Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Tin buồn: Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng qua đời


TT - Chiều 31-12, hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng đã đột ngột qua đời. Theo thông tin Tuổi Trẻ có được, Hùng mất vào khoảng 16g ngày 31-12 khi đang trên đường đi công tác tới miền Tây Nam bộ.
Anh Nguyễn Công Hùng, hiệp sĩ công nghệ thông tin (trái): “Hãy xây dựng
môi trường công nghệ thông tin cho người khuyết tật” - Ảnh: Lâm Hoài
Nguyễn Công Hùng là chàng hiệp sĩ khuyết tật nổi tiếng trong giới công nghệ thông tin bởi ý chí kiên cường vượt lên trên số phận. Hùng sinh năm 1982, tại Nghệ An.
Anh được phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin năm 2005, được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2006, được Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao tặng kỷ niệm chương “15 năm - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2011... và nhiều giải thưởng khác.
Hùng hiện là giám đốc Trung tâm Nghị lực sống - nơi đã đoạt giải thưởng đặc biệt về “Cơ sở đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật tốt nhất” trong cuộc thi Victa Awards 2010 của Bộ Thông tin và truyền thông.


Với tài năng và nghị lực phi thường, Nguyễn Công Hùng là tấm gương sáng cho rất nhiều bạn trẻ Việt Nam, đặc biệt là những người khuyết tật.
ĐỨC THIỆN
------------

Nhà báo Đoan Trang:
http://trangridiculous.blogspot.ch/2012/12/nguyen-cong-hung-va-internet-viet-nam.html

Nguyễn Công Hùng và Internet Việt Nam


Ngày cuối cùng của năm, nhận được một tin buồn: Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng đã từ trần đột ngột chiều 31-12-2012 tại TP.HCM, vì bạo bệnh. Tôi chỉ vừa gặp anh cách đây đúng một tháng, để viết bài nhân sự kiện 15 năm Internet Việt Nam. Xin đăng lại bài viết này để thành kính phân ưu. Cầu mong anh yên nghỉ.

* * *

KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG CỦA THỜI TOÀN CẦU HÓA

  • “Tôi không hình dung được Việt Nam mình khi không có Internet. Còn với riêng tôi, nếu không có Internet, chắc tôi đã chết rồi” – Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin Nguyễn Công Hùng chia sẻ.
Việt Nam nối mạng Internet toàn cầu từ ngày 19-11-1997. Đến giờ, nhiều thanh niên “thế hệ 7x-8x” vẫn nhớ một mẩu quảng cáo nho nhỏ trên truyền hình Việt Nam vào những ngày trước khi xảy ra sự kiện đó: Hai hiệp sĩ vừa đấu kiếm, vừa trò chuyện và tỏ ra hiểu khá nhiều về nhau. Một chàng hỏi chàng kia: “Vì sao anh biết?”. Trả lời: “Tôi đọc trên mạng Internet”.

Thời gian ấy, không nhiều người Việt hiểu được mẩu đối thoại trên giữa hai chàng kiếm sĩ. Có lẽ cũng rất ít người hình dung được Internet rồi sẽ tạo ra những thay đổi chóng mặt, không bao lâu sau.

Năm 2010, Đại hội thành lập Hiệp hội Internet đã chọn ngày 1-12 khi Việt Nam chính thức hòa mạng là Ngày Internet Việt Nam.

Đời thay đổi khi có Internet

Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng có lẽ là người hiểu và “biết ơn” Internet hơn ai hết. Sinh năm 1982 tại một vùng nông thôn nghèo ở Nghi Lộc (Nghệ An), không may bị tật nguyền từ nhỏ, hết lớp 7, Hùng không có điều kiện để học lên nữa. Anh sống khép kín, mang trong lòng nhiều nỗi buồn và mặc cảm, không có bạn bè gì và như lời anh nói, “chỉ quanh quẩn trong nhà cả ngày, u uất và ốm bệnh liên miên”.

Hùng vẫn nhớ như in sự kiện quan trọng đã làm thay đổi đời anh: “Ngày 3-9-2001, tôi lần đầu tiên ‘được sờ vào’ bàn phím máy vi tính. Gần một năm sau đó, vào đầu mùa hè 2002, tôi biết đến Internet. Hồi ấy mạng được nối bằng công nghệ dial-up, một phút mất 200 đồng, ngồi mạng cả ngày, cứ thế mà nhân lên thì rất tốn tiền (cười). Trang web đầu tiên tôi vào là trang phổ biến kiến thức của Lê Hoàn – tôi là fan của ông ấy mà. Cả trang của Phạm Hồng Phước nữa”. (Lê Hoàn và Phạm Hồng Phước, sinh năm 1957, cũng đều là Hiệp sĩ CNTT – NV).

Trong tiếng Anh, có khái niệm “cyber fear” (sợ mạng) để chỉ tâm lý của những người bị choáng ngợp, hoang mang khi lần đầu tiếp xúc với Internet. Ở Việt Nam, không có thống kê chính thức, song theo một nhà xã hội học ở Hà Nội thì một số người (đặc biệt thuộc thế hệ 5x-6x) cũng rơi vào tình trạng này, ngại và sợ Internet, từ đó dẫn tới việc lảng tránh Internet và cuối cùng bị tụt hậu. Nhưng Công Hùng chẳng hề có cảm giác đó, trái lại, anh thấy rất vui ngay từ lầu đầu tiên lên mạng. Anh đùa thêm: “Tôi còn lập nick chat trên Yahoo, và ngay từ buổi chat đầu tiên là đã quen được một em gái Hà Nội”.

Hùng nhanh chóng học được vô vàn kiến thức từ Internet, nhất là trong lĩnh vực anh yêu thích là tạo web. Không bao lâu sau, anh trở thành chuyên gia (tự học) về web, lấy việc thiết kế web làm nghề chính để kiếm sống. Không chỉ tự nuôi mình, anh còn mở một trung tâm dành cho người khuyết tật, thường xuyên mở các khóa đào tạo về tin học cho các bạn cùng hoàn cảnh.

“Trước khi có Internet, tôi rất hay ốm đau, vì cuộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Nhưng bước vào thế giới ảo, mình gặp gỡ nhiều và cảm thấy vui tươi, khỏe khoắn, tinh thần thoải mái hẳn lên và thế là sức khỏe cũng tốt hơn hẳn”.

Với Hùng, Internet mang lại cho anh quá nhiều: công việc, bạn bè, tình cảm. Mạng còn là một người thầy, khi mà mọi thứ anh học đều hoàn toàn từ Internet. “Tôi không có điều kiện đến lớp này đi lớp kia để học những gì mình muốn. Chỉ có Internet thôi. Nó đúng là thầy. Nếu không có Internet thì tôi chết rồi, chết thật sự, chết nghĩa đen chứ không chơi đâu” – Hiệp sĩ CNTT khẳng định.

Từ “agora” thời Hy Lạp đến Internet thời nay

Dịch giả Phạm Anh Tuấn – người chuyển ngữ cuốn “Dân chủ và giáo dục” của John Dewey – cho rằng cái lớn nhất mà Internet đem đến cho mọi người là thông tin (information), trên nền tảng đó, người ta sẽ tổng hợp thành kiến thức (knowledge). “Nói cách khác, thông tin thì chưa phải là kiến thức. Từ thông tin đến kiến thức là một khoảng cách rất xa, mà từ kiến thức lên đến tầm nhận thức (awareness) thì đường còn xa hơn nữa”.

Tuy vậy, dù thế nào thì Internet cũng giúp tất cả mọi người đạt được mức tối thiểu là thông tin. Nó san bằng các rào cản, nối liền các khoảng cách. Ông Tuấn cho rằng Internet chính là hình thức tiếp nối của “không gian công cộng” hay là môi trường sinh hoạt dân chủ, vốn có từ thời Hy Lạp cổ đại dưới hình thức các “agora”. (Agora là nơi người dân ở các thành bang Hy Lạp cổ gặp gỡ để họp chợ, trao đổi thông tin, thảo luận, nghe ban bố các quyết định của chính quyền, v.v. – NV).

“Không gian công cộng nằm giữa quyền lực của nhà nước và nhân dân. Khi không gian công cộng trùng vào Nhà nước thì không còn tranh luận. Khi nó tách ra, nằm giữa hai bên, thì mọi lựa chọn, mọi quyết định thắng thua sẽ phải dựa vào tranh luận. Bất kỳ khi nào có một nhóm người nào tập hợp lại với nhau để thảo luận một vấn đề vì lợi ích chung (có khi chẳng liên quan gì đến chuyên môn của họ) thì lập tức hình thành không gian công cộng” – ông Tuấn giải thích.

Dịch giả cũng nhận định: “Nói chung các chính quyền sợ không gian công cộng, nhưng nó là cái bắt buộc phải có. Nếu không thì mọi sự sẽ bị quyết định bởi quyền lực của nhà nước, thay vì thông qua tranh biện, thảo luận. Và Internet là phương tiện để tạo ra những không gian công cộng như thế. Hay nói cách khác, không gian công cộng, cái agora của thời đại này chính là Internet. Nó tạo nên một nền dân chủ điện tử. Chế độ nào không có không gian công cộng tức là quay trở lại thời phong kiến, khi mà mọi quyết định đều nằm ở nơi triều đình”.

“Độc dược” với người này, thuốc bổ với kẻ kia

15 năm phát triển ở Việt Nam, Internet đã làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội. Nó tạo ra quá nhiều “văn hóa”: văn hóa tranh luận, văn hóa diễn đàn, văn hóa game online, văn hóa đọc, văn hóa blog v.v. Có những người như Nguyễn Công Hùng, trở thành Hiệp sĩ CNTT, có một cuộc sống mới, tốt đẹp từ Internet, nhưng cũng có những người chỉ đốt thời gian trên mạng vào việc chat chit, chơi game, hoặc “đọc các thứ linh tinh, nhảm nhí” như có nhiều ý kiến từng phản ánh.

Điều đó, theo dịch giả Phạm Anh Tuấn, cũng là bình thường, bởi không phải mọi người vào mạng Internet đều có thể biến thông tin thành kiến thức và nhận thức; Internet có thể là một kho tàng tri thức đối với một số người nhưng lại là thứ làm một số người khác chỉ mất thì giờ vô bổ. Tuy nhiên, ông cho rằng dù có như thế thì Internet vẫn là không gian công cộng quý giá, cần được duy trì và phát triển, và chẳng nên hoang mang vì mặt trái của Internet. Ở một số nước phát triển, biện pháp gọi là “quản lý” duy nhất là các phần mềm cha mẹ được khuyến cáo cài vào máy để tránh cho con cái họ truy cập phải các trang web đen.

Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng thì nhận xét, việc thanh thiếu niên chỉ tiếp xúc với mặt tiêu cực của Internet, nghiện chat, nghiện game… là có thực, song hoàn toàn có thể tránh được nếu gia đình, nhà trường và xã hội có sự định hướng tốt. “Chẳng hạn, tôi thấy các chương trình đưa máy tính về nông thôn, miền núi mới chỉ dừng lại ở việc mang cái máy đến trường cho học sinh, và thế là xong. Như vậy là việc phổ cập chưa có chiều sâu, chưa đạt hiệu quả. Lẽ ra cho người ta máy thì cũng nên có thầy hướng dẫn, có những chương trình đào tạo dài hơi sau đó”.

“Thực tế cho thấy là ở các quốc gia sản xuất game online, tạo ra diễn đàn, blog… các loại, người ta lại không thấy tình hình đáng lo ngại như mình. Không có nhiều café Internet, trẻ con cũng không lang thang quán game nhiều như ở ta. Vì vậy, đừng nên trách Internet” – dịch giả Phạm Anh Tuấn khẳng định.

* * * 

Internet Việt Nam xuất hiện ngày 19-11-1997, khi đó đặt dưới sự quản lý duy nhất của VNPT. Cho đến tháng 3-2012, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã đạt 32,1 triệu với số thuê bao Internet trên cả nước ước tính là 4,2 triệu thuê bao.

Một cuộc khảo sát của Net Index vào năm 2011 cho biết, thư điện tử (60%) và tin nhắn (73%) là hai phương tiện kết nối trực tuyến thịnh hành của người dùng Internet Việt Nam. Xem tin tức trên mạng, truy cập trang chủ các cổng thông tin và sử dụng công cụ tìm kiếm là ba hoạt động trực tuyến phổ biến nhất lần lượt chiếm 97%, 96% và 96% số người tham gia. Số lượng người sử dụng mạng xã hội tăng từ 41% năm 2010 lên 55% năm 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét