Thứ Tư, 9 tháng 4, 2025

Phản đối phát ngôn của cố vấn thương mại Nhà Trắng

Bài dưới đây phê phán cách nhìn nhận của một cố vấn cao cấp của ông Trump về Việt Nam. Ông cố vấn công khai tuyên bố rằng Việt Nam là thuộc địa của Trung Quốc, là điểm trung chuyển để Trung Quốc chuyển hàng bán sang Mỹ và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc 50% vào Mỹ. Tác giả cũng khẳng định gian lận thương mại không tồn tại ở Việt Nam nhưng khôi hài là ngay sau đó lại ca ngợi chính phủ Việt Nam đang quyết liệt chống gian lận thương mại. Tôi phải thẳng thắn thừa nhận ở nước ngoài rất nhiều người có suy nghĩ như ông cố vấn trên. Và không có lửa làm sao có khói ? Nếu người ta phê phán chúng ta cái gì, chúng ta đều không chịu suy nghĩ tiếp thu và sửa chữa mà chỉ chăm chăm gân cổ lên cãi thì sẽ không bao giờ tiến bộ được.
Phản đối phát ngôn của cố vấn thương mại cấp cao của Nhà Trắng
VIỆT NAM KHÔNG PHẢI “THUỘC ĐỊA”, CŨNG KHÔNG PHẢI MỘT MÓN ĐỒ ĐỂ AI MUỐN GÁN NHÃN SAO CŨNG ĐƯỢC. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là sau các động thái tăng thuế mới của Mỹ, một cố vấn thương mại cấp cao của Nhà Trắng đã đưa ra một số phát biểu đáng chú ý xoay quanh vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, ông cho rằng:

1. Việt Nam là “thuộc địa của Trung Quốc”.
2. Việt Nam đang bị sử dụng làm điểm trung chuyển để hàng Trung Quốc né thuế vào Mỹ.
3. Nếu không thuyết phục được Mỹ, kinh tế Việt Nam có thể “giảm một nửa tăng trưởng”.

Những phát biểu này nhanh chóng gây ra nhiều tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà còn trong giới quan sát quốc tế. Dù có thể hiểu được mối lo ngại của Mỹ về thương mại công bằng, nhưng rõ ràng, các nhận định trên mang nhiều yếu tố cảm tính, thiếu sự nhìn nhận khách quan từ góc độ kinh tế, lịch sử và chính sách thương mại thực tế.
Vậy đâu là bức tranh toàn cảnh và đâu là sự thật đằng sau những đánh giá nói trên?

1. VIỆT NAM KHÔNG PHẢI LÀ “THUỘC ĐỊA” CỦA BẤT CỨ QUỐC GIA NÀO

Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền dân tộc, độc lập hoàn toàn về chính trị, pháp lý và lịch sử. Không một quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, có quyền hoặc khả năng thao túng Việt Nam như một “thuộc địa”. Việt Nam đã trải qua hơn một thiên niên kỷ chống lại các đế chế phương Bắc để giữ vững chủ quyền.

Và trong thời hiện đại, cũng chính Việt Nam đã từ chối mọi sự áp đặt từ cả phương Đông lẫn phương Tây để đi bằng đôi chân của mình.

Hơn nữa, nếu cho rằng việc hợp tác thương mại hay sử dụng chuỗi cung ứng từ Trung Quốc là "lệ thuộc", thì Tesla, Apple, Nike – những tập đoàn hàng đầu của Mỹ – cũng đều nhập linh kiện hoặc lắp ráp tại Trung Quốc.

2. GIAN LẬN THƯƠNG MẠI KHÔNG TỒN TẠI Ở VIỆT NAM

Về cáo buộc Việt Nam là nơi để hàng Trung Quốc “mượn danh” xuất khẩu sang Mỹ: Đây là vấn đề toàn cầu, không phải đặc thù của riêng Việt Nam. Nhưng khác với cách nhìn phiến diện của vị cố vấn, Việt Nam không hề né tránh mà đang xử lý rất quyết liệt.

Ngay từ năm 2019, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 119/NQ-CP nhằm siết chặt quản lý xuất xứ hàng hóa.

Cơ quan Hải quan và Bộ Công thương đã triển khai nhiều đợt thanh tra, kiểm tra xuất xứ tại các cửa khẩu, khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, những doanh nghiệp Trung Quốc “nhập nguyên kiện – dán nhãn Việt Nam – xuất sang Mỹ” đang bị đưa vào tầm giám sát đặc biệt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 7/4 mới đây cũng đã nhấn mạnh tại phiên họp: “Tăng cường chống gian lận thương mại, đặc biệt là chống xuất xứ hàng hóa từ nước thứ 3”, điều đó có nghĩa là không chỉ hiện tại cả tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc, tạo một hệ thống minh bạch hơn trong chuỗi cung ứng.

Việt Nam không chọn cách trốn tránh mà chọn đối đầu thẳng thắn và chủ động thích ứng.

3. VIỆT NAM KHÔNG ĐƠN ĐỘC

Về ý kiến cho rằng nếu không thuyết phục được Mỹ thì Việt Nam sẽ “giảm một nửa tăng trưởng” – đây là một kiểu đánh giá thổi phồng, phi thực tế và mang tính hù dọa. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 là 5,6%, với xuất khẩu tăng 11,2%, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất – nhưng không phải duy nhất.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP. Các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Trung Đông, châu Phi… đều đang mở rộng hợp tác. Việt Nam không đặt tất cả trứng vào một giỏ.

Đặc biệt, những chính sách trung lập, không chọn phe, không tạo đối đầu của Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn trong bối cảnh thế giới bất ổn.

Việc Mỹ dưới thời ông Trump dọa áp thuế với 180 quốc gia – thậm chí có cả những “hòn đảo hoang chỉ có chim cánh cụt” – cho thấy rằng đây là "cuộc chơi" chung, không phải chuyện riêng của Việt Nam. Việt Nam không đơn độc. Cái Việt Nam đang làm là giảm thiểu thiệt hại trong thế trận giằng co toàn cầu, chứ không phải hoảng loạn vì một đòn gió chính trị.

Chúng ta biết, tình thế hiện nay là khó. Việt Nam đang phải căng mình tính từng nước đi, vừa đấu trí vừa ngoại giao. Nhưng đừng nhân lúc nước sôi lửa bỏng để thể hiện cái tôi hằn học, hả hê, bôi nhọ. Vì sau những dòng biểu cảm đó là công ăn việc làm của hàng triệu lao động, là bữa cơm, là học phí, là tương lai của biết bao gia đình.
Việt Nam sẽ khôn ngoan tìm ra phương án tốt nhất. Chắc chắn là như vậy.

(Cre: CHÍNH TRỊ VIỆT NAM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét