Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Yêu nước Nga và bóng đá Nga, nhưng lịch sử bóng đá Nga luôn như vậy.

Lần đầu tiên biết về bóng đá Nga là vào năm 1968, khi đang ở nơi sơ tán và được đọc cuốn sách của một ai đó viết về bóng đá Liên Xô thế này: "Bóng đá Liên Xô - tiêu biểu cho nền bóng đá hiện tại và tương lai". Câu này tôi nhớ mãi và mỗi khi đọc tin về bóng đá Nga là tự nhiên lại nhớ câu này. Dĩ nhiên cuốn sách đó ca ngợi bóng đá Xô Viết hết lời, nhất là từ chiến tích vô địch châu Âu năm 1960 đến các cầu thủ lừng danh như Lep Yashin, Viktor Ponedelnik, Albert Shesternev, Valentin Ivanov, Eduard Streltsov, Igor Chislenko ... 
Thực tế thành tích của bóng đá Liên Xô lúc đó và khoảng 20 năm sau cũng không quá tồi: Từ khi tham gia giải vô địch bóng đá thế giới, đội tuyển Liên Xô mới chỉ lỡ hẹn với vòng chung kết hai lần vào các năm 1974 và 1978, còn lại đã từng tham dự 7 vòng chung kết. Thành tích tốt nhất của họ là hạng tư năm 1966. Ở cấp độ châu Âu, Liên Xô từng tham dự 5 vòng chung kết Euro, là đội đầu tiên vô địch giải năm 1960. Họ giành được ngôi á quân 3 lần (vào các năm 1964, 1972 và 1988). Tại các Thế vận hội Mùa hè, Liên Xô từng hai lần giành huy chương vàng nội dung bóng đá nam các năm 1956 và 1988. Ngoài ra, Liên Xô là đội bóng đầu tiên vô địch tại Giải vô địch bóng đá trẻ thế giới năm 1977.
Thế nhưng đau là lịch sử chỉ ghi nhận người Vô địch, nhất là Vô địch thế giới, còn Á quân... thì cũng coi như vứt đi. Năm nay cũng lại là năm buồn cho bóng đá nước Nga.

Bóng đá Nga: “Thi sỹ một bài”

- Những điều tưởng như là nét mới, là tiến bộ, là hiện đại trong lối chơi của ĐT Nga bỗng dưng biến sạch trước lối chơi thực dụng, kín kẽ của ĐT Hy Lạp. Nhưng vấn đề không phải là người Hy Lạp chơi không đẹp, mà là do người Nga tự đánh mất mình khi tỏ ra khinh suất, khi không tạo ra sự đột biến (hoặc bị bắt chết), không chịu thay đổi khi hoàn cảnh thay đổi.
Và dường như bóng đá Nga chỉ có thế, chỉ đến thế, bởi hãy nhìn rộng ra, họ thực chất chỉ tạo được bất ngờ ở một vài trận đấu trong mỗi giải đấu và…hết!

Huy hiệu 
Một biểu tượng không quên của những
người đã có một thời yêu bóng đá Nga

Thời bóng đá Liên Xô, ở Mexico 1986, họ ra quân như nuốt chửng Hungary với tỉ số 6- 0. Đến trận knock-out, gặp tuyển Bỉ, họ ỉu dần chấp nhận thua đau đớn với tỷ số 3-4 sau hai hiệp phụ rồi lặng lẽ rời giải. 
Ở Euro 2008, thực chất đội Nga chỉ bùng nổ trong trận tứ kết gặp Hà Lan (3 -1). Gặp lại Tây Ban Nha ở bán kết, đội Nga lại thua tan tác trong một thế trận không có gì phải hối tiếc (để sau này dù có mơ đến mấy thì Arshavin cũng không thể cập bến Barcelona).

ĐT Nga bị loại khỏi Euro 2012 một cách đầy tiếc nuối

Và đến giải đấu này, người Nga đã ép cho CH Czech ra bã ở trận ra quân với tỉ số 4-1, nhưng đến trận thứ 2 gặp đồng chủ nhà Ba Lan thì xìu xuống dần và lại chấp nhận tỉ số hòa 1- 1. Rồi đến trận thứ 3 thì bị người Hy Lạp cho ăn quả đắng phòng ngự - phản công. 
Đội tuyển Nga hôm qua lại lắt nhắt, chậm chạp và vô lý như Spaktak Moscow dù không có cầu thủ Spaktak nào, lại trở về “đội bóng kỷ Jura” như thời World Cup 2002 với lối chơi có lúc 3 tiền đạo mà chẳng làm nên trò trống gì.
Hãy nhớ ở kỳ Euro cách đây 4 năm, khi Arshavin bị treo giò hai trận ở vòng bảng, đến loạt trận cuối anh mới được vào sân và trận tứ kết thì anh này làm nên kỳ tích trước Hà Lan vốn toàn thắng ở vòng bảng trước đó. 
Còn ở Euro này, Arshavin được chơi ngay từ đầu giải và thực sự đã tạo nên sự khác biệt trước CH Czech vốn chỉ còn hào quang của quá khứ le lói. Thực tế, Asharvin và đồng đội chỉ chơi cực tốt, cực bốc ở một trận đấu ra quân mà thôi. Đến trận thứ hai thì…bể, thì bị bắt bài và đi lững thững như kẻ vô hồn.
Nói tóm lại, ĐT Nga không kém, nhưng chắc chắn không giỏi, bởi mỗi giải đấu họ chỉ thi đấu tốt ở một (vài) trận đấu, “những chú gấu” hay nhưng chỉ đường ngắn, đoạn ngắn, tuyệt không thể đi được đường dài, vậy nên người hâm mộ đã chót yêu “anh Nga” này cứ buồn ngẩn, buồn ngơ…
Đội bóng của một trận đấu hay và đẹp, phụ thuộc quá nhiều vào một ngôi sao vốn chỉ đủ sức chơi hay và đẹp trong một trận đấu mà thôi, ví von thì khập khễnh nhưng nghe đi nghe lại vẫn thấy như “thi sỹ một bài”?
Phú Châu

 http://thethao.vietnamnet.vn/vn/euro/goc-nhin/15012/tuyen-nga--bay-thien-nga-ru-canh.html

Tuyển Nga: Bầy thiên nga rũ cánh

- Rũ cánh, có lẽ từ này đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng khi nhìn nhận về trận đấu giữa Nga và Hy Lạp.

Hàng vài chục đường chuyền quyết định của các cầu thủ Nga không hiểu sao cứ chọc thẳng vào trung lộ khi cả rừng cầu thủ áo trắng phía Hy Lạp co cụm lại và chơi rất tập trung tại khu vực này.

Trong khi đó, có thể dễ dàng nhận thấy, các cầu thủ hai bên cánh của Nga mặc dù khá tích cực di chuyển nhưng họ gần như tuyệt vọng bởi bóng chẳng mấy khi được đẩy ra. Đôi khi, có được bóng, các cầu thủ chạy cánh người Nga cũng không hề dám đột phá mà gần như tuyệt đối đẩy bóng trở lại trung lộ.

Hệ quả là dù chiếm ưu thế cực lớn về tỷ lệ khống chế bóng nhưng tuyển Nga không thể làm nên trò trống gì. Họ chỉ biết trông chờ vào những cú sút xa- thứ mà bóng đá Nga chưa bao giờ mạnh.

Nét thất vọng trên khuôn mặt các CĐV Nga

Cũng không thể nói đến cách tiếp cận trận đấu của người Nga ở khía cạnh chiến thuật. Đang chiếm ưu thế cực lớn về điểm số, chỉ cần một trận hoà là chắc chắn có vé đi tiếp nhưng tuyển Nga vẫn đẩy cao đội hình tấn công như điên cuồng. Số đường chuyền tính riêng hiệp một của tuyển Nga cao hơn gấp đôi tuyển Hy Lạp. 

Đáng lẽ ra, lối chơi phòng ngự phản công sẽ cực kỳ hữu dụng trước một Hy Lạp buộc phải thắng trong khi đội bóng này chưa bao giờ mạnh khi phải tấn công, áp đặt lối chơi. Chính cách tấn công dồn dập của tuyển Nga vô tình tiếp thêm sức mạnh cho Hy Lạp khi họ có cơ hội chơi phòng ngự phản công khá sắc sảo.
Trong trận đấu này, càng về cuối trận, càng thấy những cầu thủ vô danh của Hy Lạp cầm hoặc đi bóng cực kỳ uyển chuyển và tạo ra không ít cơ hội làm bàn rõ rệt.

Bên cạnh đó, lối chơi phòng ngự phản công nếu được áp dụng sẽ phát huy một cách đầy đủ nhất thế mạnh của tuyển Nga, đó là tốc độ và cách chơi của Arshavin- linh hồn của họ. Người xem đã không biết bao nhiêu lần được chứng kiến Arshavin dốc bóng đầy tốc độ và sau đó là những đường chuyền dọn cỗ khi anh khoác áo Arsenal… mỗi khi phản công.

Từ chỗ có cửa đi tiếp cao nhất, ĐT Nga lại tự đánh mất cơ hội ở lại với Euro 2012

Kết quả là điều ai cũng thấy: một trận hoà cũng không giữ nổi.

Tuyển Nga bắt đầu EURO 2012 một cách đẹp đẽ nhất kể từ năm 1986 đến nay khi họ quật ngã Séc 4-1 ngay trong trận ra quân (tại EURO 2008, trận ra quân họ thua Tây Ban Nha hai bàn không gỡ). Thế nhưng sự khởi đầu vô cùng tốt đẹp đó càng khiến họ và những ai yêu bóng đá Nga đau đớn tột cùng khi nhìn cung cách họ để vàng rơi: đầy bế tắc, mụ mị

Một lứa cầu thủ Nga có chút ít thành công tại EURO 2008 sau thất bại tại EURO 2012 này đã thực sự hết thời. Trong khi EURO mới là mảnh đất màu mỡ của bóng đá Nga còn với World Cup người Nga chỉ là những chú bé tí hon không hơn không kém. Với thực trạng này, có lẽ, sẽ còn lâu người ta mới lại có thể thấy được những thành công của bóng đá Nga tại những sân chơi tầm cỡ.

Khôi Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét