Có được phép diễn tập không báo trước cho hành khách trên tàu Cát Linh - Hà Đông?
Minh Đức 15/12/2021 VTV.vn - Nhiều ý kiến thắc mắc nếu trong trường hợp diễn tập sự cố không báo trước nhưng xảy ra sự cố ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh, kể cả trường hợp cần phải diễn tập thì cũng không được phép tiến hành mà không dựa trên quy định của luật và không có thông báo trước cho hành khách. Thậm chí cần phải tuyển tình nguyện viên để làm việc đó, chứ không thể coi thường sức khỏe, tính mạng của người dân, trong đó bao gồm cả bệnh nhân, người già yếu, trẻ em, phụ nữ có thai, người khuyết tật.Tối 7/12, máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh bất ngờ xảy ra sự cố. Sau 30 phút "đóng cửa" xử lý sự cố, có nhiều chuyến tàu không thể đến/đi từ nhà ga này.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) Vũ Hồng Trường cho biết đây chỉ là một sự cố diễn tập. Ông Trường cho biết thêm, sắp tới tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách.
Cụ thể, theo khuyến cáo của Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống ACT (Pháp), trong năm đầu khai thác tuyến Cát Linh - Hà Đông, đơn vị vận hành cần diễn tập một số tình huống sự cố khẩn cấp, có yếu tố bất ngờ (không báo trước) nằm trong 63 tình huống khẩn cấp có thể gặp.
Thông tin nêu đã lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và có nhiều ý kiến trái chiều.
Một số ý kiến cho rằng, ngay cả khi diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, lực lượng chức năng cũng phải có lịch và thông báo trước. Trong trường hợp diễn tập rồi xảy ra sự cố ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Nêu quan điểm về vụ việc trên, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết, trong một số lĩnh vực, pháp luật có những quy định về việc diễn tập để ứng phó với nguy cơ sự cố, tai nạn xảy ra.
Cụ thể, việc diễn tập cấp cứu trong hoạt động y tế, hay phòng cháy, chữa cháy, đều phải dựa trên các quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cách thức triển khai theo phương án được phê duyệt và đặc biệt là những việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và sinh hoạt của người dân thì luôn phải được thông báo trước.
Nếu là diễn tập thì phải có sự đồng ý của hành khách hoặc ít nhất là cũng phải thông báo trước một cách rõ ràng, hợp lý. Tuy nhiên, bất kể vì lý do gì cũng không thể mang người dân ra làm "thí nghiệm" và đẩy họ hoàn toàn bị động, rơi vào tình thế bất ngờ như vậy được.
Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, ông chưa thấy quy định nào trong Luật Đường sắt năm 2017 cũng như các nghị định, thông tư đề cập đến việc diễn tập mà "diễn viên" là những hành khách bất đắc dĩ. Thậm chí cũng chưa thấy có luật quy định nào về việc diễn tập trong hoạt động giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển, hàng không và kể cả đối với hệ thống đường sắt quốc gia.
Theo nguyên tắc pháp quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Và chỉ có luật của Quốc hội mới được phép đặt ra những quy định cấm đoán hay hạn chế quyền của người dân khi họ đang tham gia giao thông công cộng.
Khoản 2, Điều 41 về "Điều hành giao thông vận tải đường sắt", Thông tư số 3/2018/TT-BGTVT ngày 4/5/2018 "Quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt", có 43 điều nhưng không có bất cứ quy định nào về diễn tập hay thử nghiệm, mà chỉ có quy định về việc điều hành giao thông vận tải đường sắt có nội dung "Chỉ huy xử lý các sự cố khẩn cấp hoặc bất thường xảy ra trên đường sắt".
Vì vậy, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh, kể cả trường hợp cần phải diễn tập thì cũng không được phép tiến hành mà không dựa trên quy định của luật và không có thông báo trước cho hành khách. Thậm chí cần phải tuyển tình nguyện viên để làm việc đó, chứ không thể coi thường sức khỏe, tính mạng của người dân, trong đó bao gồm cả bệnh nhân, người già yếu, trẻ em, phụ nữ có thai, người khuyết tật.
Việc bắt hành khách tham gia diễn tập mà không hề báo trước đối với tàu đường sắt đô thị có nguy cơ rất lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, công việc, tinh thần, sức khỏe và thậm chí là tính mạng của hành khách.
Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm, việc diễn tập không phải là sự kiện bất khả kháng, cũng không phải là tình thế cấp thiết, vậy khi xảy ra tai nạn hay hậu quả nghiêm trọng thì doanh nghiệp vận tải và cơ quan nhà nước, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm hay là phó mặc người dân? Mà nếu có ai đó phải chịu trách nhiệm thì chịu trách nhiệm thế nào và chịu đến đâu lại không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Do đó, việc diễn tập như vừa xảy ra cần phải được dừng lại để giải quyết khắc phục lỗi về pháp lý trước khi xảy ra lỗi trên hiện trường dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
https://vtv.vn/xa-hoi/co-duoc-phep-dien-tap-khong-bao-truoc-cho-hanh-khach-tren-tau-cat-linh-ha-dong-20211215122647598.htm
---------------
Thứ Năm, 09:46, 16/12/2021
VOV.VN - Lãnh đạo Hà Nội Metro khẳng định, việc diễn tập bất ngờ cho tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông chính là để nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn cho hành khách, người dân khi đi tàu.
Ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết, theo khuyến cáo của tư vấn ACT (Pháp) và Hội đồng Kiểm tra nghiệm thu Nhà nước, trong một năm đầu, cần diễn tập xử lý một số tình huống, sự cố để nâng cao chất lượng an toàn cho tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông.
Tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ diễn tập 63 tình huống có báo trước và không báo trước.
Theo ông Trường, ngày 7/12, Sở GTVT Hà Nội và Hà Nội Metro đã kích hoạt một tình huống diễn tập về an toàn đối với tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông. Kịch bản cho tình huống này không được thông báo trước để đảm bảo tính khách quan trong quá trình kiểm tra.
“Đây là 1 trong số 63 tình huống khẩn cấp mà đơn vị vận hành đường sắt trên cao có dự tính và đã trải qua tập huấn; được diễn ra theo đúng kịch bản dự kiến, cho thấy khả năng ứng phó hiệu quả của đơn vị quản lý, khai thác. Trong thời gian xảy ra sự cố, các chuyến tàu đi qua ga khác vẫn vận hành bình thường”, ông Trường nói.
Theo người đứng đầu Hà Nội Metro, tình huống diễn tập là 1 trong số 63 tình huống khẩn cấp mà đơn vị vận hành đường sắt trên cao có dự tính và đã trải qua tập huấn; được diễn ra theo đúng kịch bản dự kiến.
Cụ thể tình huống diễn tập, từ 18h30 phút đến 19h 5 phút ngày 7/12, tại ga Cát Linh (tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông) đã xảy ra sự cố lỗi tín hiệu. Đơn vị vận hành đã đưa tàu về ga gần nhất khi có sự cố; vận hành giao lộ nhỏ để tàu đi tới ga Thượng Đình rồi lại quay về Yên Nghĩa; đồng thời xử lý tín hiệu, tại đích đến thông báo cho hành khách và trả lại tiền. Sau hơn 30 phút kiểm tra theo kịch bản, tuyến tàu điện đã được khai thác trở lại bình thường.
“Trong quá trình vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chúng tôi có hướng dẫn về 63 tình huống sự cố khẩn cấp. Trước đó, trong 20 ngày đầu vận hành thử, đã diễn tập đủ 63 tình huống này. Nhà thầu Tư vấn an toàn hệ thống ACT của Pháp đánh giá rất cao quy trình diễn tập xử lý tình huống đối với tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên việc diễn tập có báo trước nên chưa đạt điểm số tối đa”, ông Trường cho hay.
Theo ông Vũ Hồng Trường, Tư vấn ACT khuyến cáo, trong năm đầu vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông nên diễn tập những tình huống có yếu tố bất ngờ về thời điểm. Việc diễn tập không báo trước cũng đã được Hội đồng Kiểm tra nghiệm thu Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận và khuyến cáo Metro Hà Nội thực hiện.
“63 quy trình ứng cứu khẩn nguy có các cấp độ từ thấp đến cao. Đối với cấp độ cao, sẽ có kế hoạch cụ thể để phối hợp liên ngành, với cấp độ thấp (thuộc phạm vi xử lý của Hà Nội Metro) thì có thể không cần báo trước nhằm tăng mức độ thuần thục của nhân viên và tạo tâm lý phối hợp phù hợp của hành khách khi có các tình huống tương tự. Sau mỗi lần diễn tập đều rút kinh nghiệm và cập nhật quy trình để ngày càng hoàn thiện và nâng cao mức độ an toàn cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông”, ông Trường nói.
Ông Vũ Hồng Trường cho biết, sẽ còn có những tình huống diễn tập ứng phó sự cố được kích hoạt. Nhưng không phải mọi tình huống đều kích hoạt khi tàu đang vận chuyển hành khách. Việc diễn tạp bất ngờ chính là để nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn cho hành khách, người dân khi đi tàu.
“Ở tất cả các nước phát triển có đường sắt đô thị trên thế giới cũng đều diễn tạp xử lý tình huống sự cố như vậy. Đó là thông lệ kỹ thuật chung cho đường sắt đô thị chứ không chỉ ở Hà Nội”, ông Vũ Hồng Trường chia sẻ./.
https://vov.vn/xa-hoi/tau-cat-linh-ha-dong-se-dien-tap-63-tinh-huong-co-bao-truoc-va-khong-bao-truoc-post912028.vov
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét