Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

Nghe bác Vương Đình Huệ hát về dòng sông La ở Hà Tĩnh

Nghe bác Vương Đình Huệ hát về dòng sông La ở Hà Tĩnh
Mấy hôm nay không hiểu sao dư luận ở đâu cũng bàn tán về Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đến các cụ già gần 90 tuổi ở vùng quê cũng hỏi mình về bác Huệ, làm mình rất ngạc nhiên. 
Giờ về bật máy tính mở mạng, tự nhiên cũng thấy tin về bác Huệ, và thấy clip cảnh bác Huệ hát bài "Câu Đợi Câu Chờ" thời bác làm Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách Kinh tế Tổng hợp (2016-2020). 

Mới có mấy năm mà bây giờ trông bác già hẳn đi so với thời đó. Nhìn bác hát khá điệu y như cảnh bác thường phát biểu trên tivi, thấy cũng vui vui nên mình đăng lại ở đây cho các bạn cùng xem.

Lời bài hát như sau:
Ngày ấy bên bờ sông La
Anh nghe câu hò Ví Dặm
Để một đời anh đi xa
Để ngàn lần anh nhớ mãi.

Ngày ấy con đò đưa tiễn
Một người lữ khách qua sông
Người ơi sao mà sâu nặng
Câu thương, câu đợi, câu chờ.

[ĐK:]
Nay anh trở về bên dòng sông La
Con đò vẫn nguyên, dòng sông còn đó
Câu hò quê mình mộc mạc mà thương
Ngày xưa anh mang đi khắp nẻo đường
Câu hò ví dặm cho anh đầy mơ ước.

Nay anh trở về bên dòng dông La
Con đò vẫn nguyên, dòng sông còn đó
Câu hò quê mình mộc mạc mà thương
Ngày xưa anh mang đi khắp nẻo đường
Câu hò Ví Dặm anh thương anh thương trọn đời.

Sông La - một con sông “không nguồn, không cửa” nhưng đã khởi nguồn cho biết bao giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương Hà Tĩnh. Những giá trị ấy và cảnh sắc đôi bờ sông La cũng ẩn giấu nhiềm tiềm năng du lịch trải nghiệm chưa được khai thác.

Bắt đầu ở điểm cuối của 2 con sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố tại ngã ba Tam Soa, sông La chảy qua 15 km làng mạc, xóm thôn, đến ngã ba Phủ (Nghi Xuân) thì hợp lưu với dòng Lam đổ ra biển cả. Trên bản đồ, hầu như sông La không có khúc nào thẳng. Ngay từ điểm bắt đầu, sông đã vồng lên hướng Bắc thành một vòng cung lách qua bãi Ngưu Chữ rồi lại lượn một vòng cung chếch về hướng Đông Nam lách mình dưới cầu Thọ Tường ôm ấp các làng quê và cuối cùng là uốn mình thành một vòng cung nhỏ theo hướng Bắc mới nhập vào dòng Lam.

Có lẽ bởi đặc điểm địa lý đó mà nước sông La được sử sách ghi nhận là “Chảy không nhanh nhưng cũng không quá chậm. Vị nước ngọt mà thơm, tính bình mà nhuận, có cảnh trí tắm nước hóng gió, có phong độ của bọn bút nghiên…”. Và, Huy Cận trong bài thơ “Gửi bạn người Xứ Nghệ” cũng đã khái quát “Như sông La chảy chậm. Đọng bao nỗi vui sầu”. Trong những vòng cung uốn lượn theo làng mạc, xóm thôn ấy, sông La đã lắng trong dòng chảy và bồi đắp cho các làng quê rất nhiều giá trị văn hóa độc đáo.


Trên suốt chừng 15 km ngắn ngủi của mình, sông La luôn gắn với núi, với làng và với người Đức Thọ, làm nên một Đức Thọ “gạo trắng nước trong”, khiến cho nhiều văn nghệ sỹ đi qua đều bật lên nhiều cảm xúc. Ngay tại nơi bắt đầu, sông đã hòa với núi tạo nên một biểu tượng độc đáo La Giang - Tùng Lĩnh. Ngọn núi Tùng Lĩnh có rất nhiều thông nên nhân dân thường gọi là rú Thông. Núi vốn được coi là Thiếu Tổ sơn, nơi đây “cây cối sum suê, độc chiếm hết vẻ đẹp của cả vùng, là chung tú của 28 quả núi của tổng Việt Yên” (Bùi Dương Lịch). Núi cũng được coi là “tiền đồn” trấn giữ ngã ba Tam Soa - nơi hội tụ 3 nguồn sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông La. Ở đó, linh khí núi sông đã hội tụ, tạo nên một đất học Tùng Ảnh, đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài.

Đến nay, người Tùng Ảnh vẫn tin vào giai thoại nhờ có bãi Ngưu Chữ được bồi lắng từ hàng triệu năm có hình ngọn bút dưới dòng sông La hướng thẳng vào làng mà làng “phát quan”. Bởi thế, từ đời này qua đời khác, làng Tùng Ảnh luôn có nhiều danh nhân, chí sỹ, nhà khoa học nổi tiếng. Trong đó có nhà văn hóa Bùi Dương Lịch, chí sỹ Phan Đình Phùng, nhà cách mạng Trần Phú, luật sư Phan Anh, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến v.v… cùng hàng trăm vị giáo sư, tiến sỹ thuộc nhiều lĩnh vực.

Không chỉ ưu ái riêng Tùng Ảnh, suốt chiều dài của mình, sông La còn đem linh khí của mình nuôi dưỡng nên nhiều nhân tài khác cho quê hương Đức Thọ như: Nhà ngoại giao Nguyễn Biểu, nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn, nhà toán học Lê Văn Thiêm, Giáo sư sinh học Võ Quý, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị v.v…

Cùng với việc bồi đắp, nuôi nấng những người con tài hoa trong học hành khoa cử, sông La còn nuôi nấng nên những bàn tay, khối óc tài hoa trong lao động. Từ những thế kỷ trước, đôi bờ sông La đã xuất hiện những làng nghề truyền thống gắn với những đặc trưng thổ nhưỡng của vùng. Trong đó, nổi tiếng là làng nón, làng dệt lụa chợ Hạ. Làng nghề đan lát, cào hến ở Trường Sơn. Làng đóng thuyền Trường Xuân. Xa bờ hơn một chút là làng mộc Thái Yên. Sự hình thành và phát triển những làng nghề ấy đều cho thấy nét tài hoa và tâm hồn phong phú của người dân đôi bờ sông La. Ngày nay, một số nghề đã mất đi nhưng một số làng nghề lại phát triển lên những bậc cao hơn, góp phần tạo nên “thương hiệu” cho quê hương Đức Thọ.


Sông La, như tác giả Minh Khanh đã viết: “Sông dài bao khúc sông ơi/ Sông hẳn còn in bóng người thuở trước”, ngày nay, hai bên bờ sông La, hòa mình giữa các làng mạc, xóm thôn còn rất nhiều những di tích văn hóa, lịch sử gắn với những danh nhân nổi tiếng. Đó là đền thờ Nguyễn Biểu (Yên Hồ); mộ và nhà thờ Phan Đình Phùng, Khu lưu niệm Trần Phú, nhà thờ Bùi Dương Lịch (Tùng Ảnh)… Cùng đó là nhiều di tích văn hóa gắn với nhiều giai đoạn lịch sử như: Chùa Am (Đức Hòa), đền thờ Ngô Thị Ngọc Dao (Đức Thịnh), chùa Vền (Đức Tùng), chùa Đá (Tùng Ảnh)…

Khi viết về sông La, nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy từng đánh giá: “Dọc hai bên sông, các di tích lịch sử cùng với thắng cảnh thiên nhiên kỳ vỹ, duyên dáng, hòa quyện, đan xen, tạo nên một vùng văn hóa du lịch phong phú, đặc sắc, không phải nơi nào cũng dễ có được”. Thật vậy, sông La tiềm ẩn rất nhiều tiềm năng du lịch trải nghiệm, khám phá. Chỉ cần một vài du thuyền xuôi dòng với “đặc sản” dân ca ví, giặm, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sông núi, có thể khám phá, cảm nhận những giá trị văn hóa, lịch sử từ những di tích văn hóa, lịch sử trên các làng quê, có thể trải nghiệm, thưởng thức đặc sản hến sông La… 


https://baohatinh.vn/lang-dong-dong-la-post175443.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét