Thứ Ba, 8 tháng 4, 2025

Trump ủ mưu đánh thuế Trung Quốc từ những năm 1980

Trump ủ mưu đánh thuế Trung Quốc từ những năm 1980
Andrew Liu | The Guardian | 6 Feb 2025 - ‘Mang quan thuế ra cho tôi’: kế hoạch Trung Hoa của Trump đã được thành hình trong 40 năm như thế nào ? Sự nghiệp chính trị của cả Tập Cận Bình và Donald Trump đều được định hình do kinh nghiệm hình thành của họ trong những năm 1980 – và trên hết là cuộc chạm trán của họ với Nhật Bản.
Năm 2011, Donald Trump phát biểu trước khoảng 1.000 khán giả ở Las Vegas, hé lộ về một cuộc tranh cử tổng thống có thể có, nếu có vẻ huyền ảo. Đang nói nửa chừng về chính sách Trung Đông và giá dầu, ông đã lạc đề một lúc về thương mại với Á châu: “Trung Hoa, tôi đã nói ngày hôm nọ – rất, rất khó mua bất cứ thứ gì, bên ngoài hàng hóa Trung Hoa. Một số quốc gia khác cũng vậy, nhưng Trung Hoa, quý vị biết đấy, quốc gia đó là vấn đề.

“Và ai đó nói: ‘Ông sẽ làm gì? Ông có thể làm gì?’ Thật dễ dàng. Tôi đánh 25% thuế lên hàng hóa Trung Hoa. Và quý vị biết đấy, tôi đã nói với ai đó rằng người đưa tin thực sự rất quan trọng. Tôi có thể yêu cầu một người nói: [lên giọng] ‘Chúng tôi sẽ đánh thuế quý vị 25%.’ Và tôi có thể nói một câu khác: ‘Nghe này, lũ khốn nạn, tụi tao sẽ đánh thuế tụi bay 25%!’”

Trong những năm qua, Trump đã liên tục thay đổi những chủ đề tiêu chuẩn của tổng thống, từ Trung Đông, y tế cho đến phá thai. Nhưng phải công nhận ông ấy không thay đổi ở điểm này: ông ấy đã có sự nhất quán đáng kinh ngạc về quan thuế, một trọng tâm trong cả nghị trình đối nội và đối ngoại của ông ấy. Một người bạn và cựu giám đốc điều hành ngành thép nói với New York Times, “Đây là điều đã kẹt trong cổ họng của ông ấy kể từ những năm 80. Nó đến từ niềm tin cốt lõi của chính ông ấy.” Vài tuần trước cuộc bầu cử năm 2024, Trump nói: “Đối với tôi, chữ đẹp nhất trong từ điển là ‘quan thuế’.” Trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhân viên của Trump đã bắt đầu bằng một loạt quan thuế lớn đối với hàng nhập cảng của Trung Hoa. Bắt đầu với những tấm pin mặt trời và máy giặt, họ nhanh chóng mở rộng sang thép và nhôm, sau đó là gần một nửa tổng số hàng hóa từ Trung Hoa, trị giá khoảng 200 tỷ USD. Đến cuối năm 2019, thuế suất bình quân đạt 21%. Trump đã giữ đúng lời hứa của mình.

Những mức thuế của Trump đã được những chuyên gia kinh tế chỉ trích nặng nề, họ cảnh cáo rằng chúng làm tăng lạm phát và gây thiệt hại cho nông dân cũng như những gia đình trung lưu. Nhưng đảng Dân chủ đã miễn cưỡng không tháo dỡ chúng. Chính quyền Biden không chỉ duy trì mà còn mở rộng những mức thuế đánh lên hàng hóa Trung Hoa, hiện nhắm vào xe điện, chip silicon và pin lithium. Ngày nay, những chính sách chống Trung Hoa là điểm hiếm hoi đạt được sự đồng thuận của hai đảng. Ý kiến ​​phổ biến về Trung Hoa đã tăng lên đều đặn kể từ những năm 2000. Cuộc thăm dò của Pew cho thấy 81% người Mỹ nhìn Trung Hoa một cách tiêu cực, ở mức thấp lịch sử. Số sinh viên ghi tên học tiếng Quan Thoại tại những trường đại học Mỹ tăng đều đặn sau năm 1978, đã giảm kể từ năm 2013.

Trump đã giúp tạo dựng thái độ chung khi tuyên bố tranh cử tổng thống vào năm 2015. Trong bài phát biểu đó, ưu tiên hàng đầu mà ông đề cập là đặt ra những hạn chế về thương mại với Trung Hoa. Ông cũng khét tiếng cảnh cáo về “ma túy”, “tội ác” và “những kẻ hiếp dâm” được Mexico gửi qua biên giới. Thương hiệu kỳ thị chủng tộc hiện nay của Trump dường như đang khuấy động hai quốc gia này. “Không có việc làm,” ông nói, “vì Trung Hoa lấy việc làm của chúng ta và Mexico lấy việc làm của chúng ta.”

Tuy nhiên, khi xem lại bài diễn văn năm 2015 đó, có sự xuất hiện đáng ngạc nhiên của một quốc gia thứ ba, nằm giữa Trung Hoa và Mexico: Nhật Bản. Trump chỉ trích,

“Chúng ta đã đánh bại Nhật Bản ở điểm nào khi nào? Họ gửi hàng triệu chiếc xe của họ qua Mỹ, và chúng ta phải làm gì? Lần cuối cùng quý vị nhìn thấy một chiếc Chevrolet ở Tokyo là khi nào? Nó không có đâu thưa quý vị. Họ luôn luôn đánh bại chúng ta.”

Vào thời điểm đó, những người bình luận đã cười nhạo sự cố định của Trump về Nhật Bản. Họ gọi nó là “lỗi thời”, “cũ rồi” và “kỳ quặc”. Nhưng Nhật Bản là nền tảng cho thế giới quan của Trump, như sử gia Jennifer M Miller đã lập luận, kể từ khi ông nổi lên như một nhân vật quốc gia vào những năm 80. Trên thực tế, Nhật Bản thậm chí còn đưa ra khuôn mẫu cho quan điểm của ông ấy về Trung Hoa, điều mà nhiều chục năm sau đó đã gây ra những hậu quả to lớn cho thế giới.

Khi Trump xuất bản ‘Nghệ thuật đàm phán’ năm 1987, căng thẳng Mỹ–Nhật đã lên đến đỉnh điểm. Sự gia tăng nhập cảng hàng hóa lâu bền của Nhật Bản, đặc biệt là xe hơi, trùng hợp với sự suy giảm của ngành sản xuất ở Mỹ. Vào những năm 1970, những cú sốc dầu mỏ toàn cầu đã thúc đẩy người lái xe Mỹ mua những chiếc xe gọn nhẹ hơn, ít tốn nhiên liệu hơn từ Toyota, Honda, Mazda và Subaru. Trump đã quảng bá cuốn sách của mình trong chương trình Larry King và Oprah Winfrey, thí nghiệm những câu nói nghe rất giống với bài phát biểu ở Las Vegas của ông – và cách sử dụng tu từ của ông như một chính khách kể từ đó.

“Chúng ta là một quốc gia mắc nợ. Điều gì đó sẽ xảy ra trong vài năm tới ở đất nước này, bởi vì chúng ta không thể tiếp tục thua lỗ 200 tỷ USD… vậy mà chúng ta lại để Nhật Bản đến và đổ mọi thứ ngay vào thị trường của chúng ta. Đó không phải là thương mại tự do. Nếu quý vị đến Nhật Bản ngay bây giờ và cố gắng bán thứ gì đó, quên đi, Oprah. Hãy quên nó đi. Điều đó gần như bất khả thi. Họ không có luật chống lại điều đó. Họ chỉ làm cho điều đó là không thể xẩy ra. Họ đến đây, họ bán xe của họ, VCR của họ, họ đã đánh bại công ty của chúng ta.”

Vào thời điểm đó, quan điểm của Trump không cực đoan. Năm 1985, Tạp chí New York Times đăng một bài trên trang nhất của tác giả Theodore White, một nhà báo từng đoạt giải thưởng từng đưa tin về cuộc chiến ở Thái Bình Dương, với tựa đề: “Mối nguy hiểm từ Nhật Bản.” Kèm theo đó là một bức ảnh toàn trang đáng lo ngại chụp một chiếc sedan Nissan đang được dỡ hàng tại hải cảng ở Elizabeth, New Jersey.

Vài tháng sau, Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh gồm giới chức tài chính Âu châu, Mỹ và Nhật Bản tại khách sạn Plaza nổi tiếng ở New York (mà chính Trump sẽ mua vào năm 1988). Hiệp định Plaza được đưa ra trong bối cảnh một loạt những thỏa thuận song phương nhằm “tự nguyện” giảm xuất cảng của Nhật Bản đồng thời mở cửa thị trường Nhật Bản cho hàng hóa thế giới, từ đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa – giống như những quy định của Mỹ dành cho Trung Hoa ngày nay. Dưới áp lực từ những nước G5 khác – Pháp, Đức, Mỹ và Anh – Bộ tài chính Nhật Bản đã hạ lãi suất và cấp phép cho những dự án xây dựng ngân hàng. Việc kiếm tiền dễ dàng cộng với xuất cảng ít hơn đã đẩy những doanh nghiệp Nhật Bản vào tình trạng đầu cơ bất động sản.

Ở đỉnh cao của bong bóng theo sau đó, một bộ vuông ở Tokyo có thể bán với giá gấp 350 lần một bộ vuông ở Manhattan. Cung điện Hoàng gia trên danh nghĩa có giá trị bằng toàn bộ California. Từ năm 1987 đến năm 1994, hai người giàu nhất thế giới, theo Fortune, là ông trùm Tsutsumi Yoshiaki và Mori Taikichirō. Và vào năm 1989, Mitsubishi Estates đã mua Trung tâm Rockefeller. Cùng năm đó, khi một phóng viên hỏi Trump về giá trị tài sản ròng của mình, ông trả lời: “Đ_o ai biết được? Ý tôi thực sự là ai biết người Nhật sẽ trả bao nhiêu cho bất động sản ở Manhattan ngày nay?”

Kể từ những năm 80, Trump chưa bao giờ phân biệt rõ ràng giữa kinh nghiệm kinh doanh cá nhân và những chính sách của mình. Nếu Trump nhận được một thỏa thuận tồi tệ thì cả nước cũng vậy. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 với Wall Street Journal, ông nhớ lại nguồn gốc nền tảng giao dịch của mình: “Tôi chỉ ghét thấy đất nước của chúng ta bị lợi dụng. Bạn biết đấy, tôi sẽ thấy hàng triệu chiếc xe hơi đổ về từ Nhật Bản.”

Khi trung tâm của sự năng động kinh tế Á châu chuyển sang Trung Hoa, mục tiêu của sự giận dữ của Trump cũng vậy. Trump nói trong bài phát biểu tại Vegas, “Rất, rất khó để mua bất cứ thứ gì không phải” hàng hóa Trung Hoa. Khi cố gắng mua kính và đồ nội thất do Mỹ sản xuất để làm tài sản, ông chỉ tìm thấy giới máy của Trung Hoa. Trước năm 2016, Trump chưa bao giờ đến thăm Trung Hoa, nhưng ông đã gửi những người con đến đó để lấy giấy phép cho thương hiệu của mình hoặc để đàm phán những giao dịch bất động sản nhưng lần nào cũng gặp trở ngại.

Năm 1982, ở đỉnh điểm của sự hoảng loạn ở Nhật Bản, hai nhân viên da trắng của Chrysler, một người vừa bị sa thải, đã đối đầu và giết chết một người Mỹ gốc Hoa tên là Vincent Chin ở Highland Park, Michigan, gần nơi sinh của Henry Ford. Tình tiết này, không phải lần đầu tiên, tượng trưng cho mối đe dọa có thể thay thế được của vốn Trung Hoa, Nhật Bản và những nước Á châu xa lạ khác trong tâm trí người Mỹ. Chính sách xoay trục sang Trung Hoa của Trump chỉ thể hiện điều đó một cách thẳng thắn hơn. Như ông đã nói với một phóng viên trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông coi Nhật Bản là “có thể thay thế được với Trung Hoa, có thể thay thế được với những nước khác. Nhưng tất cả đều giống nhau.” Việc áp dụng quan thuế của họ cũng không thay đổi, ngay cả khi mục tiêu của họ đã thay đổi. “quan thuế của tôi đâu?” Trump nói trong cuộc họp với những cố vấn đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông. “Mang quan thuế cho tôi.”

Trong nhiệm kỳ thứ hai, Trump đã mở rộng mạng lưới quan thuế để bao gồm những nước láng giềng và những đồng minh bề ngoài là Canada và Mexico. Trong khi đó, trong tuần đầu tiên nhậm chức, Trump đã đe dọa đánh 50% quan thuế lên hành hóa Colombia sau khi hai máy bay chở người Colombia hồi hương bị chặn hạ cánh; ông ta đã đưa ra những lời đe dọa tương tự chống lại Đan Mạch trong nỗ lực mua Greenland.

Ai biết được những mối đe dọa này thực sự đến mức nào? Vào tháng 12, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton, người đại diện cho Trump, đã cố gắng trấn an khán giả gồm những CEO đang bồn chồn rằng chúng chỉ đơn thuần là “một chiến thuật đàm phán hiệu quả.” Mặt khác, quan thuế đối với hàng hóa Trung Hoa: “Đó lại là một con ngựa màu khác.”

Năm 2012, không lâu sau cơn thịnh nộ của Trump ở Vegas, Đảng Cộng sản Trung Hoa đã chọn lãnh đạo mới, ủy viên Bộ Chính trị 59 tuổi Tập Cận Bình. Trong lịch sử của cuộc chiến thương mại hiện nay, Tập chắc chắn sẽ được nhớ đến như đối tác của Trump trong việc leo thang chủ nghĩa dân tộc. Nhưng trong những năm đầu ông lên nắm quyền, giới quan sát Mỹ thận trọng hy vọng rằng ông sẽ là một người lãnh đạo canh tân, dễ tiếp thu chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ. Tạp chí Phố Wall đưa tin rằng vào năm 1985, trong chuyến thăm Mỹ với như một viên chức chính thức của đảng, Tập Cận Bình đã ở cùng một gia đình ở Muscatine, Iowa để quan sát kỹ thuật sản xuất ngô. Năm 2012, con gái ông theo học ở Harvard. Ông ấy thích phim Hollywood. Và ông đã gặp Magic Johnson và David Beckham.

Báo giới cũng đọc những gì họ biết về cha ông, Tập Trọng Huân. Ông Tập cha đã gia nhập đảng cộng sản vào những năm 1920, thăng lên những vị trí cao trong đảng vào những năm 1950 và ở địa vị cách mạng vào cuối đời. Ông cũng bị thanh trừng trong cuộc Cách mạng Văn hóa, gây hậu quả nặng nề cho đứa con trai nhỏ của mình. Năm 1978, Tập Trọng Huân được Đặng Tiểu Bình mới lên phục hồi danh dự. Khi được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông năm đó, nhiệm vụ đầu tiên của Tập Trọng Huân là huy động vốn từ Hong Kong, khi đó vẫn còn là thuộc địa của Anh, vào tỉnh phía Nam. Ông đã giúp thành lập những “đặc khu kinh tế” (SEZ) thí nghiệm đầu tiên dọc theo bờ biển của Trung Hoa, gồm cả Thâm Quyến, viên ngọc quý của SEZ. Ông cũng liên kết với những chính khách cao cấp có tư tưởng canh tân, những người dẫn đầu quá trình tự do hóa chính trị và kinh tế trong những năm 1980. Không có gì ngạc nhiên khi giới quan sát Mỹ hy vọng Tập Cận Bình sẽ tiếp bước cha mình. Như một doanh nhân kỳ cựu người Mỹ đã nói: “Tất cả chúng ta đều hy vọng quả táo không rơi xa gốc cây.”

Tập Cận Bình năm 1988. Ảnh: Tân Hoa Xã/AP

Về mặt chính trị, Tập Cận Bình chưa thực hiện được những hy vọng này. Ông đã hạn chế biểu đạt chính trị, dẫn đầu cuộc đàn áp Tân Cương và tái khẳng định quyền kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế và phần lớn cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, trên mặt trận kinh tế, con đường của Tập thực sự có thể được coi là sự tiếp nối di sản cuối cùng của cha ông. Trở về sau chuyến đi Iowa năm 1985, Tập Cận Bình trở thành phó thị trưởng Hạ Môn, đặc khu kinh tế có quan hệ mật thiết nhất với Đài Loan và thủ đô của Đài Loan. Trong những năm sau đó, khi tiếp tục thăng tiến trong đảng, giữ chức vụ ở những thành phố lớn ven biển, Tập Cận Bình được ghi nhận là người đã giúp những công ty Mỹ thiết lập chỗ đứng ở Trung Hoa, gồm cả FedEx, Citibank và McDonald’s. Từ những năm 80 đến những năm 2000, Hong Kong và Đài Loan là hai nguồn đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Trung Hoa, với tổng trị giá hàng trăm tỷ USD. Nhìn lại năm 2018, Tập Cận Bình nói rằng việc Trung Hoa vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới “phải nhờ vào đồng bào Đài Loan và những công ty Đài Loan của chúng ta.”

Giống như Trump, thế giới quan kinh tế của Tập Cận Bình có thể bắt nguồn từ những kinh nghiệm hình thành trong những năm 1980. Sự nghiệp chính trị của cả hai người đều được định hình do sự trỗi dậy toàn cầu nhanh chóng của Nhật Bản và khu vực Á Châu – Thái Bình Dương. Đối với Tập, đến lượt đảng hướng tới xuất cảng hàng tiêu dùng qua Thái Bình Dương. Tại những thành phố ven biển như Thâm Quyến và Hạ Môn, giới chức chính phủ tự coi mình là người kế thừa những “phép màu” kinh tế Á châu thời hậu chiến. Trong những cuộc thảo luận, họ đề cập đến những ví dụ của Hong Kong và Đài Loan, nhưng đằng sau chúng luôn là kinh nghiệm tiên phong của Nhật Bản. Trong khi đó, đối với Trump, Nhật Bản đại diện cho một cuộc chạm trán mang tính hình thành với nguồn vốn nước ngoài đang bị đe dọa, thâm hụt thương mại quốc gia và sự suy thoái của ngành kỹ nghệ Mỹ. Ông đã nắm bắt trước phản ứng dữ dội trên toàn quốc chống lại sự cạnh tranh kinh tế từ khắp Thái Bình Dương, một cuộc cạnh tranh xuất phát từ những liên minh thời hậu chiến của chính nước Mỹ.

Năm 1987, trước khi xuất hiện trong chương trình Oprah, Trump đã đăng một quảng cáo trên những tờ báo lớn của Mỹ chỉ trích những bảo đảm an ninh và viện trợ quân sự của Mỹ cho những đồng minh như Ả Rập Saudi và Nhật Bản:

“Trong những năm qua, người Nhật, không bị phí tổn tự vệ (miễn là Mỹ làm điều đó miễn phí) ngăn cản, đã xây dựng một nền kinh tế hùng mạnh và năng động với thặng dư chưa từng có. Họ đã quản lý một cách xuất sắc để giữ đồng yen yếu so với đồng đô la mạnh. Điều này, cùng với khoản chi tiêu quốc phòng khổng lồ của chúng ta để bảo vệ họ và những nước khác [sic], đã đưa Nhật Bản lên vị trí hàng đầu trong nền kinh tế thế giới.”

Mỹ chiếm đóng Nhật Bản bắt đầu ngay sau khi nước này đầu hàng năm 1945. Ngay từ đầu, Tướng Douglas MacArthur đã áp đặt một loạt chính sách theo phong cách Chính sách Kinh tế Mới, hỗ trợ những nghiệp đoàn lao động và quyền của phụ nữ đồng thời phá hủy cỗ máy chiến tranh đế quốc và những công ty cổ phần khổng lồ đã hỗ trợ nó. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1947, giới chức Bộ Ngoại giao đã can thiệp và định hướng lại chính sách Mỹ–Nhật theo hướng chiến lược quân sự và kinh tế nhằm ngăn chặn Cộng sản.

Điều mà những sử gia gọi là “tiến trình ngược lại” không phải vì nghĩ đến người dân Nhật Bản. Ưu tiên là chiến lược khu vực. Ban đầu, giới chức chính quyền Mỹ đề nghị xuất cảng hàng hóa thô của Mỹ sang Nhật Bản, hạ thấp rào cản nhập cảng và khuyến khích Nhật Bản tăng cường ảnh hưởng chống Cộng sản trong khu vực – tạo thành một phần của cái mà Ngoại trưởng lúc bấy giờ là Dean Acheson gọi là “vành đai phòng thủ” từ Quần đảo Aleutian ở phía bắc Thái Bình Dương đến Philippines ở phía nam.

Chiến tranh Đại Hàn đã đưa tầm nhìn này đến gần hơn với thực tế. Mỹ đã mở rộng vĩnh viễn sự hiện diện quân sự ở Nam Hàn, Đài Loan và Nhật Bản, được hỗ trợ bằng những đơn đặt hàng “mua sắm đặc biệt” đối với kim loại, dệt may, xe cộ và máy móc của Nhật Bản. Việc chi tiêu này đã khởi động lại những ngành kỹ nghệ đang ngủ yên của Nhật Bản và hồi sinh chúng trở lại mức thời chiến. Thủ tướng Yoshida Shigeru cũng thúc đẩy Mỹ đảm nhận trách nhiệm quân sự của Nhật Bản – để Trump sau này phàn nàn – để Nhật Bản nhất tâm theo đuổi tăng trưởng kinh tế.

Trong tầm nhìn ban đầu của giới hoạch định chính sách Mỹ, tăng trưởng kỹ nghệ của Nhật Bản là một phương tiện để đạt được mục đích, phụ thuộc vào an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1960, khu vực Á châu–Thái Bình Dương tư bản đã phát triển thành một khu vực hoàn toàn khác. Từ năm 1965 đến năm 1990, đây là khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, dẫn đầu là Nhật Bản, bốn “con hổ nhỏ” (Nam Hàn, Hong Kong, Singapore và Đài Loan) và “những nền kinh tế kỹ nghệ hóa mới” phía Đông Nam (Indonesia, Malaysia và Thái Lan).

Đối với những người ủng hộ khu vực, Vành đai Thái Bình Dương mới được đặt tên là một “khu vực tư bản quốc tế không tưởng”. Nhưng dù nó xuất hiện như “phép màu” hay “mối đe dọa”, chuyên gia khoa học chính trị Meredith Woo lập luận, giới quan sát có khuynh hướng bỏ qua sự phụ thuộc kinh tế–quân sự của khu vực vào Mỹ. Nhật Bản, khi bị ép tại Hội nghị Khách sạn Plaza để hạn chế xuất cảng, đã có rất ít đòn bẩy để kháng cự. Ngày nay, Trung Hoa khiến Washington sợ hãi không chỉ vì sự giống nhau kỳ lạ của nó với phép lạ Nhật Bản, mà còn vì những khác biệt địa chính trị quan trọng: sẽ không có Hiệp định Plaza Trung Hoa.

Nếu quan thuế đối với hàng Trung Hoa của Trump hiện là quan điểm của lưỡng đảng, thì trụ cột trí tuệ của họ đến từ Michael Pettis, giáo sư tài chính người Mỹ tại Đại học Bắc Kinh, người có ảnh hưởng đến cả chính quyền Trump và Biden. Pettis cáo buộc, gốc rễ của vấn đề Trung Hoa là tình trạng tiết kiệm quá mức, mức tiêu thụ thấp và “dư thừa năng lực” kỹ nghệ của nước này, được đưa ra bên ngoài vào hàng xuất cảng rồi được “bán phá giá” ra thế giới bên ngoài.

Đối với giới quan sát Mỹ, rõ ràng là Trung Hoa nên chuyển hướng từ xuất cảng hàng hóa sang phát triển thị trường nội địa, giống như Nhật Bản đã làm trong những năm 80. Sự không khoan nhượng của Đảng Cộng sản chỉ có thể xuất phát từ tâm lý thất cách. Paul Krugman mô tả Tập Cận Bình là “không thể” và “không sẵn sàng” một cách kỳ lạ để thay đổi như vậy. Trên tờ Wall Street Journal, Lingling Wei đổ lỗi cho “những phản đối về mạt triết lý sâu xa của Tập đối với tăng trưởng theo hướng tiêu dùng theo kiểu Tây phương”, mà ông coi là “lãng phí”, “chủ nghĩa phúc lợi” và đơn giản là mâu thuẫn với tham vọng quyền lực toàn cầu của Trung Hoa.

Tuy nhiên, Pettis không coi chiến lược của Trung Hoa là kỳ quái. Ông lưu ý rằng việc thoát khỏi tăng trưởng dựa vào xuất cảng là có nhiều rủi ro. Bất kỳ biện pháp nào nhằm “đảo ngược” tiến trình chuyển giao của cải từ gia đình sang chính phủ, bằng cách chuyển hướng nó sang tiền lương và phúc lợi, sẽ đi kèm với sự đánh đổi. Ngành sản xuất của Trung Hoa sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong ngắn hạn, tạo ra sự suy thoái kinh tế đau đớn mà không có bất kỳ lợi ích nào được bảo đảm về lâu về dài.

Do đó, thay vì tâm lý, người ta có thể tìm thấy những lời giải thích cho chiến lược chính trị của Trung Hoa trong lịch sử gần đây. Trước hết là bài học của Nhật Bản và Đông Á, cả về thành công lẫn hạn chế. Khi giới cải cách Trung Hoa thực hiện kỹ nghệ hóa đất nước dựa vào xuất cảng vào những năm 80, họ lập luận rằng vì Hoa lục vẫn còn là một quốc gia khép kín nên những nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa – bằng mức lương cao hơn và những chương trình phúc lợi xã hội – sẽ phải trả giá bằng đầu tư kỹ nghệ. Giới quy hoạch quốc gia nhận ra rằng thay vào đó họ có thể đi theo mô hình của những nước láng giềng Đông Á bằng cách sử dụng thị trường của Mỹ và những nước giàu khác để trợ cấp cho sự phát triển của chính họ.

Tư duy chính trị của Trung Hoa từ lâu đã được định hình bởi nỗi lo lạm phát trong nước cùng với niềm tin rằng, thay vì tập trung vào cân bằng tiêu dùng và đầu tư trong nước, mấu chốt là nâng kich cỡ nền kinh tế – và chìa khóa cho tăng trưởng là kỹ nghệ và kỹ thuật. Ngày nay, Trung Hoa ưu tiên đổi mới với danh hiệu “lực lượng sản xuất chất lượng mới” (xinzhi shengchanli), trình bày chi tiết về kỹ thuật sạch, xe điện, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo – những mục tiêu của quan thuế Biden – phụ thuộc nhiều nhất có thể vào chuỗi cung ứng trong nước. Chiến lược này đã giành được thắng lợi lớn vào tháng 1, khi công ty khởi nghiệp DeepSeek của Trung Hoa gây chấn động thế giới với mô hình AI vượt trội hơn những mô hình của chính OpenAI và Meta nhưng với chi phí thấp hơn. Chính phủ Trung Hoa nhận thức được rằng việc tiến sâu hơn vào những ngành thâm dụng vốn đồng nghĩa với việc cắt giảm những ngành rẻ hơn, thâm dụng lao động như quần áo và đồ chơi. Tuy nhiên, Tập vẫn nhấn mạnh với những quan chức rằng nền kinh tế trước tiên phải “thiết lập cái mới trước khi phá bỏ cái cũ” (xianli houpo).

Đồng thời, Trung Hoa của Tập Cận Bình cảnh giác với mối đe dọa “Nhật Bản hóa”. Bong bóng tín dụng đã giúp thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của Nhật Bản trong những năm 80 và được Trump vượt qua, cuối cùng đã xuất hiện vào năm 1990, và đầu tư nước ngoài của chính Nhật Bản đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính Á châu năm 1997. Ngày nay, Nhật Bản đang ở giữa “thập kỷ mất mát” thứ tư với tốc độ tăng trưởng chậm chạp. Đây là bóng ma hiện đang bao trùm Trung Hoa, dù có thành tích ấn tượng nhưng vẫn không thể giàu có trên đầu người như Nhật Bản những năm 90.

Cuộc khủng hoảng tài chính Á châu năm 1997 phần lớn không ảnh hưởng đến Trung Hoa, quốc gia vẫn chưa hòa nhập vào những dòng vốn khu vực và toàn cầu. Nhưng điều đó sẽ sớm thay đổi. Đến năm 2001, Mỹ đã giúp đưa Trung Hoa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, hợp pháp hóa vị trí của nước này trong trật tự thế giới đơn cực mới. Chẳng bao lâu sau, những công ty Trung Hoa đã tích lũy được thặng dư thương mại với Mỹ. Một lần nữa đi theo con đường của Nhật Bản, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa bắt đầu mua tín phiếu kho bạc của Mỹ, có lúc tích lũy tới 1,3 nghìn tỷ USD trong những năm 2010. Chiến lược này nhằm giữ giá trị của đồng nhân dân tệ, kiềm chế giá cả và tiền lương, đồng thời đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Trung Hoa trên toàn cầu. Tín dụng Trung Hoa cũng trở thành cứu cánh cho người tiêu dùng Mỹ, những người dù tiền lương thực tế trì trệ nhưng vẫn tiếp tục mua hàng hóa Trung Hoa rẻ hơn.

Những năm 2000 là thời kỳ hoàng kim của hội nhập Mỹ–Trung. Tuy nhiên, những năm này cũng chứng kiến ​​những dấu hiệu bất mãn đối với toàn cầu hóa, ngay cả trước khi ông Tập và ông Trump lên nắm quyền. Ở Mỹ, những liên đoàn lao động đã phản đối việc Trung Hoa gia nhập WTO, tuần hành phản đối trong những cuộc họp ở Seattle năm 1999. giới kinh tế ước tính Mỹ đã mất khoảng 2 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong những năm đầu tiên sau “cú sốc Trung Hoa”. Trong khi đó, lo ngại sự cạnh tranh từ những công ty Mỹ, lãnh đạo những tỉnh của Trung Hoa đã sử dụng những biện pháp can thiệp để thúc đẩy những ngành kỹ nghệ địa phương, vi phạm những quy định của WTO về mặt kỹ thuật.

Ngay từ năm 2007, giới hoạch định chính sách Trung Hoa, lo ngại nguy cơ gia tăng căng thẳng quốc tế, đã bắt đầu nói về việc “tái cân bằng” hướng tới tiêu dùng nội địa. những nỗ lực đã được đẩy nhanh sau cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ năm 2008, khi, giống như Mỹ, chính phủ Trung Hoa vội vã tung ra chương trình cứu ngành địa ốc trị giá khoảng 4 ngàn tỷ RMB, tương đương gần 600 tỷ USD. Ở đây, Trung Hoa một lần nữa lại đi theo con đường của Nhật Bản khi tín dụng giá rẻ dẫn đến bong bóng bất động sản. Từ năm 2011 đến năm 2021, khoảng 1/4 GDP của Trung Hoa gồm những giao dịch xây dựng bất động sản.

Bong bóng vỡ trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19. Cảm nhận được mối nguy hiểm, Bắc Kinh đã công bố chính sách “ba lằn ranh đỏ”: để có nhiều tín dụng hơn, những công ty sẽ phải kiểm soát tỷ lệ nợ trên tiền mặt, vốn và tài sản. Tập đoàn Evergrande, công ty phát triển bất động sản có giá trị cao nhất thế giới, đã vượt qua cả ba ngưỡng này. Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty này trị giá hơn 40 tỷ USD nhưng nợ phải trả lên tới hơn 270 tỷ USD. Nó cũng từng là đối tác kinh doanh của Donald Trump, với kế hoạch xây dựng một tòa nhà chọc trời đồ sộ ở Quảng Châu không thành công. Bị cắt sự hỗ trợ của chính phủ, Evergrande sụp đổ vào năm 2021.

Do đó, Trung Hoa đã bị thiêu rụi do chuyển hướng quá vội vàng sang tiêu dùng nội địa, để rồi phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng khiến đất nước thiệt hại hàng ngàn tỷ đô la. Nhiều người lo ngại Trung Hoa đã rơi vào bẫy giống như nước láng giềng Nhật Bản, với những doanh nghiệp bị tê liệt vì những khoản nợ khổng lồ. Dù sao thì, chính vì thảm họa của chính sách tiền tệ lỏng lẻo mà Tập đã quay trở lại với mô hình Đông Á cổ điển về thúc đẩy đổi mới kỹ nghệ, gồm cả xuất cảng. Cả ông và Trump đều đang củng cố quan điểm chính trị đã đeo đuổi hàng chục năm vốn là nguyên nhân đầu tiên làm nảy sinh những cuộc chiến thương mại ở Á châu–Thái Bình Dương. Cả hai dường như đều không có thể thay đổi hướng đi trong tương lai gần.

Điểm mấu chốt trong câu chuyện này là ngành kỹ nghệ xe hơi. Vào những năm 80, Trump đã học theo CEO của Chrysler, Lee Iacocca, người đã công khai tấn công những ngành kỹ nghệ Nhật Bản. (Cả hai sau này trở thành đối tác kinh doanh.) Ngày nay, mối đe dọa mới là xe điện của Trung Hoa.

Năm ngoái, công ty dẫn đầu ngành kỹ nghệ xe điện Trung Hoa, BYD (viết tắt của Build Your Dream), đã vượt qua Tesla để trở thành cong ty bán xe điện hàng đầu thế giới. BYD đang xâm nhập nhanh chóng vào thị trường Âu châu, nhưng đã bị cấm ở Mỹ. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, đã trở thành thành viên thân cận với nội các của Trump và được tổng thống Mỹ lắng nghe – ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Trong cuộc gọi thu nhập với giới phân tích vào tháng 1 năm 2024, Musk đã cảnh cáo rằng kỹ thuật của BYD là “rất tốt” và nếu không có “rào cản thương mại”, công ty sản xuất xe hơi này sẽ “đánh sập hầu hết những công ty xe hơi khác trên thế giới”. Trước sự vui mừng của Musk, Trump đã thề đánh thuế nhập cảng thậm chí còn cao hơn đối với xe điện của Trung Hoa so với mức 100% đã áp dụng dưới thời Biden.

Tuy nhiên, ngày nay Trung Hoa tự hào có hệ thống sản xuất tích hợp tốt nhất thế giới, được củng cố bởi những mục đích gần đây nhằm “bản địa hóa” và cách ly những chuỗi giá trị khỏi quan thuế nước ngoài. BYD thành lập vào năm 1995 tại Thâm Quyến. Công ty này lần đầu tiên sản xuất pin lithium–ion cho điện thoại thông minh trước khi đi vào lãnh vực xe điện. Chuyên môn của họ trong việc sản xuất pin giá rẻ, hiệu quả cao cũng như chip silicon giúp họ khác với Tesla, mua phụ tùng từ giới cung cấp.

Điều đang trở nên rõ ràng ngày nay là xuất cảng của Trung Hoa có thể bị sụt giảm, nhưng chúng sẽ không sớm biến mất khỏi thị trường toàn cầu. Mỹ đã bắt đầu nhập cảng ít hơn từ Trung Hoa so với Mexico, Đài Loan, Malaysia, Ấn Độ, Nam Hàn và Việt Nam. Nhưng khuynh hướng này phần nào phản ảnh sự di cư của vốn Trung Hoa để tránh quan thuế của Mỹ. Năm 2023, Foxconn thuộc quyền sở hữu của Đài Loan, có trung tâm sản xuất ở tỉnh Hà Nam, Trung Hoa, đã mở một nhà máy sản xuất iPhone ở Chennai, Ấn Độ. Cả những công ty Trung Hoa và Mỹ sản xuất xe hơi, lốp xe và bình điện xe hơi đều đã lập nhà máy tại những thành phố của Mexico như Coahuila, Guadalajara, Monterrey và Tijuana.

Cách giải quyết này, được gọi là sản xuất “gần bờ”, khiến chính quyền Trump lo lắng,

tin rằng Trung Hoa có thể khai thác NAFTA và xuất cảng xe hơi Trung Hoa qua “cửa sau” ở Canada và Mexico. Nỗi sợ hãi giúp giải thích những lời đe dọa áp dụng quan thuế bất ngờ của Trump đối với những nước láng giềng cạnh bên. Trong khi đó, chính Trung Hoa đã âm thầm xây dựng một “cấu trúc thương mại thay thế”, theo Financial Times, trong đó 40% hàng xuất cảng của nước này hiện đến những quốc gia mà Trung Hoa có chung những hiệp định thương mại tự do song phương, ngoại trừ Mỹ và EU, hầu hết ở khắp Á châu, ngoài ra còn có Úc, Canada và Nam Mỹ.

Không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xẩy ra tiếp theo. Nhưng nếu khuynh hướng hiện tại tiếp tục, chúng ta đang sống trong sự xung đột giữa những quỹ đạo kinh tế đã được thiết lập cách đây 40 năm: Sự gắn bó của Tập Cận Bình với việc kỹ nghệ hóa dựa vào xuất cảng, đối đầu với việc Trump kiên quyết áp dụng quan thuế bảo hộ kéo dài hàng chục năm. Sự mâu thuẫn này chính là địa hình mà phần lớn thế giới hiện nay phải cẩn thận dò dẫm. Phải mất một cái gì đó, nhưng khó có thể tưởng tượng được những giải pháp gọn gàng. Đến một lúc nào đó, ngay cả những người hoài nghi nhất về Donald Trump cũng sẽ phải thừa nhận rằng những ý tưởng của ông, cùng với ý tưởng của Tập Cận Bình, đã mở ra một kỷ nguyên kinh tế mới. Những gì bắt đầu từ những lời than vãn của một người nổi tiếng nhỏ, đầu tiên là trên truyền hình ban ngày của thập niên 80 và sau đó là trên sân khấu ở Las Vegas, giờ đây đã góp phần định hình cả thế giới.

Trên đường đụng độ… Donald Trump và Tập Cận Bình. 
Tổng hợp: Getty/Rex/Shutterstock/Reuters/Guardian Design

Nguồn: ‘Bring me my tariffs’: how Trump’s China plan was 40 years in the making| Andrew Liu | The Guardian | 6 Feb 2025.

https://www.theguardian.com/news/2025/feb/06/bring-me-my-tariffs-how-trumps-china-plan-was-40-years-in-the-making

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét