Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Chào năm mới 2013: Khát vọng sống an lành


TT - Sau một năm 2012 đầy biến động, người dân khắp thế giới hướng về năm mới 2013 với ước mong một cuộc sống hòa bình, an lành hơn. Tuổi Trẻ kết nối với bạn bè năm châu để cùng họ chia sẻ những khát vọng của năm 2013.
Manar Rachwani (nhà báo người Syria sống ở Jordan):
Hòa bình cho đất nước
Với tôi, mong ước bây giờ cần có cả hi vọng và sự lạc quan. Nó sẽ dẫn dắt chúng ta thách thức bản thân, tạo cơ hội khám phá sức mạnh bên trong tâm hồn và thể chất... Chúng ta vẫn có thể là những nhân tố tích cực của cộng đồng, đất nước và cả thế giới bằng tấm lòng chân thành, bằng sự cống hiến và bằng thái độ cảm thông.
Vào dịp năm mới, tất cả ước mong của tôi đều dành trọn cho quê hương Syria. Mong rằng đất nước tôi sẽ có hòa bình sau hai năm nổi dậy và nội chiến. Tôi mong năm 2013 sẽ là một năm làm việc chăm chỉ của tất cả người dân Syria, trong đó có tôi, để xây dựng một tương lai dựa trên tự do, phẩm giá và thịnh vượng.
* Grace Githaiga (thành viên Mạng lưới Hành động ICT, Kenya):
Mong sống an toàn
Tôi mong đất nước Kenya sẽ có một kỳ bầu cử hòa bình vào tháng 3-2013. Đây là lần đầu tiên đất nước tôi tổ chức một cuộc bầu cử như vậy theo hiến pháp mới được thông qua tháng 8-2010. Tôi mong bầu cử diễn ra mà không có máu đổ, vốn từng xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất năm 2007.
Tôi cũng mong được sống trong một đất nước an toàn. Năm 2012 đã xảy ra nhiều cuộc xung đột sắc tộc với động cơ chính trị, nhiều người chết, bị thương và mất nhà cửa. Ngoài ra còn có các vụ khủng bố và cướp xe hơi. Hỏa hoạn và tai nạn đường bộ cũng cướp đi sinh mạng của nhiều người. Tai nạn giao thông là hậu quả của lối lái xe ẩu tả, cảnh sát giao thông tham nhũng, nhận tiền hối lộ và nhắm mắt làm ngơ cho tài xế sai phạm. Luật giao thông sửa đổi của Kenya đã có hiệu lực từ ngày 1-12-2012. Hi vọng những kẻ hung thần sau tay lái và đám cảnh sát tham nhũng sẽ sớm bị trừng trị.
*Karthik Subramanian (nhà báo ở Chennai, Ấn Độ):
Nếm vị đắng đầu năm
Vụ cưỡng hiếp tập thể làm cô sinh viên 23 tuổi chết ở ngay thủ đô New Delhi là sự kiện gây chấn động Ấn Độ trong năm 2012. Bước vào năm mới, nhiều người Ấn Độ sẽ tự vấn mình về cách họ đối xử với phụ nữ. Câu trả lời sẽ không lấy gì làm vui vẻ. Chúng tôi phải thừa nhận là đã lớn lên trong một xã hội gia trưởng, chưa bao giờ biết đối xử với phụ nữ công bằng. Đây là điều thật khó nuốt trước thềm năm mới.
Nhưng liều thuốc đắng đầu năm mới cũng không phải là quá tệ. Trong văn hóa Ấn Độ, bữa tiệc mừng năm mới thường bắt đầu với một vị rất đắng. Nếu bạn ghé thăm nhà tôi vào dịp lễ tết sẽ thấy bữa ăn của chúng tôi đầy đủ các vị ngọt, cay, chua... nhưng luôn khởi đầu với món Neem có vị rất đắng. Bởi vậy, chúng tôi phải cùng nhau nếm vị đắng và thừa nhận là đã đến lúc phải cam kết không chỉ tôn trọng phụ nữ và đối xử bình đẳng với họ, mà còn phải yêu thương họ nhiều hơn.
Karthik Subramanian
* Lira Jamaluddin (chuyên viên truyền thông ở Kuala Lumpur, Malaysia):
Gần gũi với gia đình hơn
Năm 2012, tôi tiệc tùng đón năm mới với bạn bè. Nhưng sau khi chứng kiến cảnh cha của bạn thân mình qua đời đột ngột, tôi đã hiểu được giá trị của gia đình và nghĩ mình phải dành nhiều thời gian hơn bên cạnh người thân. Năm nay tôi sẽ đón năm mới 2013 với gia đình và anh chị em. Một trong những mục tiêu của tôi năm nay là phải trở nên gần gũi hơn với ba mẹ.
* Lý Thế Vũ (trưởng phòng marketing, Quảng Châu, Trung Quốc):
Xã hội cần lòng nhân ái
Năm 2012 là một năm khá chật vật đối với các sinh viên mới ra trường và cả những người đã có nhiều kinh nghiệm làm việc như tôi. Nạn thất nghiệp, vấn đề giao thông, nhà ở, môi trường tại các thành phố lớn khiến cho cuộc sống thành thị ngày càng thêm áp lực. Tôi hi vọng trong năm 2013 chính phủ sẽ có những biện pháp ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát, cải thiện vấn đề nhà ở, môi trường để làm giảm áp lực trong cuộc sống tại các thành phố lớn.
Tôi cũng mong chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến các vấn đề xã hội như thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nới lỏng chính sách một con, đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng. Tôi mong quan hệ giữa người với người sẽ ngày càng được cải thiện hơn để tránh tình trạng lạnh lùng, vô cảm trước những khó khăn, bất hạnh của đồng loại. Một xã hội ổn định và phát triển là niềm mơ ước của tất cả người dân Trung Quốc. Nhưng xã hội ấy còn cần một điều không thể thiếu, đó chính là tình yêu, lòng nhân ái của con người dành cho con người.
* Adam Chiara (nhà báo bang Connecticut, Mỹ):
Cần hạn chế súng đạn
Tôi mong quốc hội và tổng thống Mỹ cần có một kế hoạch dài hơi 10 năm để thúc đẩy nền kinh tế chứ không phải bốn, năm năm. Chúng tôi đóng thuế và mong một sự đầu tư thích đáng vào kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống các cơ sở y tế chữa bệnh về tâm lý. Sau vụ thảm sát ở Connecticut, việc cấm súng đạn hoàn toàn là rất khó, nhưng chính quyền có thể ra luật hạn chế súng đạn, kiểm tra chặt chẽ lý lịch cá nhân buôn bán súng.
K.LOAN - Đ.PHƯƠNG - H.NAM thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét