25/03/2011. Trong năm 2010, kinh tế Việt Nam, cho dù
vẫn còn bị ảnh hưởng bởi sự hồi phục chậm chạp của kinh tế thế giới, vẫn có
được những chỉ số kinh tế vĩ mô khả quan. Vậy bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ có
những gam màu sáng và màu ít sáng ra sao và trên nền của bức tranh 2010, liệu
bức tranh năm 2011 có những triển vọng nào có thể đạt được để làm nền tảng cho
bức tranh tổng thể của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015?
1. Bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực
Nền kinh tế
toàn cầu tiếp tục hồi phục mạnh trong nửa đầu năm 2010, nhưng sự ổn định tài
chính sụt giảm mạnh do cuộc khủng hoảng nợ công vào quý II năm 2010. Quy mô hồi
phục kinh tế có sự khác biệt giữa các quốc gia, khu vực với sự dẫn đầu thuộc
khu vực châu Á. Mỹ và Nhật Bản suy giảm đáng kể vào quý II, trong khi tăng
trưởng được đẩy mạnh ở châu Âu và duy trì vững chắc ở các nền kinh tế mới nổi
và đang phát triển. Các điều kiện tài chính toàn cầu đã bắt đầu đi vào ổn định,
nhưng các định chế và thị trường vẫn còn yếu ớt. Theo Báo cáo triển vọng kinh
tế thế giới (World Economic Outlook) của IMF, công bố tháng 10/2010, tính cả năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế
giới ước đạt 4,8%, trong đó, các nước phát triển tăng 2,7%, các nước đang phát
triển tăng 7,1%. Thương mại thế giới tăng 11,4%, lượng vốn tư nhân ròng (trong
đó, FDI chiếm trên 40%) đổ vào các nền kinh tế mới nổi ước trên 800 tỉ USD, cao
hơn 30% so với năm 2009, mặc dù vẫn thấp hơn mức đỉnh trước khủng hoảng đạt
được vào năm 2007 khoảng 400 tỉ USD. Theo các chuyên gia, sự phục hồi chậm chạp
của nền kinh tế thế giới xuất phát từ 5 nguyên nhân chủ yếu: (1) Tính chất hai
mặt của chính sách kích cầu, sự khó khăn về liều lượng và thời gian cắt giảm
gói kích thích kinh tế; (2) Gánh nặng tài chính của các nền kinh tế chủ chốt
không ngừng tăng lên tạo áp lực cho nền tài chính các quốc gia; (3) Khôi phục
toàn diện cần phải có thời gian, không thể nôn nóng chủ quan; (4) Lạm phát gia
tăng, xói mòn lòng tin vào chính sách vĩ mô của các chính phủ; (5) Chủ nghĩa
bảo hộ có nguy cơ quay trở lại, do một số nước và khu vực muốn mở rộng xuất
khẩu, thông qua phá giá đồng bản tệ... để nâng cao sức cạnh tranh và chiếm lĩnh
thị trường thế giới.
Biểu đồ 1:
Tăng trưởng kinh tế thế giới, Mỹ, khu vực đồng Euro, Nhật Bản, các nước châu Á
đang phát triển và Việt Nam
Nguồn: World Economic
Outlook, IMF, 10/2010
Giá vàng hoàn
thành năm tăng thứ 10 liên tiếp và kì vọng sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn trong
các năm tới. Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2010, giá vàng duy trì trên mức
1400 USD/ounce và như vậy, tăng khoảng 29,7% trong năm 2010, mức tăng mạnh nhất
trong 3 năm gần đây (biểu đồ 2).
Biểu đồ 2:
Diễn biến giá vàng thế giới trong năm 2010
Giá cả hàng
hóa nguyên vật liệu cũng tăng, trong đó, giá dầu liên tục lập kỉ lục những
tháng gần đây và đã vượt mức 90 USD/thùng trong tháng 12 nhờ những điều kiện
căn bản của nền kinh tế được cải thiện, trong đó có yếu tố lượng dự trữ dầu thô
giảm và nhu cầu ở Trung Quốc tăng mạnh. Trên thị trường New York, trong phiên giao dịch cuối cùng
của năm, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 2/2011 tăng 1,54 USD/thùng, lên mức
91,38 USD/thùng, sát mức cao nhất trong 2 năm, tăng khoảng 15% trong năm 2010.
Đồng USD liên tục bị mất giá cũng làm cho giá cả các loại hàng hóa nhập khẩu
bằng USD trở nên cao hơn.
Lạm phát dự
báo vẫn ở mức thấp trong bối cảnh dư thừa năng lực sản xuất và tỉ lệ thất
nghiệp cao. Sự phục hồi giá cả hàng hóa đã làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trên
phạm vi toàn cầu. Ước tính lạm phát của các nước phát triển sẽ tăng lên mức
1,4% trong năm 2010 so với mức 0,1% trong năm 2009; lạm phát tại các nước mới
nổi và đang phát triển ở mức 6,2% so với mức 5,2% của năm 2009; tại các nước
đang phát triển châu Á, lạm phát dự kiến tăng lên mức 6,1% so với mức 3,1% của
năm 2009 (biểu đồ 3).
Biểu đồ 3: Lạm phát tại các nước phát triển, các nước
mới nổi và đang phát triển, các nước châu Á đang phát triển và Việt Nam (bình quân
năm)
Nguồn: World Economic
Outlook, IMF, 10/2010
2. Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2010
2.1
Những kết quả đạt được
2.1.1 Tăng trưởng GDP
Trong điều
kiện kinh tế toàn cầu hậu khủng hoảng phục hồi chậm, nhưng kinh tế Việt Nam đã
sớm ra khỏi tình trạng suy giảm, từng bước phục hồi và tăng trưởng khá nhanh.
GDP quý I tăng 5,84%; quý II tăng 6,44%; quý III tăng 7,18% và quý IV tăng
7,34% (biểu đồ 4). Tính chung cả năm, GDP tăng 6,78%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội
đề ra (6,5%), vẫn thuộc nhóm có mức tăng trưởng khá cao trong khu vực và trên
thế giới, trong đó, tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao
hơn so với năm trước. Trong 6,78% tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm
nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 0,47 điểm phần trăm; công nghiệp xây
dựng tăng 7,7%, đóng góp 3,20 điểm phần trăm; dịch vụ tăng 7,52%, đóng góp 3,11
điểm phần trăm (biểu đồ 5). Với kết quả
này, GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1160 USD (biểu đồ 6).
Biểu đồ 4:
Tăng trưởng GDP theo quý
Nguồn: Tổng
cục Thống kê
Biểu đồ 5:
Tăng trưởng GDP và các khu vực kinh tế giai đoạn 2000- 2010
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Biểu đồ 6:
GDP bình quân đầu người giai đoạn 2000 - 2010
Nguồn: IMF Country
Report No 06/52, February 2006
IMF Country Report No 10/281,
September 2010
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và
nhiệm vụ năm 2011
Sản xuất công
nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột khi tiếp tục duy trì mức tăng trưởng
cao trong nhiều tháng liên tiếp. Riêng tháng 12, đạt tốc độ ngang với mức trước
khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới (16,2%. Cả năm 2010, giá
trị sản xuất công nghiệp đạt 794.200 tỉ đồng, tăng 14% và vượt kế hoạch
năm (12%). Đặc biệt, cơ cấu sản xuất
công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng lớn nhất (gần 90%) và giảm dần
công nghiệp khai thác tài nguyên.
Biểu đồ 7:
Sản xuất công nghiệp giai đoạn 2000 - 2010
Nguồn: Tổng
cục Thống kê
2.1.2 Hoạt động ngân hàng
Chính sách
tiền tệ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, bảo đảm được
các mục tiêu đề ra từ đầu năm: đến 31/12/2010, tổng phương tiện thanh toán tăng
25,3% so với cuối năm 2009; huy động vốn tăng 27,2%; tín dụng tăng 29,81%,
trong đó tín dụng VND tăng 25,3%; tín dụng ngoại tệ tăng 49,3%.
Biểu đồ 8:
Tăng trưởng GDP, M2 và tín dụng
Nguồn: NHNN; Key
Indicators for Asia and the Pacific 2010, ADB
Thị trường
ngoại tệ, thị trường vàng đã dần ổn định, nguồn cung ngoại tệ được cải thiện
đáng kể (đến ngày 31/12/2010, tỉ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng tăng
5,52% và tỉ giá mua bán của các ngân hàng thương mại tăng 5,53%). Giá vàng
trong nước diễn biến tương đối sát với giá vàng thế giới, chênh lệch giá vàng
trong nước và thế giới đã được thu hẹp.
2.1.3 Tăng trưởng xuất nhập khẩu
Tổng kim ngạch
xuất khẩu năm 2010 đạt 71,6 tỉ USD, tăng 25,5% so với năm 2009, vượt xa kế
hoạch Quốc hội đề ra là 60 tỉ USD (tăng trên 6%) cũng như mức đỉnh 62,7 tỉ USD
năm 2008. Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay có sự thay đổi ở một số
nhóm hàng hóa so với năm trước, trong đó, nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ
công nghiệp tăng từ 42,8% lên 46%; nhóm hàng công nghiệp năng và khoáng sản
giảm từ 29,4% xuống 27,2%; nhóm hàng thủy sản giảm từ 7,4% xuống 6,9%; vàng và
các sản phẩm vàng từ 4,6% xuống 4%. Đặc biệt, Việt Nam đã có 18 mặt hàng đạt kim ngạch
xuất khẩu trên 1 tỉ USD, tăng 6 mặt hàng so với năm 2009. Lần đầu tiên, dệt may
đạt trên 11 tỉ USD, đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong 26 mặt hàng chính.
Thủy sản, da giày đã vượt dầu thô “soán ngôi” top 3 mặt hàng có kim ngạch xuất
khẩu cao nhất.
Kim ngạch hàng
hóa nhập khẩu đạt 84 tỷ USD, tùng 20,1% so với năm trước. Một số mặt hàng có
kim ngạch nhập khẩu tăng cao, bao gồm xăng dầu, tăng 225,2%; lúa mì tăng 70,4%;
kim loại thường khác tăng 57,7%; nguyên phụ liệu dệt may, giầy dép tăng 36%;
chất dẻo tăng 33,9%; điện tử máy tính và linh kiện tăng 30,7%; vải tùng
27,2%...
Nhờ kiểm soát
chặt nhập khẩu và thành tích của xuất khẩu nên nhập siêu hàng hóa cả năm khoảng
12,4 tỉ USD, bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức 20% của kế hoạch và
thấp hơn khá nhiều so với mức 22,5% của năm trước.
Biểu đồ 9:
Kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2000 - 2010
Nguồn: Tổng
cục Thống kê
2.1.4
Thu hút vốn FDI
Do vẫn còn ảnh
hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, thu hút FDI
đạt 18,6 tỉ USD, giảm 19,5% so với mức 23,1 tỉ USD của năm 2009, không đạt mục
tiêu thu hút 22 - 25 tỉ USD trong năm 2010. Điểm sáng nhất trong thu hút FDI
năm nay là chỉ tiêu giải ngân, đạt 11 tỉ USD, tăng 10% so với năm trước và chỉ
cách kỉ lục của năm 2008 là 500 triệu USD; nhóm ngành sản phẩm chế biến vươn lên
dẫn đầu khi có tới 4,37 tỉ USD đăng kí và giúp số dự án nhóm này tăng gần gấp
rưỡi. Đây được đánh giá là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế trong việc thu hẹp
thâm hụt thương mại trong tương lai.
Biểu đồ 10:
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Nguồn: Tổng cục
Thống kê
2.2 Những hạn chế, yếu kém
Bên cạnh những
thành tựu đạt được, nền kinh tế Việt Nam trong nùm 2010 vẫn còn những
hạn chế, yếu kém:
Thứ nhất, chất lượng tăng trưởng không
cao, thể hiện ở tính hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tăng
trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào phát
triển theo chiều rộng, tăng khối lượng các nguồn lực, nhất là tăng vốn đầu tư,
chưa thực sự dựa trên cơ sở năng suất lao động và nâng cao hiệu quả. Năm 2010,
tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá
thực tế đạt 830,3 ngàn tỉ đồng, tăng 17,1% so với năm 2009. Với kết quả này, tỉ
lệ đầu tư so với GDP đã giảm từ mức 42,8% năm 2009 xuống còn 41,9% vào năm
2000, nhưng vẫn cao hơn mức 41,3% của năm 2008. Đây là tỉ lệ thuộc loại cao
nhất thế giới, chỉ sau tỉ lệ trên dưới 45% của Trung Quốc. Ở châu Á, ngoại trừ
Trung Quốc và Ấn Độ, là hai nước có tỉ lệ đầu tư so với GDP cao (Trung Quốc
khoảng 45% và Ấn Độ khoảng 38 - 39% trong năm 2009), còn lại các nước khác đều
có tỉ lệ này thấp hơn 30%, trong đó, Philippines chỉ ở mức 14%, Malaysia: gần
20% (xem biểu đồ 11).
Biểu đồ 11
: Tỉ lệ đầu tư so với GDP của một số nước châu Á
Hiệu quả của
vốn đầu tư cũng đang giảm thấp đến mức báo động vơi chỉ số ICOR tăng mạnh trong
giai đoạn 1991 - 2009. Nếu như trong giai đoạn 1991 - 1995, hệ số ICOR là 3,5
thì đến giai đoạn năm 2007 - 2008, hệ số này là 6,15; năm 2009, hệ số ICOR tăng
vọt lên 8; năm 2010, hệ số này giảm xuống còn 6,2; nhưng vẫn còn cao hơn nhiều
so với khuyến cáo của WB: đối với một nước đang phát triển, hệ số ICOR ở mức 3
là đầu tư có hiệu quả và nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững. So sánh
với các nước trong khu vực, ICOR của Việt Nam gần gấp đôi, có nghĩa là hiệu
suất đầu tư chỉ bằng một nửa.
Biểu đồ 12:
Hệ số ICOR của Việt Nam
và một số quốc gia châu Á
Thứ hai, thêm hụt ngân sách liên tục
cao, nợ công tăng nhanh. Theo Bộ Tài chính, thâm hụt ngân sách năm 2010 dự kiến
giảm 0,4 điểm % GDP xuống còn 5,8% GDP (dự toán là 6,2% GDP), vẫn ở mức cao so
với các nước trong khu vực. Do thường xuyên trong tình trạng thâm hụt ngân sách
nên nợ công tăng rất nhanh trong những năm vừa qua. Theo Bộ Tài chính, tính đến
hết 31/12/2010, dư nợ chính phủ bằng 44,3%, dư nợ quốc gia bằng 42,2% GDP và dư
nợ công bằng 56,6% GDP. Mặc dù tỉ lệ nợ công Việt Nam được coi là vẫn nằm trong tầm
kiểm soát, nhưng đã trở nên cao hơn hẳn so với tỉ lệ phổ biến 30% - 40% ở các
nền kinh tế đang phát triển và mới nổi khác. Nếu xét mức nợ công bình quân đầu
người bình quân đầu người trong vòng 8 năm (từ 2001 đến 2009), mức nợ công bình
quân đầu người đã tăng gần bốn lần, từ 144 USD lên tới 548 USD, tức trung bình
hơn 18%/năm, trong khi tốc độ tăng GDP bình quân đầu người của cùng thời kì chỉ
là 6%/năm#. Nợ công tăng nhanh trong bối cảnh thâm hụt ngân sách cao và kéo dài
đã đe dọa tính bền vững của quản lí nợ công và gây áp lực lên lạm phát, đây
cũng là nguyên nhân chính khiến xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam
đều bị các cơ quan xếp hạng tín dụng hạ thấp
Biểu đồ 13:
Thâm hụt ngân sách Việt Nam
giai đoạn 2005 - 2011
Nguồn: Bộ Tài
chính
Biểu đồ 14:
Thâm hụt ngân sách của Việt Nam
và một số nước chấu Á (2005 - 2009)
Thứ ba, lạm phát cao gây bất ổn kinh tế
vĩ mô. Trong năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 11,75% so với tháng 12/2009,
vượt xa chỉ tiêu lạm phát Quốc hội thông qua đầu năm là không quá 7% và mục
tiêu Chính phủ điều chỉnh là không quá 8%. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn
uống tăng 16,18%, với quyền số 39,93%, nhóm này đã đóng góp vào mức tăng chung
của chỉ số CPI khoảng 6,46%, hơn một nửa mức tăng CPI của cả năm. Tiếp đến là
nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt, VLXD, tăng 15,74%, với quyền số 10,01%, nhóm
này góp phần làm tăng chỉ số chung khoảng 1,57%. Nhóm giáo dục có mức tăng cao
nhất 19,38%, với quyền số không lớn là 5,72%, nhưng nhóm này đã đóng góp mức
tăng khoảng 1,1% vào mức tăng chung của chỉ số CPI.
Biểu đồ 15:
Diễn biến chỉ số CPI theo tháng giai đoạn 2008 - 2010
Nguồn: Tổng
cục Thống kê
Nguyên nhân
chỉ số CPI tăng mạnh trong năm 2010 là tổng hòa của các nhân tố như thiên tai,
giá cả hàng hóa thế giới tăng, tiền đồng bị mất giá, thâm hụt ngân sách kéo
dài, nhập siêu cao..., nhưng nguyên nhân sâu xa có thể tìm thấy trong việc lựa
chọn thứ tự ưu tiên các mục tiêu phát triển kinh tế. Đối với nhiều nước đang
phát triển như Việt Nam
thì tăng trưởng vẫn là ưu tiên số một. Do vậy, suốt một thời gian dài, Việt Nam đã chấp
nhận lạm phát cao để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền
tệ và tài khóa về cơ bản là nới lỏng. Thành tựu tăng trưởng kinh tế những năm
qua là điều đáng ghi nhận, song lạm phát cao, kéo dài so với nhiều nước trong
khu vực là một bất ổn, ảnh hưởng đến tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Thứ tư, thâm hụt thương mại, thâm hụt
tài khoản vãng lai vẫn ở mức cao trong khi dự trữ ngoại hối vẫn ở mức thấp, gây
sức ép lên tỉ giá. Nhập siêu năm 2010 đạt mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu,
nhưng vẫn ở mức cao. Nếu loại trừ đá quý, kim loại quý xuất khẩu thì khả năng
nhập siêu vẫn trên 23%. Đây là nhân tố
chính làm cán cân vãng lai thâm hụt khoảng 10% GDP và cán cân thanh toán thâm
hụt khoảng 4 tỉ USD. Nhập siêu cao và kéo dài trong nhiều năm, nhất là từ năm
2007 cho đến nay đã làm sụt giảm nguồn dự trữ ngoại hối, tăng nợ quốc gia và
gây sức ép giảm giá đồng nội tệ. Thâm hụt cán cân vãng lai lớn cùng với thâm
hụt ngân sách cao, nợ công có xu hướng tăng nhanh sẽ là những trở ngại lớn cho
sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong những năm tới đây.
Biểu đồ 16:
Cán cân thương mại, cán cân vãng lai, cán cân thanh toán giai đoạn 2000 - 2010
Nguồn: Tổng
cục Thống kê (Dữ liệu xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân thương mại theo số tuyệt
đối);
IMF Country Report No 10/281, September 2010 (dữ liệu cán cân thương
mại, cán cân vãng lai, cán cân thanh toán so với GDP với dữ liệu nhập khẩu tính
theo giá FOB)
Thứ năm, tỉ giá, lãi suất có nhiều biến
động. Năm 2010, thị trường ngoại hối Việt Nam đã chứng kiến sự biến động mạnh
của tỉ giá USD/VND, ở một số thời điểm, tỉ giá USD/VND trên thị trường tự do đã
tăng lên rất mạnh. Trong năm 2010, NHNN đã thực hiện hai lần điều chỉnh tỉ giá.
Lần thứ nhất vào ngày 11/2/2010, tỉ giá USD/VND được điều chỉnh tăng từ mức 1
USD = 17.941 đồng lên mức 1 USD = 18.544 đồng, hay 3,36%. Lần thứ hai vào ngày
17/8/2010, NHNN đã điều chỉnh tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 1 USD
= 18.544 đồng lên mức 1 USD = 18.932 đồng, tăng gần 2,1%, trong khi vẫn giữ
nguyên biên độ ở mức +/-3%. Dù vậy, chênh lệch giữa tỉ giá chính thức và tỉ giá
trên thị trường tự do vẫn ở mức cao. Thực tế này đã tác động không nhỏ đến tâm
lí, đời sống người dân, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh
của các doanh nghiệp.
Biểu đồ 17:
Diễn biến tỉ giá USD/VND tháng 11/2009 - 12/2010
Nguồn: SBV, dữ liệu của TVSC
Cùng với những
biến động mạnh về tỉ giá, lãi suất trong năm cũng diễn biến khá phức tạp và
tăng cao, đặc biệt vào thời điểm cuối năm khi lãi suất huy động VND đã tăng vọt
từ 11 - 11,5% lên đến 17% ở một số ngân hàng thương mại với những kì hạn ngắn
do việc triển khai chương trình huy động lãi suất cao của Techcombank. Đồng
thời lãi suất cho vay cũng leo thang từ 13 - 14% lên 19 - 21%/năm tùy từng
khoản vay. Ngay sau đó, với sự can thiệp kịp thời của NHNN, lãi suất huy động
đã giảm về mức tối đa là 14% bao gồm cả chi phí khuyến mại. Hiện nay, các ngân
hàng đã thực hiện đồng thuận lãi suất huy động VND tối đa 14%/năm; lãi suất cho
vay bình quân 15,27%/năm.
Thứ sáu, thị trường chứng khoán biến
động thất thường. Tính đến ngày 29/12/2010, tổng vốn hóa thị trường của hai sở
giao dịch chứng khoán niêm yết của Việt Nam là 37,128 triệu USD, tương
đương khoảng 38,62% GDP. Năm 2010, do chịu tác động từ những bất ổn vĩ mô và
khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán
sụt giảm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/12/2010, chỉ số VN-index của Sở giao
dịch Tp. Hồ Chí Minh chốt ở mức 484.66 điểm, giảm 10,14 điểm, tương đương giảm
2%, HNX-index chốt ở mức 114.24 điểm, giảm 32% so với thời điểm đầu năm 2010.
Thanh khoản trung bình trên thị trường thường ở mức thấp, tại sàn HOSE, bình
quân mỗi phiên chỉ có 46,4 triệu đơn vị với giá trị 1506 tỉ đồng được chuyển
nhượng. Thị trường chứng khoán trầm lắng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong
việc huy động vốn.
Biểu đồ 18:
Diễn biến chỉ số VN-index năm 2010
Nguồn: Dữ
liệu phần mềm phân tích chứng khoán Amibroker 5.20
3. Triển vọng kinh tế Việt Nam
năm 2011
3.1.
Một số dự báo của các tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế thế giới năm 2011
Theo báo cáo
của các tổ chức tài chính và xếp hạng quốc tế, kinh tế thế giới năm 2010 phục
hồi chậm chập và có nhiều dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng trong hai năm
tới sẽ yếu đi, lạm phát tăng cao do giá lương thực và nguyên liệu đầu vào tăng
cao và lượng tiền cung ứng quá mức. Một số nền kinh tế chủ chốt tiếp tục gặp
khó khăn về nợ nần nên nhu cầu còn yếu ớt và chưa khuyến khích các nhà đầu tư
đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Đáng chú ý, tỉ lệ thất nghiệp cao, các chính sách
thắt chặt tài chính, tinh thần hợp tác của các nền kinh tế lớn đang giảm và
nguy cơ chiến tranh tiền tệ là những yếu tố đe dọa quá trình phục hồi kinh tế.
Theo dự báo
của IMF trong ấn phẩm World Economic Outlook xuất bản vào tháng 10 năm 2010,
kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2011 với mức tăng 4,2% so
với mức 4,8% của năm 2010; trong đó, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển
sẽ tăng trưởng 6,4% so với mức 7,1%; các nước phát triển, tăng trưởng dự báo
chỉ đạt tương ứng 2,2% so với mức 2,7%
với một số nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng đang chậm lại đáng kể từ 6
tháng cuối năm 2010 và 6 tháng đầu năm
2011. Trong các nước châu Á đang phát triển, Việt Nam là một trong số ít nước được dự
báo tăng cao hơn so với năm 2010: 6,8% so với 6,5% của năm 2010. Điều đó cho
thấy trong năm 2011, bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn không ít khó khăn.
Bảng 1: Dự
báo tăng trưởng kinh tế một số nước
|
2009
|
2010
|
2011
|
1.
Thế giới
|
-0.6
|
4.8
|
4.2
|
2.
Mỹ
|
-2.6
|
2.6
|
2.3
|
3.
Khu vực châu Âu
|
-4.1
|
1.7
|
1.5
|
4.
Nhật Bản
|
-5.2
|
2.8
|
1.5
|
5.
Trung Quốc
|
9.1
|
10.5
|
9.6
|
6.
Ấn Độ
|
5.7
|
9.7
|
8.4
|
7.
Indonesia
|
4.5
|
6
|
6.2
|
8.
Malaysia
|
-1.7
|
6.7
|
5.3
|
9.
Philippines
|
1.1
|
7
|
4.5
|
10.
Thái Lan
|
-2.2
|
7.5
|
4
|
11.
Việt Nam
|
5.3
|
6.5
|
6.8
|
Nguồn: World
Economic Outlook, IMF, 10/2010
3.2. Triển
vọng thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu
3.2.1 Tăng trưởng GDP tiếp tục được duy trì
ở mức khá
Ngày 19/11/2010, Chủ tịch Quốc
hội Nguyễn Phú Trọng đã kí ban hành Nghị quyết số 51/2010/QH12 về kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội năm 2011 với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 7 - 7,5%. Tại
cuộc họp của Chính phủ ngày 30/12/2010 nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội,
theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam
trong năm 2011 có thể đạt được từ 7 - 7,5%, trong đó các ngành trọng điểm đều
tăng mức đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cụ thể, khu vực nông,
lâm nghiệp và thủy sản dự kiến sẽ tăng khoảng 2,8 - 3%; khu vực công nghiệp và
xây dựng tăng 7,5 - 8,2%; khu vực dịch vụ tăng 8,2 - 8,5%. Bên cạnh đó, xét về
phía tổng cầu, tiêu dùng và đầu tư tiếp tục là động lực chính của tổng cầu
trong giai đoạn hậu khủng hoảng. Tổng vốn đầu tư xã hội dự kiến vẫn ở mức cao,
chiếm 40% GDP; tiêu dùng đang trong xu hướng tăng (năm 2010, tổng mức hàng hóa
bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng 24,5%, đóng góp phần lớn vào tăng trưởng).
Theo chúng tôi, khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ở mức 7% trong năm
2011 là khá cao.
3.2.2 Nhập siêu tiếp tục ở mức cao
Nghị quyết
Quốc hội đặt ra mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức 10% so với năm
2010, khống chế nhập siêu ở mức dưới 18% kim ngạch xuất khẩu. Theo dự báo của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt khoảng 74,25 tỉ
USD, tăng 10% so với năm 2010; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 88,8 tỉ USD, tăng
tương ứng 9% và nhập siêu năm 2011 dự kiến khoảng 14,5 tỉ USD, tăng 16% so với
mức nhập siêu năm 2010 và bằng 19,6% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 17,3% của
năm 2010. Như vậy, năm 2011, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với
tình trạng nhập siêu cao.
3.2.3 Thâm hụt ngân sách vẫn ở mức cao
Ngày
10/11/2010, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm
2011. Theo đó, tổng thu cân đối Ngân sách Nhà nước năm 2011 là 595 nghìn tỉ
đồng, tương đương 26,2% GDP. Tính cả 10 nghìn tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2010
sang năm 2011, thì tổng thu cân đối Ngân sách Nhà nước là 605 nghìn tỉ đồng.
Tổng chi cân đối Ngân sách Nhà nước là 725,6 nghìn tỉ đồng. Như vậy, thâm hụt
ngân sách năm 2011 không quá 120,6 nghìn tỉ đồng, tương đương khoảng 5,3% GDP,
có giảm so với thực hiện năm 2010 là 5,8%, nhưng vẫn ở mức cao.
3.2.4 Hoàn thành chỉ tiêu lạm phát sẽ khó
khăn
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2011 từ
7- 7,5% trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại
so với năm 2010. Mô hình tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào đầu tư (với tổng mức
đầu tư xã hội dự kiến là 40% GDP, trong đó, đầu tư công chiếm khoảng 1/3),
trong khi hiệu quả đầu tư thấp (thể hiện qua hệ số ICOR vẫn cao) và khó có thể
cải thiện trong ngắn hạn. Thâm hụt ngân sách dự báo là 5,3%, vẫn ở mức cao. Rủi
ro có thể tiếp tục xẩy ra là chính sách tiền tệ tài trợ cho chính sách tài
khóa. Do vậy, áp lực lạm phát vẫn tiếp tục duy trì trong năm 2011.
Việt Nam nhập
khẩu đến 90% tư liệu sản xuất, trong đó, có trên 60% nhập nguyên, nhiên, vật
liệu phục vụ sản xuất trong nước. Vì vậy, giá thế giới cũng ảnh hưởng đến chi
phí sản xuất của doanh nghiệp, làm cho giá thành sản phẩm tăng lên và do đó, sẽ
ảnh hưởng đến giá bán trên thị trường. Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế thế
giới, giá dầu thô và hầu hết các loại hàng hóa cơ bản trên thế giới đang có xu
hướng tăng do nhu cầu từ các nước mới nổi đang tăng mạnh mẽ. Gói nới lỏng định
lượng lần hai cho đến hết quý II/2011 (quy mô 600 tỉ USD) tại Mỹ, nguy cơ chiến
tranh tiền tệ, khủng hoảng nợ châu Âu,... khiến giới đầu tư thế giới mất niềm
tin vào các đồng tiền chủ chốt, và xu hướng đầu cơ vào dầu thô và các loại hàng
hóa cơ bản trong năm 2011 là không thể tránh khỏi. Theo dự báo của IEA, thời kì
giá dầu thấp đã qua đi, dự báo giá dầu có thể tăng lên 100 USD/1 thùng trong
năm 2011; giá thép thế giới cũng được dự báo tăng khoảng 10 - 20%.
Với quyền số
hai nhóm hàng lương thực và thực phẩm là 32,53% (8,18% và 24,35%) trong rổ hàng hóa tính CPI, giá lương thực,
thực phẩm sẽ đóng góp đáng kể vào mức tăng chung của CPI năm 2011 (năm 2010,
hai nhóm hàng lương thực và thực phẩm đóng góp 5,53% vào mức tăng chung của chỉ
số CPI). Theo FAO, chỉ số giá lương thực của tổ chức này (dựa trên giá bán buôn
của một rổ hàng hóa gồm các mặt hàng như lúa mì, ngô, gạo, các loại hạt cho
dầu, các sản phẩm sữa, đường và thịt) đã lên mức 214,7 điểm, mức cao nhất từ
khi được thiết lập vào năm 1990 (vượt cả đỉnh cao trong thời kì khủng hoảng
lương thực thế giới 2007 -2008). Trong khi nhu cầu lương thực không ngừng tăng
lên, sản lượng lương thực thế giới đang có xu hướng giảm do thiên tai, biến đổi
khí hậu toàn cầu, hay diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh. FAO dự báo sản lượng
ngũ cốc thế giới sẽ giảm 2,1% trong niên vụ 2010/2011, góp phần đưa giá lương
thực thế giới đang tạo đỉnh sẽ có khả năng tăng cao hơn.
Đóng góp thêm
vào lạm phát năm 2011, sẽ là hệ quả của lộ trình tăng giá xăng dầu, điện, than,
nước...theo tín hiệu thị trường, hay việc điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu
lên 830.000 đ. kể từ ngày 1/5/2011. Chỉ số CPI tháng 1 năm 2011 tăng 1,74% so
với tháng 12 năm 2010, nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1 tăng 12,17%.
CPI tháng 1 năm nay cũng tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước đó.
Cụ thể, từ năm 1996 trở lại đây, thì chỉ có duy nhất tháng 1/2008 là tăng
2,38%, tháng 1 các năm còn lại đều tăng thấp hơn 1,7%. Điều này cho thấy sức ép
lạm phát trong năm 2011 sẽ tiếp tục lớn.
Đúng như dự
đoán của các chuyên gia, ngày 11/02/2011, NHNN công bố điều chỉnh tỷ giá bình
quân liên ngân hàng lên mức 1 USD= 20.693 VND (tăng 9,3%) và thu hẹp biên độ
giao dịch từ 3% xuống 1%. Việc điều chỉnh tăng tỉ giá USD/VND 9,3% vào ngày
11/02/2011 và 0,5% vào ngày 14/02/2011 càng làm cho bài toán kiểm soát lạm phát
thêm khó khăn.
Với những yếu
tố khách quan, chủ quan nêu trên, để hoàn thành chỉ tiêu lạm phát năm 2011 dưới
7% như Quốc hội đề ra, đòi hỏi Chính phủ
thực hiện nhất quán định hướng ưu tiên là ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát hơn
là tăng trưởng kinh tế.
3.2.5 Áp lực về tỉ giá, lãi suất
Nhập siêu
trong năm 2011 dự báo tiếp tục ở mức cao khoảng 14,5 tỉ USD, trong khi dự trữ
ngoại hối được IMF dự báo tăng từ mức 15,3 tỉ USD (tương đương 1,9 tuần nhập
khẩu) trong năm 2010 lên 19,2 tỉ USD (2,1 tuần nhập khẩu) vào năm 2011, vẫn còn
khá mỏng; các nguồn tài trợ thâm hụt như FDI giải ngân, ODA giải ngân và kiều
hối được dự báo có mức tăng khá khiêm tốn. Năm 2009, cán cân thanh toán thâm
hụt 8,8 tỉ USD; năm 2010, có sự cải thiện rõ rệt (theo báo cáo của Chính phủ
tại cuộc họp thường kì cuối năm, cán cân thanh toán thâm hụt khoảng 4 tỉ USD,
còn theo ước tính của IMF thì cán cân thanh toán thặng dư khoảng 1,2 tỉ USD
trong điều kiện lỗi và sai sót bằng 0). Năm 2011, theo dự báo của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư tại báo cáo trình Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và
dự báo kế hoạch phát triển năm 2011 ngày 17/10/2010 thì dự kiến cán cân thương
mại thâm hụt 9,51 tỉ USD, cán cân dịch vụ thâm hụt 1,75 tỉ USD, thu nhập đầu tư
thâm hụt 5,12 tỉ USD, chuyển tiền thặng dư 5,5 tỉ USD, và do đó, cán cân vãng
lai thâm hụt gần 10,9 tỉ USD. Số thâm hụt này được bù đắp bằng thặng dư trong
cán cân vốn và tài chính 11,8 tỉ USD. Cán cân tổng thể thặng dư khoảng 500
triệu USD. Còn theo dự báo của IMF, cán cân tổng thể năm 2010 thặng dư 1,2 tỉ
USD và năm 2011, thặng dư khoảng 3,9 tỉ USD trong điều kiện lỗi và sai sót bằng
0. Như vậy, so với năm 2009, cán cân thanh toán năm 2010 và 2011 có sự cải
thiện đáng kể. Tuy nhiên, theo chúng tôi
ước tính, cán cân thanh toán trong năm 2010 vẫn thâm hụt khoảng 2,5 tỉ USD và
năm 2011, cán cân thanh toán có thể đạt trạng thái cân bằng hoặc nếu có thặng
dư cũng không quá dồi dào do phần “lỗi và sai sót” trong cán cân tài khoản vốn
gây ra. Thực tế tình trạng căng thẳng trên thị trường ngoại hối và giá vàng
liên tục leo thang khiến doanh nghiệp và người dân găm giữ đô la và vàng. Như
vậy, việc bố trí lại danh mục đầu tư của doanh nghiệp và người dân sang các
loại tài sản bằng ngoại tệ và vàng sẽ tiếp tục gây ra vấn đề “lỗi và sai soát”
trong cán cân thanh toán.
Do cán cân
thanh toán được cải thiện, nhưng áp lực lạm phát, yếu tố tâm lí vẫn còn, nên
trong năm 2011, mặc dù nhìn chung tỉ giá sẽ bình ổn hơn, cũng không tránh khỏi
một số áp lực mang tính chu kì.
Bảng 2: Cán
cân thanh toán 2009 - 2011
|
2009
|
2010 (F)
|
2011 (F)
|
Cán cân vãng lai
- Cán cân thương mại
- Cán cân dịch vụ
- Cán cân thu nhập đầu
tư
- Chuyển giao
|
- 7440
- 8.306
- 1.129
- 4.532
6527
|
- 9.405
- -10596
- 1649
- 3859
6698
|
- 9.470
- 10.422
- 1.645
- 4.755
7.340
|
Cán cân vốn
- FDI (ròng)
- Vay trung và dài hạn
- Vốn ngắn hạn khác
(ròng)
- FPI
|
11.452
6900
4473
- 49
128
|
12113
7565
2541
439
1627
|
13.312
7.928
3.176
581
1.692
|
Lỗi và sai sót
|
- 12.178
|
0.0
|
0.0
|
Cán cân tổng thể
|
- 8.166
|
1208
|
3.842
|
Nguồn: Báo cáo thường niên 2009 của
NHNN; IMF Country Report No. 10/281, September 2010
Tương tự các
vấn đề về lạm phát, tỉ giá, sức ép về lãi suất trong năm 2011 vẫn còn hiện hữu,
do các nguyên nhân chính sau: (1) Mặc dù lạm phát năm 2011 được dự báo giảm so
với năm 2010, nhưng rủi ro lạm phát vẫn còn thường trực, yếu tố kì vọng lạm
phát vẫn tương đối cao; với chủ trương của Chính phủ trong năm 2011 là ưu tiên
ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ được dự báo sẽ thận trọng hơn; (2) Chênh lệch
giữa đầu tư và tiết kiệm đang gia tăng, do mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư
là chủ yếu nên nhu cầu về vốn luôn ở mức cao; do đó, lãi suất khó có thể giảm
xuống mức thấp như các nước trong khu vực; (3) Tình trạng quản lí thanh khoản
của một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ mặc dù đã được cải thiện trong thời
gian gần đây, nhưng vẫn còn gặp khó khăn, trong khi lại thường xuyên có nhu cầu
vốn lớn với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao, ít có khả năng tiếp cận nguồn
vốn giá rẻ; (4) Cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất của một số ngân hàng tại
một số thời điểm trong năm sẽ dịu đi, nhưng khó có thể mất đi.
Bên cạnh đó,
sẽ có những yếu tố thuận lợi có thể bình ổn lãi suất theo hướng giảm dần, đó
là: (i) Lạm phát năm 2011 dự kiến giảm xuống mức một chữ số thay vì hai chữ số
trong năm 2010; (ii) Thâm hụt ngân sách giảm từ mức 5,8% GDP năm 2010 xuống còn
5,3% GDP năm 2011; trái phiếu chính phủ dự kiến phát hành 45 nghìn tỉ đồng so
với 56 nghìn tỉ đồng năm 2010, giảm 11 nghìn tỉ đồng; (iii) Nguồn vốn tín dụng
sẽ tập trung đầu tư cho khu vực sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn,
xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế cho vay các lĩnh vực phi sản xuất
như bất động sản, chứng khoán... Một số biện pháp Chính phủ đang nghiên cứu và
có thể đưa vào triển khai thực hiện trong năm nay để huy động thêm vốn bằng USD
và vàng cũng có thể làm lãi suất hạ nhiệt; (iv) Trong trường hợp thị trường
tiền tệ có diễn biến bất thường, NHNN có thể can thiệp bằng cách sử dụng Điều
12 Luật NHNN năm 2010 để quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan
hệ giữa các TCTD với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác.
Vì vậy, có khả
năng lãi suất huy động năm 2011 bình quân sẽ ở mức 9,5 - 10,5% và lãi suất cho
vay ở mức 12 -13%/năm
Nguồn tài liệu:
1- Nghị quyết
số 51/2010/QH12 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.
2- Nghị quyết
số 52/2010/QH12 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.
3- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về
tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và nhiệm và năm 2011.
4- Website của
Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính.
5- Báo cáo
năng lực cạnh tranh của Việt Nam 2010, CIEM, ACI.
6- Báo cáo
chuyên đề kinh tế vĩ mô tháng 1/2011, Công ty Chứng khoán Trí Việt.
7- World
Economic Outlook, IMF, 10/2010
8- Key Indicators for Asia
and the Pacific 2010, ADB.
9- IMF Country Report No 06/52, tháng 2/1005;
No 10/2815, tháng 9/2010.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét