Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Kịch bản đánh chìm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Kịch bản đánh chìm tàu sân bay Liêu Ninh của TQ

(Quốc phòng) - Nhật Bản với sự hỗ trợ của Không quân Mỹ có thể tấn công đánh chìm tàu sân bay duy nhất của Hải quân Trung Quốc, Liêu Ninh CV-16.
Want Daily trích dẫn nguồn báo Sankei Shimbun (Nhật Bản), trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến với Trung Quốc trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ cố gắng mở một cuộc tấn công phối hợp với quân Mỹ để đánh chìm tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc.
Sankei Shimbun viết, kịch bản chiến lược được đặt ra là Nhật Bản sẽ sử dụng chiến đấu cơ F-15J với sự hỗ trợ của Khôn g quân Mỹ để “loại khỏi vòng chiến đấu” tất cả các máy bay tiên tiến của Trung Quốc. Sau đó, Nhật Bản có thể dùng tiêm kích Misubishi F-2 tấn công vào các tàu chiến lớn của Hải quân Trung Quốc.

Nhật lên kịch bản đánh chìm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc với sự giúp sức của Mỹ
Nhật lên kịch bản đánh chìm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc với sự giúp sức của Mỹ
Nhà phân tích quân sự Trung Quốc Chen Guangwen cho rằng, nếu không có không quân yểm trợ, tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ của hải quân nước này sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho chiến đấu cơ Mỹ - Nhật Bản.

Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết cần phải có sự hợp tác từ Mỹ là cách duy nhất để Nhật Bản có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tiềm năng với Trung Quốc. Một mình Nhật Bản không bao giờ có thể đánh bại được Không quân Trung Quốc.

Chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc Guo Xuan nói rằng, Liêu Ninh dường như là mục tiêu chính của người Nhật, việc đánh chìm biểu tượng sức mạnh trên biển của Trung Quốc đem lại sự khuất phục từ nước này.

Tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) ban đầu có tên là Varyag được Trung Quốc mua từ Ukraine năm 1998. Sau đó, Varyag được lai dắt về nhà máy đóng tàu Đại Liên để sửa chữa và hiện đại hóa.

Sau khi hoàn thành 10 cuộc thử nghiệm trên biển, tàu sân bay Liêu Ninh chính thức được đưa vào biên chế trong Hải quân Trung Quốc tháng 9/2012. Trong tháng 11/2012, tiêm kích hạm J-15 đã hoàn thành lần cất hạ cánh thử nghiệm đầu tiên trên boong tàu Liêu Ninh.

Trước đó, đầu tháng 1/2013, tờ The Diplomat cũng tiết lộ Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã vạch ra 3 kịch bản chiến tranh liên quan đến cuộc đối đầu giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Theo đó, kịch bản đầu tiên được xem xét là một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Dông.

Kịch bản thứ hai là sự mở rộng của kịch bản thứ nhất, với việc cuộc chiến ở Senkaku/Điếu Ngư mở rộng và PLA âm mưu chiếm các đảo Ishigaki và Miyako của Nhật ở phía tây Đài Loan.

Kịch bản thứ ba, gây nhiều tranh cãi nhất, tập trung vào viễn cảnh Nhật sẽ phản ứng như thế nào trước một cuộc tấn công Đài Loan vào năm 2021 của Trung Quốc. Năm 2021 được chọn vì nó trùng với dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo kịch bản này, PLA sẽ chủ yếu trông cậy vào các tàu đổ bộ, biệt kích, tên lửa đạn đạo và phong tỏa bằng máy bay chiến đấu để đạt được mục tiêu.

Mặc dù kịch bản thứ ba đề cập rõ tới tình huống xung đột chủ yếu liên quan tới Quân đội giải phóng nhân dân và các lực lượng vũ trang Đài Loan nhưng kịch bản này đề cập cả khả năng Trung Quốc sẽ tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ và Nhật trên đảo Okinawa, đồng thời sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa, như DF-21D và DF-31, để răn đe các tàu sân bay trong khu vực cũng như quân đội Mỹ nếu các lực lượng Mỹ định can thiệp vào cuộc xung đột này.

Được biết, cũng theo kịch bản này, Nhật Bản sẽ có trách nhiệm hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp Quân đội giải phóng nhân dân tấn công hòn đảo này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét