Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Tiêu chí và phương thức mời thành viên nước ngoài tham gia hội đồng khoa học

Tiêu chí và phương thức mời thành viên nước ngoài tham gia hội đồng khoa học

Tác giả: Pierre Darriulat


Trong một vài bài viết của mình, tôi ủng hộ việc mời các thành viên nước ngoài tham gia vào các hội đồng xét duyệt phân bổ kinh phí cho các dự án, tuyển chọn nhân sự, hoặc thực hiện công tác kiểm toán tại các tổ chức hay các viện. Theo đề nghị từ Ban biên tập Tạp chí Tia Sáng, tôi sẽ giải thích rõ hơn về quan điểm này.
Tôi không có lý thuyết nào cho chủ đề trên đây mà chỉ có nhiều kinh nghiệm làm thành viên – đôi khi trong vai trò chủ trì – các hội đồng như vậy, một số hội đồng ở cấp quốc gia hoặc quốc tế, một số có quy mô nhỏ hơn như hội đồng của một phòng thí nghiệm, hay một nhóm phòng thí nghiệm. Tất cả những gì tôi có thể làm là khiêm tốn chia sẻ với độc giả những bài học tôi học được từ những kinh nghiệm như vậy.
Khi các thành viên trong một hội đồng đều xuất thân từ một cộng đồng trực tiếp chịu tác động từ các quyết định hoặc đề nghị của hội đồng ấy thì họ sẽ khó tránh khỏi một số hạn chế. Các thành viên của hội đồng như vậy sẽ có xu hướng làm theo những tiền lệ mà họ trước đây đã từng chấp nhận và ngại phải tiến hành những thay đổi đáng kể. Họ sẽ có xu hướng rải đều kinh phí hoặc nguồn lực cho tất cả các dự án. Hậu quả sẽ là trì trệ và sự thiếu khả năng đưa ra những quyết định táo bạo cần thiết để thúc đẩy cộng đồng tiến bộ. Căn bệnh này có thể được chữa trị phần nào bằng cách đưa một số thành viên nước ngoài tham gia vào hội đồng.
“Nước ngoài” ở đây tất nhiên không liên quan đến hộ chiếu của họ, mà là một người nào đó không phải là thành viên của cộng đồng đang cần hội đồng tư vấn, một người có thể hoàn toàn tự do nói lên ý kiến của mình mà không sợ phải “trả giá“ cho điều đó. Trong hoàn cảnh Việt Nam, những Việt kiều có uy tín khoa học ở tầm quốc tế có thể coi là những ứng cử viên sáng giá cho vai trò thành viên “nước ngoài” dù họ còn giữ quốc tịch Việt Nam hay không.
Để các thành viên nước ngoài có thể hoạt động hiệu quả, họ phải được lựa chọn hết sức cẩn thận. Họ phải là những người có uy tín khoa học ở tầm quốc tế, từng có kinh nghiệm trong việc tham gia hoặc chủ trì những hội đồng tương tự như hội đồng trong nước mà họ được mời, và họ phải là những người không có mục đích gì khác ngoài việc phụng sự khoa học và phục vụ cho lợi ích của Việt Nam.

Khi các thành viên trong một hội đồng đều xuất thân từ một cộng đồng trực tiếp chịu tác động từ các quyết định hoặc đề nghị của hội đồng ấy thì họ sẽ khó tránh khỏi một số hạn chế. Các thành viên của hội đồng như vậy sẽ có xu hướng làm theo những tiền lệ mà họ trước đây đã từng chấp nhận

Uy tín khoa học ở tầm quốc tế là điều tối cần thiết vì khi đó tiếng nói của thành viên đó sẽ có trọng lượng và quan điểm của họ sẽ được tôn trọng bởi các thành viên khác trong hội đồng. Tôi còn nhớ kinh nghiệm hồi làm chủ trì Hội đồng khoa học của một phòng thí nghiệm lớn của Pháp, phụ trách các lĩnh vực vật lý hạt, vật lý hạt nhân, vật lý thiên văn và công nghệ, trong đó có ba giáo sư người nước ngoài đoạt giải Nobel là Jim Cronin, Dick Taylor và Rudolf Mössbauer; sự tham gia của họ là yếu tố quyết định trong việc nâng cao chất lượng thảo luận của hội đồng lên một chuẩn rất cao.Kinh nghiệm [từng làm thành viên các hội đồng khoa học] là yêu cầu bắt buộc. Vai trò của các thành viên hội đồng, đặc biệt là các thành viên nước ngoài, là đóng góp ý kiến một cách ​​xây dựng để có thể giúp cho sự phát triển của cộng đồng, chứ không đơn thuần mang tính phê phán. Họ phải có tư duy mở để có thể nắm bắt được sự phức tạp của một tình huống nhất định, họ cần phải quen với các đặc thù riêng của các tổ chức đa dạng khác nhau cấu thành nên một cộng đồng. Đây là những phẩm chất mà người ta chỉ có thể phát triển dần dần nhờ kinh nghiệm.

Thành viên hội đồng phải có khả năng đánh giá mang tính chuyên môn về một người, một nhóm hay một dự án chứ không phải chỉ đơn giản là đếm số lượng công bố khoa học hay áp dụng các chỉ tiêu thống kê đại loại tương tự như vậy, vốn đã trở thành mốt trên toàn thế giới trong những năm gần đây.

Khi chấp nhận làm thành viên các hội đồng khoa học, họ phải là những người không có mục đích gì khác ngoài phụng sự cho khoa học và lợi ích của Việt Nam. Đặc biệt, họ phải hiểu rằng giữa các lĩnh vực khác nhau của khoa học không có sự phân cấp, giữa lý thuyết và thực nghiệm, và cái hay, cái đúng trong khoa học phải được trân trọng khuyến khích ở mọi nơi.

Điều này không có nghĩa là tất cả các dự án phải được hỗ trợ như nhau. Ngược lại, khi phân bổ nguồn lực cần phải thiết lập thứ tự ưu tiên giữa chúng. Tuy nhiên, căn cứ cho việc lựa chọn thứ tự ưu tiên phải có tính thuyết phục, rõ ràng, và phải đảm bảo không liên quan gì đến những cái nhìn mang tính định kiến về sự hơn kém mang tính tương đối giữa tầm quan trọng của ngành khoa học này với ngành khoa học khác. Thứ tự ưu tiên giữa các ngành ở đây thường cần được theo định hướng chính sách phát triển khoa học được vạch ra bởi cấp quản lý cao nhất. Khi những chính sách như vậy còn thiếu thì nhiệm vụ của hội đồng là cảnh báo tới các cơ quan liên quan và chỉ rõ những chỗ thiếu sót cần phải khắc phục.

Trong nhiều ngành khoa học hiện đại, người ta cần phải làm việc theo nhóm. Phân bổ nguồn lực là một công cụ hiệu quả để khuyến khích sự hợp tác giữa các nhóm và tránh tình trạng các nhóm làm việc một cách riêng rẽ với những dự án không có sự liên hệ với nhau. Thành viên hội đồng phải có khả năng đánh giá mang tính chuyên môn về một người, một nhóm hay một dự án chứ không phải chỉ đơn giản là đếm số lượng công bố khoa học hay áp dụng các chỉ tiêu thống kê đại loại tương tự như vậy, vốn đã trở thành mốt trên toàn thế giới trong những năm gần đây (chúng ta không cần một chuyên gia đi làm việc kiểm đếm, robot cũng có thể làm được điều đó).
Họ phải có khả năng xác định được một nhóm trẻ có tiềm năng tốt và trao cơ hội cho họ. Họ cũng phải có khả năng xác định được các nhóm đã mất đi sự năng động, bị chìm vào những lối mòn, để giúp họ có được sự phát triển mới.
Sự hiện diện của các thành viên nhà khoa học quốc tế trong hội đồng là một tài sản quan trọng trong tất cả những khía cạnh trên đây. Một hội đồng khoa học không cần phải có nhiều thành viên là nhà khoa học quốc tế, tôi cho rằng thông thường chỉ khoảng 10%, nhưng cần phải có ít nhất hai hoặc ba người trong hội đồng để họ có thể thảo luận và phản biện lẫn nhau. Qua kinh nghiệm, tôi biết sự hiện diện của họ đóng vai trò như một đòn bẩy để nâng cao trình độ thảo luận của hội đồng, cả về chất lượng khoa học và đạo đức. Những cách thức tiêu cực, ví dụ như chia tách một dự án thành hai dự án để xin kinh phí, có thể được chấp nhận bởi một hội đồng gồm những thành viên mà người ta có quan hệ thân thuộc, sẽ khó lòng qua mắt được các chuyên gia quốc tế có uy tín.

Trước khi kết thúc tôi có hai bình luận ​​nhỏ:
− Sự hiện diện trực tiếp của các thành viên nước ngoài tại các cuộc họp của hội đồng không nên vượt quá 1 tuần/năm, vì vậy cần phải có công tác chuẩn bị tốt, ví như gửi các tập tin bằng e-mail cho các thành viên hội đồng trước khi tiến hành họp.
− Tôi nhận thấy rằng mặc dù sẽ hữu ích nếu người ta cho công khai hóa những kết luận cuối cùng của một hội đồng khoa học để cộng đồng khoa học có thể truy cập được, nhưng có những thông tin ngoại lệ, ​​không thích hợp để đưa ra trước công chúng mà chỉ dành cho các nhà quản lý.

Để kết luận, tôi chỉ đơn giản lặp lại rằng điều thiết yếu là tất cả các thành viên của hội đồng khoa học phải hoàn toàn công tâm với động cơ là phụng sự, thay vì nhằm phê phán một cộng đồng khoa học, và luôn làm việc vì mục đích giúp cộng đồng nâng cao chất lượng nghiên cứu. Điều này càng phải đúng, ở mức độ cao nhất có thể, ở các thành viên nước ngoài.
Ngọc Điệp dịch


GS. Phùng Hồ Hải:

Với trình độ và kinh nghiệm của mình, GS Darriulat đã nêu những ý kiến rất cụ thể và chi tiết về sự cần thiết cũng như tiêu chí, phương thức mời các nhà khoa học nước ngoài tham gia các hội đồng đánh giá nghiên cứu của Việt Nam. Tôi đặc biệt đồng tình với quan điểm “các thành viên của hội đồng khoa học phải hoàn toàn công tâm với động cơ là phụng sự, thay vì nhằm phê phán một cộng đồng khoa học, và luôn làm việc vì mục đích giúp cộng đồng nâng cao chất lượng nghiên cứu của cộng đồng”. Có lẽ đó là cái nhìn thực tế của một nhà khoa học phương Tây trong đó thấm nhuần chữ “Tâm” của phương Đông.

GS. Đàm Thanh Sơn: Hãy mời họ một cách thực sự nghiêm túc

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của GS. Darriulat. Trong ngành vật lý có một số ví dụ Việt Nam có thể tham khảo là Viện khoa học lý thuyết Ấn Độ (Indian Institute for Theoretical Science), và Viện Kavli Vật lý lý thuyết Trung Quốc (Kavli Institute for Theoretical Physics – China). Cả hai viện đều có ban cố vấn quốc tế phần lớn là người ở ngoài nước sở tại. Theo tôi được biết trong cả hai trường hợp ban cố vấn quốc tế đều đóng vai trò hết sức quan trọng trong các công việc quan trọng của hai viện, Việt Nam nên tham khảo những mô hình này. Mọi việc đều cần một sự khởi đầu và nếu chúng ta muốn các chuyên gia khoa học nước ngoài tham gia vào một công việc gì đó phục vụ cho Việt Nam thì việc đầu tiên là hãy mời họ một cách thực sự nghiêm túc.




GS. Nguyễn Văn Khang: Chưa thực sự cần thiết

Việc mời các nhà khoa học quốc tế tham gia vào các hội đồng khoa học chưa thực sự cần thiết. Tham gia hội đồng không đơn thuần là cần những nhà khoa học tầm cỡ quốc tế, mà quan trọng là đó phải là những người am hiểu những vấn đề thực tiễn của khoa học Việt Nam, sống với khoa học Việt Nam. Đặc biệt, phần lớn các công trình nghiên cứu của chúng ta được đặt hàng từ Nhà nước, Chính phủ nên những vấn đề thực tiễn của khoa học đặt ra là phải đáp ứng được sự đặt hàng đó. Tôi cho rằng, việc mời nhà khoa học nước ngoài vào những hội đồng như vậy có lẽ không hiệu quả. Thay vào đó, chúng ta nên tăng cường tạo cơ hội cho thế hệ trẻ ra nước ngoài học tập, và tạo điều kiện thuận lợi cho những người trưởng thành trở về, đó sẽ là những nhà khoa học trẻ vừa có trải nghiệm quốc tế, vừa dễ nắm bắt các vấn đề thực tiễn của Việt Nam.

Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=5641

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét