Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Rối bời việc "xử" nợ xấu ngân hàng


Lập một công ty mua bán nợ xấu trực thuộc Ngân hàng Nhà nước hay mở rộng công ty mua bán nợ xấu thuộc Bộ Tài chính để giải quyết số nợ xấu trong hệ thống tài chính tăng lên từng ngày?
Nợ xấu 10% hay hơn?
Công khai thông tin về con số nợ xấu trong hệ thống tài chính của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại diễn đàn Quốc hội mới đây đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nợ xấu của hệ thống NH, theo đánh giá của NHNN hiện đã tăng lên mức 10%.

Rối bời việc `xử` nợ xấu ngân hàng
Nợ xấu trong khối NH được ví như "cục máu đông" của nền kinh tế

Tăng tới hơn 6% so với những công bố trước đây của cơ quan quản lý tiền tệ khiến nhiều người bị "sốc". Nhưng, nếu so với những đánh giá độc lập của các hãng xếp hạng tín nhiệm trước đây, như Fitch Ratings trong đánh giá độc lập của mình cho rằng nợ xấu hệ thống NH Việt Nam khoảng 13% tổng dư nợ; hay Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trong công bố mới nhất cũng đưa ra mức dự báo nợ không có khả năng thu hồi của khối NH dao động 8,25-14,01%... đưa ra thì nhiều chuyên gia và cả người trong cuộc cũng không phải quá bất ngờ.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành tỏ ra không mấy bất ngờ về con số nợ xấu mà Thống đốc NHNN công bố. "Tôi không bất ngờ về sự khác biệt các con số nợ xấu nay, vì NHNN cũng đã có báo cáo Chính phủ việc này rồi. Nếu căn cứ theo khai báo của các NH thì dự nợ xấu chỉ như vậy, nhưng qua thanh tra, kiểm tra thực tế thì mức nợ xấu cao hơn khai báo nhiều lần. Đây là phần trách nhiệm của NHNN, phải xác định được nợ xấu thực sự là bao nhiêu, từ đó, quản lý được rủi ro trong hệ thống" – ông Thành nói và lưu ý.
Trong khi lãi suất cho vay đã giảm mạnh khi trần lãi suất về 9%/năm, nhưng trong bối cảnh kinh doanh không thuận lợi và nợ xấu vẫn đang là vấn nạn ngăn dòng tín dụng thì dòng vốn khó khơi thông, dù vốn khả dụng dư thừa. Chỉ khi nào "cục máu đông" nợ xấu được giải quyết thì lúc đó cây cầu vốn giữa DN và NH mới hết "tắc nghẽn".
Hiện, ngoài công ty mua bán nợ xấu DATC thuộc Bộ Tài chính và 20 công ty mua bán nợ xấu trực thuộc các NHTM (công ty AMC) thì khi nợ xấu đang gia tăng nhanh chóng chắc chắn cần một giải pháp căn cơ để quét sạch.
Và để giải quyết số nợ khủng này, người đứng đầu NHNN cho hay, cơ quan này đang nghiên cứu để thành lập một công ty mua bán nợ xấu quốc gia với số vốn khoảng 100.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều băn khoăn là hiện đã có một công ty mua bán nợ xấu quốc gia (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính, việc lập một công ty mua bán nợ mới có thực sự cần thiết và xử lý được vấn nạn nợ xấu đang ngày càng "dềnh" lên trong hệ thống NH? Hay nên "xốc" lại và bơm vốn cho DATC để công ty này phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của mình. Thêm nữa, số vốn 100.000 tỷ đồng mà NHNN dự trù bơm cho công ty mua bán nợ mới sẽ lấy nguồn từ đâu?... Vẫn đang là những câu hỏi rối bời chưa có giải đáp thỏa đáng.

Mua lại không dễ
Xung quanh câu chuyện lập công ty mua bán nợ xấu trực thuộc NHNN, trao đổi với PV báo điện tử Infonet, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói thẳng: "Không nên thành lập công ty mua bán nợ vì việc thành lập một công ty trực thuộc Nhà nước khá phức tạp trong quản lý, nhất là trong bối cảnh các DNNN đang cần sắp xếp lại". Theo TS. Ánh, kinh nghiệm trong xử lý nợ xấu của các nước cho thấy, thường những DN kiểu này chỉ được thành lập ra làm 1 nhiệm vụ duy nhất, khi nhiệm vụ đó hoàn thành thì sẽ bị giải tán. "Nếu chỉ "đẻ" ra một DN để giải quyết công việc trước mắt thì không nên. Bởi khi giải quyết xong làm thủ tục giải thể cho nó khá phức tạp, như hiện nay nhiều DN muốn xin "chết" mà không được chết" – ông Ánh nói.
Thừa nhận với số vốn ít ỏi hơn 2.000 tỷ đồng của DATC hiện nay khó lòng giải quyết được số nợ xấu đang "chất cao như núi" (hiện lên tới 270.000 tỷ đồng), nhưng ông Phạm Mạnh Thường – Phó tổng giám đốc DATC vẫn cho rằng, thay vì lập một DN mới NHNN nên phối hợp với Bộ Tài chính, cụ thể là công ty mua bán nợ trực thuộc Bộ Tài chính, xem xét vướng mắc trong cơ chế chính sách hiện đang nằm ở đâu; từ đó tìm ra phương án giải quyết nợ xấu hiệu quả nhất.
Còn chuyên gia Bùi Kiến Thành nói thẳng, Chính phủ không có nhiệm vụ phải mua lại nợ xấu của NH. "Hiện trong hệ thống tài chính tồn tại những NH lại là sân sau của một số đại gia nào đó, huy động vốn trong nhân dân để cho vay dự án của mình. NHNN cũng đã thấy hiện tượng đó rồi, những trường hợp này lên tới 60-70% nợ xấu. NHNN phải khoanh các đối tượng này, giám sát chặt chẽ. Vấn đề là Chính phủ phải xác định rõ mục tiêu mua nợ xấu để làm gì? Nếu để ra lợi nhuận thì phải tính toán. Còn nếu để cứu nền kinh tế, thì cần đạt mục tiêu bảo toàn vốn đã bỏ ra và khơi thông dòng vốn cho ngân hàng"- ông Thành nêu quan điểm.
Nợ xấu gia tăng quá cao trong hệ thống tài chính gây ra những hệ lụy, đây cũng được coi là nguyên nhân chính khiến dòng vốn bị ứ đọng trong nhà băng, nảy sinh nghịch lý NH thì thừa tiền, DN thì khốn khổ, chạy vạy đủ kiểu cũng không thể với tới vốn vay.
TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc VEPR nhấn mạnh, chính các NH phải chịu trách nhiệm trong giải quyết nợ xấu. Tiền không phải vấn đề quan trọng, mà đầu tiên phải giải quyết được vấn đề sở hữu chéo tại một số NH hiện nay rất đáng ngại. "Cần giải quyết tình trạng sở hữu chéo thông qua thực thi nghiêm ngặt việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty lớn khỏi khu vực tài chính - NH, cần sửa đổi các giới hạn về sở hữu cũng như cấp tín dụng liên quan đến các cổ đông lớn, quy định về các ngân hàng sở hữu chéo lẫn nhau..."- TS. Thành nói.
Trường Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét