THÔNG TẤN XÃ VIỆTNAM
Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Chủ nhật, ngày 17/6/2012
TTXVN (Angiê 14/6)
Giải pháp chính trị
Từ ba năm nay, khó khăn trong khu vực
đồng euro bộc lộ ra và châu Âu lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng và đang
đứng bên bờ vực suy thoái. Chia rẽ nội bộ gia tăng về việc làm ở các
nước giàu và nạn thất nghiệp sâu rộng ở các nước nghèo. Dân chúng nổi
dậy và quay sang ủng hộ phái mỵ dân. Các nhà lãnh đạo vẫn không tìm được
giải pháp cứu trợ nào có sức thuyết phục. Các nhà đầu tư nước ngoài mất
hy vọng. Kể cả những người lạc quan nhất cùng nản chí. Như nhận xét của
nhà phân tích Eric Le Boucher trên tạp chí “Statafrik”, thương lượng
hiệp ước ngân sách sẽ là không đủ, kể cả hiệp ước tăng trưởng cũng vậy.
Những người lạc quan cho rằng châu Âu đã
làm được nhiều việc. Thực tế là vậy. Có ai nghĩ Đức sẽ chấp nhận tài
trợ hai kế hoạch hỗ trợ cho Hy Lạp? Có ai nghĩ ECB sẽ mở hầu bao và tài
trợ hậu hĩnh cho các ngân hàng? Có ai nghĩ 500 tỷ euro được tung ra để
hỗ trợ cho các nước khác? Có ai nghĩ Pháp và Đức lại tái thương lượng
hiệp ước tăng trưởng? Châu Âu đúng là đang lình xình, nhưng vẫn tiến
bước.
Nhưng tình hình ngày càng lình xình hơn.
Có thế thấy hiện nay trong khu vực đồng euro có hai nhóm nước với đặc
điểm khác hẳn nhau. Các nước công nghiệp (và xuất khẩu), với đại diện là
Đức (Hà Lan, Bỉ…), và các nước phi công nghiệp hóa (và nhập khẩu) đại
diện là Pháp (Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp). Sự khác biệt
giữa hai nhóm nước này ngày càng sâu sắc từ khi thành lập khu vực đồng
euro. Các nước công nghiệp có cán cân thặng dư (từ 4% đến ó% Tổng sản
phẩm quốc nội từ năm 2009) và các nước phi công nghiệp hóa có cán cân
thâm hụt (khoảng 2-4%).
Giai đoạn lắng dịu kể từ khi ECB hồi
tháng 12/2011 mở hầu bao giúp các ngân hàng, đã qua rồi. Khủng hoảng
đang trở lại. Nguyên nhân kinh tế, như Mario Draghi thừa nhận, là chính
sách tiền tệ không giải quyết được gì. Tín dụng thì có, nhưng không có
doanh nghiệp để đề nghị cấp tín dụng. Nguyên nhân chính trị là chính
sách khắc khổ dẫn đến bầu không khí ngột ngạt như trong những năm 1930.
Con bão khủng hoảng Hy Lạp và những lời
bình luận về mối quan hệ Pháp-Mỹ có thể khiến người ta nhớ đến một câu
nói bâng quơ trong hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes (Pháp). Tổng
thống Mỹ, Barack Obama, nói rằng “có quá nhiều thế chế ở châu Âu, Nghị
viện, Ủy ban, Hội đồng… Merkel, Sarkozy, Barroso đã cho tôi một bài học
về chính sách của châu Âu…”. Khi than phiền như vậy, ông Obama gần như
không giấu vẻ rất nghiêm trọng khi nhấn mạnh đến một vấn đề được xem là
nguyên nhân chính gây ra nhiều vấn đề khác. Đó là làm sao để kiểm soát
cuộc khủng hoảng kinh tế khi không có ban lãnh đạo kinh tế và quá ít
tính hợp pháp dân chủ như vậy.
Từ ba năm nay, khó khăn trong công cuộc
xây dựng khu vực đồng euro bộc lộ ra. Rõ ràng là tình hình vẫn không
thay đổi. Liên minh tiền tệ này đang bị đe dọa. Giải pháp chỉ có thể là
chính trị để thúc đẩy nhanh và tạo điều kiện cho hội nhập và đoàn kết
ngân sách trong toàn khu vực, hay ngược lại sẽ đẩy khu vực đến chỗ tan
vỡ nhanh hơn. Châu Âu cũng như Mỹ đang đứng trước một thách thức lớn.
Các nước này phải xem xét lại hình mẫu tăng trưởng cùa mình và xác định
lại phương thức tài trợ. Cuộc khủng hoảng nợ là mặt trái của chiếc mề
đay. Hình mẫu đó đã không còn sức sống.
Khi đối đầu với khủng hoảng, các nhà
lãnh đạo châu Âu đã xóa bỏ nhiều điều cấm kỵ, nhưng không phải là tất
cả. Vị trí nào cho Nhà nước-Dân tộc trong toàn cầu hóa đây? Vấn đề này
luôn là mối đe dọa đối vói các nhà lãnh đạo Nhóm G20, được tất cả nghĩ
đến, nhưng không được đưa vào bất kỳ thông cáo nào… Như vậy, đưa Hy Lạp
ra khỏi khu vực đồng euro không phải là giả thiết có thể xảy ra. Bởi lẽ
châu Âu cần có một chính phủ chứ không cần sự lãnh đạo chung chung. Chế
độ liên bang cần có thể chế mạnh hơn là quy định mà các Nhà nước có thể
bất chấp.
Giờ đây, người ta biết ảo tưởng bám lấy
quyết định được đưa ra tại Maastricht là như thế nào. Người ta biết giáo
sư người Mỹ Robert Mundell đã có lý khi cảnh báo rằng chỉ có thể duy
trì được thống nhất tiền tệ nếu thống nhất về chính trị. Không thể chặn
đứng được cuộc khủng hoảng châu Âu bằng một hiệp ước thắt chặt ngân
sách, một chính sách tiền tệ lỏng lẻo hay một hiệp ước tăng trưởng do
Pháp và Đức thỏa hiệp soạn thảo ra. Cần phải đi đến thống nhất về mặt
chính trị và nhanh chóng xác định lịch trình cho vấn đề này.
Tại sao? Bởi vì muốn làm điều cần làm –
thiết lập tình đoàn kết giữa toàn bộ các Nhà nước thành viên-, phải xóa
bỏ hẳn chủ quyền của các dân tộc và tiến trình này chỉ có thể thực hiện
được nếu dân chủ được xây dựng ở cấp cao, tức liên minh. Chính phủ kinh
tế châu Âu, một thể chế cần được xây dựng, sẽ chỉ có tính hợp pháp nếu
nằm trong một nền dân chủ châu Âu được tôi luyện lại. Các thể thế không
thích hợp hiện nay tỏ ra quá bất lực và bị phán đối quá nhiều.
Tổng thống Pháp, Francois Hollande, khi
còn là ứng cử viên, từng nói là “không thể” buộc các nước khác chấp nhận
hiệp ước mới trong tình hình hiện nay mà trước hết cần tái tạo “niềm
tin vào châu Âu”. Kiểu lập luận đó, kiểu lập luận sai lầm đó, là sai lầm
chết người: châu Âu kiểu Maastricht đang thất bại, chính phủ các nước
không còn giải pháp thay thế nào khác là từ bỏ châu Âu đó hoặc đi tới.
Hơn nữa, Đức đã hiểu ra vấn đề. Giữa nước này và Pháp không phải chỉ có
một việc là tìm kiếm một hiệp ước tăng trưởng, mà cần có thêm một hiệp
ước chính trị là hiệp ước duy nhất lúc này có thể cho phép giải quyết
cuộc khủng hoảng về cơ bản và một cách dân chủ.
Tại sao? Bởi vì những điều cần phải làm
như sau. Đức đã thành công trong việc buộc Pháp phải thực hiện chính
sách ngân sách chặt chẽ. Đây là một bước ngoặt lịch sử nhưng vẫn chưa
đủ. Đức còn cần phải thuyết phục Tổng thổng Francois Hollande quan tâm
đến tình trạng kém cạnh tranh thảm bại của Pháp. Pháp, trái lại, đã
thành công trong việc thúc đẩy Đức đến chỗ thảo luận về tăng trưởng. Đây
là một nhượng bộ cần biết, nhưng cũng là chưa đủ. Lúc này cũng cần nói
đến tư tưởng con buôn của Đức, đến chi phí của nước này đối với các nước
thành viên khác và những gian lận của Đức (như công nhân Ba Lan ở Đức
được trả lương như ở Ba Lan trong ngành công nghiệp thực phẩm). Mục tiêu
tổng thể là tìm kiếm một chiến lược hoàn toàn mới để quy tụ các nền
kinh tể hướng đến một cái đích chung.
Lúc này, một số biện pháp ban đầu đã bắt
đầu được thực hiện. Tin tức tốt lành là tiền lương ở Đức tăng và ngân
hàng trung ương nước này chấp nhận lạm phát ở Pháp cao hơn mức trung
bình (3% thay cho 2%). Đó là con đường đúng cần đi để lấy lại tính cạnh
tranh. Nhưng vẫn phải nghĩ cách thực hiện các bước tiếp theo. Việc châu
Âu tái khởi động bằng đầu tư như Pháp mong muốn, chỉ là một phần (với hệ
quả như thế nào thì chưa biết) và cũng có rủi ro. Cũng cần xem xét lại
chính sách thắt lưng buộc bụng của Đức để biết được liều lượng nào cho
ngắn hạn, liều lượng nào cho trung hạn, do tình hình ở nước này hay nước
khác không giống nhau. Nếu cần phải cùng nhau gánh món nợ thì phải làm
như thế nào? Phát hành loại trái phiếu châu Âu nào? Đặc biệt, cần xác
định công cụ nào để kích thích tái công nghiệp hóa các nước Nam Âu? Tất
cả các vấn đề đó vẫn chưa có câu trả lời đáng tin cậy. Cần phải tìm ra,
trình bày và để các nước thông qua các câu trả lời đó.
Từ năm 2008 đến năm 2011, tình hình
khủng hoảng đã cho thấy tầm quan trọng của tiến trình lãnh đạo trong
việc giải quyết các cuộc khủng hoảng có hệ thống. Nếu không có ban lãnh
đạo chính trị, không có hiệu quả cũng như không có tính phản xạ, sẽ
không thể đưa ra được một câu trả lời tham vọng và đáng tin cậy. Năm
2008, những người đứng đầu Nhà nước và chính phủ muốn đáp trả khủng
hoảng bằng cách tái tạo ra G20, một hình thái lạ lùng của cái có thể
được gọi là “hội đồng an ninh kinh tế”. Trong khi Nhóm G20 thường bị các
nước không phải là thành viên tấn công dưới góc độ tính hợp pháp, lời
phê phán lần này lại xuất phát từ chính G20 và liên quan đến tính hiệu
quả. Làm sao giải quyết có hiệu quả cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro
khi phải được 17 nước thành viên đồng ý, trong khuôn khổ thảo luận giữa
27 nước, trong đó phối hợp dựa trực tiếp hay gián tiếp vào hai nước có
quyền lớn nhất? Tổng thống Barack Obama quả thực có lý để đặt ra câu hỏi đó.
Hiện nay ngoài Nghị viện châu Âu, chỉ có
các đảng cực tả và cực hữu mới công khai đặt vấn đề Nhà nước-Dân tộc
liệu có phải là chủ thể chính trị cho phép hoạch định chính sách công có
hiệu quả trong thời kỳ toàn câu hóa hay không. Các phái này đề xuất
cách tiếp cận thiên về chủ quyền và chủ trương tăng cường vai trò của
Nhà nước-Dân tộc. Phái trung dung giữa hai cực đưa ra ý tưởng chế độ
liên bang. Các đảng nắm đa số dường như đã chôn vùi vấn đề mà họ cho là
không được lòng dân hay không thể xử lý nổi. Lý do là sự cách biệt mới
nảy sinh đó có thể sẽ làm thay đổi hoàn toàn các chính đảng.
Vào lúc Ủy ban châu Âu chuẩn bị xem xét
lại về cơ bàn các hiệp ước châu Âu theo hướng lãnh đạo kinh tế tập trung
hơn, cần thúc đẩy cuộc tranh luận theo hướng sâu rộng hơn và không theo
lối mòn châu Âu-Brúcxen. Vấn đề ở đây là làm sao để thế giới và các
nước thành viên thấy được châu Âu cần phải làm theo cách nào. Tóm lại,
đó là làm sao để châu Âu hiểu rõ vấn đề hơn trên cơ sở tính hợp pháp và
tính hiệu quả. Châu Âu không thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng đồng euro
nếu không có một chính phủ chung, trước hết là đơn giản hóa các thể chế
chính trị và tăng cường tính hợp pháp của chúng.
Liên minh tài chính
Cả cựu Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy,
lẫn Thủ tướng Đức, Angela Merkel đều ủng hộ hợp tác sâu rộng hơn nữa về
tài chính giữa các nước châu Âu với nhau. Tuy nhiên, cả hai đều gặp khó
khăn trong việc thống nhất phương cách để thực hiện thỏa thuận này.
Pháp và Đức có thể đạt được thỏa hiệp gì để xây dựng liên minh tài chính
giữa các nước thành viên? Lý giải trên tạp chí “Đại Tây Dương”, ông
Jean-Luc Sauron, viên chức cao cấp và thành viên ban biên tập tạp chí
“Vấn đề quốc tế”, cho rằng khó có thế xác định được khái niệm và hình
hài của một liên minh tài chính vì cả Pháp và Đức, hai nước đề xuất
chính, đều đưa ra ít thông tin về vấn đề này. Trong bối cảnh đó, ông đưa
ra một số giả thiết có liên quan.
Trước hết, đề xuất thành lập liên minh
tài chính liên quan đến việc quy tụ tập trung hơn các chính sách ngân
sách quốc gia của các nước thành viên khu vực đồng euro, nhằm hướng mọi
sự chú ý vào một lĩnh vực thuộc thẩm quyền của các Nhà nước nói trên. Đề
xuất đó cũng cho thấy không ai đặt lại vấn đề về hiệp ước Maastricht:
chính sách tiền tệ của các nước thuộc khu vực đồng euro không thuộc thẩm
quyền của họ mà của ECB. Để cải thiện kết quả kinh tế, các nước này
không thể quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá hối đoái đồng euro nhằm
tăng tính cạnh tranh của mình trên trường quốc tế, cũng không quyết định
được việc ECB can thiệp đế giảm số nợ của mình. Hai công cụ chính trị
mà họ có trong tay để giảm nợ và tăng tính cạnh tranh, chỉ là chính sách
kinh tế và chính sách tài chính.
Chính sách kinh tế không phải lúc nào
cũng áp dụng được ngay. Ai có thể có đủ tính hợp pháp để quyết định việc
phân chia hoạt động trên vùng lạnh thổ thuộc khu vực đồng euro hay sự
phát triển hài hòa các ngành công nghiẹp và chiến lược thương mại quốc
gia. Các nước thành viên đã rất thận trọng khi chỉ để hiệp ước về hoạt
động của Liên minh châu Âu giới hạn ở mức độ phối hợp một “thuật ngữ gần
như không có tính bắt buộc. Thuật ngữ đó phù hợp với cơ cấu kinh tế của
Liên minh châu Âu, nhìn chung là tự do và trong đó không còn Nhà nước
thích can thiệp về mặt kinh tế.
Còn chính sách tài chính là đòn bẩy kinh
tế duy nhất mà các nước thành viên khu vực đồng euro có trong tay. Quy
tụ chính sách tài chính của các quốc gia thành viên vào một mối phải đáp
ứng được hai mối quan tâm nói trên. Đối với các nước không nỗ lực tái
tạo tính cạnh tranh kinh tế của mình tránh được điều kiện vay vốn bằng
đồng euro, chính sách đó buộc họ phải tiến hành cải tổ cơ cấu bộ máy sản
xuất. Qua đó, các nước này phải thực hiện mục tiêụ thứ hai là giảm nợ
bằng cách chấm dứt nhận đồng tiền dễ dãi dưới “chiếc ô” tính cạnh tranh
được thể hiện về mặt tiền tệ bằng việc duy trì giá trị đồng euro. Tóm
lại, đó là tối ưu hóa hoạt động trong vùng kinh tế của 17 nước thành
viên khu vực đồng euro, bằng cách hài hòa phương thức phân chia tài
nguyên, trong đó ưu tiên cho khu vực sản xuất tư nhân.
Trái lại, các đòn bẩy thuộc chính sách
tài chính (giảm chi tiêu và/hay tăng số thu) lại không nằm trong thẩm
quyền của các Nhà nước thành viên. Đó là tâm điểm của thỏa thuận đang
định hình về “Liên minh tài chính châu Âu” nhằm hướng mọi quyết định tài
chính của quốc gia về cùng một mục tiêu: đó là giảm nợ công và tạo cân
bằng ngân sách, qua đó thể hiện tính trung lập của hoạt động Nhà nước
đối với hoạt động kinh tế.
Theo ông Jean-Luc Sauron, đồng thời là
Phó Chủ tịch Phong trào châu Âu-Pháp, có một sự trùng lặp tương đối
trong lập trường của Pháp và Đức về nghĩa vụ cần phải có: mặc nhiên
trừng phạt các nước vi phạm quy định trong hiệp ước ổn định và tăng
trưởng, đưa vào hiến pháp của các nước này một quy định liên quan đến
mục tiêu cân bằng ngân sách (“quy định vàng”). Nhưng mọi vấn đề tiếp
theo đó còn bỏ ngỏ.
Nicolas Sarkozy và Angela Merkel đồng ý
với nhau về cơ bản, song không thống nhất với nhau về phương tiện thực
hiện. Đối với Thủ tướng Đức, cần cho Tòa án công lý Liên minh châu Âu
(CJEU), có khả năng kết án các Nhà nước sai phạm trong việc tôn trọng
nghĩa vụ ngân sách kể trên. Tại sao lại cho Tòa án công lý quyền lực đó,
quyền được xét xử chính sách tài chính do Quốc hội các nước thông qua?
Dường như vấn đề nằm ở lòng tin được đặt vào một thể chế “phi chính trị”
khác là ECB. Đằng sau chiến lược đó là tâm lý nghi ngại đối với năng
lực của các cơ quan chính trị (chính phủ và Quốc hội của các nước) trong
việc vận động cử tri trong nước chấp nhận thắt lưng buộc bụng về ngân
sách và chấm dứt món “ma túy” nợ nần. Đó cũng chính là lý do thúc đẩy
Đức muốn trao cho một “siêu ủy viên” châu Âu quyền lực để sửa đổi ngân
sách của các quốc gia vượt quá giới hạn quy định.
Trái lại, Nicolas Sarkozy muốn chính trị
gia của các nước được rảnh tay để làm cho dân chúng chấp nhận những đảo
lộn như vậy trong lịch sử dân chủ của mình. Dự án của Pháp dường như
gần gũi với một “Hiệp ước Schengen về khu vực đồng euro” hơn. Trong
khuôn khổ đó, các thẩm phán tại Lúcxămbua hay các ủy viên châu Âu sẽ
không có thêm quyền, mà quyền sẽ được trao cho một “chính phủ tài chính
châu Âu” (hay liên minh tài chính châu Âu) bao gồm đại diện một số Nhà
nước có liên quan, quyền được khiển trách và điều chỉnh các ngân sách
quốc gia không tuân thủ quy định và giới hạn đã được chính phủ của chính
các nước đó quyết định. Chính phủ tài chính châu Âu đó có thể sẽ được
điều hành bởi Eurogroup (Hội đồng các bộ trưởng Kinh tế và Tài chính khu
vực đồng euro) dưới sự kiểm soát của Hội đồng châu Âu gồm những người
đứng đầu Nhà nước và chính phủ khu vực đồng euro.
Như vậy, trong trường hợp này hay trường
hợp khác, ông Jean-Luc Sauron, giáo sư giảng dạy môn luật châu Âu và
quan hệ đối ngoại Liên minh châu Âu tại trường Đại học Pari-Delphine,
cho rằng khu vực đồng euro ít nhiều được tự chủ trong hoạt động so với
hoạt động của các nước không phải thành viên khu vực này. Nhưng dường
như không thể đưa được hệ thống đó vào hoạt động – một cách dễ dàng như
vậy- thông qua việc sửa đổi các hiệp ước của Liên minh châu Âu, cụ thể
là do Anh không muốn khu vực đồng euro có tính hội nhập cao hơn. Chỉ còn
con đường công ước đa phương giữa các nước có liên quan -có thể trao
thêm quyền cho Ủy ban châu Âu đối với các nước ký công ước này, mới cho
phép nhanh chóng đưa vào thực hiện một công ước như vậy. Đối với đồng
euro, đó là một chiến lược sử dụng lại những gì đã được tiến hành để
người dân tự do đi lại trong khuôn khổ Hiệp ước Schengen, vừa ở trong
liên minh, vừa ở bên cạnh các cơ chế cộng đồng được tất cả các nước
thành viên Liên minh châu Âu chia sẻ.
Sửa đổi Hiệp ước châu Âu
Khi còn đương chức, cựu Tổng thống Pháp,
Nicolas Sarkozy, muốn Pháp cùng với Đức sửa đổi các hiệp ước châu Âu và
đã đưa ra một số đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Strasbourg vào cuối
năm 2011. Theo đánh giá của ông Jean-Luc Sauron, viên chức cao cấp,
chuyên nghiên cứu các vấn đề châu Âu và cộng đồng, sửa đổi nội dung các
hiệp ước châu Âu là một vấn đề mới và cần thiểt để quy tụ các chính sách
kinh tế của liên minh vào một mối và đi theo một hướng thống nhất.
Trả lời câu hỏi tại sao Pháp muốn cùng
Đức thay đổi nội dung hiệp ước, ôns Jean-Luc SauKon, đồng thời là Phó
Chủ tịch Phong trào châu Âu- Pháp, giải thích trên tạp chí “Đại Tây
Dương” là do hai nước không thể áp đặt được các biện pháp bó buộc được
Thủ tướng Đức, Angela Merkel, đưa ra trong khuôn khổ Hiệp ước Lisbon
hiện tại. Thủ tướng Đức muốn nước nào không tôn trọng nghĩa vụ được ghi
trong hiệp ước ổn định và tăng trưởng, sẽ mặc nhiên bị trừng phạt, cụ
thể là khả năng đưa các nước này ra trước CJEU. Một lý do khác là Pháp
và Đức muốn lập một chức danh ủy viên châu Âu mới chịu trách nhiệm vấn
đề ổn định và có thể có quyền can thiệp trực tiếp vào việc hoạch định
ngân sách quốc gia của các nước thành viên. Trong bối cảnh luật pháp
hiện nay trong Liên minh châu Âu, điều đó, theo ông Jean-Luc Sauron, là
không thể thực hiện được.
Chẳng hạn các nước không tôn trọng điều
kiện trong hiệp ước ổn định và tăng trưởng không thể bị truy tố trước
CJEU. Pháp muốn hợp tác với Đức về vấn đề trừng phạt, nhưng không có gì
bảo đảm Đức sẽ xem xét lại lập trường của mình về việc ECB sẽ can thiệp
mạnh hơn. Một câu hỏi được đặt ra: sửa đổi nội dung Hiệp ước Lisbon mà
chỉ tính tới ý muốn của Đức, sẽ dẫn đến rủi ro gì?
Ông Jean-Luc Sauron, hiện là thành viên
ban biên tập tạp chí “Vấn đề quốc tế”, cho đó là cái được mất đối với
cuộc tranh luận giữa Pháp và Đức. Hiện nay, nói rằng hai nước có lập
trường chung là quá sớm vì quan điểm của chính phủ hai nước còn cách xa
nhau.
Về phía Pháp, dĩ nhiên là khả năng sửa
đổi Điều khoản 125 trong Hiệp ước Lisbon, điều khoản quy định Liên minh
châu Âu không được phép hỗ trợ tài chính đối với một nước thành viên khu
vực đồng euro, nghĩa là cho phép ECB can thiệp với tư cách là bên cho
vay cuối cùng và, từ đó, có thể mua lại nợ công của các nước thuộc liên
minh tiền tệ này. Nhưng hiện nay, do Đức không đồng ý nên nguy cơ dễ xảy
ra là hiệp ước chỉ chứa đựng khía cạnh trừng phạt (đối với các nước vi
phạm) mà không có chiếc “van xả áp” mở rộng khả năng can thiệp của ECB
như Pháp đề xuất.
Nói cách khác, sẽ là hữu ích nếu thực
hiện hạn chế chi tiêu công và tuân thủ kỷ luật ngân sách, nhưng cũng cần
nới lỏng gọng kìm của thị trường đối với các nước thành viên. Từ đó mới
có ý tưởng xác định lại vai trò của ECB như bên cho vay cuối cùng, hay
khả năng mua lại ồ ạt nợ công trên thị trường thứ yếu (thị trường liên
quan đến trái phiếu được chính quyền các nước phát hành và được các ngân
hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư hay quỹ hỗ trợ mua và bán) như các
nước mong muốn.
Như vậy, Pháp đóng vai trò trụ cột giữa
các nước Nam Âu đang trong cơn tuyệt vọng (Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha
và Bồ Đào Nha) và các nước Bắc Âu dễ thuận theo lôgích nghiêm khắc về
tài chính. Tệ hơn nữa là các nước Bắc Âu phê phán rất mạnh các nước Nam
Âu và – gần như là – sẵn sàng buông chèo. Với vai trò đó, Pháp bảo đảm
cho khu vực đồng euro có được một sự gắn kết và đoàn kết. Cho đến nay,
Pháp đã thành công trong việc thuyết phục các nước Bắc Âu về sự cần
thiết phải duy trì sự gắn kết trong khu vực đồng euro. Đối với các nước
Nam Âu, Pháp ủng hộ tính cốt yếu của các cuộc cải cách và dự án tái cấu
trúc tài chính.
Có hai nguy cơ lớn đối với thỏa thuận
này: nếu đề xuất của Đức được chấp nhận mà đề nghị của Pháp không được
chấp nhận, đó sẽ là bằng chứng cho thấy trục Pháp-Đức trên thực tế chỉ
là trục Đức-Đức… Không ai muốn thấy lập trường của Đức chế ngự trong nội
dung hiệp định, kể cả người Đức. Mối nguy khác là thái độ rất không
chắc chắn của Anh. Nước này quả thực dự tính buộc phải tổ chức trưng cầu
dân ý nếu các hiệp ước châu Âu được sửa đổi theo hướng tăng cường quyền
lực cho Liên minh châu Âu. Những gì mà cặp Pháp-Đức đã và đang làm lúc
đó sẽ bị chết yểu vì một cuộc trưng cầu dân ý cúa Anh rất có thể sẽ dẫn
tới việc phản đối chủ quyền quốc gia bị mất.
Nếu Hiệp ước Lisbon được sửa đổi thực sự
có thể có hiệu quả đến chừng mực nào? Ông Jean-Luc Sauron, đồng thời là
giáo sư giảng dạy môn luật châu Âu và quan hệ đối ngoại Liên minh châu
Âu tại trường Đại học Pari- Delphine, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải
cân bằng cả hai vế trong cùng một cuộc cải cách do Pháp và Đức đề xuất.
Đó là trừng phạt và kỷ luật theo quan điểm của Đức và biên độ co giãn
trong tăng trưởng theo lập trường của Pháp. Mức nợ cao của các hộ gia
đình và nguy cơ suy thoái của khu vực đồng euro trong năm 2012 khiến các
công ty xếp hạng tín dụng lo ngại. Standard & Poor’s trước đó đánh
giá tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội của Pháp trong năm nay chỉ đạt
khoảng 0,3% so với mức 0,8% dự báo trước đó. Công ty này dự báo mức tăng
trưởng vào khoảng 0,8-1% đối với Đức và 0,1% đối với Italia.
Nếu có ít áp lực hơn đối với các món nợ
công, có thể châu Âu sẽ soạn thảo các kế hoạch không chỉ mang tính trừng
phạt, mà cũng tạo điều kiện thuận lợi để lấy lại tăng trưởng trong khu
vực đồng euro. Muốn vậy cần phải đầu tư… vì chỉ gọt dũa ngân sách công
là không đủ. Cuối cùng, đề nghị của cặp Pháp-Đức liên quan đến việc sửa
đổi các hiệp ước cần phải được nhanh chóng đưa vào thực hiện vì các vấn
đề cơ bản liên quan đến một vấn đề nóng bỏng: đó là tương lai của khu
vực đồng euro.
Pháp và Đức liệu có khả năng thuyết phục
các nước thành viên khác về sự cần thiết phải trừng phạt các nước vi
phạm quy định trong hiệp ước ổn định và tăng trưởng, trong khi chính hai
nước này là những nước đầu tiên vượt quá quy định của cộng đồng hay
không? Dĩ nhiên, các hiệp định châu Âu chỉ có thể hoạt động được nếu tất
cả các nước thành viên đều phải tuân thủ quy định…, kể cả Pháp và Đức
nếu các nước này cũng vi phạm. Không phải vì trong quá khứ từng vi phạm
quy định trong hiệp ước mà hai nước này có ít trách nhiệm hơn đối với
các nước thành viên khác.
Cựu Thủ tướng Pháp, Francois Fillon,
đánh giá đề xuất của Pháp và Đức là lời kêu gọi thiết lập vài trò lãnh
đạo chính trị và kinh tế vững chắc hơn và cơ sở cho vấn đề này là thỏa
thuận Pháp-Đức. Việc soạn thảo một hiệp ước mới là câu trả lời tốt nhất
cho tình hình hiện nay. Ông cho rằng châu Âu không nên để các nhà đầu tư
phải nghi ngại, dù là nhỏ nhất, về quyết tâm bảo vệ khu vực đồng euro
của các nước thành viên.
Về độ tin cậy của cặp Pháp-Đức, muốn duy
trì được phải có sự đồng thuận cân bằng giữa hai nước, nếu không châu
Âu lại một lần nữa phải đối mặt với việc các cuộc cải cách được đề xuất
sẽ bị phong tỏa phản tác dụng và không bao giờ được đưa vào thực hiện.
Trong khuôn khổ phi liên bang, nhưng là liên Nhà nước, hoạt động thông
qua hiệp ước là điều cần thiết…
Khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông
Francois Hollande cho rằng tăng trưởng trong khu vực đồng euro là chưa
đủ để đạt mục tiêu giảm thâm hụt công trong năm 2012, và hệ thống ngân
hàng của châu Âu dễ đổ vỡ và có thể sẽ phải tái sắp xếp vốn. Theo ông,
tình hình trên là bằng chứng cho thấy chính sách của Liên minh châu Âu
thất bại từ 5 năm nay. Hơn nữa, ông cho rằng việc Pháp và Đức chủ trương
sửa đổi hiệp ước là không đủ.
Giáo sư Jean-Luc Sauron cho rằng lý
tưởng nhất là Đức và Pháp sẽ hiểu nhau và thành công trong việc tạo ra
một tính năng động mới cho khu vực đồng euro nói riêng, cho Liên minh
châu Âu nói chung.
.....
Tôi, chủ Blog này, Lê Việt Đức, đang bị Ngân hàng SCB và Manulife phối hợp lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hợp đồng số 2952746922. Tôi đóng tiền cho SCB để tiết kiệm - đầu tư nhưng chúng biến tiền đó thành mua bảo hiểm của Manulife. Đến nay chúng vẫn nhất định không trả. Nếu chúng vẫn không trả, tôi sẽ tố cáo các sai phạm, lừa đảo của nhóm lợi ích SCB và Manulife lên trang này và FB cá nhân của tôi. Mong các bạn theo dõi và loan tin cho nhân dân VN ở khắp nơi trên thế giới biết để tẩy chay chúng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét