Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

(6) Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979

Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979
Về tên gọi cuộc chiến Việt - Trung 1979

Trương Thái Du
Viết riêng cho BBCVietnamese.com

Áp phích chống Trung Quốc ở VN khi cuộc chiến nổ ra

Trong hơn 1000 năm độc lập của mình, người Việt Nam đánh nhau với Trung Quốc năm lần, không kể ba lần diễn ra khi Mông Cổ làm chủ Trung Hoa.
1. Năm 981 Tống đánh Lê Hoàn, áp đặt lệ thuộc và ép buộc thường xuyên triều cống.
2. Năm 1075 – 1076 Tống gây hấn để giải tỏa căng thẳng nội bộ do Vương An Thạch cải cách. Sau khi bãi binh nhà Tống chiếm cứ một số châu huyện biên giới. Năm 1084, trải nhiều lần ngoại giao, các vùng chiếm đóng đều được trả lại, địa giới tái phân định rõ ràng.
3. Năm 1407 Minh xâm lược và chiếm đóng Đại Việt hai thập niên.
4. Năm 1789 Thanh can thiệp dưới chiêu bài “phò Lê”.
5. Năm 1979 Bắc Kinh xua quân “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Đã tròn ba mươi năm từ ngày cuộc chiến thứ Năm (1979) diễn ra. Bài viết này thử phân tích tương quan lịch sử và những vấn đề liên đới, đặc biệt sẽ cố gắng đi sâu vào các tên gọi từ nhiều phía, hầu tiếp cận bản chất cốt lõi nhất của cuộc chiến.

'Bành trướng xâm lược'


Trong năm lần dụng quân, chỉ một lần duy nhất Trung Quốc bình định thành công nước Việt (1407). Mọi lý do cho việc động binh đều được “thiên triều” hô hoán “ân đức” như ủng hộ họ Đinh (981), trị phản (1076), phục Trần (1407), phò Lê (1789).

Do đó có thể khẳng định “ân đức” chỉ là cái cớ, nếu thuận lợi thì chiếm đóng lâu dài (dẫn chứng 1407).

Tuy vậy, trận chiến 1979 có vẻ rất giống trường hợp 1076, ít nhất khi tham khảo tình hình nội địa Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình là Vương An Thạch của thế kỷ 20.

Các bước thăm dò ngoại giao và đối nội thận trọng của họ Đặng, kết hợp cùng bối cảnh kinh tế kiệt quệ của Trung Quốc sau mười năm Đại văn cách, cho phép người quan sát uy tín phương Tây đánh giá chiến tranh Việt - Hoa 1979 là “đòn trừng phạt có giới hạn” (1).

Sự chiếm đóng vào lúc ấy nếu không lỗi thời với nhân loại hậu thực dân, thì cũng khó thực hiện bởi một nước Trung Quốc chưa lo đủ cái ăn, cái mặc cho con dân của mình.

Song, Hà Nội vẫn gọi những đoàn quân vượt qua biên giới phía bắc của họ là bọn bành trướng Bắc Kinh. Cuộc đối đầu được nhà nước Việt Nam đặt tên là chiến tranh chống xâm lược.

“Xâm lược” là một từ nhạy cảm cực độ trong lịch sử Việt Nam. Đối với chính thể, nó luôn gây hoang mang và lo lắng, cụ thể là Hà Nội đã lặng lẽ chấm dứt ngay dự án đang triển khai mở rộng thủ đô về bờ bắc sông Hồng. Họ cần con sông làm phòng tuyến tự nhiên. Có lẽ dòng Như Nguyệt ở thời điểm 1076 đã dạy họ như thế.

Đối với nhân dân, đạo bùa vẽ chữ “xâm lược” mang năng lực thần quyền vô địch. Nó khiến các đám đông cấu thành những cộng đồng trong xã hội Việt Nam chỉ còn biết xả thân, tất cả cho tiền tuyến.

Nó làm xao nhãng bất cứ mâu thuẫn nội tại nào, dù rất mới, giả như các cuộc đánh tư sản và hợp tác hóa nông nghiệp rộng khắp, khiến bo bo thứ phẩm và mì sợi mốc meo chiếm chỗ trên bàn ăn ở hầu hết các gia đình của một xứ sở có 80% dân số gắn bó với cây lúa nước.

Né tránh

Ba mươi năm đã trôi qua, nhà nước Việt Nam hôm nay luôn tránh né mọi chủ đề về cuộc chiến 1979 trước nhân dân. Trả lời câu hỏi tại sao như thế, cũng có thể gián tiếp khơi lộ một phần bản chất thật của cuộc chiến ấy.


Đặt tên cuộc chiến Việt – Trung 1979, không theo bản chất thật của nó, đã giúp nhà nước chiếm được sự ủng hộ vô bờ bến của toàn dân tộc.


1. Né tránh vì tế nhị ngoại giao? Không hẳn vậy. Hiện nay quan hệ Việt – Mỹ không hề ít quan trọng hơn quan hệ Việt – Trung, nhưng tượng đài những anh hùng bỏ mình khi tấn công sứ quán Mỹ năm 1968 trên đường Lê Duẩn vẫn hiên ngang tự tại. Mỗi ngày lễ tết, cờ hoa, băng rôn và khói hương vẫn nghi ngút. Quan hệ Việt – Pháp nói chung là có chiều sâu và đã bền bỉ thử thách qua thời gian, vẫn không làm ảnh hưởng kỷ niệm chiến thắng 1954 và di tích lịch sử Điện Biên Phủ.

2. Né tránh, vì nhắc đến cuộc chiến là gợi lại sai lầm cũ. Thật vậy, sự kiêu ngạo của những người chiến thắng vào tháng 4.1975 đã phải trả giá, khi họ nghĩ mình có quyền yêu sách chủ động trong quan hệ quốc tế với các trục địa – chính trị toàn cầu. Mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc tồn tại dai dẳng trong cuộc chiến Việt – Mỹ, nó chỉ bùng phát khi người Mỹ rút đi.

Một sự đa dạng trong quan hệ, mềm dẻo và linh hoạt ở đối sách, không quá cực đoan chiều này hay chiều nọ như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng hết sức gìn giữ, giải phóng nhưng không chiếm đóng Campuchia, có thể là những điều kiện cần nhất để tránh xung đột 1979 và những hệ lụy kinh tế xã hội khủng khiếp của nó sau đó.

3. Trên góc độ nhân văn của nền văn hóa Việt Nam, nhìn nhận lại cuộc chiến 1979 diễn ra khá chậm chạp, tối thiểu là khi so sánh với đối phương cũ Trung Quốc.

Gần đây tôi đã đọc tiểu thuyết “Ma chiến hữu” của Mạc Ngôn, qua bản dịch Việt văn trên thị trường sách văn học chính thống. Nhà văn lớn tiếng tố cáo chiến tranh phi nghĩa.

Mạc Ngôn nhận thấy những xác chết của bộ đội Trung Quốc từng được người Việt Nam đếm như xác súc vật cách đây 30 năm ở biên giới phía bắc, đều là di thể của những người nông dân Hoa nam nghèo đói. Họ tòng quân không phải vì “chính nghĩa” của nhà cầm quyền Trung Quốc, mà chỉ bởi ba bữa cơm khéo no nơi doanh trại, những bộ quân phục lành lặn, đủ ấm giữa mùa đông.

Cùng chủ đề với “Ma chiến hữu”, chỉ có thể kể đến những thứ bán chính thức ở Việt Nam, ví dụ như trên blog Osin, một nhà báo hàng đầu: “Ba mươi năm trước, tự sự của một người từng là lính” (2).

Ở góc độ nào đấy, trí thức Việt Nam vẫn chưa giải tỏa được đạo bùa “xâm lược” mà nhà nước Việt Nam phóng bút ngày nào. Thậm chí tư tưởng của Osin còn có phần thụt lùi, nếu so sánh với thái độ thù ghét chiến tranh được Bảo Ninh thể hiện trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” từ năm 1987.

Chính nhờ “Nỗi buồn chiến tranh” mà thế giới biết đến một nền văn chương phi minh họa vẫn tàng ẩn trong tâm hồn dân tộc Việt Nam, chỉ đợi nhà nước “cởi trói” để khoe sắc hương giữa bốn biển nhân loại yêu chuộng hòa bình.

Bài học

Như đã nêu ra ở trên, cuộc chiến Việt – Trung 1979 có nhiều phần giống với xung đột Việt – Tống (1075 – 1076). Nếu năm 1084 người Trung Quốc làm thơ trách vua của họ “Vì tham voi triều cống của Giao Chỉ, mà đánh mất vàng ở châu Quảng Nguyên (chiếm được năm 1076)” (3), thì năm 2009 này Việt Nam vẫn âm ỉ dư luận tiếc rẻ một phần thác Bản giốc, bãi Tục lãm.v.v.. đã thuộc về Trung Quốc sau khi cắm mốc định giới.

Hiệp định đường biên Việt – Trung có thể nói là một bức trường thành văn minh, ngăn ngừa mọi cuộc xâm lược thực dân của Trung Quốc đối với Việt Nam từ đây trở về sau.

Những tranh chấp vô tiền khoáng hậu giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Phillipine, Malaysia, Brunei ngoài biển Đông hôm nay, có vẻ vì dư âm và định kiến từ chiến trận 1979, vẫn thường được dân chúng Việt Nam thu nhỏ thành cuộc xâm lăng mang tên Trung Hoa.

Đặt tên cuộc chiến Việt – Trung 1979, không theo bản chất thật của nó, đã giúp nhà nước chiếm được sự ủng hộ vô bờ bến của toàn dân tộc. Cho nên nói, năm 1979 người Việt Nam đã chặn đứng đòn thù quân sự từ Trung Quốc, cũng không quá đáng chút nào.

Trong tương lai gần, nếu không có đột phá khẩu từ khoa học nhân văn, thì tên gọi và diễn biến cuộc chiến Việt – Trung 1979 sẽ không có nhiều cơ may được bàn luận và nhắc nhở thường xuyên trước công luận.

Chỉ hy vọng, bài học bách chiến bách thắng khi dùng sức dân chống ngoại bang, bảo vệ quyền lợi quốc gia từ hàng ngàn năm nay, sẽ được nhà nước Việt Nam áp dụng thành công trên biển Đông, một cách minh bạch và thẳng thắn.

*********************
(1): Nguyên văn “a limited punitive strike”, báo Time ngày 5 tháng 3, 1979. [http://www.time.com/time/magazine/ar...16624,00.html]
(2): http://blog.360.yahoo.com/blog-_Q78P...7qC3PG4?p=7067
(3): Dịch từ tiếng Hán Việt, theo Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, trang 44.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét