Báo cáo của Ngân hàng Thế giới
Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam
TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, ngày 4-5 tháng 6, 2012
http://www.viet-studies.info/kinhte/WB_Report_2012.pdfHội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam
TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, ngày 4-5 tháng 6, 2012
i. Sự thực hiện quyết liệt chính sách bình ổn kinh tế của các nhà lãnh đạo Việt
Nam đã giúp môi trường kinh tế vĩ mô tránh được một nguy cơ khủng hoảng. Việt Nam bước vào năm 2011 với nhiều bất ổn kinh tế vĩ mô, bao gồm lạm phát tăng nhanh ở mức cao, tỷ giá biến động mạnh, dự trữ ngoại hối sụt giảm, mức rủi ro tín dụng quốc gia gia tăng sau sự đổ vỡ của một trong những doanh nghiệp nhà nước hàng đầu, thâm hụt ngân sách và nhập siêu ở mức cao cũng như các bất cập trong khu vực doanh nghiệp cũng như tài chính, ngân hàng. Trong mười hai tháng vừa qua, các diễn biến bất lợi trên đã dần được cải thiện, giúp Việt Nam bước đầu có được một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Mặc dù vẫn còn đó những rủi ro bất trắc trong tương lai, song điều chắc chắn là Nghị quyết 11 - với những biện pháp bình ổn kinh tế và đảm bảo an sinh, ổn định xã hội – đã giúp ngăn chặn nguy cơ bất ổn định kinh tế và khôi phục lại niềm tin vào khả năng điều hành vĩ mô của Chính phủ.
ii. Nếu như môi trường kinh tế vĩ mô trong giai đoạn 2010-2011 xấu đi rất nhanh,
thì tốc độ cải thiện tình hình trong 12 tháng vừa qua cũng không kém phần nhanh
chóng. Lạm phát (so với cùng kỳ) đã giảm trong chín tháng liên tiếp - từ đỉnh điểm 23%
hồi tháng 8/2011 xuống còn 8,3% vào tháng 5/2012. Thâm hụt cán cân vãng lai ước tính
đã giảm xuống còn 0,5% GDP trong năm 2011, từ mức 4,1% năm 2010 và đặc biệt so với
mức cao điểm là 11,9% GDP vào năm 2008. Tỉ giá hối đoái không chính thức dao động
trong biên độ ±1 phần trăm so với tỉ giá chính thức trong gần hết cả năm.
Nguồn đô la Mỹ dồi dào trên thị trường giúp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường dự trữ ngoại hối trong những tháng đầu năm 2012, hiện ước tính vào khoảng 9 tuần nhập khẩu. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã giảm mạnh từ 32,4% vào cuối năm 2010 xuống còn 14,3% vào cuối năm 2011. Thâm hụt ngân sách (theo tiêu chí GFS) ước tính đã giảm xuống còn 2,7 phần trăm GDP trong năm 2011 từ mức cao điểm 7,2 phần trăm GDP năm 2009.
iii. Ổn định môi trường kinh tế vĩ mô có giá của nó nhưng không ổn định kinh tế có
thể sẽ dẫn tới tổn thất cao hơn. Tăng trưởng GDP đã giảm từ 6,8 phần trăm trong năm
2010 xuống còn 5,9 phần trăm trong năm 2011, và tiếp tục giảm xuống mức 4 phần trăm
trong quý một 2012 — khi tình trạng giá cả tăng cao đã làm giảm cầu trong nước, ảnh hưởng đến nhiều ngành như xây dựng, sản xuất và công ích. Sản xuất công nghiệp chậm lại, lượng tồn kho các mặt hàng chế biến chủ chốt tăng lên. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải đóng cửa, giải thể hoặc tạm thời ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nỗ lực bình ổn kinh tế có thể gây sụt giảm kinh tế theo chu kỳ nhưng xu hướng suy giảm kinh tế trong vòng 5-6 năm trở lại đây chủ yếu là kết quả của quá trình cải cách cơ cấu chậm trễ. Hiệu quả yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và đầu tư công đang là nguyên nhân tác động tiêu cực đến tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
iv. Khi những thành quả của quá trình ổn định kinh tế vĩ mô mới chỉ ở bước đầu và còn khá
mong manh, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế bên ngoài còn nhiều bất trắc, Chính phủ nên
có những bước đi thận trọng tránh điều chỉnh nới lỏng chính sách quá sớm. Với mục tiêu tăng cầu trong nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất chính sách 300 điểm cơ bản (ba điểm phần trăm) chỉ trong vòng hơn tám tuần qua. Trong điều kiện lạm phát giảm nhanh và tăng trưởng tín dụng âm trong bốn tháng đầu năm thì các quyết định giảm lãi suất như vậy có thể là có cơ sở. Tương tự, Nghị quyết 13 của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc gia hạn thời gian nộp thuế và giảm phí thuê đất khi ước tính tác động tài khóa của các biện pháp này chưa đến 0,5 phần trăm GDP. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã từng nới lỏng chính sách quá sớm trong quá khứ thì cũng có nhiều lý do để Chính phủ cẩn trọng. Thứ nhất, với độ trễ giữa chính sách và kết quả dự kiến thường từ ba đến bốn tháng, tác động của nới lỏng chính sách có thể tạo thêm tăng trưởng nhưng cũng sẽ kéo theo lạm phát trở lại vào cuối quý 3 năm nay. Thứ hai, khi nợ công đã tới ngưỡng thì dư địa cho chính sách tài khóa trong năm nay sẽ không còn nhiều so với bối cảnh năm 2009. Cuối cùng, tình trạng thiếu hiệu quả kéo dài của nhiều doanh nghiệp nhà nước và yếu kém của hệ thống ngân hàng thì các biện pháp kích thích kinh tế vô hình chung sẽ lại là nguồn nuôi dưỡng mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, đi ngược lại mong muốn của Chính phủ trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh.
v. Thực hiện một chương trình tái cơ cấu đáng tin cậy - bao gồm các cải cách cơ cấu sâu
rộng và bền vững sẽ tạo ra chất xúc tác tốt nhất cho nền kinh tế. Trong tháng Mười năm 2011, Chính phủ thông báo chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và khu vực tài chính. Hiện nay kế hoạch cải cách cho từng lĩnh vực này đã có. Ví dụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công trong đó có việc soạn thảo một Nghị định về lập kế hoạch đầu tư trung hạn, dự thảo một khung luật mới về đầu tư công, và một luật về quy hoạch. Báo cáo của Ban Chỉ đạo về Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp (NSCERD) được công bố vào tháng 12/2011 đã đưa ra những mục tiêu tham vọng về kế hoạch cổ phần hóa và sắp xếp lại các DNNN tới năm 2015. Tiếp theo đó là dự thảo chương trình tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-15 của Ban chỉ đạo thuộc Bộ Tài chính, trong đó nêu lên các biện pháp quản lý và giám sát vốn nhà nước và theo dõi kết quả hoạt động của các DNNN. Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ về “Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” tạo ra một hành lang pháp lý để xử lý các ngân hàng yếu kém và đưa ra nhiều phương án tái cơ cấu ngân hàng. Nhưng có lẽ cái còn thiếu ở đây là một ‘lộ trình tái cơ cấu’ với một khung thời gian rõ ràng và một cơ chế giám sát hiệu quả quá trình thực hiện. Nếu không thực hiện cải cách triệt để và trong bối cảnh bất trắc kéo dài của môi trường kinh tế toàn cầu thì kinh tế Việt Nam sẽ khó có khả năng chuyển được sang một mô hình phát triển mới cũng như khó tránh khỏi việc lặp lại các bất cập kinh tế vĩ mô đã từng xảy ra trong vòng 4-5 năm qua.
Xem tiếp trong: http://www.viet-studies.info/kinhte/WB_Report_2012.pdf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét