Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

XUNG QUANH KẾ HOẠCH ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC CỦA TRUNG QUỐC TẠI LÀO

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
TTXVN (Hồng Công 14/1)
Theo tờ “Minh báo” (Hồng Công) ngày 13/1, bán đảo Trung Nam (Đông Dương) gần đây đã trở thành điểm nóng đầu tư mới, Lào đã trở thành nơi đọ sức của các nguồn vốn Âu-Á, đồng thời cũng dẫn đến những thị phi chính trị. Trong khi công trình đường sắt cao tốc nối Lào với Việt Nam đang hừng hực khí thế thì kế hoạch đường sắt cao tốc nối Côn Minh (Trung Quốc) với Lào lại bị trở ngại do những chỉ trích của phương Tây. Theo dự kiến, đến trước năm 2015, các nước Đông Nam Á sẽ tạo thành cộng đồng kinh tế chung, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với khối này lúc đó có thể sẽ tăng từ mức 370 tỷ USD hiện nay lên tới trên 500 tỷ USD. Rõ ràng, kế hoạch của Trung Quốc trong việc hội nhập với khu vực này khả quan hơn những kế hoạch đầu tư của các nước khác, điều này tất nhiên khiến các nước phương Tây không thể hài lòng.
Ý nghĩa chiến lược của đường sắt Trung – Lào
Năm 2006, gần 20 quốc gia châu Á ký kết một thỏa thuận đường sắt xuyên châu Á, dự án đường sắt cao tốc ở Lào là một phần trong đó. Giới phân tích cho rằng nếu như Trung Quốc có thể lấy đường sắt cao tốc “đả thông” Đông Nam Á, đưa các nước như Lào và Mianma vào mạng lưới đường sắt cao tốc của mình, Trung Quốc sẽ có thể trực tiếp vươn tới Ấn Độ Dương bằng đất liền, có thể vận chuyển các mặt hàng, nguyên vật liệu cũng như dầu lửa từ Trung Đông và châu Phi về nước… không phải qua eo biển Malacca do Mỹ kiểm soát, điều này có ý nghĩa chiến lược rất lớn.
Ngoài ra, hệ thống đường sắt cao tốc cũng giúp Trung Quốc tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, trở thành một chiêu bài chống lại chiến lược “quay trở lại châu Á” của Mỹ. Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Feng Orchids chỉ ra rằng ngoài việc xuất khẩu các mặt hàng sang các nước Đông Nam Á, ngành xuất khẩu của Trung Quốc cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và các mặt hàng bán thành phẩm từ Đông Nam Á. Có thể thấy rằng Trung Quốc có lợi ích rất lớn trong việc gắn kết với Đông Nam Á.
Sự nghi ngại của phương Tây
Báo giới phương Tây mấy năm gần đây thường hình dung những kỹ thuật, tiền vốn mà Trung Quốc đổ vào các nước xung quanh cũng như các nước châu Phi và Mỹ Latinh là “ngoại giao đường sắt”. Năm 2010, Trung Quốc ký kết với Lào và Thái Lan thỏa thuận hợp tác xây dụng tuyến đường sắt cao tốc dài 420 km nối liền Côn Minh với Lào và Thái Lan. Tuy nhiên, kế hoạch đoạn nối Côn Minh với Lào (trị giá 7 tỷ USD) lại khiến dư luận phương Tây phản đối kịch liệt với những nghi ngại về phá hoại môi trường và khoản vay quá lớn. Theo thỏa thuận, Ngân hàng Đầu tư Trung Quốc sẽ cung cấp toàn bộ vốn cho dự án đường sắt cao tốc Trung-Lào với lãi suất thấp trong vòng 30 năm, điều kiện đổi lại là đến trước năm 2020, mồi năm
Lào sẽ cung cấp cho Trung Quốc tài nguyên khoáng sản trị giá 5 triệu USD, chủ yếu là Kali, gỗ và hàng nông sản…
Mặc dù sau khi tuyến đường sắt xây dựng hoàn thành sẽ do phía Lào toàn quyền sử dụng, song dư luận phương Tây nghi ngại rằng Lào sẽ “lỗ to”. Tờ “Thời báo Niu Yoóc” dẫn lời một vị cố vấn giấu tên phụ trách công tác sắp xếp kế hoạch phát triển của Liên hợp quốc cho rằng các điều kiện cho vay mà phía ngân hàng Trung Quốc đưa ra quá “khắc nghiệt”, chúng sẽ khiến sự ổn định của kinh tế vĩ mô Lào đối mặt với nguy cơ, Lào sẽ phải cung cấp cho Trung Quốc khoáng sản để trả nợ, trong khi công trình đường sắt xuyên qua miền Bắc của Lào sẽ biến các bản làng nơi đây thành “đống rác”. Bài báo còn dẫn lời một quan chức ngoại giao châu Á giấu tên cho biết các đối tác hợp tác khác như ADB hay Ngân hàng Thế giới (WB) đều bày tỏ “quan ngại”, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Lào “cần phải thận trọng”.
Tuy nhiên, những chỉ trích bình luận trên đều không đề cập đến tầm quan trọng của tuyến đường sắt này đối với Lào, quốc gia không có bờ biển. Phía Lào dự tính thu nhập từ vận tải đường sắt năm đầu tiên sẽ đạt 95 triệu USD, đen năm thứ 50, lãi ròng từ vận tải đường sắt sẽ đạt 16,39 tỷ USD. Ngoài ra, thu nhập từ các ngành nghề liên quan sẽ chiếm tới 50% tổng thu nhập. Cơ quan xếp hạng quốc tế Moody’s cũng đánh giá rằng dự án vay tín dụng xây dựng đường sắt cao tốc Trung-Lào sẽ giúp ích cho kinh tế Lào phát triển, giúp tăng lượng xuất khẩu tài nguyên của Lào sang Trung Quốc.
Đọ sức Trung-Mỹ tại Lào
Lãnh đạo cấp cao chính phủ Lào hiện nay đa số là bộ đội Pa Thét từng tác chiến với miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam , họ vẫn chủ trương giữ một khoảng cách với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ gần đây đang có ý đồ lôi kéo Lào, hồi tháng 7 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới Lào, trở thành quan chức ngoại giao cấp cao nhất thăm Lào kể từ năm 1950, động thái này đã báo hiệu Lào sẽ trở thành một chiến trường đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á.
Trên thực tế, kế hoạch đường sắt cao tốc Trung-Lào đang đối mặt với trở ngại, trong thời gian tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu tại Lào hồi tháng 11/2012, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã không thể dự lễ khởi công tuyến đường này theo kế hoạch. Ngược lại, cũng trong thời gian này lại diễn ra lễ ký kết thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Lào – Việt Nam trị giá 5 tỷ USD do Công ty Giant Consolidated của Malaixia làm chủ đầu tư. Tuyến đường sắt Lào-Việt dài 220 km, dự kiến được xây dựng trong 5 năm, là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên nối liền Lào với Việt Nam. Điều khá ngạc nhiên, phương Tây không tranh cãi nhiều và dường như đang ưu tiên thúc đẩy tuyến đường sắt Lào-Việt.
Sự mở rộng ảnh hưởng của người Trung Quốc
Trung Quốc mấy năm gần đây thúc đẩy kế hoạch đường sắt cao tốc trên bán đảo Trung Nam , một mục tiêu lớn trong đó là thúc đẩy thương mại của Khu thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN, và Lào được coi là một khâu quan trọng để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Tại thành phố du lịch nổi tiếng Luang Prabang của Lào, Trung Quốc đã xây dựng và tu bổ các bệnh viện của địa phương, nâng cấp sân bay… Dọc hai bên bờ sông Mê Công chảy qua thủ đô Viêngchăn, du khách có thế dễ dàng nhận thấy rất nhiều biệt thự cao cấp, chúng cũng đều do người Trung Quốc đầu tư xây dựng.
Không ít thương gia Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội phát triển của đường sắt cao tốc ở Lào và đang đầu tư dọc theo tuyến đường này. Tại Udom Xay, một vùng nông nghiệp ở miền núi phía Bắc Lào, các thương nhân Trung Quốc đã xây dựng một trường học tiếng Hoa với hơn 400 học sinh và 28 giáo viên, một phần lương của các giáo viên ở đây do chính phủ Trung Quốc chi trả. Vương Quyền, ông chủ người Trung Quốc của một khách sạn tại địa phương, cho biết đang mong đợi việc hơn 20.000 công nhân đường sắt Trung Quốc sẽ sớm tới đây để ông có thể kiếm tiền từ đồng bào của mình. Ông chủ này đến đây được 3 năm và đã mua một xưởng gia công đồ gồ, ông cho biết dân di cư từ Trung Quốc đã thuê tới một nửa đất nông nghiệp của Udom Xay, “chỉ cần có tiền, thuê đất bao nhiêu năm cũng được, người ở đây chỉ biết tiền, không cần biết người”.
Sự đầu tư của Trung Quốc đã thúc đẩy kinh tế Lào, song cũng có không ít người bất mãn với sự đầu tư này của Trung Quốc. Anne Sophie Gindroz – người phụ trách Tố chức Phát triển Helvetas của Thụy Sỹ – đã nghi ngờ việc Chính phủ Lào cưỡng bức nông dân bán đất. Sự nghi ngờ đó đã khiến cho Gindboz bị trục xuất ra khỏi Lào vì “không thiện chí” với chính phủ nước này. Tại Viêngchăn, Sombath Somphone – một người quốc tịch Lào phụ trách một trung tâm đào tạo phát triển – đã bị mất tích hồi tháng trước. Trước khi mất tích, ông ta đã tham dự hoạt động hội thảo chuyên đề cập tới vấn đề đất đai hiện nay. Một quan chức ngoại giao cho biết ông ta đã bị cảnh sát bắt đi./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét