Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Đổi thay ở Miến Điện và nông nghiệp

Đổi thay ở Miến Điện và nông nghiệp

Trong bài trước, Gia Minh trình bày nhận định và ý kiến của một số người thuộc thành phần trí thức ở Miến Điện nói về đổi thay chính trị tại đó. Kỳ này, mời quí vị tiếp tục theo dõi ý kiến của người nông dân trồng lúa và nhà xuất khẩu gạo của Miến trong tình hình thay đổi hiện nay ở Miến Điện.
Lúa gạo Miến Điện
Có thể nói ngoài những tương đồng về vùng địa lý nhiệt đới gió mùa, hoạt động chuyên canh lúa nước từ bao đời qua, Miến Điện hiện có đến 70% dân số Miến Điện hiện sinh sống tại những khu vực nông thôn như người dân Việt Nam.
Chuyện tam nông của Việt Nam cũng không khác gì mấy so với xứ Miến.
Thống kê cho thấy chỉ mới ba năm trước nông nghiệp chiếm gần 60% GDP, tổng sản phẩm nội địa của Xứ Miến, 70% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Một điểm khác với nông dân Việt Nam làm đến ba vụ lúa một năm, hằng năm người nông dân Miến Điện chỉ làm hai vụ mà thôi. Đó là vụ lúa tháng năm và vụ tháng 11. Thời điểm tháng giêng khi chúng tôi có mặt tại Miến, những cánh đồng lúa đang kỳ phát triển xanh rì.

Diện tích đất canh tác vụ tháng năm chừng từ 16 đến 17 triệu acre (0,405 hectare), và mùa tháng 11 chừng 3 triệu acre. Sản lượng gạo hằng năm đựợc cho biết từ 14 đến 15 triệu tấn. Số gạo tiêu thụ trong nước chiếm hầu hết sản lượng này là từ 11 đến 13 triệu tấn, số dư còn lại có thể xuất khẩu một phần và một phần dự trữ vì an ninh lương thực.
Người dân Miến Điện đứng đầu danh sách thế giới về lượng gạo tiêu thụ mỗi năm là 210 kilogram mỗi đầu người. Dân số nước này vào năm 2010 là chừng 60 triệu.

Doanh nghiệp xuất khẩu

Burma-Cyclone-Rice-250.jpg
2 phụ nữ Miến đang vo gạo trong trận lụt ngày 8 tháng 5 năm 2008. AFP photo.
Tuy nhiên hiện nay ở Miến Điện đang có hơn 216 doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động kinh doanh - xuất khẩu gạo nằm trong Liên đoàn Lúa gạo Miến Điện. Đích thân vị chủ tịch của liên đoàn này, ông Chit Khine, cho chúng tôi biết chính sách cải tổ của chính quyền Miến Điện trong thời gian qua cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này và nay họ được toàn quyền quyết định hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo.
Ông Chit Khein tiếp chúng tôi sau khi vừa có cuộc họp gồm các bên đại diện chính phủ, nông dân, doanh gia kinh doanh xuất khẩu gạo.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh tự do thì bao giờ vấn đề lợi nhuận cũng được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, ông này nói đến việc phân chia lợi nhuận một cách hợp lý và mục tiêu của liên đoàn lúa gạo Miến Điện không phải nhắm đến chỉ tiêu xuất khẩu gạo thật nhiều mà là, nâng cao chất lượng hạt gạo của Miến trong tình hình cạnh tranh xuất khẩu giữa các nước trong khu vực như hiện nay. Liên đoàn tập trung phát triển giống lúa thơm đặc trưng của Miến Điện mà được trao giải hồi năm 2011 khi tham gia hội nghị lúa gạo tại Việt Nam.
Một điểm được nói đến là phát triển những sản phẩm an toàn, xanh, không sử dụng nhiều phân bón.
Ông cho biết chính phủ Miến Điện có chính sách cụ thể trong việc bảo đảm thu nhập cho người nông dân. Những chính sách hỗ trợ mang tính vi mô là một trong những biện pháp được đề cập đến để mỗi nông hộ có thể bảo đảm cuộc sống, có lãi và tiếp tục trụ vững trong hoạt động sản xuất lúa gạo.
Một số ưu tiên được chính ông chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Miến Điện Chit Khein chia sẻ, đó là biện pháp được ông dùng từ toàn diện và tích hợp. Đó là mô hình canh tác lúa kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt có sự hướng dẫn, hỗ trợ của các ngành, doanh nghiệp.
Bản thân ông Chit Khein từng đến Việt Nam. Ông này có mối liên hệ với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, VFA. Ông cho biết rất thích những đồ ăn được xem là có lợi cho sức khỏe con người với nhiều rau xanh… Bản thân ông Chit Khein cũng như vị tổng thư ký của Liên đoàn Lúa gạo Việt Nam đều cho biết trong thời gian qua họ đến tại những quốc gia trong khu vực để liên hệ và tìm mối quan hệ trong hoạt động lúa gạo.
Là doanh nghiệp mới đi vào lĩnh vực kinh doanh lúa gạo, và cơ sở hạ tầng của ngành này tại Miến cũng chưa có gì. Tuy nhiên việc đi sau và tinh thần mong muốn học hỏi khi đất nước chuyển đổi từ chế độ quân sự sang hướng dân chủ hóa đang tạo một cơ hội thuận tiện cho những doanh nhân như ông Chit Khein của Miến Điện.
Qua cuộc trao đổi với ông chủ tịch Liên đoàn Lúa gạo Miến Điện, chúng tôi nhận thấy ông nắm rõ mọi chính sách, biện pháp mà ngành nông nghiệp cũng như chính phủ Việt Nam đưa ra cho ngành này. Nếu việc thực thi đúng tinh thần của những đường hướng như thế, và tâm nguyện mong đất nước phát triển sau nhiều thập niên bị kìm hãm dưới sự cai trị của chính quyền quân sự, những nhà kinh doanh lúa gạo của Miến Điện hẳn có thể biến những kế hoạch đưa ra thành hiện thực.

Nông dân lam lũ

buffalo-water-250.jpg
Một nông dân Miến Điện đang lấy nước từ ao. Hình chụp vào tháng 10 năm 2012.
Đầu ra hạt gạo Miến Điện được Liên đoàn Lúa gạo nước này cho thấy có những triển vọng đáng kể khi đất nước có những chính sách khác trước cho phép doanh giới có quyền quyết định hoạt động kinh doanh của họ.
Vậy người nông dân Miến Điện thì sao?
Rời thành phố Yangon đến một làng quê ở phía bắc thành phố cách đường lộ chừng 5 kilomet, qua những đoạn đường đất bụi gập ghềnh, chúng tôi có cuộc nói chuyện với một số nông dân dưới dàn mướp bên hè nhà, cạnh những lu nước và ruộng lúa kề bên.
Các nông dân Miến Điện cũng rám nắng do dầm sương dãi nắng xứ nhiệt đới gió mùa. Chia sẻ chung của họ vẫn là những khó khăn dù đã mấy mươi năm gắn bó với ruộng lúa, mảnh vườn. Một nông dân tên Htay Oo cho biết anh bắt đầu xuống ruộng từ năm 16 tuổi. Bác có tên Maung Maung thì làm ruộng từ khi còn nhỏ.
Qua bao năm, theo họ mỗi vụ gặt hái xong, mọi chi phí cho tiền vay đầu tư mua phân bón và trả công cho thợ thầy, thu nhập cũng chỉ đủ để đắp đổi qua ngày. Một nông dân nói rõ là lợi nhuận để ra chẳng có gì cả.
Sau hai vụ lúa vào những lúc nông nhàn họ phải ra đồng bắt cua, bắt cá đem ra chợ bán hay đi sang vùng khác kiếm sống.
Ngoài những khó khăn về tài chính, thiên nhiên cũng đang ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Năm ngoái họ phải gánh chịu đợt lụt ngập úng hết ruộng đồng.
Những nông dân cho biết từ bao lâu nay họ chưa hề thấy có vị quan chức chính phủ nào xuống với họ để lắng nghe tâm tư tình cảm và tận mắt chứng kiến cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, họ cũng nghe ngóng tình hình chính trị của đất nước. Họ nói rằng nay đã có tổng thống Thein Sein. Theo họ là một người tốt nhưng rồi những quan chức bên dưới của ông chưa làm tròn nhiệm vụ. Trong kỳ bầu cử tổng thống vào năm 2015, họ sẽ bầu cho nữ lãnh tụ Aung San Suu Kyi. Một phụ nữ nông dân nói đến điều đó.
Chia tay những người nông dân Miến Điện, với những câu chuyện tương đồng và cảnh vật chẳng khác mấy so với khu vực chuyên canh lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, câu hỏi trong đầu chúng tôi là nông dân nước nào sẽ sớm có cuộc sống khá hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét