Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Vực thẳm ngân sách là gì?


(Petrotimes) - Dư luận thế giới đang quan tâm tới những tranh cãi tài chính ở Mỹ. Người ta nói nhiều tới việc nước Mỹ sắp rơi xuống “vực thẳm ngân sách” hay "vách đá ngân sách, tài khóa". Vậy vực thẳm ngân sách là gì?

Trước khi nói về chuyện quá rắc rối, xin được nhắc rằng một tài khóa ngân sách của Mỹ khởi sự ngày 1/10/2012 qua ngày 30/9/2013. Khi cơ quan nghiên cứu độc lập của Quốc hội là Congressional Budget Office (CBO) công bố dữ kiện sau cùng của “tài khóa 2012” thì đấy là tình hình chi thu ngân sách của nước Mỹ tính đến cuối tháng 9/2013. CBO ít bị chính trị chi phối nên công trình nghiên cứu của họ được coi trọng và thực tế thì có chi phối cách suy nghĩ hoặc vận động của các chính trị gia.

Biếm họa về vực thẳm ngân sách của Mỹ
Bây giờ đến vực thẳm ngân sách (tiếng Anh gọi là “Fiscal Cliff”). Ðó là một chữ thông tục xuất phát từ lời phát biểu của Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Ben Bernanke, về mối nguy cho kinh tế Mỹ khi hai biện pháp cắt giảm chi công và tăng thuế được tự động áp dụng kể từ đầu năm 2013.
Kinh tế Mỹ chưa phục hồi và mức tăng trưởng trong Quý III/2012 quy ra toàn năm chỉ ở khoảng 2% là nhiều và thất nghiệp vẫn ở gần 8%. Nếu từ đầu năm 2013 mà nền kinh tế đó lại mất thêm hai khoản là tiền tăng thuế và chi công giảm thì có thể lại bị suy thoái lần nữa, như cơ quan CBO đã báo động.
Thế thì vì sao lại có biện pháp tai hại này? Mỹ đã chi nhiều hơn thu trong nhiều năm liền (hơn 160 tỉ USD năm 2007, gần 460 tỉ USD năm 2008 và 1.4000 tỉ USD năm 2009) nên phải đi vay ngày càng nhiều nên gánh nặng công trái đã lên tới mức kỷ lục. Mỗi khi chính phủ cần vay tiền thì phải được Quốc hội cho phép đến một định mức tối đa nào đó. Khi đã vay tới mức đó mà cần vay thêm thì phải xin Quốc hội nâng định mức đi vay này, nếu không được vay thì chính phủ thiếu tiền trang trải chi phí và bị tê liệt.
Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2010, đảng Cộng hòa thắng lớn và kiểm soát Hạ viện với lời hứa giảm dần bội chi ngân sách. Quốc hội khóa 112 vì vậy có Hạ viện bên Cộng hòa và Thượng viện bên Dân chủ. Mâu thuẫn giữa Hạ viện Cộng hòa và Thượng viện cùng hành pháp Dân chủ bắt đầu từ năm 2010 và lên tới cao điểm vào năm 2011. Ðề nghị của Hạ viện Cộng hòa bị Thượng viện Dân chủ chống và ngược lại. Mâu thuẫn ấy kéo dài, trở thành bế tắc chính trị khi cần nâng định mức đi vay vào mùa hè 2011.
Sau nhiều tháng tranh luận và mặc cả mà không xong, hai đảng bèn lập ra một “siêu ủy ban” với 12 đại diện của đôi bên tại hai viện để định ra chỉ tiêu giảm chi trong 10 năm tới nhằm tiến dần đến quân bình ngân sách. Siêu ủy ban này đề ra các biện pháp giảm chi công và tăng thuế sẽ tự động áp dụng từ đầu năm 2013 nếu đôi bên không đạt được thỏa thuận. Sự dàn xếp đó cho phép Mỹ có đạo luật ngân sách do Tổng thống Obama ban hành ngày 2/8/2012, và lại đi vay thêm, với hàm ý là đôi bên phải thương thuyết lại, xem là sẽ giảm những gì, bao nhiêu và tăng thuế những ai, theo tô suất nào... Nếu không đạt thỏa thuận thì các biện pháp của siêu ủy ban sẽ tự động vận hành. Nghĩa là Mỹ sẽ gặp vực thẳm ngân sách.
Đáng mừng là cuối cùng đêm hôm 1/1/2013, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đa thông qua được một dự luật ngân sách nhằm tránh cho Mỹ bị lao xuống vực thẳm ngân sách.
H. Phan

Mỹ đã thoát vách đá tài khóa

Đây là một bước tiến trong quá trình củng cố nền kinh tế Mỹ, khi vào tháng 2 tới, nước này sẽ lại nóng lên với cuộc chiến nâng trần nợ công, hiện đã chạm mốc 16.400 tỷ USD.
>Thượng viện Mỹ thông qua kế hoạch ngân sách 2013
>Tổng thống Obama đã có thể lạc quan về ngân sách

Trưa nay (2/1), Hạ viện Mỹ đã thông qua kế hoạch ngân sách chống lại việc tăng thuế với 99% người dân Mỹ. Với tỷ lệ 257 phiếu thuận - 167 phiếu chống, dự luật này đã phá vỡ một năm bế tắc trong vấn đề giải quyết vách đá tài khóa (tăng thuế và giảm chi tiêu công) trị giá 600 tỷ USD có hiệu lực từ ngày 1/1. Thượng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch ngân sách này vào hôm qua và hiện chỉ còn chờ Tổng thống Barrack Obama ký duyệt.
Tổng thống Obama cho biết: "Luật này chỉ là một bước trong quá trình củng cố nền kinh tế của chúng ta". Ông cũng bày tỏ hy vọng Quốc hội năm nay sẽ giải quyết các vấn đề ngân sách "bớt kịch tính và dữ dội đi một chút". Vào tháng 2 tới, nước Mỹ sẽ tiếp tục nóng lên với cuộc chiến nâng trần nợ công, hiện đã chạm mốc 16.400 tỷ USD.
Mỹ đã chấm dứt cuộc chiến giải quyết vách đá tài khóa kéo dài suốt một năm nay. Ảnh: Bloomberg
Mỹ đã chấm dứt cuộc chiến giải quyết vách đá tài khóa kéo dài suốt một năm nay. Ảnh:Bloomberg
Kế hoạch ngân sách mới sẽ khiến phần lớn công nhân Mỹ được hưởng vĩnh viễn chính sách giảm thuế từ thời cựu Tổng thống George W. Bush. Trong khi đó, tầng lớp người giàu nước này sẽ bị tăng thuế thu nhập cá nhân.
Nghị sĩ đảng Dân chủ bang Michigan Sander Levin cho biết: "Chính sách này đã phá vỡ rào cản thép tăng thuế người giàu vốn tồn tại quá lâu". Trong khi đó, bà Nan Hayworth - Nghị sĩ đảng Cộng hòa bang New York vẫn lưỡng lự khi chọn đồng ý: "Dù sao đây cũng là việc tốt nhất chúng tôi có thể làm trong hoàn cảnh này. Ít nhất thì đó cũng là chiến thắng cho người dân Mỹ".
Trước đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Hạ viện đã phản đối kế hoạch tăng thuế. Họ cho rằng dự luật được Thượng viện thông qua vẫn chưa cắt giảm đủ chi tiêu.
Tuy nhiên, đảng Cộng hòa đã ngay lập tức chuyển hướng sang cuộc chiến nợ công vào tháng 2 tới. Họ bày tỏ ý định buộc tổng thống Obama chấp nhận cắt giảm các chương trình phúc lợi như Medicare (chăm sóc sức khỏe người già) để được nâng trần nợ.
Quốc hội mới của Mỹ sẽ phải hành động trước trung tuần tháng 2 để chống lại nguy cơ vỡ nợ. Giới phân tích dự đoán cuộc chiến này cũng sẽ khốc liệt không kém năm 2011, khiến Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner đã phát biểu sau cuộc bỏ phiếu: "Nếu không cải tổ thật sự các chương trình phúc lợi, kiểm soát chi tiêu và có hệ thống thuế lành mạnh, nợ của chúng ta sẽ còn tiếp tục tăng lên và nền kinh tế sẽ vẫn chao đảo".
Đáp lại, Tổng thống Obama cho biết ông rất "cởi mở trong các vấn đề cần nhân nhượng". Theo ông, chi tiêu cho Medicare có thể cắt giảm, tuy nhiên, "chúng ta không thể tự chặn con đường phồn vinh của mình được".
Thùy Linh (theo Bloomberg/CNN)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét