Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Khi dân châu Á trở thành nô lệ thời đại

Khi dân châu Á trở thành nô lệ thời đại 

Biểu tình phản đối các hành vi bạc đãi phụ nữ Indonesia (Reuters)
Biểu tình phản đối các hành vi bạc đãi phụ nữ Indonesia (Reuters)
 
Tuấn Thảo
Kể từ đầu năm 2012, Ả Rập Xê Út chuyển sang tuyển dụng phụ nữ giúp việc nhà tại Việt Nam và Cam Bốt. Sở dĩ chính quyền Riyad buộc phải làm như vậy là vì hai nước Indonesia và Philippines đã tạm ngưng xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út. Báo La Croix đăng bài phóng sự về trường hợp thương tâm của những phụ nữ châu Á tại các nước vùng Vịnh Ba Tư.

Theo thống kê chính thức, hiện có khoảng 2 triệu người giúp việc nhà đang đi làm tại Ả Rập Xê Út. Trong số này có đến 60% là phụ nữ Indonesia (1,2 triệu), 35% là dân Philippines, 5% còn lại đến từ các nước châu Á khác. Các nước vùng Vịnh thiên về việc nhập khẩu lao động từ Indonesia, vì đây là quốc gia hồi giáo đông dân nhất địa cầu.
Hầu hết các công ty tuyển người lao động đều cho rằng điều kiện làm việc tại Ả Rập Xê Út là khá lý tưởng : công việc không quá đỗi nặng nhọc, tiền lương lại khá hậu hĩnh so với mức sống trung bình ở Indonesia. Nhưng thực tế không phải là như vậy, theo báo La Croix mỗi ngày có hàng trăm phụ nữ Indonesia buộc phải hồi hương, họ ngưng hợp đồng làm việc vì không còn chịu đựng nổi.
Theo cô Anis Hidayah, tư vấn pháp lý thuộc hiệp hội Migrant Care, chuyên bảo vệ quyền lợi của dân lao động ở nước ngoài, thì trong số các phụ nữ buộc phải hồi hương, hầu hết cho biết là họ thường xuyên bị hành hạ đánh đập, thậm chí có nhiều trường hợp bị cưỡng hiếp. Tại Ả Rập Xê Út, hiện có khoảng 1700 kiều dân Indonesia bị bỏ tù, trong đó có 25 trường hợp phụ nữ chờ án tử hình do đã phạm tội giết người, cho dù có sự can thiệp của luật sư, nhưng quyền tự vệ chính đáng của họ không được công nhận.

Vào tháng 6 năm 2011, tòa án Ả Rập Xê Út ra lệnh hành quyết một người giúp việc nhà Indonesia. Cô gái này bị chặt đầu do đã dám đâm chết ông chủ nhà. Trường hợp này, theo tổ chức Migrant Care, không phải là lẻ loi. Cách đây hai năm, một thiếu nữ 15 tuổi tên là Ernawati, được đưa sang làm việc tại Riyad. Do cô gái chưa đủ 18 tuổi, cho nên công ty tuyển nhân công đã làm giấy khai sinh giả mạo. Sau sáu tháng làm việc, cô gái ngỏ lời kêu cứu với gia đình : mỗi ngày cô phải làm việc 18 tiếng mà không hề được trả lương, mỗi lần làm phật ý bà chủ là cô lại bị đánh.
Gia đình của cô Ernawati đệ đơn lên bộ Ngoại giao cầu xin sứ quán Indonesia tại Riyad can thiệp, nhưng rồi cũng hoài công. Hai tháng sau đó, gia đình của Ernawati nhận được một cú điện thoại của bệnh viện thành phố Riyad, cho biết là cô gái đã qua đời sau khi bị đánh trọng thương. Theo hiệp hội Migrant Care, trong vụ này, cả công ty tuyển người lao động lẫn ông chủ nhà đều không bị trừng phạt hay bị kết án.
Xuất ngoại tưởng chừng phát tài, nào ngờ nô lệ thời đại
Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, tình trạng lạm dụng, ngược đãi hay bóc lột sức lao động là chuyện thường xẩy ra tại Ả Rập Xê Út. Đàn ông châu Á sang Riyad thường làm công nhân xây dựng, tài xế vận tải, hay phu khuân vác. Còn phụ nữ châu Á đa số thường phụ giúp việc nhà, chỉ có một số ít mới đơn thuần trông nom trẻ nhỏ. Vấn đề ở đây là, ngoài các chi phí dịch vụ, các ông bà chủ còn phải chi thêm gần hai ngàn đô la tiền vé máy bay và thủ tục giấy tờ khi tuyển người giúp việc. Trong số này, có không ít trường hợp các ông bà chủ tự cho mình cái quyền không trả lương, và nhất là đa số không tôn trọng các điều kiện ghi trên hợp đồng, từ thời hạn cho đến giờ giấc làm việc.
Ngoài ra, còn phải kể đến trách nhiệm của các nhà chức trách. Theo báo La Croix, chính quyền Jakarta đã không bảo vệ được các kiều dân của mình. Ngành xuất khẩu lao động đem về cho Jakarta 7 tỷ rưỡi đô la hàng năm, nhưng các cơ quan trực thuộc sứ quán hay toà lãnh sự của Indonesia ở nước ngoài lại thiếu nhân sự và phương tiện tái chính để hỗ trợ pháp lý cho kiều dân của mình. Nhưng nghiêm trọng hơn nữa, là Jakarta không kiểm soát chặt chẽ các công ty tuyển dụng lao động xuất khẩu. Các công ty này chẳng những làm giấy tờ giả mạo, mà còn dùng nhiều cách để luồn lách lệnh tạm ngưng xuất khẩu lao động của chính quyền.
Theo tổ chức Migrant Care, một trong những hình thức thông dụng nhất là làm visa nhập cảnh để đến một quốc gia thứ ba, rồi sau đó mới chuyển tới Ả Rập vùng Vịnh. Ngoài ra còn có việc mua vé bay thẳng tới Ả Rập Xê Út nhưng với lý do là đi hành hương tại Mecca, điều mà Jakarta khó thể kiểm soát mà không đi ngược lại với nguyên tắc của những người hồi giáo sùng đạo.
Sau khi Indonesia ra lệnh tạm ngưng xuất khẩu lao động sang Ả Rập Xê Út vào năm 2008, nay lại đến phiên Philippines. Hầu hết các tổ chức bảo vệ nhân quyền đều nhắc nhở người lao động nên đề phòng cảnh giác trước những lời hứa hẹn của các công ty tuyển nhân công. Người đi làm việc ở nước ngoài tưởng chừng dễ phát tài, nào ngờ họ có nguy cơ trở thành nô lệ thời đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét