CHIẾN TRANH TRUNG QUỐC – VIỆT NAM 1979
Daniel Tretiak
University of Hong Kong
Member, National Committee of United States – China Relations
University of Hong Kong
Member, National Committee of United States – China Relations
Chiến tranh Việt Nam của Trung Quốc và các hậu quả của nó
Ngô
Bắc dịch
Bản
Thân Cuộc Xung Đột
Giờ đây điều
trở nên quan trọng là thiết lập, cho dù có tính chất
thử nghiệm, thời điểm khi một quyết
định được lấy nhằm động viên
các binh sĩ Trung Quốc đối phó với Việt Nam.
Niên biểu sau đây xem ra có thể chấp nhận được:
Tháng Mười – Tháng
Mười Một 1978:
Một quyết
định được lấy trên nguyên tắc để
đông viên QĐGPNDTQ tại biên giới (sự phát biểu
này có tính cách suy luận (inferential), nhưng các biến cố
theo sau có khuynh hướng hậu thuẫn cho nó).
9-24 Tháng Mười Hai
1978:
Phái Đoàn được
hướng dẫn bởi Wei Kuo-ch’ing (Vi Quốc Thanh), kẻ
đứng đầu Tổng Cục Chính Trị của
QĐGPNDTQ, cùng với Cho Lin (vợ của Đặng Tiểu
Bình) làm phó trưởng phái đoàn, đến thăm viếng
Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, bề ngoài để kỷ niệm
20 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Tây, nhưng gần
như chắc chắn để nhấn mạnh đén sự
quan ngại của Trung Quốc về biên giới và lời
cam kết căn bản của nó sẽ hành động chống
lại các sự vi phạm biên giới và sự ủng hộ
các lực lượng chông Pol Pot tại Kampuchea của Việt
Nam.
18-22 Tháng Mười Hai
1978:
Phiên Họp Khoáng
Đại Lần Thứ Ba của Ủy Ban Trung
Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc
(ĐCSTQ). Mặc dù phiên họp này đặt trọng tâm
vào các vấn đề kinh tế, chúng ta có thể ước
đoán rằng nó đã phê chuẩn một quyết định
căn bản dẫn dắt Trung Quốc đến một
cuộc chiến tranh hạn chế đánh Việt Nam nếu
nỗ lực đang phát triển chống lại chế
độ của Pol Pot thành công – và nó đã thành công.
7 Tháng Một 1979:
Phnom Penh thất thủ
trước các lực llượng chống Pol Pot do Việt
Nam hậu thuẫn. Hành động này, cộng với các
sự khiêu khích liên tục, khiến cho quyết định
của Trung Quốc để giao chiến gần như chắc
chắn không thể bãi bỏ được.
Cuối Tháng Một –
Đầu Tháng Hai 1979:
Đặng Tiểu
Bình thăm viếng Hoa Kỳ và Nhật Bản để
thăm dò “dư luận quốc tế”.
Ngày 17 Tháng hai 1979:
“Cuộc hoàn kích” của
Trung Quốc bắt đầu.
Nếu niên biểu
trên xác thực một cách cơ bản, nó khiến ta liên
tưởng đến nhiều sự kiện về quyết
định can thiệp của Trung Quốc. Trước
tiên, là quyết định đã không được lấy
một cách nhẹ nhàng, nhưng được trù hoạch
trong nhiều tháng trước khi cuộc giao chiến thực
sự bắt đầu. Việc tiếp vận chắc
chắn đòi hỏi một nhịp bước như thế;
nhưng một hành động cân nhắc, chậm rãi có thể
được đảo ngược thì cần thiết
với các sự phát triển quốc tế không thể
tiên đoán được. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã
biết rằng chính quyền Pol Pot có nguy cơ sụp
đổ và họ đã phải chuẩn bị cho sự
sụp đổ gần như tất yếu của nó. (Ngược
lại, nếu chính quyền Pol Pot không bị thất trận
hay sự sụp đổ của nó ít nhanh chóng hơn và
không có sự tham gia công khai của Việt Nam như thế,
phía Trung Quốc có thể lựa chọn việc không hành
động – hay hành động trên một quy mô khiêm tốn
hơn – để chống lại Việt Nam). Sau cùng, hành
động của Trung Quốc không có cách chi là hối hả.
(Điều này phải được nêu ra, bởi một
số dư luận cảm thấy rằng giới lãnh
đạo Trung Quốc, đặc biệt là Đặng
Tiểu Bình, đã hành động một cách quá vội vã.)
Trong khi điều phải được giả định
rằng cuộc động viên trong nước đã được
trù hoạch và thi hành một cách cẩn trọng, giới
lãnh đạo Trung Quốc, được biểu
trưng bởi Đặng Tiểu Bình trong các cuộc du
hành của ông ta hồi cuối Tháng M0ột – đầu
Tháng Hai, cũng đã toan tính để trắc nghiệm
môi trường quốc tế hầu xác định
đâu là phản ứng mà Trung Quốc có thể ước
định từ Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Ngoài ra, phía Trung Quốc
bày tỏ một cách công khai rằng các hành động của
họ chống lại Việt Nam sẽ được giới
hạn về mặt phạm vi, khiến liên tưởng rằng
có lẽ các bảo đảm đã được tìm kiếm
và nhận được một cách ngấm ngầm từ
Sô Viết rằng họ sẽ không can thiệp nếu
Trung Quốc giữ đúng lời hứa của nó là giữ
cuộc xung đột được hạn chế về
mặt phạm vi và thời gian. Bất kể các quan hệ
Trung Quốc – Sô Viết có tệ hại đến đâu,
các luồng liên lạc ngoại giao chính thức vẫn còn
hiện hữu; trong cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ
tại Việt Nam, các sự thỏa thuận đã được
đạt tới, trong một môi trường đối
nghịch cao độ, về việc giới hạn cuộc
xung đột trong khu vực Việt Nam chừng nào các binh
sĩ Trung Quốc không tiến vào Việt Nam hàng loạt
[en masse, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của
người dịch] và các phi vụ của Mỹ trên vùng
nam Trung Quốc vẫn thực sự có tính chất ngẫu
nhiên và được giới hạn. Dưới các tình cảnh
đối nghịch tương tự, Moscow và Bắc Kinh
có thể đã đồng ý rằng Moscow sẽ không can thiệp
nếu các sự đột nhập của Trung Quốc được
giới hạn.
Tổng kết, phía
Trung Quốc đã lấy quyết định tấn công Việt
Nam một cách từ từ và cẩn trọng trong nhiều
tháng trước khi có cuộc tấn công; họ đã giữ
các sự lựa chọn giải pháp của họ mở
ngỏ ít nhất cho đến khi Phnom Penh bị thất
thủ. Một sự theo dõi sự tường thuật
hàng ngày của Trung Quốc về các vụ đột nhập
bị cáo giác của Việt Nam ngay trước khi cuộc
xung đột bắt đầu cung cấp ít – nếu có –
bằng chứng rằng phía Trung Quốc đang leo thang
ngôn từ được nhận thức là sự đe dọa
của họ (như trong trường hợp Triều
Tiên) để ra dấu hiệu rằng họ sắp phóng
ra một cuộc tấn công. Đúng hơn, quyết định
có căn bản đối nội đã được lấy,
có thể trong mùa thu; nó đã được tiếp nối
bởi cuộc thăm viếng của họ Vi [Quốc
Thanh] tại Quảng Tây trong Tháng Mười Hai để
biểu thị sự chú ý và cảnh giác cao độ của
Trung Quốc đến các biến cố tại biên giới,
bị xúc tác bởi sự thất thủ của Phnom Penh, được
bảo đảm về mặt quốc tế với hiệu
quả khả hữu bởi các cuộc du hành hải ngoại
của họ Đặng. Bất kể thành quả hay sự
thành công của nó ra sao, đó là một quyết định
cẩn trọng, chậm rãi, và cân nhắc, mặc dù không có
bất kỳ sự cảnh cáo hay ra dấu hiệu bằng
lời nói trực tiếp nào.
Như Bắc Kinh
đã hứa hẹn, cuộc xung đột được
giới hạn và QĐGPNDTQ đã không xâm nhập sâu vào Việt
Nam. Các bộ đội Trung Quốc được xem là
thiện chiến như một lực lượng chiến
đấu, lại đã không được nhìn thây có giao
chiến quan trọng nào kể từ đầu thập
niên 1950, với các vũ khí diện địa trong nhiều
trường hợp thì thua kém so với Việt Nam, và có các
máy bay MIG-17 và MIG-19 đã lỗi thời và có thể không còn
giá trị để chiến đấu nữa. 24
Phía Việt Nam
đã chiến đấu chống lại phía Trung Quốc
với sự thành công không nhỏ: sau rốt, họ là lực
lượng phòng thủ và đã có thể ấn định
một cách dễ dàng hơn nơi và thời điểm
giao tranh hay không. Họ là một lực lượng chiến
đấu lão luyện, với các vũ khí tối tân – và với
một đồng minh hùng mạnh, Liên Bang Sô Viết. Tuy
thế, họ đã bị đẩy lùi khoảng 25 dậm
Anh kể từ biên giới, và phía Trung Quốc (theo mọi
nguồn tin của Sô Viết, Trung Quốc, Việt Nam, Mỹ
và Nhật Bản) đã thành công trong việc gây tổn hại
nặng nề khu vực mà họ chiếm đóng. Tuy
nhiên, phía Việt Nam đã không sử dụng các binh sĩ
tinh nhuệ nhất của họ; thay vào đó họ
đã sử dụng các lực lượng hạng nhì, và
giữ lại các binh sĩ thiện chiến nhất của
mình gần Hà Nội, dự phòng trường hợp phía
Trung Quốc quyết định mở rộng khu vực
kiểm soát của họ. Phía Trung Quốc đã không làm
như thế; từ đó, với quyết định của
Trung Quốc vào ngày 5 Tháng Ba về việc triệt thoái các
binh sĩ của họ, cuộc xung đột chính thức
đã chấm dứt.
Các thái độ của
Trung Quốc đối với cuộc xung đột được
kiềm chế vào lúc đó. Trung Quốc xem ra không muốn
phóng đại điều được tuyên bố sẽ
là một cuộc xung đột biên giới hạn chế.
Trung Quốc chính vì thế đã không trao cho người Nga
lý do để can thiệp và cho phép các binh sĩ của họ
được rút lui một cách vinh dự. Các bài xã luận
về cuộc xung đột được ấn hành gần
như hàng ngày, song không có các nhà lãnh đạo quốc gia
đưa ra các bài diễn văn ủng hộ lập
trường của Trung Quốc trong cuộc chiến.
Hơn nữa, đã không có các cuộc biểu tình tại bất
kỳ thành phố Trung Quốc nào để ủng hộ
chiến tranh và bàu không khí tại Bắc Kinh rất yên
tĩnh. Khi tôi vạch điều này ra với một viên
chức Trung Quốc, bình luận rằng gần như
không hề có chiến tranh, ông ta đã đáp lại một
cách khá cáu kỉnh rằng “ngay đứa con trai của tôi”
cũng hay biết về cuộc xung đột, đã thảo
luận về nó tại trường học và tỏ ra tức
giận về sự cư xử của phía Việt Nam. 25
Nhưng bàu không khí đã thực yên tĩnh và các viên chức
Trung Quốc được phỏng vấn trong suốt thời
kỳ này đã không đưa ra bằng chứng nào về
sự hoảng hốt. Dĩ nhiên, cuộc xung đột
quốc tế đôi khi được dùng để mang lại
sự thống nhất trong nước chống lại một
kẻ thù chung; mặc dù đã có các sự đề cập
bất chợt đến nhu cầu thực hiện nỗ
lực để phát huy các “chính sách tứ hiện đại
hóa”, phía Trung Quốc đã không khai thác sự hiện diện
của chiến tranh để động viên sự thống
nhất quốc gia cho các chương trình đối nội.
Cuộc xung đột
kéo dài hơn hai tuần lễ một chút. Sau đó phía
Trung Quốc có khuynh hướng gạt nó sang một bên: it
nhà lãnh đạo đến thăm viếng các khu vực
biên giới để biểu lộ sự liên đới
với các chiến sĩ (Wang Chen và Fang Yi lần lượt
có đến thăm Nam Ninh và Côn Minh vào cuối Tháng Ba), 26
nhưng không phóng đại các sự thành công của
Trung Quốc trong cuộc xung đột.
Khá lâu sau khi cuộc
xung đột chấm dứt, một nhóm các chiến
sĩ anh hùng từ các khu vực biên giới đã
được đưa lên Bắc Kinh để được
đón tiếp bởi giới lãnh đạo quốc gia.
Các lời tán thưởng được đưa ra về
lòng can đảm của họ, “quân xâm lược Việt
Nam” bị kết án, nhưng không có sự chiến thắng
áp đảo được tuyên xác. 27 Không có sự
tường thuật rằng các nhà lãnh đạo cao cấp
nhất của xứ sở đã nói chuyện với các
anh hùng khi họ được đón tiếp vào ngày 31
Tháng Năm. 28
Mặc dù nhiều
phần rằng một quyết định đồng thuận
đã được lấy bởi giới lãnh đạo
Trung Quốc để đánh Việt Nam, điều vẫn
còn khả tín để nghĩ rằng một số nhà
lãnh đạo sắc bén hơn các người khác. Quyền
lực thực sự của Đặng Tiểu Bình trong
chính trị Trung Quốc vào thời khoảng 1977-79 còn là
điều cần lượng giá, nhưng với các nhận
định công khai của viên phó thủ tướng về
mối đe dọa của Việt Nam trước và đặc
biệt trong chuyến du hành của ông ta tại Hoa Kỳ,
chúng ta phải giả định rằng tối thiểu
ông đã ủng hộ chính sách này nhưng có nhiều xác xuất
hơn, đã là một trong các kẻ bênh vực hàng đầu
cho chính sách. Nếu đã có các kẻ chông đối chính
sách này, các kẻ này có thể bao gồm các nhà lãnh đạo
Trung Quốc quan tâm nhiều hơn họ Đặng về
các hậu quả làm thương tổn đến các kế
hoạch hiện đại hóa kinh tế của Trung Quốc.
Với tác phong của Việt Nam vào lúc cuối năm
[1978], các chuyên viên kinh tế này có lẽ không ở vào một
vị thế chống đối một cách mãnh liệt
chính sách chiến tranh.
Nhưng, bởi vì
Trung Quốc không thực sự chiến thắng cuộc
chiến và các tổn hại kinh tế khá cao, vị thế
chính trị của các kẻ binh vực chiến tranh có lẽ
bị suy yếu. Nếu tình trạng kinh tế tổng
quát – trong đó các kinh phí quân sự và sự thực hiện
cuộc chiến tranh chỉ là một phần – đã không
tồi tệ vào cuối năm 1978, họ Đặng và
các người ủng hộ ông ta có thể né tránh mà không
thực sự bị thương tổn gì cả; tuy nhiên,
cuộc chiến tranh đã diễn ra một cách tồi tệ,
nền kinh tế ở vào cảnh khó khăn, và các quan hệ
giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ trở nên
chua chát. Từ đó, bởi sự liên kết của ông với
chính sách chiến tranh và các chính sách phụ trợ và liên hệ
không thành công khác, thí dụ, sự phát triển kinh tế
mau lẹ và các kỳ vọng không thực tế về sự
đáp ứng của Mỹ đối với các quan điểm
chống Sô Viết một cách vững chắc của Trung
Quốc), vị thế của họ Đặng hẳn phải
bị suy yếu trong những tháng theo sau cuộc xung đột.
Xem ra không phải ngẫu nhiên rằng Ch’en Yun (Trần Vân),
thường được xem như một trong các kiến
trúc sư, nếu không phải là bóng dáng nổi bật
[eminence grise, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người
dịch] đàng sau hậu trường, của sự tái
lượng định kinh tế, được tường
thuật có biểu lộ sự chống đối chiến
tranh của ông. 29
Các
Mục Đích Của Trung Quốc
Các mục tiêu của
Trung Quốc có tính cách cấp miền và toàn cầu. Muốn
có bất kỳ cơ may nào để thành đạt chúng,
cuộc xung đột quân sự phải thành công, nếu không
Bắc Kinh sẽ không thu được phần đền
bù về chính trị của nó. Nhưng các mục đích
nguyên thủy đã không đạt được.
Bản thân Việt
Nam không học được bài học nào; nó đã không chỉ
tiếp tục mà còn tăng cường các chính sách mà “bài học”
của Trung Quốc được phác họa muốn
đình chỉ hay làm chậm lại. Việt Nam chứng tỏ
cho Trung Quốc thấy rằng nó có đủ nhân và vật
lực để dành cho Trung Quốc một đòn trả
đũa mạnh mẽ trên chiến trường. Trong
khi các tổn thất của Việt Nam có thể cao, Trung
Quốc đã phải gánh chịu số tổn thất
20,000 người (bị chết và bị thương). 30
Như các viên chức Trung Quốc được phỏng
vấn tại Bắc Kinh trong suốt cuộc chiến
thường nêu ra, phía Việt Nam đã sử dụng các
vũ khí của Nga, Trung Quốc và Mỹ chống lại một
QĐGPNDTQ không có nguồn cung cấp ngoại lai nào cho các
khí giới của nó.
Ngoài ra, biên giới
vẫn không lắng dịu; bất kể các cuộc
thương thảo tại Hà Nội và Bắc Kinh trong suốt
mùa hè 1979, các sự căng thẳng vẫn còn cao với mỗi
bên tuyên xác rằng các vụ khiêu khích tiếp tục gần
như chiến tranh đã không xảy ra.
Hơn nữa, phía Việt
Nam đã gia tăng sự trục xuất các Hoa kiều hải
ngoại – tạo ra một công phẫn trong vùng và trên toàn cầu
chống lại Hà Nội. Trung Quốc đã không thể
chặn đứng hành động như thế -- mặc
dù nó đã khai thác sự đối xử của Việt
Nam đối với các Hoa kiều hải ngoại để
giành được cảm tình toàn thế giới cho
người tỵ nạn và sự kết án Việt Nam vì
các chính sách kỳ thị của họ.
Sau cùng, Việt Nam
đã không bị gián chỉ khỏi việc duy trì ảnh
hưởng của nó trên Căm Bốt, gia tăng sự
kiểm soát của nó trên Lào và đe dọa an ninh của
Thái Lan. Mặc dù Việt Nam đã không thành lập một
Liên Bang Đông Dương chính thức, một liên bang
như thế đã hiện hữu trong thực tế.
Tuy nhiên, khi mùa hè1979
trôi qua, một kết quả ngày trở nên tích cực cho
Trung Quốc: bằng việc duy trì một lực lượng
bộ đội đông đảo tại biên giới (ước
lượng khoảng 100,000 quân), đe dọa phóng ra một
cuộc tấn công thứ nhì vào Việt Nam, và ủng hộ
các du kích quân Pol Pot yếu ớt song vẫn gây rắc rối,
Trung Quốc đã tạo ra các khó khăn quân sự và kinh tế
nghiêm trọng cho Việt Nam. Hà Nội đã phải chi tiêu
tiền của để giúp nuôi ăn và trang bị cho
chính phủ bù nhìn của nó tại Phnom Penh; hơn nữa,
nó phải duy trì một lực lượng bộ đội
đáng kể tại biên giới Trung Quốc để
đối phó với một cuộc tấn công khả
dĩ của Trung Quốc. Hậu quả, các tài nguyên khan
hiếm của Hà Nội bị cạn kiệt: các tình trạng
kinh tế tồi tệ khắp nước, dẫn dắt
một số nhà quan sát đến việc nghĩ rằng
nếu Trung Quốc đã không dạy được cho Việt
Nam một bài học quân sự trong Tháng Hai – Tháng Ba, nó có thể
“làm cho Việt Nam chảy hết máu’ bằng các phương
cách phi quân sự tiếp theo sau cuộc xung đột. Việt
Nam và Liên Bang Sô Viết có thể nói về mối quan hệ
chặt chẽ của họ, nhưng sự trợ giúp
kinh tế của Sô Viết bị giới hạn – một
phần bởi số thu hoạch ngũ cốc của Sô
Viết trong năm 1979 thì thấp kém. Việt Nam có thể
lập liên minh với Liên Bang Sô Viết và khối CMEA,
nhưng dân chúng của nó không thể ăn vũ khí.
Đông Nam Á không hài
lòng với động thái của Việt Nam tại
Đông Dương, nhưng nó cũng không thoải mái với
các hành động của Trung Quốc: trong một số
phương cách, Trung Quốc xem ra đang dọa nạt Việt
Nam, nhưng chung cuộc Trung Quốc đã không kiềm thúc
được lân bang của nó. Chính vì thế, Trung Quốc
đã không thể giữ Việt Nam dưới sự kiểm
soát và thay vào đó Việt Nam trở nên một mối
đe dọa đối với an ninh của khối ASEAN lớn
hơn trước đây.
Hai tác nhân – Hoa Kỳ
và Nhật Bản – những nước mà Trung Quốc thực
sự muốn có sự ủng hộ chống lại Việt
Nam và là các nước mà Trung Quốc mong muốn phô bày
phương cách đối phó với một nước
chư hầu do Sô Viết hậu thuẫn ra sao, ngay dù với
rủi ro của chiến tranh, đã không bị lay chuyển
bởi các nỗ lực của Trung Quốc. Cả Nhật
Bản lẫn Hoa Kỳ đều không bị ấn tượng
bởi chính sách “đẩy đến bờ vực chiến
tranh” rõ ràng của Trung Quốc; họ sẽ ưa thích
chính sách né tránh xung đột hơn, chứ không phải một
“cuộc hoàn kích tự vệ” kiểu Bắc Kinh [à
la Peking, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người
dịch]. Tờ Nhật Báo Quân Đội Giải Phóng
(Liberation Army Daily) đã bình luận, sau khi kết thúc cuộc
xung đột, rằng:
Cuộc hoàn kích
để tự vệ là một phương thuốc chào
mời [? salutary trong nguyên bản, có nghĩa chào
đón, có thể in sai, thay vì salutory, có nghĩa là bổ
ích, xem ra hợp lý hơn, chú của người dịch]
cho những kẻ mắc chứng bịnh “sợ Sô Viết:
Sovietphobia” Sự chiến thắng đã là một sự
khích lệ vĩ đại cho nhân dân vùng Đông Nam Á và thế
giới nói chung trong cuộc chiến đấu của họ
chống lại chủ nghĩa bá quyền. 31
Trong thực tế,
Đông Nam Á thì mâu thuẫn, yêu ghét lẫn lộn về
độ mạnh của liều thuốc được cho
uống, trong khi Hoa Kỳ và Nhật Bản không chấp thuận
hành động chút nào.
Sự đáp ứng
của Mỹ đặc biệt làm thất vọng. Phía
Trung Quốc đã hy vọng để phô diễn rằng,
bằng việc chấp nhận một rủi ro nghiêm trọng
trong việc tấn công Việt Nam và có thể lôi kéo một
sự đáp ứng của Sô Viết, Trung Quốc đã
không chỉ “trông cậy” vào hệ thống quốc tế,
mà còn bắt chước cả một thí dụ từ
chính sách ngoại giao của Mỹ đối với
người Nga trước đây. Phía Trung Quốc đã
lập luận sớm muộn gì người ta sẽ phải
thử thách ít nhất một kẻ thừa ủy nhiệm
của Sô Viết, để Sô Viết khỏi cảm thấy
rằng họ có thể thực hiện chính sách ngoại
giao chống lại các quyền lợi của Mỹ (và các
nước khác) mà không bị trừng phạt. Vào đầu
Tháng Ba, khi nói chuyện tại một buổi họp của
một học viện thuộc Hàn Lâm Viện Trung Quốc
Về Các Khoa Học Xã Hội tại Bắc Kinh, tôi đã
bị tra hỏi một cách sắc bén rằng tại sao
Hoa Kỳ không lập lại tác phong chống Sô Viết của
nó trong Cuộc Khủng Hoảng Hỏa Tiễn ở Cuba,
khi Hoa Kỳ đánh liều gây chiến để ngăn
chặn một bước tiến hung hăng của Sô Viết.
Ngay dù tôi đã cố gắng để giải thích động
thái của Mỹ thời hậu 1962, điều rõ ràng rằng
người tra vấn tôi đã, cho dù chậm trễ đến
đâu, chấp thuận các hành động của Tổng
Thống Kennedy đối với Liên Bang Sô Viết trong
năm 1962 và đã so sánh chúng với các hành động của
Trung Quốc chống lại “Cuba ở Á Châu” (Việt Nam)
và bá chủ của nó, Liên Bang Sô Viết. 32
Sự
Tái Lượng Định Của Trung Quốc
Bởi cuộc chiến
tranh thì hao tốn và không thành công, phía Trung Quốc đã phải
tái lượng giá các kinh phí quân sự của họ như
đã trù hoạch trong chính sách “tứ hiện đại
hóa” và gia tăng chúng. Mặc dù một quyết định
đồng thuận có thể đã được lấy
để tiến hành cuộc chiến, một số trong
giới lãnh đạo chắc chắn đã can dự với
nó nhiều hơn các lãnh đạo khác và, như John Kennedy
đã nói sau khi có sự thất bại ở Vịnh Con Heo
(Bay of Pigs): “Chiến thắng có hàng nghìn cha mẹ, nhưng thất
bại chỉ có một đứa con mồ côi”. Tiếp
theo sau sự thất bại quân sự ở Việt Nam, 33
một người nào đó (hay một số viên chức
nào đó) đã ủng hộ cuộc chiến tranh phải
trả một giá chính trị cho sự binh vực của họ.
Sự tái lượng
định sự phát triển kinh tế của Trung Quốc
đã khởi sự trước khi cuộc chiến tranh được
phát động, nhưng ít điều được hay biết
về tiến trình này cho đến ngay khi cuộc chiến
tranh được kết thúc. Chính vì thế, chiến
tranh đã không châm ngòi cho sự tái lượng định
toàn diện, nhưng nó đã trợ lực vào việc chứng
minh hơn nữa – và còn cả xúc tác – cho nó. Chiến tranh đã
làm mất đi một số lãnh tụ chính trị nào
đó, và một cách trùng hợp ngẫu nhiên nó cũng làm tổn
hại trên cùng các lãnh tụ đó trong cuộc tái lượng
định kinh tế này.
Sau cùng, chiến
tranh đã khởi động một sự “tái thẩm
định nhức nhôi’ và kéo dài về chính sách ngoại
giao của Trung Quốc. Kể từ 1970 Trung Quốc trong
thực tế, nếu không phải một cách công khai,
đã nghiêng về một phía, Hoa Kỳ, để chống
lại Liên Bang Sô Viết. Trong khi mối quan hệ không phải
là một liên minh, phía Trung Quốc đã kỳ vọng nhiều
ở Hoa Kỳ hơn là một sự kết án vào một thời
điểm khi Trung Quốc nghĩ rằng nó đang chấp
nhận một rủi ro (tức chiến tranh với người
Nga) và đang cố gắng để phô diễn rằng,
trong chính trị miền Đông Á và toàn cầu, Trung Quốc
trông cậy và đã biểu lộ sự cam kết của
nó cho một mặt trận thống nhất chống lại
Liên Bang Sô Viết bằng cách dậy cho Việt Nam một
“bài học”. Tuy nhiên, các thành viên trong liên hiệp nguyên
sơ của Trung Quốc (đặc biệt Hoa Kỳ) thì
ít bị ấn tượng hơn. Chính vì thế, đối
diện với một tình trạng trong đó các tác nhân quốc
tế chính yếu đã không đóng vai đúng như điều
mà Trung Quốc đã kỳ vọng họ sẽ làm, Trung Quốc
đã khởi sự hồi đầu Tháng Tư sự tìm
kiếm kéo dài, chậm chạp, dường như khó nhận
thấy được, việc cải thiện các quan hệ
với Liên Bang Sô Viết. Mối quan hệ với Hoa Kỳ
đã phục vụ tốt cho Trung Quốc và sẽ tiếp
tục là một viên đá cột trụ trong chính sách ngoại
giao của Trung Quốc. Nhưng bởi Trung Quốc không
thể dựa trên nó khi Trung Quốc phóng ra cuộc tấn
công vào Việt Nam nhằm sửa chữa một sự bất
thăng bằng toàn cầu không kém các mục tiêu song
phương chật hẹp hơn, các quyền lợi của
Trung Quốc khi đó đòi hỏi rằng nó nỗ lực
để mở lại một sự đối thoại
với Liên Bang Sô Viết.
Chiến Tranh Việt
Nam thời thập niên 1960 đã cung cấp chất xúc tác
cho việc khai thông của Trung Hoa đối với Hoa Kỳ
(và ngược lại), và sự đoạn tuyệt “sau
cùng” với Liên Bang Sô Viết vào cuối thập niên 1960. Một
cách mỉa mai, sự thất bại của Trung Quốc
trong việc giành được sự ủng hộ quốc
tế từ các nước được “trông cậy”
trong năm 1979 có thể đã khích động, một sự
đảo ngược khác, mặc dù kín đáo hơn, về
chính sách: một chiều hướng cẩn trọng
hơn đối với phía Mỹ, một sự khai thông
nhức nhối với Moscow và một sự cảnh giác
đối với phía Nhật Bản.
Mỗi một trong
ba “phóng xạ: fall-outs” từ cuộc xung đột Trung –
Việt mùa xuân 1979 sẽ đều quan trọng trong và liên
hệ đến bản thân chúng; nhưng bởi vì cuộc
chiến tranh xảy ra khi nó được thực hiện
và bởi nó đã có tác động trên các vấn đề
đa dạng chẳng hạn như sự hiện đại
hóa quân sự, các sự sắp xếp cấu hình giới
lãnh đạo và chương trình “tứ hiện đại
hóa” trong toàn thể [in toto, tiêng la tinh trong nguyên bản,
chú của người dịch], cũng như trên các vấn
đề to lớn của chính sách ngoại giao, tầm
quan trọng của nó đã lớn hơn mức mà Trung Quốc
hay Việt Nam nhận thức được, khi họ lần
đầu khởi sự giao tranh một cách nghiêm trọng
trong các giờ phút sớm sủa của ngày 17 Tháng Hai 1979.
Tác động của
cuộc xung đột trên cơ cấu quân sự Trung Quốc
có hai mặt: trước tiên, nó đòi hỏi một sự
phân cấp ngân sách bất ngờ để trang trải các
phí tổn của cuộc chiến tranh; và thứ nhì, nó gần
như chắc chắn đã gây ra một sự gia tăng
trong chi tiêu về quân sự trong năm 1979. Trong nhận
định của mình đọc trước Quốc Hội
Toàn Dân (QHTD, National People’s Congress: NPC) hồi Tháng Sáu 1979, Bộ
Trưởng Tài Chính Chang Ching-fu đã đề cập một
cách trực tiếp đến các vấn đề này, có
nói:
Các kinh phí về quốc
phòng và các sự chuẩn bị chiến tranh cần đến
20,230 triệu yuan [đơn vị tiền tệ Trung
Quốc, chú của người dịch] Trong Tháng Hai và Tháng
Ba qua [1979], khi đất nước chúng ta buộc phải
phóng ra một cuộc hoàn kích hạn chế để tự
vệ chống lại sự xâm lược của Việt
Nam, đã có một vài sự gia tăng trong cho chi tiêu quân sự.
Ngoài ra, các nhu cầu phòng thủ biên giới sẽ được
tăng cường. Vì thế điều hợp lý là phần
chi tiêu cho quốc phòng và các sự chuẩn bị chiến
tranh của chúng ta phải gia tăng, ở một mức
độ nào đó, phần tương ứng của nó
trong toàn thể ngân sách. 34
Từ đó, các khoản
phân cấp ngân sách cho các kinh phí quân sự cho giai đoạn
1977-79 cho thấy các sự gia tăng rõ rệt, đặc
biệt từ tài khóa 1978-79, như các dữ liệu sau
đây biểu lộ:
Các kinh phí quân sự (bằng
triệu yuan) 35
1977 1978 1979
14,906 16,784 20,230
Số gia tăng
năm 1979 đến gần 35.7% nhiều hơn ngạch số
được phân cấp cho năm 1977, và gia tăng 20.5%
so với năm 1978. (Các ngân sách quân sự tại một số
nước có khuynh hướng ước lượng thấp
các khoản phân cấp quốc phòng; ngay dù Trung Quốc
cũng ước lượng thấp một cách công khai
các kinh phí quân sự của họ, một khoản gia
tăng 20% trong một năm quả khá lớn).
Nhiều tiền
hơn đã phải chi tiêu cho sự hiện đại hóa
quân sự một phần bị bắt buộc bởi các
kết quả quân sự của cuộc xung đột:
Trung Quốc đã không giành đoạt được một
chiến thắng gây sững sờ, thí dụ, như đã
xảy ra đối với Ấn Độ trong năm
1962. Ngoài ra, tỷ số tổn thất của QĐGPNDTQ
thì cực kỳ cao: phó tổng tham mưu trưởng Wu
Hsiu-ch’uan đã tiết lộ trong một cuộc gặp gỡ
với một phái đoàn quân sự Pháp rằng mặc dù Việt
Nam đã phải gánh chịu khoảng 50,000 người bị
chết hay bị thương, Trung Quốc đã phải
chịu 20,000 người bị chết hay bị
thương trong cuộc giao tranh náo động trong hai tuần
lễ. 36 Điều được giả định
một cách tổng quát rằng, bất kể sự chính
xác về số tổn thất của Việt Nam ra sao, các
sự mất mát của Trung Quốc thì nặng nề --
như lực lượng tấn công, rất nhiều phần
là hơn phân nửa của số tổn thất 20,000
người phải gánh chịu là số tử thương
trong khi giao chiến. Mặc dù phía Trung Quốc nói chung được
nhìn là giao chiến tốt, giá về tổn thất nhân lực
thì cao – một phần do chỉ có ít kinh nghiệm chiến
đấu và, có lẽ quan trọng hơn, bởi các hệ
thống vũ khí của Trung Quốc thì quá lạc hậu
và các sự giao thông quá lỗi thời cho việc tham gia vào
chiến tranh diện địa chống lại một
đối thủ mạnh. Ngân sách đã phải được
gia tăng ít nhất 20% -- có lẽ nhiều hơn – và
như thế các vật liệu mới sẽ đến từ
các vụ mua kỹ thuật quân sự ngoại quốc, ít
nhất một phần.
Bắt đầu từ
cuối năm 1978 và kéo dài cho đến năm 1979, Trung Quốc
đã bắt tay vào một sự tái điều chỉnh
(hay tái lượng định) quyết liệt các kế
hoạch kinh tế nguyên thủy được phác họa
ra tại QHTD Thứ Năm hồi đầu năm 1975; sự
tái lượng định đã được loan báo một
cách chính thức tại Phiên Họp Khoáng Đại Thứ
Ba của Ủy Ban Trung Ương ĐCSTQ Thứ 11 (được
tổ chức từ 18-22 Tháng Mười Hai 1978), và đã
bắt đầu tác động khắp nền kinh tế
quốc nội và mậu dịch ngoại quốc của Trung
Quốc trong các tháng tiếp theo sau. 37 Một cuộc
điều trần chính thức và thấu đáo hơn về
các vấn đề đối diện nền kinh tế
đã xảy ra tại Khóa Họp Thứ Nhì của QHTD, được
tổ chức trong nửa phần sau của Tháng Sáu 1979. 38
Nơi đây các kế
hoạch của Trung Quốc thời thanh bình của đầu
năm 1978 đã được tái lượng định
và điều chỉnh một cách quyết liệt. Về
mặt kinh tế, tác động chính là trên môi trường
quốc nội, nhưng ngoại thương cũng bị
ảnh hưởng. Những lời hứa hẹn sẽ
mua các khối lượng lớn kỹ thuật của Mỹ
được đưa ra bởi họ Đặng trong
chuyến thăm viếng của ông ta tại Hoa Kỳ
đơn giản là không giữ được. 39
Trong suốt năm
1978 nhiều tin đồn đãi đã xảy ra liên quan
đến các chức vụ liên hệ của các nhà lãnh
đạo chính trị của Trung Quốc. Điều rõ
ràng rằng, vào lúc cuối năm, Đặng Tiểu Bình ở
vào một vị thế chỉ huy, được ủng
hộ bởi một tập đoàn các nhà hoạch định
kinh tế và quân nhân hàng đầu. Hoa Quốc Phong được
xem một cách tổng quát như một kẻ nắm
hư vị, chủ tọa nhưng không ảnh hưởng
đáng kể đến việc thành lập chính sách. Vào
cuối năm 1978 hay đầu năm 1979, các sự thay
đổi được nhận thấy trong giới lãnh
đạo. Các sự thay đổi này có lẽ đã bắt
đầu tại Phiên Họp Khoáng Đại Thứ Ba, với
việc bổ nhiệm Trần Vân làm một tân phó chủ
tịch Đảng; chức nghiệp của họ Trần
như một nhà hoạch định kinh tế nghiêm khắc
đã dẫn dắt một số nhà quan sát đến việc
cảm thấy rằng sự tái vươn lên của ông
đã được dư mưu bởi họ Đặng
để củng cố các kế hoạch phát triển
kinh tế của Trung Quốc. Bất luận động
lực đàng sau sự quay trở lại của họ Trần
ra sao, sự xuất hiện của ông trong các hội đồng
nhà nước gần như chắc chắn được
biểu thị bởi một quan ngại bao trùm: việc
hoạch định kinh tế phải thận trọng, kỹ
lưỡng, thực tế và không hoang phí. Sự hiện
diện của họ Trần đã mang lại trọng
lượng bổ túc cho một số các nhà hoạch định
kinh tế kém thế lực hơn trong Bộ Chính Trị:
Yu Ch’iu-li và Wang Chen. Gộp chung, các nhân vạt này xem ra
đã tạo thành một phái tranh luận chống lại một
số mục đích phấn khích của các kế hoạch
được đặt ra bởi QHTD Thứ Năm hồi
mùa xuân 1978: nông nghiệp, họ nhấn mạnh, đã phải
được xây dựng với mọi giá, và các giấc
mơ công nghiệp hóa mau lẹ không thể nào hiện thực
qua đêm, hay ngay cả vào năm 1985. Như đã sẵn
nêu ra, các khoản nhập cảng ngoại quốc sẽ
phải bị cắt giảm, và cũng hoàn toàn có thể rằng
các nhà hoạch định kinh tế đã lập luận
chống lại chiến tranh với Việt Nam trên các
căn cơ kinh tế: Trung Quốc không thể đài thọ
được cuộc chiến.
Nếu chúng ta chấp
nhận sự phác họa quan điểm này của một
bộ phận trong giới lãnh đạo, chúng ta phải
tra hỏi: ai là kẻ thua thiệt về mặt chính trị
nếu các quan điểm đó thắng thế và ai là kẻ
thắng lợi? Luận điểm của bài viết này
là họ Đặng bị thua, với quyền lực của
ông bị xoi mòn từ từ trong năm 1979; rằng quyền
lực, ảnh hưởng và vị thế của Trần
Vân đã lên cao; và rằng bởi không “bị thua”, họ
Hoa đã trở thành một thành viên cần thiết và
đuợc kính trọng hơn trong giới lãnh đạo.
Sự nhấn mạnh của họ Trần trên một sự
tái lượng định công nghiệp và sự hạ giảm
tốc độ sau rốt đã không phù hợp với các
hy vọng, tham vọng và lời hứa hẹn của họ
Đặng với Trung Quốc và thế giới bên ngoài.
Nhưng các sự nhấn mạnh của họ Trần, với
ngoại lệ của hành động quân sự tại Việt
Nam, đã thắng thế. Và bởi sự xác định
quá chặt chẽ của họ Đặng với Cuộc
Chiến Tranh Trung – Việt, ảnh hưởng của ông
ta đã suy giảm hơn nữa do kết quả của
thành quả mờ nhạt của Trung Quốc tại
đó.
Tuy nhiên, quyền lực
của họ Đặng bị xoi mòn không phải bởi
bất kỳ một vấn đề nào chẳng hạn
như Việt Nam, mà đúng hơn bởi một sự kết
hợp nhiều yếu tố. Phe bảo thủ kinh tế
có thể “rút ra sự thực từ các sự kiện” và
chứng tỏ rằng Trung Quốc đơn giản không
thể chịu đựng được việc chi tiêu
hàng tỷ mỹ kim vào giờ này để mua các sản phẩm
đầu tư không thể kết hợp vào nền kinh tế
một cách mau chóng như họ Đặng mong muốn. Sự
đột nhập quân sự tại Việt Nam đã không
thành công đủ trong việc giảng dạy cho Việt
Nam (hay bất kỳ nước nào khác) một bài học.
Thay vào đó, nó đã buộc Trung Quốc phải gia
tăng các kinh phí quân sự vào lúc mà Trung Quốc khó có đủ
sức để làm như thế. Từ đó, các chính
sách quân sự mà họ Đặng đã gắn bó một
cách công khai đã không thành công và gây nhiều tốn phí. Sau
cùng, các tác nhân quốc tế mà trên đó họ Đặng
đã đặt các hy vọng thái quá – Hoa Kỳ và Nhật
Bản – đã không chịu đáp ứng với các đề
nghị của ông về việc thành lập một nhóm chống
Sô Viết mạnh mẽ; họ đặc biệt bực
dọc với hành động của Trung Quốc chống
lại Việt Nam, điều họ nhìn như quá bất
trắc và không cần thiết trong bản chất.
Trung
Quốc và Hoa Kỳ
Trong khi họ Đặng
có thể tin tưởng rằng sự đáp ứng của
Mỹ đối với cuộc xung đột của
Trung Quốc với Việt Nam tệ nhất sẽ là sự
không chấp thuận kín đáo, nhưng có thể đúng ra
là sẽ giữ trung lập, trong thực tế, Hoa Kỳ
(và Nhật Bản) đã không chấp thuận một cách
công khai hành động của Trung Quốc. Gần như
tức thời sau khi cuộc tấn công của Trung Quốc
được loan báo, một phát ngôn viên Bộ Ngoại
Giao Hoa Kỳ đã bày tỏ quan điểm căn bản
của Chính Quyền [Carter]:
Chúng tôi chống
đối cả cuộc xâm lăng của Việt Nam vào
Căm Bốt lẫn cuộc xâm lăng của Trung Quốc
vào Việt Nam… Chúng tôi kêu gọi sự triệt thoái tức
thời các bộ đội Việt Nam ra khỏi Căm Bốt
và bộ đội Trung Quốc ra khỏi Việt Nam.
Chúng tôi đã tiếp xúc với Trung Quốc, Việt Nam và
Liên Bang Sô Viết thúc dục sự kiềm chế …. Tổng
Thống [Carter] có nói rõ rằng Hoa Kỳ chống lại hoạt
động quân sự nhiều hơn trong vùng đất
này. [Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao có nói thêm:] Phó Thủ
Tướng họ Đặng có nêu ý kiến về hành
động không xác định cụ thể đó [có thể
sắp xảy ra khi ông ta ở Hoa Kỳ trong tháng qua]. Tổng
Thống [Carter] đã nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ chống
đối bất kỳ hành động quân sự nào trong
vùng”.
Tuy nhiên, như
đã vạch ra trước đây, Tổng Thống Carter
đã không biểu lộ một cách công khai sự chống
đối của ông đối với hành động khả
hữu của Trung Quốc. Thay vào đó, sự mơ hồ
của ông khiến cho Sô Viết không thoải mái và rất
có thể đã tạo ra một ảo tưởng ít nhất
trong một số các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng
sẽ không có sự quở trách công khai của Mỹ nếu
họ tấn công Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu phía
Trung Quốc đã không có bất kỳ sự nghi ngờ
nào về việc Hoa Kỳ cảm thấy ra sao về cuộc
tấn công của họ vào Việt Nam, các nhận định
tại Bắc Kinh của Bộ Trưởng Ngân Khố
khi đó, ông W. Michael Blumenthal, đã gỡ bỏ bất kỳ
sự mơ hồ nào và gần như chắn chắn chọc
giận phía Trung Quốc – chứ không chỉ làm cho họ bối
rối. Chuyến du hành của ông Blumenthal đã được
sắp xếp lịch trình khi họ Đặng đang ở
tại Hoa Kỳ: mục đích chính của nó là để
thương thảo một giải pháp cho các tài sản bị
phong tỏa, mục đích biểu trưng của nó là
để khai trương một cách chính thức Tòa Đại
Sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh vào ngày 1 Tháng Ba.
Nhưng, một khi
Cuộc Chiến Tranh Trung – Việt đã bắt đầu,
và phía Nga đã cáo buộc sự thông đồng giữa Trung
Quốc và Hoa Kỳ, trực tiếp đánh vào Việt Nam,
và gián tiếp vào Liên Bang Sô Viết, công tác của Blumenthal
đã mang một tính khẩn cấp mới mẻ. Ông có
mang theo mình một bức thư cá nhân của [Tổng Thống]
Carter gửi các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ông đã
đọc một bài diễn văn cứng rắn tại
Bắc Kinh trong một bữa tiệc khoản đãi bởi
Chang Ching-fu, Bộ Trưởng Thương Mại Trung Quốc
– kẻ đã được thông báo trước khi có bài
diễn văn của Blumenthal rằng ông bộ trưởng
sẽ nói về tình hình tại Đông Dương.
Phát biểu trước,
họ Chang phác họa quan điểm của Trung Quốc
đối với Việt Nam như sau:
Các lực lượng
biên giới của Trung Quốc đã bị đẩy quá
mức chịu đựng trước khi họ đứng
dậy đánh trả. Hành động của họ hoàn
toàn chính đáng. Chúng tôi không muốn giao chiến. Chúng tôi
không muốn lấy một tấc đất của Việt
Nam, nhưng chúng tôi sè không tha thứ cho các cuộc đột
nhập vô lối vào lãnh thổ Trung Quốc. 41
Theo sự tường
thuật của Tân Hoa Xã về bài diễn văn của
Blumenthal, viên bộ trưởng “đã đề cập
đến sự quan ngại của Chính Phủ Hoa Kỳ về
tình hình tại Đông Nam Á và lập trường của
Hoa Kỳ”. 42
Trong thực tế,
Blumenthal đã buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho
các hành động của họ, như các lời phát biểu
nguyên văn sau đây cho thấy:
Tôn trọng nền
độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của mọi
quốc gia và dựa vào các phương tiện hòa bình để
giải quyết các tranh chấp là các nguyên tắc nền tảng
của cách cư xử quốc tế. Bất kỳ sự
xoi mòn các nguyên tắc này làm phương hại đến
mọi quốc gia. Ngay các cuộc xâm lăng hạn chế
cũng có rủi ro gây ra các cuộc chiến tranh rộng lớn
hơn và khiến công luận quay ra chống bên vi phạm.
Đừng để
có sự nghi ngờ nào về lập trường của Mỹ
trên vấn đề này …Như Tổng Thống Carter
đã nói trong một hôm trước đây,
“Đúng trong vài tuần
qua chúng ta chứng kiến một cuộc xâm lăng của
Việt Nam vào Căm Bốt và, như một hậu quả,
một sự xâm nhập qua biên giới của Trung Quốc
vào Việt Nam. Cả hai hành động đã đe dọa
sự ổn định của một trong những vùng
nhiều triển vọng và quan trọng nhất của thế
giới – Đông Nam Á”.
“Chúng tôi đã sử
dụng bất kỳ phương tiên chính trị và ngoại
giao khả cung nào để cổ vũ sự kiềm chế
từ mọi bên, và để tìm cách ngăn chặn một
cuộc chiến tranh mở rộng hơn, chúng tôi sẽ
tiếp tục các nỗ lực của mình, cả một
cách trực tiếp với các nước can dự, và xuyên
qua Liên Hiệp Quốc để đạt được
một sự chấm dứt sự giao tranh trong vùng, để
mang lại một sự triệt thoái các lực lượng
Việt Nam ra khỏi Căm Bốt, và của các lực
lượng Trung Quốc ra khỏi Việt Nam, và để
giành được sự vãn hồi nền độc lập
và sự toàn vẹn của mọi quốc gia can hệ”. 43
Chưa đầy một
tháng sau cuộc thăm viếng của họ Đặng tại
Hoa Kỳ, sự trao đổi giữa họ Chang và ông
Blumenthal đã phát hiện không chỉ các sự nhận thức
sai lầm, sự bất đồng, và sự đụng
chạm quyền lợi giữa hai nước, mà còn khởi
sự cho sự xoi mòn sự hớn hở về chính trị
và không lâu sau đó, về kinh tế giữa Trung Quốc
và Mỹ. 44 Hơn nữa, nó phô bày cho phía Trung Quốc
rằng phía Mỹ sẽ không sắp sửa véo mũi của
Nga khi không có các quyền lợi sinh tử của Mỹ được
thấy là có liên hệ.
Thay vào đó, sự
đáp ứng của Mỹ 45 – được soi
sáng bởi bài diễn văn của Blumenthal – được
trù tính để làm sáng tỏ các ý định của Mỹ
đối với Liên Bang Sô Viết và Trung Quốc. Sô Viết
đã cáo giác rằng Trung Quốc đang mưu toan triệt
hạ các quan hệ Sô Viết – Mỹ và Hoa Kỳ đã mặc
nhiên ưng thuận. 46 Vào ngày 27 Tháng Hai lời nhắn
nhủ của Mỹ dường như đã lọt tới
Moscow: Bộ Trưởng Ngoại Giao Gromyko đã không cáo
buộc rằng Hoa Kỳ “đã ngấm ngầm chấp
thuận cuộc xâm lăng của Trung Quốc [vào Việt
Nam], và ông cũng đã không chỉ trích việc Hoa Kỳ
để … cho chuyến viếng thăm đã dự trù của
Blumenthal sang Bắc Kinh được tiến hành vào lúc
này”. Thay vào đó, ông ta đã ghi nhận một cách cẩn
trọng:
Các nhà lãnh đạo
Trung Quốc đăng gắng sức với sự
hăng hái đặc biệt để gài Liên Bang Sô Viết
và Hoa Kỳ vào một cuộc tranh chấp. Sự phát triển
các quan hệ Sô Viết – Mỹ đang bị ngăn trở
dưới ảnh hưởng của họ, và cũng
dưới ảnh hưởng của một số lực
lượng nội bộ nào đó tại Hoa Kỳ. 47
Sô Viết được
tái bảo đảm và phía Trung Quốc bị bối rối
và chạm tự ái 48 bởi bài diễn văn của
Blumenthal và các lời tuyên bố của Carter. Sự đáp
ứng của Mỹ đối với động thái của
Trung Quốc tại Việt Nam đã là giai đoạn
đầu tiên trong một tiến trình xúc tác dẫn đến
một sự tái lượng định từ từ, gần
như tảng băng trôi đi, về vị thế của
Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và Liên Bang Sô Viết
trong những tháng kế tiêp. Các thái độ của Mỹ
đối với Đài Loan và sự ký kết Hiệp
Ước SALT II đã là hai yếu tố khác.
Tiếp theo sau sự
thừa nhận, Hoa Kỳ đã tìm cách định hình một
mối quan hệ mới, không chính thức với Đài
Loan. Tóm lược, Tổng Thống Carter đã đệ
trình một nghị quyết đề nghị với Quốc
Hội liên quan đến Đài Loan; sau đó, Hạ và
Thượng đã tu chính nó, cung cấp các sự bảo
đảm mạnh mẽ hơn trong sự ủng hộ của
Mỹ cho Đài Loan. Vào cuối Tháng Ba, Huang Hua đã phản
đối với Đại Sứ Woodcock về pháp chế
này, đã được thông qua bởi cảc hai Viện
vào ngày 30 Tháng Ba. Mặc dù phía Trung Quốc cho rằng Đạo
Luật Các Quan Hệ Với Đài Loan (Taiwan Relations Act) có
thể đã vi phạm các điều khoản của bản
thông cáo thừa nhận ngoại giao Trung – Mỹ, Tổng
Thống Carter đã ký ban hành dự luật vào ngày 10 Tháng
Tư. 49
Bất kể sự
kín tiếng của Bắc Kinh về Đạo Luật Các
Quan Hệ Với Đài Loan sau khi nó được ký ban
hành, các viên chức ngoại giao Trung Quốc đã gặp
khó khăn bởi việc thông qua đạo luật vào
Tháng Sáu. Trong một phiên họp tại Bộ Ngoại Giao
tại Bắc Kinh hồi đầu Tháng Sáu, một viên chức
theo sáng kiến riêng của mình đã nêu lên đề tài và
mạnh mẽ chỉ trích Hoa Kỳ về việc thông qua
đạo luật. 50 Vài ngày sau đó một viên chức
khác, tại New York, đã nêu lên vấn đề một
cách khá sắc bén, đặc biệt điều khoản
quy định rằng các cơ sở ngoại giao của
Trung Hoa Dân Quốc trước đây vẫn thuộc sở
hữu của Đài Loan – bất kể sự chống
đối của Tổng Thống và vi phạm
phương thức ngoại giao quốc tế thông thường.
51
Các nhận định
này và quan điểm Bắc Kinh nói chung tiêu cực đối
với Đạo Luật không cách nào có nghĩa sự khởi
đầu cho một sự chấm dứt mối quan hệ
mới giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh. Tuy
nhiên, ngay khi các biện pháp tích cực được thực
hiện (thí dụ, sự giải quyết vấn đề
các tài sản bị phong tỏa, sự ký ban hành một
đạo luật mậu dịch chuẩn cấp cho Trung
Quốc quy chế tối huệ quốc), đã có các
điều gây bực bội trong mối quan hệ. Một
dấu hiệu không thể nhầm lẫn được
là cách mà tờ Nhân Dân Nhật Báo (People’s Daily) đối
xử với Hoa Kỳ trong các trang báo của nó. Trong ba
tháng đầu tiên của năm 1979, tất cả các bài
viết (vào khoảng 50) đã tường thuật một
cách thuận lợi về các quan hệ ngoại giao của
Mỹ (thí dụ, chuyến du hành của họ Đặng)
và các sự vụ đối nội. Sau khi có sự thông
qua Đạo Luật Các Quan Hệ Với Đài Loan, từ
Tháng Tư cho đến giữa Tháng Sáu, sự tường
trình về Hoa Kỳ thì lẫn lộn, mặc dù phần lớn
các bài viết vẫn còn tích cực. 52
Phía Trung Quốc
đã không để việc xử lý của Hoa Kỳ về
vấn đề Đài Loan mất đi; trong một cuộc
phỏng vấn với hãng thông tấn Assocuiated Press tại
Bắc Kinh, nhà ngoại giao kỳ cựu Trung Quốc, Wang
Ping-nan, đã chỉ trích Hoa Kỳ về việc cung cấp
các vũ khí cho Đài Loan – chính vì thế tăng cường
quyết tâm của Đài Loan không chịu bước vào
các cuộc thương thảo với Bắc Kinh. Mặc
dù sự kiên nhẫn của Trung Quốc thì lâu dài, khi không
còn nữa, “một chiều hướng khác sẽ được
sử dụng”. 53
Sự ký kết bản
hiệp ước SALT-II giữa Sô Viết – Mỹ tại
Vienna hồi giữa Tháng Sáu 1979, một vấn đề
then chốt của cán cân chiến lược giữa Hoa Kỳ
và Liên Bang Sô Viết và các thái độ của Trung Quốc
đối với cán cân đó, khiến cho phía Trung Quốc
hạ thấp hơn nữa các ước vọng của
họ rằng Hoa Kỳ sẽ tranh cãi dữ dội với
Liên Bang Sô Viết. Phía Trung Quốc đã theo dõi kỹ
lưỡng các cuộc thương thảo Hiệp ước
SALT; không có lý do cho họ để nghi ngờ rằng
Carter sẽ ký vào bản hiệp ước. Nhưng chữ
ký đã lý giải cho họ rằng mối quan hệ Sô Viết
– Mỹ sẽ rõ ràng ưu tiên không chỉ trên các quan hệ
Trung – Mỹ -- mà rằng, trong mắt nhìn của Trung Quốc,
phía Mỹ vẫn tiếp tục tin tưởng một
cách ngây thơ vào Sô Viết không chỉ trong Hiệp Ước
SALT II, mà còn ở các vấn đề toàn cầu gây tranh
cãi khác. Tờ Nhân Dân Nhật Báo một lần nữa
trợ lực vào việc phô bày sự mất ảo mộng
gia tăng của Trung Quốc với chính sách của Mỹ
đối với Liên Bang Sô Viết. Từ 15 Tháng Sáu cho
đến đầu Tháng Tám 1979, hơn một nửa phần
tin tức về Hoa Kỳ có tính cách tiêu cực và chỉ
trích trong nội dụng.
Từ đó, Trung Quốc
sẽ phải cố gắng khai thông, một cách đau
đớn, chậm chạp và cẩn trọng một giải
pháp Sô Viết, ngay trong khi các chiến sự Trung – Việt
tiếp tục ở mức độ cực kỳ cao, và
đã không có sự hạ giảm trong sự căng thẳng
Trung Quốc – Sô Viết có vẻ như sắp xẩy ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét