Bà Hoàng Yến bị Quốc hội khóa XIII bãi nhiệm tư cách đại biểu vì đã không trung thực khi khai lý lịch ứng cứ đại biểu Quốc hội.
Bà từng là đảng viên nhưng không khai điều này. Bà ra
khỏi Đảng với hình thức khi chuyển sinh hoạt Đảng bà đã không nộp hồ sơ
về địa phương, vì bà “tự thấy mình không còn là đảng viên”. Hình thức
ra khỏi Đảng này tạm gọi là “tự ra khỏi Đảng”.Tình trạng “tự ra khỏi Đảng” theo cách này không phải cá biệt. Tuy chưa có thống kê số lượng trên cả nước là bao nhiêu nhưng nếu thống kê đầy đủ, tôi tin không phải là hai con số. Trước đây, đảng viên bị khai trừ hoặc bị xóa tên mới không còn là đảng viên nữa. Không ai muốn ra khỏi Đảng, vì hai chữ “đảng viên” đối với công dân Việt Nam rất thiêng liêng, họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ. Còn bây giờ, một bộ phận đảng viên không còn thiết tha với Đảng nữa, khi hai chữ “đảng viên” không còn có tác dụng đối với họ thì họ tự ra khỏi Đảng. Phải chăng đây cũng là một biểu hiện của sự “suy thoái” đối với một bộ phận đảng viên?
Tự ra khỏi Đảng bằng cách không nộp giấy sinh hoạt Đảng và hồ sơ đảng viên cho tổ chức Đảng nơi mà đảng viên được giới thiệu đến sinh hoạt, gồm nhiều đối tượng như công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; cán bộ, nhân viên trong các tổ chức xã hội, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an và quân đội...
Trước đây, đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng từ nơi này đến nơi khác chỉ được mang theo “Giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt Đảng”. Thậm chí giấy giới thiệu cũng không được mang theo người vì lý do bí mật hoặc đề phòng đảng viên bị hy sinh, bị bắt..., còn hồ sơ đảng viên thì được chuyển qua đường công văn. Khi nhận được hồ sơ đảng viên, tổ chức đảng ở cơ quan, đơn vị mới sẽ tiến hành các thủ tục tiếp nhận đảng viên về sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị mình. Có trường hợp đảng viên chưa kịp về cơ quan, đơn vị mới đã hy sinh…
Hiện, không biết theo quy định nào mà đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng từ nơi này đến nơi khác được mang cả giấy giới thiệu cùng với hồ sơ “gốc” của đảng viên. Vậy là đến cơ quan, đơn vị mới hoặc về địa phương nơi nghỉ hưu, nếu không muốn là đảng viên nữa hoặc “tự thấy không còn là đảng viên nữa”, họ không nộp giấy sinh hoạt và hồ sơ đảng viên là xong! Về nguyên tắc, tổ chức Đảng ở đơn vị, cơ quan mới không nhận được giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng thì dù biết chắc người này là đảng viên cũng không được công nhận là đảng viên. Còn tổ chức Đảng ở đơn vị, cơ quan cũ đã chuyển sinh hoạt Đảng cho đảng viên do mình quản lý thì hết trách nhiệm. Quản lý đảng viên như thế thì tình trạng “tự ra khỏi Đảng” sẽ ngày càng nhiều, bởi lẽ: Đảng viên đã nhiều năm công tác, nay được nghỉ hưu có tâm lý không muốn tham gia sinh hoạt Đảng; đảng viên chuyển từ cơ quan, tổ chức nhà nước ra ngoài kinh doanh cũng không muốn là đảng viên nữa, nhất là đối với những người làm việc cho các công ty, tổ chức nước ngoài! Việc “tự ra khỏi Đảng” bằng hình thức này không gây ồn ào, bởi họ không “mang tiếng” bị xóa tên hay khai trừ.
Không nộp giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng là hình thức tự ra khỏi Đảng “trong sạch” và dễ dàng nhất mà nhiều đảng viên đang áp dụng.
Đành rằng việc vào Đảng hay ra khỏi Đảng là quyền của mỗi người nhưng khi ra khỏi Đảng cũng nên đàng hoàng, minh bạch. Nếu khi vào Đảng, chi bộ làm lễ kết nạp với đầy đủ thủ tục thì thiết nghĩ, khi một đảng viên muốn ra khỏi Đảng vì lý do sức khỏe hay vì hoàn cảnh cũng nên tổ chức đàng hoàng để ghi nhận những năm cống hiến của đảng viên đó. Cạnh đó, công tác quản lý đảng viên trong trường hợp chuyển sinh hoạt Đảng cũng cần xem lại để tổ chức Đảng nắm được đảng viên khi chuyển sinh hoạt từ nơi này đến nơi khác, không nên để tình trạng đảng viên “tự ra khỏi Đảng” bằng cách không chuyển sinh hoạt Đảng như hiện nay.
ĐINH VĂN QUỄ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét