Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

(2) VIỆN HÀN LÂM VÀ DANH HIỆU VIỆN SĨ: “Viện sĩ”


1) Thế nào là Viện sĩ ?
      Câu hỏi này tưởng như  là do một kẻ dốt đặc nêu ra, nhưng không hẳn như thế.
      Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì viện sĩ là thành viên viện hàn lâm (thường là viện hàn lâm khoa học). Định nghĩa như vậy, xem qua thì thấy không có gì sai, nhưng nghĩ kỹ thì thấy còn chưa ổn.
      Trong một Viện hàn lâm thì các Viện sĩ phải là những người quyết định các vấn đề khoa học thuộc chương  trình hành  động của Viện. Đành rằng, trong Viện hàn lâm cũng có ông chủ tịch và các ông trưởng ban nọ, trưởng bộ phận kia, nhưng đó chỉ là những chức vụ về tổ chức chứ không có ý nghĩa quyết định trong các vấn đề khoa học.Trong khoa học, ông chủ tịch Viện hàn lâm cũng là một Viện sĩ, lá phiếu của ông ta không thể có “trọng lượng” hơn lá phiếu của các Viện sĩ khác. Những người chỉ được tham dự  một số  công việc của Viện hàn lâm thì không thể gọi là Viện sĩ. Các viện nghiên cứu của nước ngoài mà tiếng Việt hiện nay gọi là Viện hàn lâm đều mang các chữ Academy, Académie, và Akademiya trong tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga. Các thành viên trụ cột của  các viện nghiên cứu ấy ở  Anh, Pháp và Nga được gọi là Acadenician, Académicien, Akademik mới đích xác là viện sĩ.  Ở một số  Viện hàn lâm của các nước châu Âu, nhiều khi còn có các thành viên ở ngạch thấp hơn, không có tư cách của  viện sĩ.

2) Các trường hợp minh họa:
 Sau đây, tôi xin viện dẫn  mục Члены РАН trong bài  Росси́йская акаде́мия нау́к (Viện hàn lâm khoa học Nga) tại website của Viện này (mà mọi người sử dụng Internet đều rất dễ tìm thấy) để diễn giải về các ngạch thành viên của Viện hàn lâm khoa học Nga.. Đó cũng  là quy định của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô trước kia.

. Члены РАН   (Nguồn : http://www.ras.ru/members.aspx)
Членами Российской академии наук являются действительные члены РАН (академики) и члены-корреспонденты РАН. Главная обязанность членов Российской академии наук состоит в том, чтобы обогащать науку новыми достижениями. Члены РАН избираются общим собранием академии. Членами Российской академии наук избираются учёные, являющиеся гражданами Российской Федерации. Члены Российской академии наук избираются пожизненно. Действительными членами РАН избираются учёные, обогатившие науку трудами первостепенного научного значения.  Членами-корреспондентами РАН избираются учёные, обогатившие науку выдающимися научными трудами.
                     
  Xin đổi chữ РАН (Росси́йская акаде́мия нау́к) nghĩa là Viện hàn lâm KH Nga thành chữ RAS (Russian Academy of Siences) và chuyển đoạn văn trên đây sang tiếng Việt, như sau:
       Các thành viên của Viện hàn lâm khoa học Nga
      Các thành viên của Viện hàn lâm khoa học Nga (RAS) gồm có các thành viên chính thức (các viện sĩ - akademiki) và các thành viên thông tấn. Trách nhiệm chủ yếu của các thành viên RAS là phải đóng góp cho khoa học bằng những thành tựu mới. Hội nghị toàn thể của Viện hàn lâm bầu ra các thành viên của  Viện. Các nhà bác học được bầu làm thành viên RAS phải là công dân của Liên bang Nga. Các thành viên RAS được bầu suốt đời. Các nhà bác học đã hoàn thành những công trình có ý  nghĩa khoa học hàng đầu để cống hiến cho khoa học  thì được bầu làm thành viên chính thức (trở thành viện sĩ). Các nhà bác học đã góp những công trình khoa học xuất sắc  cống hiến cho khoa học thì được bầu làm thành viên thông tấn.  (LMC dịch)

    Như vậy, theo website chính thức của  Viện hàn lâm khoa học Nga thì tổ chức này  này  có hai ngạch thành viên. Thứ nhất  là  thành viên chính thức  (действительные член, nếu dịch thật sát nghĩa thì gọi là thành viên thực nhiệm), là akademik, là  viện sĩ. Thứ hai là thành viên thông tấn (член-корреспондент), có tư cách thành viên thấp hơn, chưa phải là thành viên chính thức, chưa phải là viện sĩ. Bởi vậy, nếu gọi họ là viện sĩ thông tấn. thì sai, chữ “viện sĩ” (akademịk) phải dành cho thành viên chính thức.
   Còn một ngạch thành viên nữa nhưng không được nhắc đến trong văn bản tiếng Nga này,  đó  là thành viên nước ngoài  hay thành viên ngoại tịch, tiếng  Nga là иностранный член, mà ở nước ta đã có 5 người được nhận danh hiệu này, nhưng ở Việt Nam, người ta vẫn gọi họ là Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga (hoặc Liên Xô). Gọi như vậy là không đúng. Phải chăng, đây là ngạch thành viên thứ yếu, có tính chất hình thức, lễ nghi, không quan trọng  cho nên website chính thức  của  Viện hàn lâm khoa học Nga đã bỏ qua? Quả thật, khó mà có cách giải thích khác hơn. Tuy thế, nó vẫn được nhắc đến trong văn bản tiếng  Anh tương ứng trên Wikipedia (dành cho đông đảo độc giả trên thế giới), như sau:
Membership
There are three types of membership in the RAS: full members (academicians), corresponding members and foreign members. Academicians and corresponding members must be citizens of the Russian Federation when elected. However, some academicians and corresponding members had been elected before the collapse of the USSR and are now citizens of other countries. Members of RAS are elected based on their scientific contributions - election to membership is considered very prestigious. As of 2005-2007 there are just under 500 full members in the academy and a similar number of corresponding members.
       (Nguồn: mục Membership trong bài Russian Academy of Sciences,  Wikipedia tiếng Anh)

  Dịch sang tiếng Việt: Tư cách thành viên (của Viện hàn lâm khoa học Nga)
       Có ba ngạch tư cách thành viên trong Viện hàn lâm khoa học Nga: thành viên có tư cách đầy đủ, tức là thành viên chính thức (academician), thành viên thông tấn (corresponding member) và thành viên nước ngoài (foreign member). Các viện sĩ và các thành viên thông tấn phải là công dân của  Liên bang Nga khi được bầu. Tuy vậy, một số viện sĩ và thành viên thông tấn đã được bầu trước khi Liên Xô sụp đổ, hiện nay  là công dân mới của các nước khác. Các thành viên của RAS được bầu dựa trên những cống hiến khoa học của họ, người được  bầu làm thành viên được coi là rất có danh giá. Trong những năm 2005 – 2007, ở Viện hàn lâm khoa học Nga  có gần 500 thành viên chính thức và khoảng ngần ấy thành viên thông tấn  (LMC dịch).

      Tuy website chính thức  của Viện hàn lâm khoa học Nga không nhắc đến  ngạch thành viên thông tấn, coi như nó không tồn tại, nhưng, bài viết về Viện hàn lâm khoa học Nga trong  từ điển Wikipedia tiếng Ạnh thì có nhắc đến một chút. Điều đó chứng tỏ rằng, đối với Viện hàn lâm khoa học Nga (hoặc Liên Xô), thành viên nước ngoài (иностранный член, foreign member) chỉ là thành viên hình thức, có ý nghĩa hết sức mờ nhạt, đương nhiên  không thể là viện sĩ. Chưa cần xét đến thành tích và uy tín trong khoa học, chỉ riêng vấn đề quốc tịch đã không cho phép người nước ngoài trở thành viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học Nga (hoặc Liên xô). Thành viên thông tấn (члены-корреспондент, corresponding member) của  Viện hàn lâm khoa học Liên Xô  (hoặc Nga) có tư cách thành viên thấp hơn viện sĩ, đương nhiên, không phải là viênhj sĩ nhưng có thể coi như “viện sĩ dự bị”.

        Viện hàn lâm Pháp (Académie francaise) vốn là ”ngôi đền” để tôn vinh các vĩ nhân của nước Pháp cho nên chỉ có ngạch thành viên chính thức tức là các viện sĩ chứ không có các ngạch  thấp hơn. Nhưng ở các Viện hàn lâm khác thì thường vẫn có vài ngạch thành viên, trong đó, ngạch cao nhất là thành viên chính thức, tiếng Pháp gọi là membre titulaire (nhưng người ta thường viết  là membre mà không cần có chữ titulaire) mới là viện sĩ (tức là académicien)

       Hai tiếng “viện sĩ” hiện nay nghe rất quen tai nhưng hình như cũng mới xuất hiện ở Việt Nam chừng nửa thế kỷ. Trong quyển Hán- Việt từ điển của Đào Duy Anh không có từ này. Giở quyển Pháp – Việt từ điển, xem chữ Académicien, thấy cụ Đào viết:  Académicien: 1. Nhà triết học về phái Platon; 2. Hội viên của Quốc gia học hộ,; hội viên tòa Hàn lâm nước Pháp. Lại xem tiếp các quyển từ điển Pháp – Việt  và  Việt – Pháp của Đào Văn Tập hay của  Đào Đăng Vĩ  in ở Sài Gòn hồi những năm 50 – 60 của thế kỷ trước, cũng không thể tìm thấy chữ  “viện sĩ”.
        Giở mấy  quyển từ điển của Trung Quốc hiện có trên giá sách của tôi như  Cổ kim Hán ngữ từ điển, Cổ kim Hán ngữ thực dụng từ điển hay Tân hiện đại Hán ngữ từ điển (kiêm tác Anh-Hán từ điển)  thì thấy quyển nào cũng có từ “viện sĩ”, với  lời diễn giải giống nhau. Quyển  Tân hiện đại...viết:  院士 (viện sĩ): academician; nhân viên nghiên cứu cao cấp nhất của các bộ phận thuộc viện khoa học ở một số quốc gia. Tôi cho rằng, định nghĩa như vậy là chính xác.
       Tiếp tục tìm hiểu thêm thì biết rằng, ở Trung Quốc lâu nay không hề sử dụng tên gọi “viện hàn lâm” để chỉ các viện khoa học, nhưng  họ vẫn có các viện sĩ. Hiện tại, ở nước này có hai loại viện sĩ có uy vọng ngang nhau, đó là: Viện sĩ  Viện khoa học Trung Quốc (Chinese Academy of Sciences, CAS)và Viện sĩ Viện công trình Trung Quốc (Chinese Academy of Engineering, CAE), gọi tắt là Viện sĩ Trung khoa viện và Viện sĩ Trung công viện. Người Trung Hoa bắt đầu  có  viện sĩ  từ năm 1948.

3) Tên gọi “Viện sĩ” phải đi kèm với tên của Viện hàn lâm (hay Viện nghiên cứu) 

Như quý vị độc giả đã thấy, nước Pháp có chừng một chục viện học thuật được gọi là Académie..., tức là có chừng một chục viện hàn lâm khác nhau, không thể lẫn lộn. Do đó, không thể  có một ngạch viện sĩ chung chung, mà phải phân biệt viện sĩ của Viện hàn lâm X hay của  Viện hàm lâm  Y. Ở Pháp, Académie franÕaise (mà ta gọi là Viện hàn lâm Pháp).là Académie nổi tiếng nhất, chỉ cần nói đến  l’Académie là người ta nghĩ ngay đến Académie franÕaise, cũng như ở Việt Nam hay ở Liên xô trước đây, hễ nói đến đảng thì có nghĩa là nói đên đảng Cộng sản. Do đó, từ Académicien (hoặc Membre de l’Académie) nghĩa là viện sĩ của một viện hàn lâm, nhưng  khi nó được sử dụng một mình thì có nghĩa là viện sĩ Viện hàn lâm Pháp (đúng như cụ Đào Duy Anh đã giảng), cũng như ở nước ta, khi nói “ông A là đảng viên” thì  đã có nghĩa rằng, ông ấy là đảng viên của  đảng Cộng sản Việt Nam, ngay cả khi đảng Dân chủ và đãng Xã hội đang tồn tại cũng vậy. Nhưng  ta không thể nói bà Hillary Clinton là đảng viên, mà phải nói rằng, bà Hillary Clinton là đảng viên của đảng Dân chủ ở Mỹ.
 Ở Trung  Quốc, cả Trung khoa viện (Viện khoa học Trung Quốc) và Trung công viện (Viện công trình Trung Quốc) đều chưa có cái nào nổi trội hơn hẳn, cho nên không thể nói đến  viện sĩ A hay viện sĩ B, mà phải phân biệt viện sĩ Trung khoa viện với viện sĩ Trung công viện.
 Trong tiếng Nga, chữ  aкадемик  (akademik, tương đương với académicien trong tiếng Pháp và academician trong tiếng Anh) có nghĩa là thành viên chính thức của một Академия. Cũng tương tự như ở Pháp, ở Liên Xô (và ở Nga hiện nay) có rất  nhiều Академия, tức là rất nhiều Viện hàn lầm, nhưng vì Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (nay là Viện hàn lâm khoa học Nga) quá nổi tiếng và  quen thuộc với mọi người trên đất nước ấy, cho nên, chữ akademik mà không kèm theo định ngữ nào  nữa thì có  nghĩa là viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, tương tự như từ “đảng viên” ở Việt Nam hiện nay có nghĩa là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Viện sĩ của các viện hàn lâm khác thì phài ghi rõ là akademik của viện nào, nếu nhận là akademik mà không có định ngữ kèm theo (khiến mọi người hiểu là viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học Liên xô) thì điều đó được coi là một sự gian dối.
   Sở dĩ phải nhấn mạnh mấy chữ thành viên chính thức là vì, ở Liên Xô trước đây và ở Nga ngày nay cũng như ở các nước khác còn có các ngạch thành viên không chính thức của viện hàn lâm, không phải là viện sĩ, như chúng tôi đã nói ở trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét