Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

Gà khôn hay ngu ?

Số mình tối nay lạ quá. Bật máy thì thấy cảnh bác Huệ hát. Chuyển sang xem tin thì thấy bài "gà khôn hay ngu ?", mà bác Huệ thì tuổi gà (sinh năm 1957). Bài dưới đây chứng minh gà khôn chứ không phải ngu như chúng ta vẫn tưởng.
Gà khôn hay ngu ?
Lời đồn thường cho rằng gà là loại chim có trí tuệ kém cỏi hơn so với những loài chim trung bình. Chúng chỉ biết mỗi một việc ăn rồi đẻ trứng nên trong ngành công nghiệp chăn nuôi, không ai quan tâm tới cảm xúc của gà.

Thực tế loài chim phổ biến nhất trên thế giới này thực ra thật sự thông minh, và có lẽ khá nhạy cảm với sự bình an của đồng loại. Điều này đặt ra một số câu hỏi khó xử về mặt đạo đức đối với ngành công nghiệp chăn nuôi gà.

Tổng số gà trên toàn cầu khoảng 19 tỷ con, và gà là một trong vài loài động vật có xương sống đông đúc nhất trên hành tinh. Nhưng rất nhiều người hầu như không bao giờ tiếp xúc hoặc rất ít khi tiếp xúc với gà khi chúng còn sống.

Điều này dẫn đến một số phỏng đoán kỳ lạ về loài gà. Theo một số nghiên cứu, nhiều người thậm chí cảm thấy khó có thể coi gà là một loài chim. Trong thực tế họ cho rằng gà là một đại diện hợp lý cho bộ gà, là một nhóm chim gồm cả gà tây, gà gô và gà lôi...

Nhiều người coi gà là loài động vật khá ngu dốt, thiếu các trạng thái tâm lý phức tạp như các loài động vật "bậc cao" hơn như khỉ hay vượn.

Quan điểm này được củng cố vì một số miêu tả về gà trong văn hóa đại chúng. Điều này khiến nhiều người thấy dễ chịu hơn khi ăn trứng gà hay thịt gà được sản xuất từ các trang trại nuôi gà kiểu tập trung.

Nhưng trong thực tế, gà không hề ngu ngốc chút nào.

Gà biết đếm, biết thể hiện một số mức độ nhận thức bản thân, và thậm chí có thể lừa nhau bằng một số chiêu láu lỉnh.

Trong thực tế, gà thông minh đến mức thậm chí chỉ cần quan sát một số rất ít biểu hiện ở các con gà đang sống cũng có thể khiến ta gạt bỏ những định kiến lâu nay.

1. Rất thông minh

Trong một nghiên cứu công bố năm 2015, Lisel O'Dwyer và Susan Hazel dạy một lớp dành cho sinh viên ở Đại học Adelaide, Úc. Để tìm hiểu về tâm lý và nhận thức, sinh viên tiến hành nhiều thí nghiệm nhằm huấn luyện các chú gà.

Trước khi khóa học bắt đầu, sinh viên trả lời một bảng câu hỏi. Hầu hết cho biết trước đây họ ít khi tiếp xúc với gà. Họ coi gà như những sinh vật đơn giản, có lẽ gà không biết cảm giác chán chường, bối rối hay hạnh phúc.

Tuy nhiên chỉ sau hai giờ huấn luyện những chú gà, nhiều sinh viên đã công nhận gà có thể cảm thấy cả ba trạng thái cảm xúc đó.

"Gà thông minh hơn tôi nghĩ lúc ban đầu," một sinh viên sau đó đã trả lời trong bảng câu hỏi. Một sinh viên khác nói: "Tôi chưa bao giờ nghĩ gà đủ thông minh để học nhanh như vậy."

Trong một nghiên cứu chưa công bố, tác giả O'Dwyer đã lặp lại thí nghiệm này với công nhân trong ngành chăn nuôi gia cầm, và cho ra kết quả giống như vậy.

Bà đang dự kiến sẽ nghiên cứu xem liệu những trải nghiệm này có tác động gì lên thói quen ăn uống của con người hay không - chẳng hạn, liệu họ có chuyển qua ăn thịt gà được nuôi theo cách mà họ tin rằng dễ chấp nhận hơn về mặt đạo đức hay không.

Nghiên cứu của O'Dwyer chỉ là một trong nhiều nghiên cứu mà Lori Marino từ Trung tâm Kimmela về Quyền động vật ở Kanab, bang Utah, Ấn Độ thực hiện như một phần trong đánh giá khoa học về nhận thức của gà, được công bố hồi tháng 1/2017.

"Nghiên cứu này là một phần của hoạt động hợp tác giữa tổ chức Farm Sanctuary và Trung tâm Kimmela, với tên gọi Someone Project," bà Marino cho biết.

Bà Marino cho biết bằng chứng khoa học cho thấy rõ ràng loài gà không hề vô thức hay khờ khạo như nhiều người vẫn cho là thế.

2. Biết đếm và làm toán

Chẳng hạn như trong một loạt nghiên cứu được công bố hơn một thập niên trước của tác giả Rosa Rugani từ Đại học Padova, Ý, và các đồng nghiệp, từ những chú gà con mới nở, các nhà nghiên cứu cho thấy gà có thể đếm và thực hiện các phép toán đơn giản.



Những chú gà con được nuôi từ khi mới nở cùng với năm món đồ - là các hộp nhựa từ các quả trứng Kinder Surprise [trứng đồ chơi có vỏ là kẹo chocolate và lõi có đồ chơi]. Sau vài ngày, các nhà khoa học lấy năm món đồ ra và trong tầm nhìn của các chú gà, họ giấu ba món sau một màn hình và hai món sau một màn hình khác. Các chú gà con có vẻ muốn tiếp cận màn hình có nhiều món đồ hơn.

Một thí nghiệm tiếp theo để kiểm tra trí nhớ các chú gà con và khả năng cộng trừ. Sau khi các vật thể được giấu sau hai màn hình, các nhà khoa học bắt đầu dịch chuyển các vật này giữa hai màn hình trong tầm mắt của các chú gà.

Mấy chú gà con có vẻ như đã theo dõi xem có bao nhiêu món đồ sau mỗi màn hình, và vẫn có vẻ muốn tiếp cận màn hình có nhiều món đồ hơn.

Gà có khả năng nhận biết rất tốt với các bài tập liên quan đến số đếm từ khi còn bé, dù khi đó chúng chưa có mấy kinh nghiệm, Rugani cho biết.

Bà nghĩ nói chung điều này lẽ ra sẽ đúng với những động vật bậc cao hơn là với loài gà. "Những khả năng này có thể giúp động vật trong môi trường tự nhiên của chúng, ví dụ khả năng tìm đến nơi có lượng thức ăn lớn hơn, hoặc tìm ra nhóm lớn hơn để đi theo thành đàn," bà cho biết.

Gà cũng có thể có một số khả năng "dịch chuyển tức thời trong tâm lý" - nghĩa là tưởng tượng ra điều gì có thể xảy đến trong tương lai - để tích trữ lượng thức ăn lớn hơn, theo một nghiên cứu năm 2005 do Siobhan Abeyesinghe thực hiện tại Đại học Bristol, Anh Quốc.

Abeyesinghe cho các chú gà lựa chọn, hoặc mổ vào chiếc chìa khóa thứ nhất và sẽ được ăn trong một khoảng thời gian ngắn sau khi phải chờ hai giây, hoặc mổ vào chiếc chìa khóa thứ hai rồi sẽ được ăn trong khoảng thời gian dài hơn sau khi phải chờ sáu giây.

Các chú gà rõ ràng có vẻ thích mổ vào chiếc chìa khóa thứ hai nhiều hơn, giúp chúng được ăn nhiều hơn nhưng thời gian chờ lâu hơn.

Nói cách khác, lũ gà thể hiện sự tự kiểm soát bản thân - một đặc điểm mà một số nhà sinh vật học cho rằng thể hiện mức độ tự nhận thức nào đó ở động vật.

3. Gà cũng phức tạp về mặt cộng đồng.

Một số nghiên cứu cho thấy những chú gà có thể tiếp cận cách những con gà khác thấy thế giới xung quanh, và từ đó chúng có thể sử dụng thông tin này vì lợi ích bản thân.

Nếu một chú gà trống bới tìm thức ăn và tìm thấy một miếng ngon đặc biệt nào đó, nó thường cố gây ấn tượng với cô gà mái gần đó bằng cách biểu diễn một điệu nhảy và kêu ra hiệu có thức ăn.

Tuy nhiên, những chú gà trống yếu thế hơn biểu diễn điệu nhảy và tiếng gọi này thường có nguy cơ bị các con gà trống khỏe hơn chú ý và tấn công.

Vì thế, nếu một con gà trống mạnh hơn đang ở gần đó, chú gà trống yếu đuối thường biểu diễn điệu nhảy đặc biệt này trong im lặng, vẫn mời gọi để gây ấn tượng với gà mái mà không khiến con trống kia chú ý.

Trong khi đó, một số con gà trống lại cố lừa gà mái lại gần bằng cách ra hiệu có thức ăn ngay cả khi chúng chẳng tìm thấy bất cứ món gì đáng để lên tiếng.

Không ngạc nhiên gì, gà mái nhanh chóng khôn ngoan nhận biết ra những con trống biểu diễn chiêu lừa này quá thường xuyên.

4. Cảm nhận được nỗi đau?

Thậm chí có một số dấu hiệu còn cho thấy gà có thể biểu hiện một số những sự đồng cảm ở dạng thức đơn giản với nhau.

Trong một loạt nghiên cứu được thực hiện trong sáu năm qua, Joanne Edgar từ Đại học Bristol, Anh Quốc và đồng nghiệp đã nghiên cứu gà mái phản ứng ra sao khi thấy những chú gà con của chúng bị thổi gió vào - đây cũng là thứ gà mái được học từ kinh nghiệm của riêng chúng, là cảm thấy một chút không thoải mái.

Khi gà con bị thổi khí, nhịp tim gà mái bắt đầu đập nhanh và chúng gọi con nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng không làm vậy nếu không khí được thổi gần đám gà con nhưng không tác động gì vào chúng.

Trong một nghiên cứu năm 2013, gà mái đã học cách tương tác với một chiếc hộp màu với khí thổi gây cảm giác khó chịu và chiếc hộp màu thứ hai an toàn hơn, không có khí thổi vào.

Một lần nữa gà mái tỏ ra có dấu hiệu lo lắng khi gà con bị đặt vào cái hộp "nguy hiểm" thậm chí nếu gà con không thực sự bị thổi khí và cũng không biết gì về nguy hiểm này. Điều này cho thấy gà mái có thể dựa vào hiểu biết riêng của chúng để phản ứng với những nguy cơ gây khó chịu với gà con, thay vì chỉ đơn giản là phản ứng với dấu hiệu khó chịu từ các chú gà con.

Nghiên cứu vẫn tiếp tục, Edgar cho biết. "Chúng tôi vẫn chưa xác định liệu những phản ứng tâm lý và hành vi ở gà mái khi quan sát gà con trong tình trạng hơi khó chịu là biểu hiện của phản ứng cảm xúc, hay chỉ đơn thuần là bị kích thích hay quan tâm."

Nếu hóa ra gà có thể biểu hiện sự đồng cảm khi những con gà khác buồn bã, điều này có thể làm dấy lên những câu hỏi nghiêm túc về tình trạng nuôi nhốt gà ở các trang trại.

"Có rất nhiều tình huống nơi tất cả các con vật ở trang trại đều bị phơi bày ra trước cảnh tượng, âm thanh và mùi vị cho thấy các con khác đang có dấu hiệu bị đau và khổ sở," Edgar nói. "Việc quyết định xem sự bình an của chúng có bị giảm sút vào những thời điểm đó là rất quan trọng."

Marino cũng nghĩ đã đến lúc phải thảo luận về những câu hỏi này.

"Sự nhận thức về gà [là ngờ nghệch và không có trí tuệ] được dẫn dắt bởi động cơ phớt lờ trí tuệ và giác quan của chúng vì người ta ăn thịt chúng," bà nói.

Sự thật khó chịu về gà là chúng có nhận thức tiến bộ hơn so với rất nhiều người từng nghĩ. Nhưng liệu người tiêu dùng vốn đã được nhồi nhét những kiến thức này có thay đổi thói quen mua sắm của họ tại quầy thịt hay không, đây vẫn còn là điều phải quan sát.


Báo Người lao động có bài "Trí thông minh của loài gà", nội dung như sau:

26/01/2017 (NLĐO) - Điều ít người biết đến là loài gà hoàn toàn thông minh, có khả năng thể hiện cảm xúc. Sinh vật nhỏ bé yếu đuối này hoàn toàn xứng đáng được bảo vệ một cách cơ bản để chúng có thể sống theo ý muốn - theo cuộc nghiên cứu "Con gà thông minh" mới được tiến hành ở Mỹ.

Lâu nay, hễ nói đến gà, chúng ta chỉ quan tâm đến khía cạnh đây là vật nuôi để lấy thịt và trứng. Thịt gà là nguồn cung cấp đạm động vật phổ biến hiện nay trên thế giới, chứa nhiều dưỡng chất mà cơ thể người có thể hấp thụ dễ dàng. Ngoài đạm, chất béo - đặc biệt là omega-3, thịt gà còn có nhiều vitamin và muối khoáng như vitamin A, B1, B2, C, E, can-xi, phốt-pho, sắt…

Theo website Healthy Pets, riêng ở Mỹ mỗi năm tiêu thụ 8 tỉ con gà và điều đáng nói là đa phần số gà này sống cuộc đời ngắn ngủi trong các điều kiện mất vệ sinh, đông đúc và... độc ác. Việc chăn nuôi gia cầm theo kiểu thâm canh như vậy gây tác động tiêu cực đối với môi trường và hơn hết là ác nghiệt đối với loài gà, đặc biệt là khi chúng ta thậm chí làm tổn thương khả năng bộc lộ cảm xúc và nhận biết của loài gia cầm này.

Hy vọng rằng những thông tin dưới đây nhiều khả năng từ giờ trở đi sẽ làm thay đổi cách đối xử của chúng ta với con vật này.


Khoa học cho thấy rằng loài gà sử dụng những hình thức giao tiếp phức tạp cao độ. Ảnh: ONE GREEN PLANET

1. Gà có thể tinh ranh hơn em bé mới biết đi

Cuộc nghiên cứu “Con gà thông minh" cho thấy loài gà có nhiều khả năng mà chỉ trẻ em từ 4 tuổi trở lên mới có thể thực hiện hoàn chỉnh được. Chẳng hạn, phân biệt các con số đến 5 và biết suy luận kiểu như nếu A lớn hơn B và B lớn hơn C, có nghĩa là A lớn hơn C.

Ngoài ra, loài gà cũng cho thấy năng lực tự chủ, được thể hiện qua khả năng trì hoãn sự hài lòng (như khước từ đồ ăn lúc này để sau đó nhận được nhiều thực phẩm hơn).

Thêm vào đó, chúng còn thể hiện tính linh hoạt về hành vi, có thể sử dụng ánh nắng mặt trời lúc mới 2 tuần tuổi, có một số hiểu biết về vật lý và thậm chí có khả năng hoạch định trước và bộc lộ sự thấu cảm.

2. Gà có ngôn ngữ riêng

Loài gà phát ra ít nhất 30 âm thanh, chẳng hạn như "cục", "cục tác", "quác"... Chúng phát ra những âm thanh khác nhau nhằm gây chú ý, khi tìm thức ăn hoặc cảnh báo về các con vật sát thủ (các âm thanh thậm chí còn phân biệt sát thủ biết bay hay sát thủ trên mặt đất)...

Các chuyên gia cho biết gà mẹ bắt đầu trò chuyện với gà con bằng giọng nói dịu dàng khi chúng còn ở trong trứng. Nếu như ghé sát tai vào quả trứng đang ấp, chúng ta có thể nghe thấy tiếng "chiêm chiếp" phát ra từ bên trong.

3. Gà biết cảm thông và chia sẻ

Gà mái có khả năng thể hiện những dấu hiệu bộc lộ nỗi đau buồn và lo lắng khi đàn gà con của chúng rơi vào tình trạng căng thẳng. Điều đó cho thấy loài gia cầm này "sở hữu ít nhất một trong những thuộc tính nền tảng của sự đồng cảm" - tức khả năng bị ảnh hưởng bởi tình trạng cảm xúc của kẻ khác.

4. Gà cũng ngủ mơ

Kiểu ngủ của gà rất giống với kiểu ngủ của loài động vật có vú (mặc dù kiểu cách ngủ của chúng gần gũi với loài bò sát và lớp lưỡng cư hơn). Gà cũng có giai đoạn ngủ REM (chuyển động mắt nhanh) - tức đôi mắt đảo từ bên này sang bên kia, giai đoạn xảy ra giấc mơ, mặc dù nó chỉ diễn ra mỗi lần vài giây (so với vài phút đến 1 giờ ở con người).

5. Gà "kén chọn" bạn tình

Khi chọn bạn tình, gà mái có xu hướng thích con gà trống có mào đỏ tươi nhất, lớn nhất - được xem là dấu hiệu chỉ tình trạng sức khỏe của chàng gà. Ngoài ra, các nhà chuyên môn cho rằng mẩu thịt màu đỏ nhỏ bên dưới mỏ của gà trống là công cụ thu hút sự chú ý trước tiên đối với các nàng gà.

Điều thú vị là, gà mái có thói quen giao phối với một số gà trống vào cùng một khoảng thời gian nhưng chúng có khả năng độc đáo là đẩy tinh dịch của các chú gà trống thấp kém ra ngoài cơ thể sau khi giao phối... để bảo đảm rằng gien di truyền của nàng sẽ chỉ kết hợp với chàng gà nào gây ấn tượng mạnh nhất.

6. Gà sống trong thế giới phức tạp

Gà thông minh hơn và có tính xã hội hơn nhận thức của nhiều người. Chẳng hạn, khoa học đã cho thấy loài gà sử dụng những hình thức giao tiếp phức tạp cao độ, tương tự động vật linh trưởng và loài quạ.

Ngoài ra, gà còn biết tự đánh giá và tự so sánh bản thân với các thành viên khác trong nhóm; nhận ra đến 100 cá thể qua đặc điểm hình thể cũng như nhận thức được tình trạng xã hội của các cá thể này; phối hợp các hoạt động nhóm, như tìm thức ăn và làm ổ; nhớ lâu các sự kiện, giữ lại và áp dụng những điều học được trong quá khứ; thể hiện các cảm xúc như đau buồn, sợ hãi, hăng hái và chán nản; tìm kiếm niềm vui thích như nghịch đất và tắm nắng.

Nguồn: Trên mạng.
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tri-thong-minh-cua-loai-ga-2017011121554992.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét