Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

Hiệu ứng “ăn nửa con gà”!


Trong lúc chờ cơm chín, các em học sinh ở xã Háng Đồng xiên 
những con chuột vào que và nướng trên bếp đang nấu ăn. Ảnh: DVO
Thật xót xa cảnh các em học trò THCS xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La phải xẻ thịt chuột để cải thiện bữa ăn trong những ngày đông giá rét!
Mấy con chuột bé xíu, mấy em học trò cũng bé tí xíu. Những bức ảnh mà báo chí đăng tải làm chúng ta sững sờ về sự cơ cực và nghèo khổ mà các em học trò miền núi đang phải chịu đựng. Ăn uống sơ sài, quần áo, chỗ ở cũng sơ sài nốt. Tất cả đều sơ sài, chỉ có cái rét đến cắt da, cắt thịt là chẳng hề sơ sài mà thôi.
Nước ta đã là nước có mức thu nhập trung bình trên thế giới; nhưng hãy cẩn thận với mức trung bình này. Bởi vì một người ăn cả con gà và một người nhỏ dãi đứng nhìn, thì chia trung bình vẫn có mức mỗi người ăn nửa con gà. Hiệu ứng “ăn nửa con gà” trong trường hợp nêu trên là quá rõ. Còn có biết bao nhiêu những em học trò của miền núi, của vùng sâu, vùng xa đang phải đối mặt với hiệu ứng này?
Và không chỉ các em học trò. Những người vô gia cư vạ vật bên hè phố, những người tranh nhau bới rác lúc 3 giờ sáng tại các bãi rác của Hà Nội và các thành phố khác chắc cũng chẳng khá gì hơn. Nghĩa là mức thu nhập trung bình mà chúng ta đang có nhiều khi chỉ là sự “chia gà” bất nhẫn mà thôi.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã rất băn khoăn khi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này, nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”.

Quả thực, với mức thu nhập trung bình trên thế giới, chúng ta không chỉ không thiếu gạo, mà còn không thiếu rất nhiều thứ khác; thế nhưng cái nghèo, cái khổ trong xã hội vẫn chưa khắc phục được. Hơn thế nữa, khoảng cách giàu-nghèo lại có vẻ đang ngày một dãn rộng ra. Nhiều người tìm nguyên nhân ở sự yếu kém của bộ máy thực thi công vụ, ở khả năng hạn chế của các cấp chính quyền trong việc hoạch định chính sách và giám sát việc thực thi chính sách. Có lẽ, những người nói trên không phải là không có lý. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa lại nằm ở chỗ khác. Đó chính là ở khả năng thực hành dân chủ.

Thị trường là cơ chế để bảo đảm rằng kẻ mạnh phải thắng. Dân chủ là cơ chế để bảo đảm rằng kẻ yếu phải có cơ hội. Đã xây dựng kinh tế thị trường thì buộc lòng chúng ta phải mở rộng dân chủ. Bởi vì rằng dân chủ sẽ làm cho tất cả mọi người dân đều trở nên có quyền lực, kể cả những người nghèo, kể cả bố mẹ của các em học PTCS ở Háng Đồng, Bắc Yên, Sơn La. Đây chính là cơ chế bắt buộc chính quyền (những người có được quyền lực nhờ vào lá phiếu và sự tín nhiệm của người dân) phải tạo mọi điều kiện để người nghèo được dự phần. Chỉ có chế độ trách nhiệm trước dân, chỉ có chế độ khuyến khích phục vụ dân thực sự và liên tục mới làm cho bộ máy phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả trước những vấn đề của dân, trong đó có vấn đề đói nghèo.

Mở rộng dân chủ chính là cơ chế đáng tin cậy nhất để bảo đảm công bằng xã hội. Đây cũng là điều chúng ta không thể bỏ qua trong dịp sửa đổi Hiến pháp lần này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét