Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

SỰ GIẢ DỐI TRONG HỆ THỐNG TIỀN TỆ

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ tư, ngày 30/5/2012
TTXVN (Mêhicô 25/5)
Trong một bài viết mới đây, giáo sư Federico Steinberg thuộc Trường Đại học Tự trị Mađrít, Tây Ban Nha, đã khẳng định rằng hệ thống tiền tệ quốc tế (IMS) đang nằm trong giai đoạn chuyển tiếp. Trung Quốc và một số nền kinh tế mới nổi muốn tiến hành một bước thay đổi cơ bản trong cơ chế hoạt động của IMS và vai trò của đồng USD. Tuy nhiên sự khác nhau về lập trường của các nước lớn, nhất là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và một số nước khác vấn là rào cản dẫn đến thay đổi lớn trong trung và ngắn hạn, đơn giản vì họ vẫn đang đứng ở những vị trí có lợi nhất.
Theo tác giả, các nền kinh tế mới nổi liên tục chỉ trích chính sách kinh tế của Mỹ. Trung Quốc phản đối chính sách tài chính vô trách nhiệm của Mỹ (chủ yểu do hậu quả của chính sách này mà lượng dự trữ ngoại tệ bằng USD của Trung Quốc gặp rủi ro). Braxin cũng lên tiếng vì chính sách đó của Mỹ mà đồng nội tệ Real của nền kinh tế số 1 Mỹ Latinh liên tục tăng giá, trong khi Mỹ không có ý định thực thi vai trò lãnh đạo có trách nhiệm trong các vấn đề tiền tệ quốc tế như họ đã từng làm sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Và cứ như vậy những lập trường trái ngược này đã bước đến giai đoạn xung đột, bên cạnh đó Mỹ ra sức tố cáo Trung Quốc vì đã “chơi bẩn” khi không cho phép giảm tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô toàn cầu, giữ nguyên tỉ giá giữa đồng USD và đồng nhân dân tệ, và tích lũy một lượng ngoại tệ cực lớn dưới dạng dự trữ.

Đáp lại lập trường của Mỹ, Trung Quốc đã kiểm soát vững vàng luồng vốn, bắt đầu tiến hành quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, nhưng trước mắt tập trung vào lĩnh vực thương mại nhiều hơn (do dễ kiểm soát) so với lĩnh vực tài chính (theo đó Trung Quốc phải thả nổi đồng nhân dân tệ, mở cửa hệ thống tài chính – điều mà Trung Quốc không hề muốn làm trong bối cảnh hiện nay). Thêm vào đó là sức ép từ khu vực đồng euro, nhất là khi đồng tiền chung này trở thành phương tiện dự trữ toàn cầu có tầm quan trọng thứ 2 sau USD, thì những vấn đề của các nước sử dụng đồng euro đã tác động mạnh đến IMS. về phần mình, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hầu như cũng đã bước vào cuộc chiến ngoại tệ sau khi bơm tiền dưới dạng cho vay trong thời hạn 3 năm cho hệ thống ngân hàng của khu vực đồng euro. Chính sách mở rộng này đã làm đồng euro giảm giá, điều này làm các nước vệ tinh hân hoan, nhưng lại làm cho nước Đức bận tâm hơn. Và điểm cuối cùng là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hiện là nơi diễn ra các cuộc tranh giành quyền lực giữa các nước mới nổi và châu Âu nhằm thay đổi phần đóng góp và giá trị lá phiếu nội bộ. Tất cả mọi người đều biết là IMF không phải là một cơ chế có khả năng gây áp lực đối với các nước lớn, nhưng dù có như vậy đi chăng nữa, ai ai cũng muốn có một sự hiện diện lớn hơn tại tổ chức tài chính này.
Về dài hạn, IMS có thể chịu những sự thay đổi cơ bản, nhưng khó có thế nói trước được những sự thay đổi này hướng về đâu. Liệu những sự điều chỉnh ấy có phải là kết quả của quá trình đàm phán trong nội bộ Nhóm G-20 hay là kết cục của sự đối đầu địa chính trị giữa các cường quốc trên thế giới? về lâu dài IMS dễ dàng tiến đến một hệ thống có nhiều ngoại tệ, theo đó Quyền rút vốn đặc biệt (đơn vị tiền tệ quy ước của một số nước trong IMF- SDR) có thể hoạt động như một tròng số đồng tiền toàn cầu, thậm chí nó liên kết chặt chẽ với vàng, hoặc IMS có thể giữ nguyên hiện trạng hiện nay với đồng USD cầm trịch và không có sự lựa chọn nào khác.
Có lẽ phải chờ thêm nhiều năm nữa mới có thể có những thay đổi cơ bản trong lòng IMS. Xu hướng giữ nguyên hiện trạng là quá rõ vì nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất là các nền kinh tế mới nổi chưa đưa ra được những đề xuất đủ hay để có thể coi là một lựa chọn hợp lý, và họ đang ở trong vị trí khá thuận lợi. Thứ hai là Mỹ đang sử dụng quyền lực tiền tệ để làm chậm lại quá trình điều chỉnh của họ. Thứ ba là khu Vực đồng euro, hiện được coi là khu vực có khả năng đối mặt với Mỹ, lại đang tập trung thời gian và công sức vào việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề nội bộ, khó có thể tìm được một tiếng nói chung đế đối chọi với Mỹ.
Trong bối cảnh này, sự tranh cãi giữa các cường quốc sẽ tiếp tục với mức độ sâu rộng hơn, nhưng chưa thể dẫn đến tình trạng bất ổn. Trên thực tế, cấu trúc hiện nay của IMS vẫn tiếp tục phục vụ lợi ích của một số nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, và như vậy những sự tranh cãi, tố cáo lẫn nhau chỉ là những đòn đánh giả tạo nhằm phục vụ lợi ích cho một số nước lớn.
IMS sẽ phải làm gì?
IMS có ba chức năng cơ bản: Một là tạo điều kiện cho quá trình điều chỉnh. Hai là cung cấp thanh khoản. Ba là đảm bảo lòng tin.
Khi nói đến chức năng điều chỉnh là đề cập đến cơ chế qua đó có thể giải quyết được tình trạng mất cân đối trong thanh toán giữa các quốc gia. Thanh khoản có nghĩa là quản lý các phương tiện thanh toán, và đây là điều rất cần thiết để một nước hay một doanh nghiệp có thể tiến hành giao dịch và cung cấp vốn cho các dự án. Lòng tin ở đây đề cập đến thành phần của quá trình thanh khoản và mức độ của các công cụ tài chính, đặc biệt là các loại đồng tiền dùng làm dự trữ quốc tế.
Với cơ cấu hiện nay, IMS thực hiện ba chức năng kể trên ở nhiều mức độ khác nhau. Điều chỉnh tình trạng mất cân đối kinh tế vĩ mô toàn cầu đã bị kìm hãm vì không có một luật chơi được mọi nước chấp nhận. Các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi Mỹ Latinh áp dụng tỷ giá hối đoái tương đối linh hoạt, trong khi Trung Quốc và các nước xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông lại ấn định tỷ giá giữa đồng nội tệ với đồng USD, và một số quốc gia châu Á khác thì lại can thiệp bất thường vào thị trường ngoại tệ nhằm kìm hãm việc đồng nội tệ tăng giá và tiếp tục kích thích xu hướng xuất khẩu tăng cao bên cạnh việc tăng dự trữ ngoại tệ để đối phó với rủi ro tài chính. Trong vài năm gần đây, Mỹ và Anh (kể cả một số nước châu Âu) đã tiến hành chính sách tiền tệ mở rộng nhằm tạo đà tăng trưởng và tạo công ăn việc làm, nhưng trong chừng mực nào đó vẫn nhằm hạn chế việc đồng nội tệ mất giá.
Quá trình tác động qua lại như trên được các chuyên gia tài chính gọi là cuộc chiến tranh ngoại tệ. IMS không có bất cứ một cơ chế nào để có thể né tránh xung đột trong lĩnh vực tỷ giá hối đoái, cũng không thể bắt ai tiến hành điều chỉnh tình trạng mất cân đối trong thanh toán, thậm chí Nhóm G-20 cũng không làm được việc này. Khi có thời cơ, quá trình điều chỉnh diễn ra bất ngờ và nhanh chóng thông qua các cuộc khủng hoảng tài chính. Tức là luồng vốn tại các nước bị thâm hụt tài chính, vốn gây ra tình trạng mất cân bằng, bị tuồn ra nước ngoài. Tuy nhiên, Mỹ đã vượt qua quá trình này chủ yếu do các nhà đầu tư vẫn tin vào đồng USD, trong khi Trung Quốc và Đức là những nước có thặng dư, không cảm thấy cần thiết phải tiến hành điều chỉnh. Như vậy IMF và Nhóm G-20 đều không có khả năng áp đặt bất cứ một lệnh điều chỉnh nào, vì trong lĩnh vực tài chính, khác với lĩnh vực thương mại, đại đa số các nước đều chống lại việc trao quyền tự chủ cho các công ty đa quốc gia (trên thực tế chỉ có một số nước cần cấp cứu khẩn cấp mà thôi). Đối với các yếu tố thanh khoản và lòng tin, Mỹ và đồng USD tiếp tục là những nhân vật chính trên trường quốc tế hiện nay.
Nhưng đồng USD không phải là duy nhất. Trừ những vấn đề nội bộ, đồng euro đã củng cố vị trí thứ hai trong hệ thống dự trữ quốc tế và một số đồng ngoại tệ khác như đồng yên của Nhật Bản, đồng Bảng của Anh, đồng Phơrăng Thụy sĩ và đồng đôla Ôxtrâylia cũng góp phần làm đa dạng nhóm đồng tiền có thể dùng làm dự trữ ngoại tệ. Và gần đây nhất là đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, một số chuyên gia và lãnh đạo một số nước nghĩ tới khả năng dùng nó làm đồng tiền để thanh toán trong thương mại, nhưng rõ ràng Trung Quốc không muốn đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, vì như vậy Trung Quốc phải mở cửa hệ thống tài chính và nới lỏng biên độ tỷ giá hối đoái giữa đồng nội tệ với đồng USD.
Tóm lại, cho dù Mỹ chưa phải là cái bóng của chính họ thời kỳ 1945, nhưng đồng USD tiếp tục là đồng tiền bá quyền, vì chẳng có một quốc gia nào thể hiện ý chí và quyết tâm chuyển đổi đồng nội tệ của họ trở thành đồng tiền có thể dùng làm dự trữ quốc tế trong IMS và đứng ra hứng lấy trách nhiệm làm vai trò ổn định trong IMS trong bối cảnh hiện nay. Cũng chính vì thế, Nhật Bản và Đức không bao giờ quan tâm đến việc quốc tế hóa đồng nội tệ của họ. Nhưng với điều kiện tiếp tục là đồng tiền thống trị, đồng USD không có nghĩa là đã thoát khỏi rắc rối. Trên thực tế, với mức độ thâm hụt và nợ cao như hiện nay tại Mỹ và tình trạng bất ổn tại khu vực châu Âu có rất nhiều vấn đề cần bàn tới về vai trò và lòng tin đôi với đồng USD và đồng euro. Sự tụt hạng trong đánh giá tín nhiệm tín dụng của một số nước tiên tiến, kể cả Mỹ, giá vàng thế giới đang cao và sự xuất hiện bong bóng trên thị trường bất động sản chứng tỏ IMS đã bước vào giai đoạn bất ổn cao và điều này đã phát đi một tín hiệu rõ ràng là trong vài năm tới có thể xuất hiện một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Giả dối trong quan hệ tài chính Mỹ-Trung Quốc
Đã từ lâu, đặc biệt là sau khi xảy ra khủng hoảng tài chinh toàn cầu năm 2008, mối quan hệ tài chính Mỹ-Trung Quốc là trung tâm của mọi cuộc bàn cãi về quá trình cải cách IMS. Trung Quốc tố cáo Mỹ vì đã lạm dụng vai trò là nước duy nhất phát hành đồng USD, tiếp tục chính sách tài chính mở rộng vô trách nhiệm nhằm tạo đà tăng trưởng và công ăn việc làm, và xuất khẩu lạm phát ra nước ngoài thay vì tiến hành điều chỉnh giá, lương và tăng tiết kiệm để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế và lành mạnh hóa tình trạng cân bằng kinh tế vĩ mô. Ngược lại Mỹ tố cáo Trung Quốc thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ và đồng USD nhằm đạt lợi nhuận giả tạo trong lĩnh vực cạnh tranh, “đàn áp” người tiêu dùng và né tránh quá trình đồng nhân dân tệ tăng giá.
Bất chấp cuộc chiến này, cả hai cường quốc đều lựa chọn phương án an toàn nhất cho họ: không hành động để thay đổi tình trạng hiện hữu. Trung Quốc không bán trái phiếu bằng USD và Mỹ cũng không đơn phương áp dụng thuế suất đối với hàng nhập từ Trung Quốc. Đi sâu phân tích mối quan hệ qua lại này cho phép chúng ta hiểu rõ hơn phương thức cư xử của Mỹ và Trung Quốc, và điều này chứng tỏ cả hai bên đều có thái độ giả tạo. Một đồng Nhân dân tệ mất giá có lẽ đỡ thiệt hại hơn cho đại đa số dân Trung Quốc và doanh nghiệp Mỹ, và một chính sách kinh tế mở rộng của Mỹ đã cho phép Trung Quốc giữ được tốc độ tăng trưởng cao, điều mà các chuyên gia kinh tế cho là gốc rễ cho lòng tin của dân chúng đối với Chính phủ Trung Quốc. Nếu đồng Nhân dân tệ tăng giá, sẽ diễn ra tình trạng khan hiếm hàng Trung Quốc tại thị trường Mỹ, điều này tương đương với việc tăng thuế tiêu thụ và giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đang kinh doanh tại Trung Quốc. Ngoài ra, việc đồng nhân dân tệ tăng giá có thể kết thúc bằng sự thâm hụt do thanh toán vãng lai tại Mỹ, vì số việc làm không cần qua đào tạo tại các khu vực xuất khẩu của Trung Quốc không đổ về Mỹ, mà chạy sang các nước có đồng lương thấp hơn, như Việt Nam (và trên thực tế đã có trường họp diễn ra như vậy).
Theo cách nhìn nhận của phía Trung Quốc, các chính sách tài chính- tiền tệ hạn chế của Mỹ có thể dẫn đến việc cắt giảm nhu cầu về hàng hóa Trung Quốc. Và một khi không có nhu cầu đó, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và điều này có thể gây ra tình trạng bất ổn về chính trị trên lãnh thổ Trung Quốc, và là điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn né tránh bằng mọi giá tại thời điểm này. Như vậy cả Mỹ và Trung Quốc đều nhìn nhận ra những rủi ro đối với IMS, và đều cho rằng triển vọng không sáng sủa hơn so với thời kỳ trước năm 2007. Nhưng cả hai đều muốn giữ nguyên hiện trạng, đơn giản vì cả hai đều thấy có lợi hơn so bất cứ kịch bản nào.
Nếu châu Âu không giải quyết được những vấn đề nội bộ và tiến tới thống nhất tài chính, khó có thể thống nhất được lập trường chung trong vấn đề cải cách IMS. Và trong khi điều này chưa xảy ra; vai trò của châu Âu vẫn là thứ yếu trong các cuộc đàm phán mấu chốt liên quan đến cải cách IMS. Chúng ta có thể đi đến kết luận là: IMS, hiện nay đang trong giai đoạn chuyển tiếp, vì những thay đổi về cân bằng quyền lực đang diễn ra có lợi cho các nền kinh tế mới nổi cũng được thể hiện trong các vấn đề tiền tệ. Những quy định hiện hành của IMS không còn hiệu lực để giải quyết một cách êm thấm tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô toàn cầu, nhưng IMS tiếp tục giữ xu hướng tiến triển hiện nay, vì nó phục vụ đắc lực nhất cho quyền lợi của cả Mỹ và Trung Quốc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét