Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

DATC muốn 'cứu' nợ xấu ngân hàng


Ông Phạm Mạnh Thường, Phó tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cho rằng, không nên thành lập một công ty mua bán nợ hoàn toàn mới trực thuộc Ngân hàng Nhà nước mà chỉ cần nâng cấp DATC là đủ.
>Chỉ cần 20.000 tỷ đồng xử lý nợ xấu ngân hàng
- Một số người nghi ngại về khả năng cáng đáng số nợ xấu của công ty mua bán nợ quy mô vốn 100.000 tỷ đồng, quan điểm của ông như thế nào?

Ông Phạm Mạnh Thường cho rằng chỉ cần 30.000 - 40.000 tiền mặt là đủ để xử lý nợ xấu ngân hàng. Ảnh: ĐTCK
Ông Phạm Mạnh Thường cho rằng chỉ cần 30.000 - 40.000 tiền mặt là đủ để xử lý nợ xấu ngân hàng. Ảnh: ĐTCK

- Tôi nghĩ cần phân định rõ thông điệp 100.000 tỷ đồng này là số tiền cần có cho công ty mua bán nợ hoạt động, hay đó là số nợ xấu mà đơn vị này phải xử lý. Giả sử, nợ xấu hiện tại đúng là 10%, với tổng mức dư nợ tín dụng toàn hệ thống ước đạt 2,7 triệu tỷ đồng, thì nợ xấu sẽ rơi vào khoảng 270.000 tỷ đồng. Theo lý thuyết, khoản kinh phí xử lý bằng một phần ba số đó, cỡ khoảng 100.000 tỷ, là có thể giải quyết được, bởi tỷ lệ chiết khấu bình quân mua nợ xấu theo kinh nghiệm DATC vào khoảng 60 - 70%.
Tuy nhiên, theo tôi, không nhất thiết phải bỏ ra một khoản tiền mặt lớn tới 100.000 tỷ đồng. Ta có thể thanh toán khoảng một phần ba bằng tiền mặt và hai phần ba bằng phát hành trái phiếu kỳ hạn 5-7 năm cho ngân hàng bán nợ xấu, tương đương khoảng 30.000 hoặc 40.000 tỷ đồng tiền mặt là đủ.
Tôi cho rằng, trách nhiệm chính trong xử lý nợ xấu vẫn thuộc về từng ngân hàng. Do vậy, ngân hàng phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng giải quyết số nợ này, không thể đẩy cho người khác được, Nhà nước và xã hội chỉ hỗ trợ, chia sẻ. Phát hành trái phiếu chính là một cách để ngân hàng có ý thức và gánh trách nhiệm xử lý các khoản nợ xấu của họ.

- Vậy quan điểm của ông ra sao về việc thành lập một công ty mua bán nợ hoàn toàn mới?
- Đây là lúc Nhà nước phải ra tay nếu không muốn phải trả giá về sau và công cụ cần có là một tổ chức xử lý nợ quốc gia. Tổ chức này chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định 5 – 7 năm và giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ hay chuyển hướng hoạt động.
Tuy nhiên, việc thành lập một công ty mua bán nợ sẽ tốn thời gian và giải quyết “hậu mua bán nợ” cũng là vấn đề cần tính tới. Cần vài năm mới có được một bộ máy và khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh để vận hành trơn tru.
Đào tạo con người có kỹ năng chuyên sâu lại càng cần nhiều thời gian hơn nữa, mà chưa chắc đã thành công. Chỉ xét về yếu tố tâm lý, liệu có bao nhiêu người có thể sẵn sàng định giá được nợ xấu, có đủ khả năng lập phương án xử lý, hay có kỹ năng để đàm phán và quyết định một giao dịch với giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mà không e ngại điều gì? Điều này rất khó và cần phải cân nhắc.
Vậy nên các cơ quan Nhà nước liên quan nên ngồi lại để bàn bạc việc này. Tốt hơn hết là điều chỉnh vấn đề ngân quỹ và cơ chế hoạt động liên quan giúp một công ty có sẵn như DATC hoạt động như một tổ chức xử lý nợ quốc gia để đảm trách nhiệm vụ này.
- Ông nhìn nhận thế nào nếu nhiều người nói rằng DATC không đủ năng lực để trở thành công ty mua bán nợ xấu quốc gia?
- Cần có cái nhìn lịch sử và đặt sự việc trong thế vận động liên hoàn của thời cuộc. DATC không phải được sinh ra để gánh giúp ngân hàng khối nợ xấu hàng trăm ngàn tỷ đồng như hiện nay nên thiết kế ban đầu tuy vẫn là mua và xử lý nợ xấu nhưng theo những triết lý khác.
Tuy nhiên, chúng tôi đã có bộ máy hoàn thiện, có những cán bộ đủ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu về giải quyết tình hình nợ xấu hiện nay. Ở nhiều khía cạnh, DATC đã có dáng dấp của một tổ chức xử lý nợ quốc gia, nay chỉ cần xác lập lại mục tiêu, có những thay đổi trong tư duy của nhà quản lý và những sửa đổi cơ chế chính sách liên quan là DATC có đủ khả năng làm tốt ngay được nhiệm vụ.
- Cũng có nhiều ý kiến lo ngại DATC là công ty sử dụng vốn nhà nước, mà như thế là dùng tiền của dân để cứu ngân hàng?
- Ở nước ta Ngân hàng Nhà nước không phải là cơ quan độc lập với Chính phủ như nước ngoài, mà là một phần của Chính phủ. Như thế, nếu công ty mua bán nợ này hoàn toàn thuộc Ngân hàng Nhà nước thì nguồn tiền cuối cùng vẫn từ Nhà nước, vẫn từ tiền thuế của dân đóng góp. Và, nói gì thì nói, không thể không dùng tiền của Nhà nước để xử lý nợ xấu được, nếu không muốn thấy một sự đổ vỡ mang tính hệ thống khi tiếp tục để nợ xấu tích tụ lâu dài.
- Dự kiến mất bao lâu để DATC có thể xử lý hết khoản nợ xấu này?
- Nhiều nước trên thế giới, như Malaysia, Thái Lan hay Hàn Quốc chẳng hạn, họ cần khoảng thời gian là 7-10 năm để xử lý nợ xấu do khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Ở Việt Nam, nếu xác lập được mô hình hoạt động hợp lý và có những thay đổi tích cực về cơ chế chính sách thì có lẽ cần thời gian khoảng 1 - 2 năm để mua hay tiếp nhận hết nợ xấu của ngân hàng.
Đồng thời, cần khoảng 3 - 5 năm để xử lý hết số nợ xấu này tại các doanh nghiệp mắc nợ. Nhớ rằng, việc xử lý nợ xấu không chỉ ở tại đầu các ngân hàng chủ nợ, mà quan trọng hơn còn lại việc xử lý tại đầu đối tượng vay là các doanh nghiệp.
Tuấn Lân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét