Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

(2) CHIẾN TRANH TRUNG QUỐC – VIỆT NAM 1979

CHIẾN TRANH TRUNG QUỐC – VIỆT NAM 1979


Daniel Tretiak
University of Hong Kong
Member, National Committee of United States – China Relations
Chiến tranh Việt Nam của Trung Quốc và các hậu quả của nó
 Ngô Bắc dịch
 Cuộc Chiến Tranh Trung – Việt hồi Tháng Hai – Tháng Ba 1979 đánh dấu đỉnh điểm của nhiều tháng quan hệ căng thẳng giữa hai nước cộng sản láng giếng.  Bài viết này khảo sát chính sách ngoại giao của Trung Quốc như đã tiến triển từ trước, trong và sau cuộc xung đột.  Luận đề cơ bản của tôi là các mục đích nguyên thủy của Trung Quốc vừa có tính chất quân sự lẫn chính trị, liên quan đến sự xác định và tăng cường vai trò của Trung Quốc trong chính trị quốc tế cấp vùng (tức Đông Dương và Đông Nam Á), cũng như vai trò được nhận thức của Trung Quốc trong mối quan hệ toàn cầu giữa Liên Bang Sô Viết và Hoa Kỳ.  Bởi vì các mục đích quân sự của cuộc xung đột không đạt được hoàn toàn, các mục đích chính trị cũng không được thỏa mãn, ảnh hưởng không chỉ mối quan hệ giữa nhiều phe cánh khác nhau trong giới lãnh đạo Trung Quốc và quan điểm của họ về các kế hoạch phát triển kinh tế của Trung Quốc, mà còn trên tầm quan trọng của các phí tổn hiện đại hóa quân đội như một phần của chương trình “tứ hiện đại hóa” và ngay cả trên sự sắp xếp hàng ngũ của Trung Quốc đối diện với Liên Bang Sô Viết và Hoa Kỳ.  Tôi sẽ trình bày trước tiên màn giáo đầu của cuộc chiến tranh.

       Đã có hai thành quả ở tầm mức quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong năm 1978 đã củng cố uy tin quốc tế của Trung Quốc và nâng cao ảnh hưởng cấp miền và toàn cầu của nó.  Trong Tháng Tám, Nhật Bản và Trung Quốc đã ký kết Hiệp Ước Hữu Nghị và Hòa Bình sau các cuộc thương thảo kéo dài rất lâu.  Đặng Tiểu Bình đã đi thăm viếng Nhật Bản vào cuối Tháng Mười để trao đổi các văn kiện phê chuẩn và củng cố hơn nữa các quan hệ Trung Hoa – Nhật Bản.  Sau đó, vào giữa Tháng Mười Hai, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã chính thức chấm dứt sự xa cách lâu dài của chúng: vào ngày 15/16 Tháng Mười Hai, Hoa Kỳ đã loan báo sự thừa nhận Cộng Hòa Nhân Dân [Trung Quốc], và sự thiết lập các tòa đại sứ tại Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn.  Như trong trường hợp Nhật Bản, họ Đặng đã đi thăm Hoa Kỳ không lâu sau đó, vào đầu năm 1979, để biểu trưng cho mối quan hệ đã thay đổi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. 
       Song mọi điều đã không êm xuôi trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc: vấn đề day dứt của Đông Dương đang tồi tệ hơn.  Sự đối nghịch của Việt Nam đối với Trung Quốc được biểu lộ trong một số phương cách.  Tài sản Hoa kiều hải ngoại, đặc biệt tại vùng vốn là Nam Việt Nam, nhưng cũng cả ở miền bắc, bị tịch thu.  Hoa kiều hải ngoại tại Việt Nam bị ngược đãi và trục xuất tại một số tỉnh sang miền nam Trung Quốc.  Việt Nam đã tăng cường việc đứng vào hàng ngũ quốc tế với Liên Bang Sô Viết, trước tiên bằng việc gia nhập vào Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế (Council of Mutual Economic Assistance: CMEA) trong Tháng Sáu 1978 và sau đó, trong Tháng Mười Một, bằng việc ký kết một Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác với Liên Bang Sô Viết trong đó Sô Viết thực sự hứa hẹn trợ giúp Việt Nam nếu bị tấn công. 1 (Trung Quốc có thể phải chịu trách nhiệm một phần cho đường lối mới, thân Sô Viết của Việt Nam; trong mùa hè 1978 phía Trung Quốc đã cắt đứt mọi khoản ngoại viện cho Việt Nam, nói là bởi tiền dùng cho việc tài trợ các khoản viện trợ đã phải chuyển cho việc trợ giúp dân tỵ nạn.  Trung Quốc chính vì thế đã dành cho Việt Nam không mấy sự chọn lựa ngoài việc hướng đến người Nga để có sự ủng hộ kinh tế.)
       Trong khi đó trong năm 1978, một loạt các vụ khiêu khích biên giới ngày càng nghiêm trọng xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam.  Như trong bất kỳ tình trạng biên giới căng thẳng nào, thật khó khăn để xác định bên nào đã khai hỏa trước.  Trong suốt năm 1978, Cơ Quan Thống Tấn Tân Hoa Xã (New China News Agency: NCNA) tường thuật từ các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây thuộc Trung Quốc, đã tuyên bố rằng phía Việt Nam đã thực hiện các hành vi hiểm ác chống lại các nhân viên quân sự, các thường dân và các thị trấn Trung Quốc, trong khi phía Việt Nam tuyên bố rằng Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (QĐGPNDTQ) đã thực hiện cùng các loại hành vi như thế. 2 Nhưng có lẽ hành vi nghiêm trọng nhất mà Việt Nam đã thực hiện để chống lại các quyền lợi của Trung Quốc là việc leo thang các nỗ lực của nó để lật đổ chính quyền Pol Pot do Trung Quốc hậu thuẫn, chống lại Việt Nam, tại Kampuchea (Căm Bốt).  Vào ngày 7 Tháng Một 1979 binh sĩ Việt Nam và một số bộ đội Khmer đã chiến đấu hữu hiệu hơn trong một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Căm Bốt bằng việc chiếm giữ Phnom Penh.  Trong năm 1978 một nỗ lực đã được thực hiện để thương thảo một giải pháp: trong Tháng Tám và Tháng Chín, Thứ Trưởng Ngoại Giao Chung His-tung đã đi đến Hà Nội, nhưng các cuộc thương thảo đã không có kết quả.
       Bốn sự bực tức đầu tiên – sự tịch thu tài sản, sự trục xuất dân tỵ nạn, việc đứng vào hàng ngũ với Liên Bang Sô Viết, các vụ khiêu khích biên giới – đã khá nghiêm trong., nhưng có thể chưa đủ để khiến cho phía Trung Quốc phải giao chiến với Việt Nam trong một cuộc xung đột trực tiếp nhưng hạn chế.  Sự sụp đổ của Kampuchea, mặc dù không nhất thiết là không bất ngờ, khiến cho phía Trung Quốc nhận thức tham vọng của Việt Nam như đe dọa không chỉ đến các quyền lợi của Trung Quốc tại bán đảo Đông Dương, mà còn cho vị thế của nó tại các quốc gia thuộc khối ASEAN phi côộg sản ở Đông Nam Á.  Với sự sụp đổ của Phnom Penh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bất đầu nói đến vệc ‘dạy cho Việt Nam một bài học”. 3
       Sự thừa nhận của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc không thể chỉ bị nhìn dưới mặt song phương đơn thuần.  Trung Quốc đã nhìn sự thiết lập các liên hệ ngoại giao như một cơ hội để sắp hàng Hoa Kỳ với chính Trung Quốc, Nhật Bản và Tây Âu, nhằm phá vỡ mối đe dọa lan tràn mà Trung Quốc đã nhận ra của Liên Bang Sô Viết như đặt ra cho an ninh riêng của Trung Quốc và toàn cầu.  Vào lúc trước khi có cuộc thăm viếng của ông ta tại Hoa Kỳ, họ Đặng đã chỉ cho thấy tầm quan trọng mà ông ta đã đặt trên Hoa Kỳ trong khuôn khổ chính trị quốc tế toàn cầu trong một cuộc phỏng vấn với các viên chức của tạp chí Time:
Hỏi:     Nhìn vào tình hình tam phương giữa nước ông và Liên Bang Sô Viết cùng Hoa Kỳ, điều phải được tái đoan chắc với ông rằng cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều có một mối quan hệ rất chặt chẽ với một nước thứ tư rất quan trọng, Nhật Bản.  Không có một nước tương đương cho Liên Bang Sô Viết ở phía họ trên bàn cân.
Trả lời: Câu hỏi là: sau khi thiết lập mối quan hệ này giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ, chúng ta phải phát triển hơn nữa mối quan hệ trong một đường hướng sâu đậm.  Nếu chúng ta thực sự muốn đặt các sự kiềm chế trên con gấu bắc cực [chỉ Liên Bang Sô Viết, chú của người dịch] điều thực tiễn duy nhất cho chúng ta là phải thông nhất.  Nếu chúng ta chỉ tùy thuộc vào sức mạnh của Hoa Kỳ không thôi, nó sẽ không đủ.  Nếu chúng ta chỉ tùy thuộc vào sức mạnh của Âu Châu, nó sẽ không đủ.  Chúng tôi là một nước nghèo, không đáng kể,  nhưng nếu chúng ta thống nhất, vâng, nó sẽ có trọng lượng.
Hỏi: Trở lại với Nhật Bản, nước đó không làm lệch sự cân bằng tam giác hay sao?
Trả lời: Điều không chỉ liên quan đến Trung Quốc mà còn có ý nghĩa to lớn cho an ninh thế giới, ổn định thế giới, rằng sẽ có các quan hệ thân hữu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Âu Châu, cùng Nhật Bản.4
Từ đó, mối quan ngại của họ Đặng về việc củng cố quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ đã được mang sang Hoa Kỳ vào cuối Tháng Một – đầu Tháng Hai.  Các nhận định công khai của ông về mối quan hệ Hoa Kỳ khiến ta nghĩ rằng ông ta đã mong muốn nó được làm vững mạnh hơn.  Ông đã kỳ vọng – và có thể cảm thấy ông đã nhận được – các sự bảo đảm từ Hoa Kỳ rằng mối quan hệ sẽ được củng cố, và rằng Hoa Kỳ sẽ không chỉ trích Trung Quốc một khi Trung Quốc tính toán việc dậy cho Việt Nam một bài học.
       Cuộc thăm viếng của họ Đặng tại Hoa Kỳ được nổi bật bởi các nhận định chống lại Sô Viết cũng như các lời tuyên bố ám chỉ đến khả tính của một cuộc tấn công vào Việt Nam để dạy cho nước này “một bài học” vì các hành động của nước này đối với chính phủ Pol Pot do Trung Quốc hậu thuẫn và vì các vụ khiêu khích biên giới của nước này đối với Trung Quốc.  Trong suốt cuộc thăm viếng, các viên chức Mỹ đã không công khai tỏ vẻ bất đồng với vị khách của họ; các nhận định của ông ta vẫn là một phần của tài liệu lưu trữ, chính vì thế lôi kéo sự chú ý và chỉ trích của Sô Viết.  5
       Một sự khảo sát các nhận định của họ Đặng tại Hoa Kỳ xác nhận luận điểm rằng ông ta đang dùng chuyến du hành của mình không chỉ để cố gắng cải thiện các quan hệ song phương, mà còn để làm sáng tỏ quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề cấp vùng và toàn cầu quan yếu.  Vào ngày 29 Tháng Một, thí dụ, trong một bài diễn văn chào đón họ Đặng, Tổng Thống Carter đã mời Trung Quốc hãy gia nhập cùng với Hoa Kỳ trong một “hành trình chung” tiến tới hòa bình và ổn định trên thế giới.  Ngược lại, họ Đặng đã mô tả thế giới như “còn lâu mới yên tĩnh”, tuyên bố: “Các yếu tố gây ra chiến tranh đang tăng trưởng một cách thấy rõ.  Dân chúng của thế giới có công tác khẩn cấp để tăng cường gấp đôi các nỗ lực của họ nhằm duy trì hòa bình, an ninh, và sự ổn định thế giới”. 6 Vào ngày 30 Tháng Một, họ Đặng “nói ông ta không thể loại bỏ khả tính của việc sử dụng các lực lượng vũ trang của Trung Quốc chống lại Việt Nam … hầu bảo toàn an ninh và biên giới Trung Quốc, ‘chúng tôi cần hành động một cách thích đáng, chúng tôi không thể cho phép Việt Nam chạy hoang khắp nơi.  Vì quyền lợi của hòa bình và ổn định thế giới và vì quyền lợi của chính đất nước chúng tôi, chúng tôi có thể bị buộc phải làm những gì chúng tôi không thích làm.’” 7
       Hoàn toàn không bất ngờ, cũng trong ngày 30 Tháng Một, họ Đặng đã tố cáo Việt Nam về “sự xâm lăng vũ trang ồ ạt” của nó tại Căm Bốt, với sự hậu thuẫn của Liên Bang Sô Viết.  “Trung Quốc sẽ không ngần ngại ngay cả việc gánh vác các sự hy sinh cần thiết nhằm bảo vệ công bình quốc tế và các quyền lợi dài hạn của hòa bình và ổn định thế giới”. 8 Ngày kế tiếp, họ Đặng đưa ra lời cảnh cáo “các bài học” nổi tiếng của ông liên quan đến Việt Nam: bởi vì cuộc xâm lăng vào Căm Bốt và các biến cố ở biên giới với Trung Quốc, Trung Quốc đã chuẩn bị để hành động chống lại Việt Nam.  “Nếu bạn không dạy cho họ một vài bài học cần thiết, họ sẽ không biết phải quấy là gì”.  Sau đó, ông đã nói thêm, Tôi có thể cho quý vị thấy rằng những gì người Trung Quốc nói ra thì khả tín”.  Tuy nhiên, ông đã bổ túc một cách cẩn trọng, “Bất kỳ hành động nào thực hiện bởi Trung Quốc sẽ được cứu xét cẩn thận.  Chúng tôi sẽ không có bất kỳ hành động hấp tấp nào.  Về những biện pháp mà chúng tôi sẽ chuẩn thuận, chúng tôi vẫn còn đang xem xét vấn đề”. 9 Tại Houston, họ Đặng tái xác nhận sự ủng hộ dành cho Kampuchea, tuyên bố rằng Trung Quốc chắc chắn “sẽ ủng hộ Kampuchea” tới mức tôi đa có thể làm được, mặc dù các phương tiện của Trung Quốc có giới hạn”. 10
       Tân Hoa Xã (NCNA) đã tóm tắt các nỗ lực của họ Đặng đề giành đoạt sự ủng hộ của Mỹ cho các chính sách của ông ta như sau: “Các sự khác biệt của hệ thống xã hội và tín điều chính trị đã không thể kềm hãm tình hữu nghị [Trung Quốc – Hoa Kỳ] khỏi việc lớn mạnh.  Sự đe dọa của chủ nghĩa bá quyền từ bên ngoài chỉ có thể đưa đến việc gắn bó hai dân tộc chặt chẽ hơn với nhau.  Cuộc thăm viếng của Phó Thủ Tướng họ Đặng xác nhận sự thực này.  Các quan hệ thân hữu … giữa … Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ làm thay đổi mô thức của các quan hệ quốc tế thời hậu chiến và tăng cường sức mạnh lớn lao làm lợi cho hòa bình và an ninh thế giới”. 11 Truyền thông được nói đã “xem trọng các lời tuyên bố vững chắc của phó thủ tướng [về Việt Nam] khi tin tức hàng đầu đã không che dấu sự thỏa mãn của chúng”. 12
       Bản tóm tắt của Tân Hoa Xã khó có thể bị thách đố một cách dễ dàng.  Không lúc nào trong suốt cuộc thăm viếng, phía Mỹ lại đã tỏ vẻ bất đồng với tinh thần của các nhận định chống Việt Nam và chống Sô Viết của họ Đặng.  Theo một sự tường thuật, phía Mỹ cảm thấy rằng “Moscow  … có thể nhận thấy rằng phía Mỹ đã không ủng hộ một cách công khai [các nhận định đó] và có thể từ đó nhìn thấy rằng Hoa Thịnh Đốn thì bằng lòng việc [không] bất đồng một cách công khai với Trung Quốc”. 13 Hoa Thịnh Đốn đã không bất đồng một cách mạnh mẽ và công khai; từ đó, Moscow càng trở nên bực dọc hơn – và họ Đặng dường như cảm thấy rằng phía Mỹ đã đồng ý một cách kín đáo với các nhận định của ông.
       Ngoài ra, bản thông cáo chung dành cho báo chí được công bố tại Hoa Thịnh Đốn chứa đựng trong đó một sự đề cập đến sự kiện rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc “khẳng định là họ chống lại các nỗ lực của bất kỳ nước hay một nhóm nước nào muốn thiết lập bá quyền hay sự thống trị trên nước khác …” 14
       Các sự quan ngại của Nga cũng như các sự nghi ngờ tại Hoa Kỳ về việc họ Đặng đã khai thác Hoa Kỳ đên đâu đã kéo dài sau khi chuyến du hành kết thúc.  Tổng Thống Carter được hỏi tại cuộc họp báo của ông hôm 12 Tháng Hai:
       “Khi Phó Thủ Tươ/ng Đặng [Tiểu Bình] của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông đã đưa ra một số lời tuyên bố chống lại Sô Viết.  Đặc biệt, trong vài dịp, ông ta có nói rằng Sô Viết đang tìm cách thống trị thế giới.  Tôi thắc mắc là liệu ông [Tổng Thống] có đồng ý với lời phát biểu đó hay không, và nếu không, tôi thắc mắc về quan điểm của Tổng Thống đối với các ý định toàn cầu của Sô Viết?
       Tổng Thống Carter đã trả lời câu hỏi đó:
       “Tôi không bao giờ toan tinh việc thực hiện sự kiểm duyệt đối với một vị quốc trưởng hay viên chức quan trọng đến thăm xứ sở chúng ta.  Tôi đã không cố gắng để nói với họ Đặng những gì sẽ phát biểu khi ông ta có cuộc họp báo.  Tôi đã không cố gắng để nói với họ Đặng về những gì phát biểu khi ông ta gặp gỡ các Thành Viên của Quốc Hội.  Tôi đã không cố gắng để viết lời chúc tụng ở bàn tiệc cho ông ta.  Và tôi nghĩ thật là chính xác để nói rằng các lời tuyên bố của họ Đặng tại xứ sở chúng ta chắc chắn đáng chú ý hơn những sự phát biểu mà ông ta đã đưa ra trong chính nước của mình hay những sự phát biểu mà ông đã đưa ra tại các nước khác.
       “Quan điểm và thái độ của phía Trung Quốc đối với Liên Bang Sô Viết thì rất rõ ràng đối với tất cả chúng ta trong nhiều năm qua.  Chúng ta có một số lãnh vực mà chúng ta bất đồng với sự lượng định về Liên Bang Sô Viết như được phát biểu bởi họ Đặng.  Mục đích của chúng ta, mục tiêu của chúng ta, tôi sẽ nói có lẽ trách nhiệm quan trọng nhất mà tôi gánh vác trên vai, với tư cách Tổng Thống, là bảo vệ hòa bình trên thế giới, và đặc biệt có các mối quan hệ tốt, vững chắc với Liên Bang Sô Viết đặt trên ước muốn chung về hòa bình, điều mà tôi tin chắc rằng họ cũng chia sẻ.  Chúng ta hiện đang làm việc hàng ngày để cố gắng tìm ra một thỏa ước SALT [hạn chế vũ khí chiến lược, chú của người dịch] với Liên Bang Sô Viết … Chúng ta sẽ khai phá mọi cách chúng ta có thể làm được, một phương thức để thực hiện các mục đích và tôn vinh các nguyên tắc của chính quốc gia chúng ta, để cạnh trạnh với chính phủ và nhân dân Liên Bang Sô Viết một cách hòa bình khi cần thiết, song tìm kiếm cùng với họ sự thân hữu, hợp tác, và mậu dịch ở mức tôi đa khả hữu dưới các tình huống đó”. 15
       Khi đặt bên cạnh các nhận định của họ Đặng về mối đe dọa của Sô Viết và nhu cầu một “Đại Liên Hiệp” chống lại Liên Bang Sô Viết, các nhận định của [Tổng Thống] Carter sau cuộc thăm viếng của họ Đặng cho thấy sự bất đồng trong quan điểm giữa giới lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc về cách thức đối đầu với Liên Bang Sô Viết và, một cách mặc nhiên, cán cân chiến lược.  Cuộc thương thảo với Liên Bang Sô Viết thì phù hợp vpới các quyền lợi của Mỹ; đối với họ Đặng, điều đó không thể chấp nhận được bởi Sô Viết là một mối đe dọa quá to lớn và không thể tin cậy được.  Sự khác biệt nền tảng này giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở cực điểm của cơn thống khoái (euphoria) mà hai nước đã có về nhau đã báo trước sự yểu mệnh của cơn thống khoái: nó sẽ bị xì hơi bởi sự tái lượng định nội bộ về nền kinh tế của Trung Quốc và bởi quyết định của Trung Quốc để phóng ra một “cuộc hoàn kích tự vệ” đánh Việt Nam.  Trong khi Hoa Kỳ có thể sống chung với nước kể trước [Trung Quốc], nó đã chọn để phát biểu một cách mạnh mẽ và phê phán nước kể sau [Việt Nam], ngay trước ngày 1 Tháng Ba, khi phía Trung Quốc và Mỹ biến cải các văn phòng liên lạc của họ lần lượt tại Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh thành các tòa đại sứ.
       Như sẽ được nêu ra dưới đây, họ Đặng đã ước lượng quá đáng mức độ của sự ủng hộ, chấp thuận và thông cảm ngấm ngầm của Hoa Kỳ đã biểu lộ dành cho các quan ngại cấp miền và toàn cầu của Trung Quốc, đặc biệt các lý do nằm bên dưới các hành động mà Trung Quốc đã dự tính tại Đông Dương.  Các hậu quả của sự ước lượng thấp đó, cộng với sự thông qua Đạo Luật Các Quan Hệ Với Đài Loan năm 1979 bởi Quốc Hội Mỹ, đã làm xì hơi cơn thống khoái bao quanh các thái độ chính trị Hoa Kỳ - Trung Quốc tiếp theo sau cuộc xung đột Trung Quốc – Việt Nam, giống như sự tái lượng định kinh tế Trung Quốc – làn sóng gợn đầu tiên được cảm thấy ngay khi cuộc chiến tranh giảm dần cường độ -- đã làm xẹp đi cơn thống khoái mậu dịch của Hoa Kỳ (và Nhật Bản) đối với Trung Quốc.  Họ Đặng – bất kể sự đón tiếp hào sảng dành cho ông tại Hoa Kỳ -- đã không thể đạt được sự hậu thuẫn của Mỹ cho chính sách chống Sô Viết của ông (bất kể các cáo giác không xác thực của Sô Viết nói rằng ông đã nhận được sự ủng hộ đó), đã không có thể đạt được sự ủng hộ ngấm ngầm từ Hoa Kỳ cho sự giảng dạy của Trung Quốc một bài học dành cho Việt Nam, và đã không làm giảm bớt nhiệt tình của quốc hội để thông qua pháp chế quy định một cách chính thức các bảo đảm của Mỹ đối với Đài Loan.
       Mặc dù bản Hiệp Ước mới với Nhật Bản đã đánh dấu một khúc ngoặt trong các quan hệ Trung – Nhật, sự ký kết của nó đã không đạt được nếu không có sự thỏa hiệp về phía Trung Quốc.  Đòi hỏi nguyên thủy của Trung Quốc về điều khoản chống lại chính sách bá quyền đã được làm nhẹ bớt và vấn đề Quần Đảo Senkaku (Điều Ngư: Tiaoyut’ai) – vốn suýt làm tan vỡ các cuộc đàm phán hồi Tháng Tư 1978 – được xếp lại.16  Chuyến du hành của họ Đặng sang Đông Kinh, cũng giống như chuyến du hành sau này sang Hoa Kỳ, đã không chỉ quan tâm đến việc cải thiện các quan hệ Trung – Nhật.  Mục đích của ông là lôi kéo Nhật Bản lại gần hơn với Trung Quốc trong các vấn đề cấp miền và toàn cầu, và đặc biệt nhằm khai thác sự thù nghịch của Nhật Bản đối với Liên Bang Sô Viết.  Nước kể sau [Liên Bang Sô Viết] đã không chịu hoàn trả “Bốn Đảo Phương Bắc” cho Nhật Bản và đã không ký kết một hiệp ước hòa bình với cựu thù của nó.  Trái lại, Trung Quốc đã ký kết một hiệp ước và đã hứa hẹn sẽ hủy bỏ Hiệp Ước Hữu Nghị, Liên Minh và Trợ Giúp Hỗ Tương giữa Trung Quốc – Sô Viết năm 1950 với nội dung công khai chống lại Nhật Bản của nó.
       Cuộc viếng thăm của họ Đặng tại Nhật Bản đã phô bày không quá nhiều sự thất bại của một khía cạnh quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, nhưng thay vào đó, các sự phức tạp mà Trung Quốc phải đối diện trong việc cố gắng thi hành chính sách của nó.  Trước khi có cuộc du hành, truyền thông Trung Quốc và viên phó thủ tướng có nói rõ rằng Trung Quốc ủng hộ sự tăng cường Các Lực Lượng Tự Vệ của Nhật Bản và sự duy trì thỏa ước an ninh hỗ tương giữa Hoa Kỳ - Nhật Bản.  Nhìn từ chính sách ngoại giao của Trung Quốc, các lập trường như thế thì phù hợp với các mục đích cấp miền và toàn cầu của Trung Quốc nhằm đánh vào sườn người Nga.  Nhưng bên trong Nhật Bản, các chính sách này đã không nhận được một sự đáp ứng tích cực nồng nhiệt. 17 Các thành viên của các đảng Xã Hội Nhật Bản, Cộng Sản Nhật Bản và Đảng Komei cùng Câu Lạc Bộ Tân Tự Do đã biểu lộ các quan điểm về các lập trường của Trung Quốc từ chỗ phê phán đến nghi ngờ; cánh hữu trong Đảng cầm quyền Tự Do Dân Chủ thì ngờ vực sâu xa các ý định của họ Đặng: sau rốt ông ta là một người cộng sản và không thể tin tưởng được.   Từ đó, họ Đặng đã rời Nhật Bản với thiện chí – nhưng không có gì giống như mối quan hệ đồng minh mà người Nga nói rằng ông ta muốn có và mối quan hệ mà ít nhất một số người Nhật có thể đã sửa soạn để tiến tới.
       Theo sau chuyến du hành sang Nhật Bản, là sự thừa nhận của Mỹ dành cho Trung Quốc – một hành vi được chấp thuận bởi Đông Kinh.  Hoa Kỳ, âm thầm ủng hộ các sự chuyển động của chính pghủ Fukuda tiến đến việc ký kết một hiệp ước với Trung Quốc, bị nhìn bởi một số quan sát viên ở Đông Á là đang di chuyển đến một quan điểm gia nhập vào một mối quan hệ tam phương với Trung Quốc và Nhật Ban chống lại Liên Bang Sô Viết.  Nhưng không có công luận hay quan điểm chính thức nào của Nhật Bản hay Mỹ là sẵn sàng nhiều hơn một “liên hiệp nguyên sơ” với các tình huống thuận lợi nhất giữa ba nước vào lúc đó – một tình trạng không thay đổi gì cả.
       Họ Đặng có thể rời Nhật Bản hồi Tháng Mười kỳ vọng rằng, với thời gian trôi qua, phía Nhật Bản sẽ ngả gần hơn về phía Trung Quốc và ủng hộ một số mục đích chính sách ngoại giao của Bắc Kinh, đặc biệt các mục đích cấp miền.  Từ đò, sau cuộc thăm viếng của ông tại Hoa Kỳ, ông đã quay trở lại Tokyo một lần nữa trong Tháng Hai 1979 để tóm lược với tân thủ tướng Nhật Bản, ông Ohira Masayoshi, về chuyến viếng thăm đó, thông báo cho ông Ohira rằng Trung Quốc đang cứu xét việc hành động đánh Việt Nam, và để toan tính giành được sự ủng hộ của Nhật Bản cho các hành động đó. 18 Tokyo đã từng mau chóng chỉ trích các hành động của Việt Nam hồi Tháng Một chống lại Kampuchea, đã tiếp tục thừa nhận chế độ Pol Pot và còn cắt giảm cả sự cam kết ngoại viện của nó cho Hà Nội; tuy nhiên, trong tinh thần của chính sách ngoại giao “trong mọi chiều hướng: omni-directional”, chính phủ Ohira đã không tán thành các kế hoạch của Trung Quốc nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học”.  Họ Đặng tái xác định các lời cảnh cáo của ông về Việt Nam trong một ngôn ngữ rất nặng nề -- lời lẽ mà các chủ nhà Nhật Bản đã cố gằng làm ôn hòa hơn nhung không thành công, ngay cả trong khi họ đã biểu lộ sự thận trọng về các ý định trong tương lai của Trung Quốc tại Đông Dương.
       Trong cuộc gặp gỡ của ông ta với Thủ Tướng Ohira hôm 7 Tháng Hai, họ Đặng được tường thuật đã cho hay rằng “Việt Nam phải bị trừng phạt vì hành động bành trướng chủ nghĩa của nó tại Căm Bốt …hành động vốn được xúi bẩy bởi Liên Bang Sô Viết”.  Ohira có nói “ông hy vọng Trung Quốc sau hết sẽ chia sẻ với quan điểm của Nhật Bản rằng [các cuộc xung đột tại Đông Dương] phải được giải quyết một cách hòa bình”.  Trong một cuộc gặp gỡ riêng biệt, Ngoại Trưởng Nhật Bản Sonoda Sunao được tường thuật có nói với đối tác Trung Quốc của ông, Huang Hua (Hoàng Hoa), “rằng Trung Quốc không nên dùng vũ lực để giải quyết sự tranh chấp biên giới của nó với Việt Nam … Nhật Bản muốn nhìn thấy Trung Quốc hành động với sự thận trọng”. 19   Hơn nữa, trong các cuộc gặp gỡ riêng tư, họ Đặng đã tấn công “chủ nghĩa bá quyền” của Sô Viết khá mạnh mẽ, nhưng các nhận xét này đã “được giữ kín bởi các viên chức”. 20
       Trong khi phía Nhật Bản biểu lộ sự không an tâm về các ý kiến của họ Đặng nhiều hơn phía Mỹ, giống như người Mỹ, họ đã không quở trách ông ta một các công khai hay tự mình tách xa một cách rõ rệt với các nhận định này.  Tuy nhiên, họ cảnh giác hơn về việc bị ràng buộc một cách quá chặt chẽ với “chủ trương chống bá quyền” công khai của họ Đặng, chính vì thế, tìm cách né tránh việc làm trầm trọng hơn các quan hệ với Liên Bang Sô Viết.
       Tuy nhiên, họ Đặng đã quay về Trung Quốc tin tưởng rằng ngay dù nếu ông đã không có được sự ủng hộ mạnh mẽ cho các chính sách quân sự của Trung Quốc đối với Việt Nam, sẽ chỉ có ít sự chỉ trích được đưa ra từ phía Nhật Bản, và còn ít hơn nữa từ phía Mỹ, một khi cuộc xung đột bùng nổ.  Nhận thức này bị chứng tỏ hoàn toàn sai lầm.
       Từ đó, vào lúc họ Đặng trở về Bắc Kinh với sự đón tiếp một anh hùng hôm 8 Tháng hai, 21 bằng chứng trước đó khiến ta mạnh mẽ nghĩ rằng giới lãnh đạo Trung Quốc, và đặc biệt họ Đặng, có thể đã cảm thấy rằng Hoa Kỳ sẽ im lặng về việc “dạy cho một bài học” được đề xướng bởi Trung Quốc, và rằng Nhật Bản có thể làm theo đúng như thế.  Sự kỳ vọng này đại diện cho một cảm giác bị phóng đại về tác động của sự thành công của cuộc thăm viếng của họ Đặng tại Hoa Kỳ và không đếm xỉa đến các sự ngờ vực được biểu lộ một cách công khai của Tổng Thống Carter về hành động đó, không lâu sau khi họ Đặng rời bước.  Tuy nhiên, phía Trung Quốc có thể đã cảm thấy rằng họ có thể giành đạt được sự ủng hộ cho các hành động của họ trong một số giới người Mỹ và Nhật chống lại Sô Viết và sự trung lập công khai của các chính phủ Nhật Bản và Mỹ.  Sự kỳ vọng này được chứng tỏ là ít có căn cứ.  Tình trạng này thì hoàn toàn không may mắn khi đối chiếu với bối cảnh của các quan hệ giữa Sô Viết và Trung Quốc.
       Tuy nhiên các quan hệ không dễ chịu giữa Moscow và Bắc Kinh có thể đã xuất hiện vào lúc đầu năm 1978, đến cuối năm chúng đã trở nên tồi tệ hơn một cách đáng kể.  Các quan hệ song phương, nhà nước với nhà nước còn rất xấu.  Tuy nhiên, mối quan hệ đã tệ hại hơn bởi một mặt có sự chỉ trúch gay gắt của Trung Quốc đối với các hoạt động toàn cầu của Sô Viết, và mặt khác, đặc biệt với sự phát triển trong mối quan hệ “gọng kìm” giữa Liên Bang Sô Viết và Việt Nam.  Các lời bình luận của Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh rằng ”cái gọng kìm” đã có một ác ý trong việc kết hợp Việt Nam và Liên Bang Sô Viết chống lại Trung Quốc.  Trong khi phía Sô Viết phải được gán cho các lời cáo buộc nặng nề về việc ve vãn Việt Nam, một liên minh Moscow – Hà Nội không có tính chất tiền định: sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Căm Bốt, sự thu hồi viện trợ của Trung Quốc khỏi Việt Nam, các sự di chuyển và khiêu khích của Trung Quốc tại biên giới Việt Nam, tất cả đã trợ lực vào việc khích động các khuynh hướng tại Hà Nội để xếp hàng với Liên Bang Sô Viết.
       Vào lúc sự chiếm đoạt Phnom Penh do Việt Nam hậu thuẫn xảy ra trong tuần lễ đầu tiên của năm 1979, Việt Nam có thể cảm thấy hoàn toàn vững tâm rằng hành động của nó sẽ gặp phải các sự chỉ trích bằng miệng nghiêm trọng của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc, lo ngại đẩy Hà Nội đến việc viện dẫn hiệp ước mới của nó với Moscow, sẽ không đánh liều để trả đũa trực tiếp vào Việt Nam.
       Khi cuộc xung đột Trung – Việt sắp xảy ra, Trung Quốc chỉ có ít sự bảo đảm – nếu có – rằng Liên Bang Sô Viết sẽ không phản công lại Trung Quốc một khi Việt Nam và Trung Quốc đụng độ nhau.  Ngay trước và trong suốt cuộc xung đột, Trung Quốc đã không toan tính bằng ngôn từ để kích động Liên Bang Sô Viết tiến tới hành động, nhưng dường như đã không loại bỏ rằng hành động như thế lại không có thể xảy ra.  Từ đó, trong một loạt các cuộc phỏng vấn mà tôi đã thực hiện với một số viên chức trung cấp thuộc Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tại Bắc Kinh giữa khoảng từ 18 Tháng Hai đến 6 Tháng Ba, hai chủ đề trở nên rõ ràng: (1) phía Trung Quốc tuyên bố rằng giới lãnh đạo của họ đã cứu xét đến các hành động khả dĩ mà Sô Viết có thể thực hiện và, theo hàm ý, đã không lo sợ vấn đề đó; (2) họ đã ít khởi xướng – nếu có – việc đưa ra các nhận định tóe lửa về phía Nga.  Đặc biệt, họ đã không đề cập đến Sô Viết như “con gấu bắc cực” cũng như đã không chấp nhận (hay bác bỏ) sự định tính (characterization) của tôi về Sô Viết như một “con gấu bắc cực bằng giấy” qua việc không thực hiện hành động quân sự chống lại Trung Quốc trong suốt cuộc xung đột.  Tóm lại, nếu người Nga sắp đi đến việc tấn công Trung Quốc, Trung Quốc đã không mời gọi một cuộc tấn công như thế bằng việc châm chọc Sô Viết.  Ngoài ra, điều này có thể là một “dấu hiệu” cho phía Nga rằng hành động của Trung Quốc tại Việt Nam thực sự sẽ có một bản chất hạn chế.  Chính vì thế, không cần Sô Viết làm gì nhiều hơn việc bày tỏ ở một mức độ thích đáng sự ủng hộ bằng miệng dành cho Hà Nội và tiếp tục cung cấp vũ khí cho Việt Nam. 22

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét