc nhìn của chỉ số giá, quan điểm trên không mấy phù hợp.
Trong các lần trước, ảnh hưởng tăng giá tâm lý từ việc tăng giá xăng dầu là rất lớn nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, sau 3 lần tăng giá xăng dầu gần đây, chỉ số số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng thấp ở mức 0,08%, cá biệt chỉ số giá nhóm thực phẩm còn giảm -0,07%.
Ngoài ra, trong tháng 9, mặc dù có ngày nghỉ lễ 2/9 kéo dài, tết trung thu cận kề nhưng nhóm các mặt hàng hóa khác, văn hóa, thể thao, giải trí tăng thấp chứng tỏ nhu cầu vui chơi giải trí trong dân không cao.
Như vậy, mức tăng của CPI trong hai tháng gần đây đã bằng mức tăng của 7 tháng đầu năm cộng lại, khiến câu hỏi liệu kịch bản diễn biến giá cả sau năm 2009 liệu có lặp lại đang được nhiều người quan tâm đặt ra.
Một chuyên gia Tổng cục Thống kê, được VnEconomy tham vấn, cho rằng, quán tính lạm phát của Việt Nam rất lớn nên nếu trong các tháng còn lại của năm, giá cả không đón nhận những chuyển biến tích cực từ vĩ mô thì không những mục tiêu lạm phát năm nay không đạt được mà mối lo lạm phát năm kế tiếp sẽ hiện hữu rõ hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét