SGTT.VN - Chúng ta đang trong quá trình sửa luật Đất
đai, theo nghiên cứu “Thực hiện dân chủ, công bằng trong thuê đất và thu
hồi đất” của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – Trung tâm
thông tin tư liệu, thì đây là cơ hội không thể tốt hơn để Việt Nam khắc
phục những khuyết tật trong hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai,
không những để tránh các sự việc phát sinh, mà còn để tháo gỡ mọi trở
ngại và tạo động lực mới cho nền kinh tế đột phá. Sài Gòn Tiếp Thị tiếp
tục trích giới thiệu.
Làm rõ lý luận quyền sử dụng đất với quyền sở hữu đất
Các
vụ khiếu kiện về đất đai tăng nhiều trong những năm gần đây vì người
dân không thể bảo vệ nhà cửa của mình bởi có thể bị di dời, giải phóng
mặt bằng bất cứ lúc nào mà hầu như không được tham gia để biết, đàm phán
trong quyết sách của chính quyền về quy hoạch, mức giá bồi thường. Ảnh: tư liệu internet
|
Trong các quy định của pháp luật về đất đai, Nhà nước
đã cho người dân đến bảy quyền đối với ruộng đất như: quyền sử dụng,
quyền thừa kế, quyền thế chấp, quyền cho thuê, quyền chuyển đổi, quyền
tặng, quyền góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, làm cho quyền sử
dụng tiến sát đến quyền sở hữu, nhưng vẫn là quyền sử dụng.
Điều này mâu thuẫn, gây khó khăn trong các quyết định
bán, cho, tặng, thế chấp, thừa kế và càng làm cho người dân yếu thế
trong việc đảm bảo hưởng dụng các lợi ích từ đất và đặc biệt là khả năng
bảo vệ đất đai của mình. Nông dân không có quyền bảo vệ ruộng đất… vì
ruộng đất đó có thể bị trưng dụng bất cứ lúc nào để ưu tiên cho phát
triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, sân golf; nhiều trường hợp vì quyền
lợi, ý muốn của nhà đầu tư giàu có. Họ không thể bảo vệ nhà cửa của mình
bởi có thể bị di dời, giải phóng mặt bằng bất cứ lúc nào mà hầu như
không được tham gia để biết, đàm phán trong quyết sách của chính quyền
về quy hoạch, mức giá bồi thường.
Thời hạn sử dụng đất làm giảm quyền sử dụng đất
Trong nền kinh tế, quyền sử dụng đất phải được nhìn
nhận như là hàng hoá, như là tài sản có thể mua bán, thế chấp, chuyển
nhượng, thừa kế, cho thuê, cho thuê lại. Nhưng vì Nhà nước chỉ giao cho
người dân quyền sử dụng, kèm theo thời hạn nhất định, do đó, các quyền
năng trên bị giới hạn bởi thời gian sử dụng đất. Việc này cũng làm giảm
hiệu lực của mục đích giao đất lâu dài. Đồng thời, còn vô tình triệt
tiêu cơ hội để người dân tiếp cận tín dụng bởi vì các tổ chức tín dụng
căn cứ vào thời gian sử dụng đất (còn lại) để cho vay hay không. Nguồn
lực đất đai lẽ ra là vốn nội lực để sản xuất kinh doanh, nhưng lại bị
triệt tiêu.
Hạn điền mâu thuẫn với xu hướng tích tụ và tập trung
Nền nông nghiệp vận động theo xu thế sản xuất hàng hoá
tất yếu sẽ dẫn đến quá trình tích tụ đất và phân công lại lao động ở
nông thôn. Sự tồn tại hạn điền làm lãng phí nguồn lực đất đai, ngăn chặn
những người có khả năng sản xuất thực sự. Ngoài ra, hạn điền chỉ có ý
nghĩa với việc giao đất, chứ không có ý nghĩa đối với việc mua quyền sử
dụng đất để tích tụ và tập trung ruộng đất. Càng không thể kiểm soát nổi
hạn điền của người mua nhiều mảnh đất ở các địa phương khác nhau, hoặc
nhờ người thân đứng tên, rồi thuê lại vô thời hạn. Hệ thống thông tin
kiểm soát đất đai của các cơ quan quản lý Việt Nam quá yếu để tập hợp và
là cơ sở khống chế trường hợp tập trung quá nhiều đất vào tay một
người.
Nếu coi tính ổn định là một tiêu chí để đánh giá chất lượng của một hệ thống pháp luật, thì pháp luật về đất đai, với việc đứng trên những cơ sở và nội dung và kỹ thuật bấp bênh, đang tỏ ra là một hệ thống mang nhiều hoài nghi về chất lượng. |
Bảng giá các loại đất phải sát với giá thị trường
Cần sửa đổi luật Đất đai theo hướng tách chức năng tính
thuế và chức năng xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thành
hai giá riêng biệt. Theo đó, giá đất Nhà nước quy định chỉ áp dụng làm
căn cứ tính các loại thuế, thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận
quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất và tính giá
trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất. Còn khi
Nhà nước giao đất, cho thuê đất mới, bồi thường giải phóng mặt bằng thì
áp dụng theo giá thị trường, trên cơ sở đấu giá quyền sử dụng đất hoặc
tính tương đương. Việc này, nếu làm được, sẽ tạo điều kiện thuận lợi
trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, hạn chế rất nhiều các tranh
chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đồng thời tránh được thất thu cho
ngân sách Nhà nước.
Xác định rõ phạm vi thu hồi đất
Điều 23 của Hiến pháp 1992 quy định: “Trong trường hợp
thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, Nhà
nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, hoặc
tổ chức theo thời giá thị trường”. Liên quan đến điều này, việc cần đổi
là thay tên cơ chế “Nhà nước thu hồi đất” bằng cơ chế “Nhà nước trưng
mua, hoặc trưng dụng quyền sử dụng đất” và chỉ được áp dụng cơ chế này
vì lý do quốc phòng an ninh và vì lợi ích quốc gia. Tất nhiên, thế nào
là lợi ích quốc gia cũng phải được quy định cụ thể trong luật Đất đai để
tránh bị sử dụng không rõ ràng.
Vốn dĩ, khoản 1, điều 40 luật Đất đai 2003 quy định:
“Nhà nước thực hiện việc thu hồi để sử dụng vào mục đích phát triển kinh
tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao,
khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ. Đến
nghị định 181/2004/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn khác, Chính phủ đã
diễn giải nội dung “các dự án đầu tư lớn” thành hơn 50 lĩnh vực khác
nhau, trong đó có cả những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều khả năng tranh chấp
như: “dự án xây dựng nhà ở”, “dự án xây dựng công trình dân dụng khác”…
Bản thân trường hợp thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế đã không
có trong Hiến pháp, việc diễn giải nội dung này của các cơ quan chấp
hành – vốn gắn với nhiều lợi ích có liên quan, càng khiến cho nguy cơ
lạm quyền trong cả công tác hướng dẫn lẫn thực thi trở nên rõ ràng hơn.
Vì sao không ổn định?
Sở dĩ pháp luật về đất đai thay đổi thường
xuyên như vậy là vì Việt Nam còn không dứt khoát giữa hai hệ chuẩn: hệ
chuẩn kinh tế kế hoạch hoá tập trung, gắn với chế độ sở hữu toàn dân đối
với tư liệu sản xuất nói chung và đất đai nói riêng; và hệ chuẩn kinh
tế thị trường, gắn với đòi hỏi phải bảo vệ quyền tư hữu tài sản.
Người dân luôn mang theo những bức xúc và nỗi lo sợ “thu hồi đất”. Ảnh: tư liệu internet
|
Đây là vấn đề cốt lõi, quyết định sự ổn
định của các quan hệ xã hội trong lĩnh vực đất đai. Một mặt, chúng ta kế
thừa chế độ sở hữu toàn dân về đất đai từ Hiến pháp 1980 và trên thực
tế đã kiểm soát quyền sử dụng, tước đoạt quyền định đoạt của các chủ sở
hữu đất trước đây; mặt khác chúng ta quy định quyền của người sử dụng
đất gần như tiệm cận với quyền sở hữu đất (có thể chuyển nhượng, tặng
cho, thừa kế, cho thuê, cho thuê lại, hoặc dùng quyền sử dụng đất làm
tài sản đảm bảo…) để làm cơ sở cho sự vận hành của nền kinh tế thị
trường. Do vậy, cho dù pháp luật có gọi tên quan hệ sở hữu về đất đai là
gì đi chăng nữa, trong tâm lý và xử sự của người dân họ vẫn tự coi mình
là “chủ sở hữu” chứ không phải là “chủ sử dụng”. Trong khi đó, phạm vi
quyền hạn của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai lại quá lớn, khiến cho
người dân luôn mang theo những bức xúc và nỗi lo sợ “thu hồi đất”. Khi
pháp luật đất đai không thừa nhận một thực tế đang diễn ra phổ biến và
một yêu cầu bức bách của nền kinh tế để điều chỉnh thì không thể tìm
kiếm một sự ổn định nào, dù là nhỏ.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi từ nền
kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường cũng làm thay
đổi các quan hệ xã hội trong lĩnh vực đất đai và kéo theo đó là đòi hỏi
hệ thống pháp luật phải thay đổi theo. Việc quy định chung chung, đồng
thời giao thẩm quyền quá lớn cho Chính phủ tạo ra nguy cơ cho việc hướng
dẫn tuỳ tiện và tiềm ẩn khả năng dẫn đến lạm quyền, trong khi năng lực
giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân lại không tương xứng. Thu hồi
đất là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay và có dấu
hiệu cho thấy nội dung hướng dẫn thi hành đã được mở ra có phần quá
rộng.
Cơ hội (sửa luật Đất đai – PV) lần này sẽ
không được tận dụng tốt, nếu không xây dựng được hai cơ sở nền tảng cho
việc thiết kế một đạo luật đất đai có chất lượng. Theo đó, việc cấp bách
hiện nay, thứ nhất là cần dứt khoát về hệ chuẩn. Thứ hai, cần thiết kế
mô hình quản trị quốc gia hiệu quả, hướng tới giám sát chặt chẽ việc sử
dụng quyền lực, đồng thời đặt hệ thống tư pháp ở vị trí thực sự độc lập.
Về cơ bản, luật khung và cơ chế uỷ quyền lập pháp vẫn cần thiết trong
hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay để một mặt, đảm bảo tính ổn
định của văn bản luật, mặt khác đảm bảo tính mềm dẻo, linh hoạt trong
hoạt động áp dụng. Do vậy, một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả sẽ
hạn chế được sự lạm quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét