(Trái hay phải)
- "Trong một xã hội mà xung quanh quá nhiều dối trá, rất hiếm trung
thực, nếu đặt thiếu niên trước những thử thách trung thực quá sức thì
cũng chẳng khác nào đưa trẻ ra phơi nhiễm giữa một vùng đang dịch bệnh,
làm sao tránh khỏi bị nhiễm bệnh? Cho nên, chẳng lạ gì khi kỳ thi nào
cũng có chuyện, mà những chuyện đã bị phanh phui chỉ là phần nổi của
tảng băng chìm" - GS Hoàng Tụy.
PV:- Hiện tại dư luận vẫn đang
xôn xao về clip ném phao thi tại Đồi Ngô, Bắc Giang với hai phản ứng
ngược hẳn nhau: Người thì bảo là cậu học sinh quay clip là có tội, không
được chống tiêu cực bằng một biện pháp tiêu cực, thậm chí có người còn
đòi hỏi xử lý. Nhiều người khác lại cho rằng, phải xem lại, không thể
nhận định như thế được. Theo GS, tại sao lại có phản ứng trái ngược nhau
đến như vậy?
GS Hoàng Tụy: - Clip tố cáo gian lận lại do
một thí sinh quay, đó là tình huống khá đặc biệt, dễ hiểu rằng có những
nhận định khác nhau, tùy vị trí mỗi người trong xã hội. Nhưng khách quan
và công bằng thì phải thấy rằng, khi cả hội đồng giám thị đồng lòng
tiêu cực thì muốn có chứng cớ để tố cáo còn có cách nào khác nếu không
làm như thí sinh kia?
Cho nên nếu thật sự muốn chống tiêu cực thì phải chấp
nhận hành động quay clip của thí sinh. Không thể lên án việc thí sinh
quay clip là có tội, mà ngược lại nên khen như một việc tốt.
GS Hoàng Tụy. Ảnh Lê Anh Dũng |
PV:- Người Việt hay nói "thuốc
đắng giã tật, sự thật mất lòng" nhưng khi một sự thật đã được đưa ra ánh
sáng, nhiều người có liên quan lại muốn tránh đi. Phải chăng nói vậy
thôi chứ nghe nói thật thì khó quá?
"...nếu giáo dục tốt hơn vẫn có thể trong chừng mực nhất định ảnh hưởng ngược lại làm cho xã hội bớt đi những chuyện tiêu cực đáng xấu hổ. Nhưng lâu nay giáo dục của chúng ta không làm được việc đó. Trong một số trường hợp, nhà trường còn góp phần làm những tiêu cực trong xã hội tăng thêm." |
GS Hoàng Tụy: - Trong xã hội, khi người dân
phản ứng với những hành động bất công, tiêu cực, chúng ta đã nhìn thấy
nhiều trường hợp cơ quan hữu trách thiên về tìm mọi sai phạm, nếu có,
của người dân để buộc tội và xử lý chứ không nhìn thẳng vào bản chất vấn
đề đang khiến người dân bức xúc.
Rất nhiều vụ, nhiều người có trách nhiệm không đi sâu
tìm hiểu bản chất sự việc để xử lý thỏa đáng mà lại nhìn người dân đang
bất bình với con mắt thiếu thiện cảm, coi họ và đối xử với họ như những
… đối thủ.
Vụ một nhà báo ở TP HCM bị bắt vì tìm cách phanh phui
tiêu cực của cảnh sát giao thông cũng do xuất phát từ một cách nhìn
lệch lạc như thế. Cứ nhìn với con mắt đối lập thì rất khó yên dân.
Nói như vậy để thấy thái độ không muốn nghe lời nói
thật không chỉ có trong giáo dục. Đó là tình trạng rất không hay nhưng
lại rất phổ biến trong xã hội ta hiện nay.
PV:- Là một người cả đời tâm huyết với giáo dục, GS thấy sao khi ngành dạy làm người lại khó nghe lời nói thật như vậy?
GS Hoàng Tụy: - Đó thật sự là điều rất đáng
buồn. Tất nhiên, xã hội hiện nay nhiều gian dối, tiêu cực. Nhà trường là
bộ phận của xã hội, tất yếu phải chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, đó chỉ mới
nhìn một mặt, một chiều.
Nhìn chiều ngược lại thì trong tình hình ấy nếu giáo
dục tốt hơn vẫn có thể trong chừng mực nhất định ảnh hưởng ngược lại làm
cho xã hội bớt đi những chuyện tiêu cực đáng xấu hổ. Nhưng lâu nay giáo
dục của chúng ta không làm được việc đó. Trong một số trường hợp, nhà
trường còn góp phần làm những tiêu cực trong xã hội tăng thêm.
Đừng bắt trẻ phơi nhiễm thói dối trá
PV:- Bằng chứng tiêu cực ở Đồi
Ngô và tỷ lệ tốt nghiệp rất cao vừa công bố dường như là lý do để nhiều
nhà chuyên môn một lần nữa đề nghị nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Quan
điểm của GS về vấn đề này như thế nào?
" Cách chúng ta đã và đang làm hiện nay lạc hậu ở chỗ khi học ở các lớp dưới thì học không cẩn thận, kiểm tra, thi học kỳ không nghiêm, để học sinh ngồi nhầm lớp thoải mái, rồi cuối cấp dồn lại bắt học sinh học ngày học đêm trong mấy tháng, thi rất nhiều môn, toàn là thi viết, trong 2-3 ngày liền, với hình thức kỳ thi quốc gia cho nên rất tốn kém và bận rộn cho cả xã hội, tạo ra áp lực căng thẳng cho cả học sinh và phụ huynh." |
GS Hoàng Tụy: - Quả là việc học và thi của
chúng ta có nhiều vấn đề rất cần phải bàn lại, nhất là kiểu thi tốt
nghiệp hiện nay của ta quá lạc hậu, có quá nhiều điều chưa ổn, không
hiệu quả mà lại vô cùng lãng phí.
Sau kỳ thi THPT năm nay nhiều người càng thấy rõ
không lý gì duy trì mãi một kỳ thi tốn kém mà chỉ có tinh chất vờ vịt vì
chỉ loại nhiều lắm vài phần trăm số thí sinh là những em học quá kém mà
không cần thi cũng có thể loại được theo học bạ.
Tuy nhiên cũng có ý kiến ngược lại, cho rằng tâm lý
học sinh là có thi mới học, cho nên vẫn cần thiết phải thi. Ở đây cần
nhận rõ: vấn đề không phải là thi hay bỏ thi mà là thi và học như thế
nào?
Cách chúng ta đã và đang làm hiện nay lạc hậu ở chỗ
khi học ở các lớp dưới thì học không cẩn thận, kiểm tra, thi học kỳ
không nghiêm, để học sinh ngồi nhầm lớp thoải mái, rồi cuối cấp dồn lại
bắt học sinh học ngày học đêm trong mấy tháng, thi rất nhiều môn, toàn
là thi viết, trong 2-3 ngày liền, với hình thức kỳ thi quốc gia cho nên
rất tốn kém và bận rộn cho cả xã hội, tạo ra áp lực căng thẳng cho cả
học sinh và phụ huynh.
Vì chỉ mấy ngày thi mà quyết định kết quả học tập
suốt 12 năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro học tài thi phận, khiến nhiều học sinh
quá lo lắng, dễ đẩy các em đến những hành động đối phó gian dối liều
lĩnh, với cả sự đồng cảm và giúp sức của phụ huynh và các thầy cô giáo.
Đó là chưa nói một yếu tố khác cực kỳ quan trọng:
trong một xã hội mà xung quanh quá nhiều dối trá, rất hiếm trung thực,
nếu đặt thiếu niên trước những thử thách trung thực quá sức các em thì
cũng chẳng khác nào đưa trẻ ra phơi nhiễm giữa một vùng đang dịch bệnh,
làm sao tránh khỏi bị nhiễm bệnh.
Cho nên, chẳng lạ gì kỳ thi nào cũng có chuyện quay
cóp, gian dối, mà những chuyện đã bị phanh phui chỉ là phần nổi của tảng
băng chìm.
PV:- Vậy chúng ta nên làm như thế nào, thưa GS?
GS Hoàng Tụy: - Việc học và thi trong nhà
trường cũng giống như trong một nhà máy làm ra sản phẩm gồm nhiều bộ
phận riêng rẽ (mô đun) ghép lắp lại, người ta phải kiểm tra kỹ chất
lượng từng mô đun mỗi khi sản xuất xong, đến khi rắp lại, chỉ kiểm tra
chất lượng lắp ráp.
Theo đó, mỗi môn học mỗi học phần như một mô đun, học
môn nào, học phần nào phải kiểm tra, thi nghiêm túc ngay môn đó, phần
đó, đến cuối cấp không thi lại từng môn, từng học phần nữa, mà chỉ phải
làm một tiểu luận hoặc qua một kỳ thi nhẹ nhàng, với mục đích chủ yếu là
kiểm tra trình độ văn hóa phổ quát (giống như kiểm tra chất lượng lắp
ráp các mô đun trong nhà máy).
Ngay như thi tú tài thời Pháp thuộc, cách đây 3/4 thế
kỷ mà cũng chỉ thi viết vài môn chính như Văn và Toán, còn một số môn
khác chỉ thi vấn đáp khá nhẹ nhàng (thường học sinh trong năm đã học
nghiêm chỉnh thì không cần chuẩn bị kỹ vẫn có thể qua được phần vấn đáp
dễ dàng; phần này lại có thể chuyển sang phiên thi sau, cách đó 3 tháng)
.
Với cách học và thi như vậy, dễ kiểm soát chất lượng
học tập và mới có thể dần dần xây dựng một nền giáo dục trung thực, lành
mạnh, điều kiện tiên quyết tiến lên một xã hội văn minh.
Không thể có tăng trưởng kinh tế lành mạnh trên một nền văn hóa giáo dục lệch lạc!
"Giáo dục và cả văn hóa đều bị xếp sau những ưu tiên khác cho nên những hiện tượng lạc hậu, tiêu cực về giáo dục, văn hóa cứ ngày càng phát triển. Mà sự xuống cấp của xã hội về văn hóa giáo dục, ngược lại sẽ tác động tai hại đến kinh tế, chỉ có điều không phải ai cũng nhận thức được tác động đó vì nó ngấm ngầm, gặm nhấm từ từ." |
PV:- Một câu hỏi cuối cùng, thưa
GS. Gần đây, chúng ta chứng kiến quá nhiều chuyện đáng buồn trong ngành
giáo dục: phụ huynh đạp đổ cổng trường để mua đơn cho con vào học, việc
chạy trường chạy điểm được coi như một hiện tượng bình thường, gian lận
trong thi cử bị bắt tận tay, mọi giá trị được quy đổi thành giá trị mua
bán, tiền bạc. GS bình luận như thế nào về sự phát triển lệch pha giữa
kinh tế và văn hóa như vậy?
GS Hoàng Tụy: - Đây là những điều đáng lý ra
phải nhìn thấy từ vài ba chục năm trước. Tiếc rằng, vì nhiều lẽ khác
nhau, người ta có xu hướng chạy theo những thành tích ảo, giả tạo hoặc
tưởng tượng hơn là đi vào thực chất. Trên hay dưới đều vậy, bệnh này
chẳng phải chỉ riêng của ngành giáo dục mà là bệnh chung của cả hệ thống
quản lý kinh tế xã hội của chúng ta.
Giáo dục và cả văn hóa đều bị xếp sau những ưu tiên
khác cho nên những hiện tượng lạc hậu, tiêu cực về giáo dục, văn hóa cứ
ngày càng phát triển. Mà sự xuống cấp của xã hội về văn hóa giáo dục,
ngược lại sẽ tác động tai hại đến kinh tế, chỉ có điều không phải ai
cũng nhận thức được tác động đó vì nó ngấm ngầm, gặm nhấm từ từ.
Thời gian gần đây kinh tế xuống nhanh cũng một phần
do văn hóa giáo dục trở thành chỗ nghẽn ngày càng nghiêm trọng cho sự
phát triển của xã hội. Không thể nào có một nền kinh tế tăng trưởng lành
mạnh dựa trên một nền văn hóa giáo dục suy đồi. Điều đó ngày xưa Phan
Châu Trinh cũng đã nhìn thấy khi cụ khởi xướng khai dân trí, chấn dân
khí, hậu dân sinh để cứu nước.
- Hoàng Hạnh (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét