Thứ Ba, 15 tháng 4, 2025

Cuộc cách mạng ở làng Mùi ?

Cuộc cách mạng ở làng Mùi ?
Nguyễn Thông - Bàn trà Chủ nhật (6) - Đã từ lâu ở nước này, bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị được xác định và tồn tại theo nguyên tắc “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Đảng lãnh đạo thì quá rõ, thậm chí còn được ghi vào hiến pháp (điều 4). Nhà nước cũng vậy, chính phủ và chính quyền các cấp không chỉ quản lý mà còn trực tiếp làm đủ mọi chuyện to nhỏ, nếu đúng thì dân-nước được nhờ, sai thì dân-nước gánh chịu. Còn dân có được làm chủ hay không thì rất mơ hồ. Mơ hồ như người ta thường nhắc tới dân chủ vậy.

Phụ vào với đảng còn có cả hệ thống trùng điệp đoàn thể, hội này hội nọ, tay phải tay trái, tạo nên cái gọi là hệ thống chính trị. Ở xứ này, chính trị là thống soái, không có thứ gì lọt khỏi vòng chính trị, kể cả cơm ăn áo mặc. Làm gì có chuyện vô chính trị, không quan tâm, thờ ơ với chính trị. Làm thơ, viết nhạc còn phải vuốt ve chính trị nữa là. Không tin cứ hỏi các nhà thơ, nhạc sĩ.

Lứa chúng tôi, khi sinh ra đảng đã có rồi. Mặc nhiên nghĩ “đảng là cuộc sống của tôi/mãi mãi đi theo người” khi loa đài, báo chí, sách vở tuyên truyền như vậy suốt ngày, chỉ trừ lúc đã ngủ.

Hầu như ai cũng biết, dưới đảng còn có nhà nước (một thực thể rất chung chung, không thể hình dung nó là thứ gì, như thế nào, ngoài sự cụ thể có chủ tịch và phó chủ tịch nước) ; quốc hội (cơ quan cao nhất của quốc gia, nhưng trên thực tế thì rất thấp, đến nỗi khi ghi danh sách tứ trụ thì chủ tịch quốc hội chỉ được xếp thứ 4, hạng chót) ; chính phủ, còn gọi là cơ quan hành pháp (thực hành pháp luật), đứng đầu là thủ tướng, dưới thủ có các phó thủ, đội ngũ bộ trưởng, thứ trưởng.

Dưới nữa là chủ tịch ủy ban hành chính (dân đùa gọi thành “hành là chính”, về sau bề trên thấy nhột đổi thành ủy ban nhân dân) các tỉnh/thành phố, các quận huyện, phường xã. Có lẽ trong bộ máy đông đảo ấy, chỉ duy nhất trưởng thôn/ấp/khu phố là không được tính vào danh sách 70 % mà ông Tô Lâm đã chỉ thẳng ra. Vừa rồi đứa cháu tôi bảo trưởng thôn không được coi là cán bộ, không có lương nhưng gần đây được điều chỉnh hưởng phụ cấp cao phết, mà tiền ấy cũng từ ngân sách, ông nhé. Tự dưng tôi đâm nghi cái con số 70 kia.


Về nguyên tắc đảng lãnh đạo, cần hiểu rằng đây là sản phẩm đặc thù của khối xã hội chủ nghĩa và những nước độc đảng, độc tài. Chỉ có một đảng thì đương nhiên đảng đó được quyền lãnh đạo, chứ chả nhẽ giao cho ai. Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Lào, Việt Nam… đều vậy. Dân phải chấp nhận sự lãnh đạo ấy, bởi muốn khác cũng không được. Đảng là một dạng siêu nhà nước, siêu chính phủ, nắm tất cả mọi thứ lớn nhỏ, chuyện trong nước ngoài nước, từ trung ương tới thôn ấp.

Ở Việt Nam, đảng được ghi rõ ràng trong hiến pháp là lực lượng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Chỗ này xin nói thêm, xứ ta việc gì cũng được coi là cách mạng, chiến dịch, kể cả tiêm chủng, sinh đẻ có kế hoạch… đều cách mạng hết. Mà đã làm điều này nọ thì luôn có thành bại, nhưng đảng chỉ nhận phần thắng lợi.

Đảng lãnh đạo toàn diện, mọi mặt, nên đã hình thành bộ máy cơ quan, tổ chức đảng từ trung ương tới địa phương, trong mọi lĩnh vực, mọi hệ thống (lập pháp, hành pháp, tư pháp ; các ban bộ ngành, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát, công ty, trường học, đoàn thể…). Tôi đố ông bà nào chỉ ra được ví dụ một thực thể dạng ấy mà không có bộ máy đảng đó.

Tồn tại trùng lặp, chồng chéo, dư thừa, dẫm lên nhau, nên cái gì cũng nhân đôi, phình gấp đôi. Kể cả con người, trụ sở, trang bị, công cụ…, và nhất là tiền bạc ngân sách nuôi. Trụ sở đảng thường to hơn cả trụ sở chính quyền (ủy ban), quyền hành quyền lực người đứng đầu đảng mặc nhiên lớn hơn chủ tịch, tiền lương bên đảng luôn cao hơn bên hành pháp. Chia ra nhưng cũng chỉ làm mỗi việc lo cho nước cho dân.

Đó là sự thực tồn tại quá lâu rồi. Người dân đều biết nhưng không dám nói. Các trí thức, học giả, giáo sư tiến sĩ, ông nọ bà kia cũng biết cả nhưng cứ ngậm tăm, họ đợi ông Tô Lâm phát ngôn đã rồi mới ùa nhau xông ra, lý luận phải thế này, phải thế nọ ; vừa an toàn, vừa cấp tiến.

Cuộc đổi mới lần này đang ẩn chứa hy vọng, dĩ nhiên kết quả thế nào còn phải chờ. Có thể là cuộc sinh nở dữ dội, đổi thay gần tận gốc (chỉ gần thôi, bởi kết luận của hội nghị trung ương 11 khóa 13 đã khẳng định gốc vẫn như cũ rồi). Nhưng biết đâu cũng chỉ như cuộc cách mạng ở làng Mùi mà Lỗ tiên sinh (
Nhà văn Lỗ Tấn) đã tả.

Cuộc cách mạng làng Mùi ở An Nam

Nguyễn Thông - 9-4-2021

Báo chí và hệ thống truyền thông quốc doanh đang thỏa sức ca ngợi sự “thành công tốt đẹp” của kỳ họp quốc hội, tán tụng bộ máy mới, những gương mặt “mới mà cũ” đầy phẩm chất, thậm chí còn khảo cổ khai thác những vỉa xưa thời chăn trâu cắt cỏ, học trường làng, đi kiếm củi, làm thuê làm mướn của đương sự. Tất cả chỉ nhằm rằng kỳ này đã “sáng suốt lựa chọn” được những nhân tài, mở ra thời kỳ mới, tương lai tươi sáng cho xã hội, cho đất nước. Nó giống như một cuộc cách mạng, thay đổi mạnh mẽ bộ máy, và mọi ước mơ đang biến thành hiện thực.

Nhưng, nếu ta chịu khó để ý, thì hầu như đại hội đảng hoặc kỳ họp quốc hội nào cũng cái phom (form) như thế, không có đại hội/kỳ họp nào dở xấu tồi kém cả, không có sự lựa chọn nào không chính xác cả. Mọi thứ mặt trái chỉ được phơi bày khi bộ máy và những con người ấy hoạt động. Lúc đảng tiến hành đại hội 11, đại hội 12, đại hội 13, lúc quốc hội 12, 13, 14 ra đời, có ai dám nói đảng và quốc hội kém sáng suốt đâu, chọn nhân sự sai đâu. Cuối cùng vẫn tòi ra hàng xâu hàng lũ mọt nước hại dân như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Phan Văn Vĩnh, Trần Việt Tân, Nguyễn Văn Hiến, Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang… vốn một thời hét ra lửa, đường đường ngôi phụ mẫu chi dân.

Muốn biết những gương mặt mới thực chất thế nào, tốt nhất là phải đợi các vị ấy làm được cái gì, thay đổi được gì, tạo dấu ấn tốt đẹp gì, có lợi gì cho xã hội, cho dân cho nước, chứ đừng vội vàng ca tụng tung hô. Họ là người chứ không phải thánh. Chủ nghĩa duy vật cho rằng vật chất quyết định ý thức, vậy hãy cứ chờ đợi chiêm quan thứ họ làm, rồi hãy đánh giá cũng chưa muộn. Chính vì vậy, dạng người được việc, chứng minh khả năng cầm quyền, lãnh đạo hiệu quả như ông Lê Văn Thành ở Hải Phòng rất ít.

Mà đã thực sự chọn đúng người chưa? Một ông làm bộ trưởng giao thông suốt mấy năm, đó là chưa kể đóng vai thứ trưởng bộ ấy mấy năm trước, nhưng trong bao nhiêu năm ổng tại vị, hệ thống đường giao thông, nhất là đường cao tốc ở khu vực chiến lược đồng bằng sông Cửu Long vẫn cực kỳ lạc hậu, đi từ Sài Gòn về Cà Mau chỉ tròm trèm 300 cây số phải mất hơn nửa ngày (6 – 8 tiếng đồng hồ), có cái BOT trấn lột Cai Lậy vô lý chặn huyết mạch nuôi sống cả nước mà suốt bao nhiêu năm không giải quyết nổi, có con rắn xi moong Cát Linh – Hà Đông vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian, để lại biết bao nhiêu tai tiếng, tới giờ vẫn chưa dám đưa vào hoạt động… Tất cả đều xảy ra trong nhiệm kỳ của ông ta, vậy vẫn được đôn lên, vẫn đương kim bộ trưởng. Không hiểu ông ta có cái bùa hộ mệnh gì.

Một phụ nữ đã 63 tuổi, cũng chửa rõ tài năng xuất chúng gì, nhưng ở tuổi ấy, cả đàn bà lẫn đàn ông khi vượt qua lục thập hoa giáp đều trở nên chậm chạp, đầu óc kém minh mẫn dần, nhưng vẫn được giao việc quan trọng nhất trong những việc trọng là công tác tổ chức, lựa chọn con người để chèo lái quốc gia. Cứ cho là có tài nhất định đi, không vướng bận gia đình đi, nhưng sao có thể tài giỏi bằng những người trẻ hơn, học thức cao hơn.

Một bà khác nữa, khi xảy ra vụ Đồng Tâm giữ chức Trưởng ban dân vận của TP.Hà Nội. Bà không những không vận được dân “một lòng theo đảng” mà ngược lại còn “góp phần” vào vụ việc đầy tai tiếng, cuối cùng vẫn được sáng suốt lựa chọn làm Phó bí thư thường trực Thành ủy thủ đô.

Rất nhiều ông bà quan chức cấp cao cả trung ương lẫn địa phương, mở ngó lý lịch của họ, nào là cao cấp chính trị, nào là giáo sư tiến sĩ lý luận Mác – Lê, cứ lấy đó làm bậc thang thăng tiến, chả hiểu họ sẽ đóng góp gì được cho đất nước này… Khi chính trị độc đoán còn lấn át kỹ trị, chi phối tài năng, lấy tư tưởng làm thống soái, quyết định mọi hoạt động, nhất là vận hành bộ máy kinh tế và giáo dục, thì đừng mơ này nọ xa xôi chi cho mệt.

Nhà văn Lỗ Tấn từng viết về chú AQ và cuộc cách mạng ở làng Mùi (chỗ này nói thêm tí cho rõ: nhiều người không biết, cho rằng chuyện ở một làng có gì đáng nói, họ cứ nghĩ cái làng Mùi ấy cũng na ná như làng Vũ Đại của Nam Cao, làng Chợ Dầu của Kim Lân. Không phải vậy, làng (hương) ở bên Tàu là đơn vị hành chính to ngang một huyện ở ta. Thập niên 1960 có làng Đại Trại được Mao Trạch Đông xây dựng trở thành công xã, tay chủ nhiệm công xã là Trần Vĩnh Quý về sau còn được đôn lên làm phó thủ tướng chứ đùa). Làng Mùi làm cách mạng, nhộn nhạo một dạo, thay người này, hạ kẻ khác, cuối cùng thì lão Tây giả vẫn là lão Tây giả, cụ cố họ Triệu, cụ cố họ Tiền vẫn thét lác quát nạt, bộ máy cai trị làng Mùi vẫn chết chóc u ám, gần như chả có gì thay đổi sau cơn biến động.

Cách mạng làng Mùi ở An Nam cũng chả khác gì, chả có gì để hy vọng, nhất là khi con người ta vẫn đầy tham lam, khư khư ôm chặt quyền lực để “vì tương lai con em chúng ta”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét