Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Lựa chọn chính sách kinh tế 2013 sẽ khó khăn

Tư Hoàng(TBKTSG Online) - Lựa chọn chính sách kinh tế của Việt Nam cho năm 2013 sẽ rất khó khăn do vừa phải thúc đẩy tăng tổng cầu và hỗ trợ doanh nghiệp, vừa phải đề phòng lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhận định trên được Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra trong báo cáo tổng kết năm 2012, và khuyến nghị chính sách cho năm 2013.
Theo ủy ban này, lãi suất cho vay tiếp tục cần được giảm thêm do tổng cầu của nền kinh tế hiện còn yếu nên nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong năm 2013 là không lớn. Tăng trưởng tín dụng cần phấn đấu đạt mức tăng 12-15% trong năm 2013. 
Tuy nhiên, ủy ban gợi ý Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiểm soát tổng hạn mức tín dụng và tổng phương tiện thanh toán M2 để việc hạ lãi suất sẽ không gây tác động mạnh đến lạm phát.
Uỷ ban cho rằng, có một số yếu tố cơ sở để hạ lãi suất: nếu đặt mục tiêu lạm phát năm 2013 là 6% thì dư địa hạ lãi suất trong năm tới có thể được nới rộng; hơn nữa, nếu xét về tương quan giữa lãi suất tiền gửi tại Việt Nam so với các nước trên thế giới (tại Mỹ khoảng 0,5- 0,75%/năm) thì việc tiếp tục hạ lãi suất sẽ vẫn đảm bảo được chênh lệch lãi suất mà không gây ra áp lực tỷ giá trong năm 2013.


Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ít khả năng việc hạ lãi suất sẽ gây ra tình trạng rút tiền tại ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác, tốc độ tăng tiền gửi và do đó là thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì vậy vẫn sẽ được đảm bảo.

Uỷ ban đưa ra nhận định trên từ thực tế là dù cung tiền M2 tăng khá mạnh, lạm phát năm 2012 vẫn được kiểm soát khá tốt.

Về chính sách tài khoá, ủy ban khuyến nghị cần khai thác mọi nguồn vốn đầu tư để đảm bảo mức tổng vốn đầu tư toàn xã hội đảm bảo ở mức tương đương 30% GDP như mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, ủy ban khuyến nghị cần tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước (NSNN) do khả năng cân đối ngân sách năm 2013 sẽ là rất khó khăn.

Thu NSNN, đặc biệt là thu nội địa (thu thuế doanh nghiệp, các khoản thu về nhà và đất…) sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong khi đó nhu cầu chi NSNN cho cả chi thường xuyên và chi đầu tư để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vẫn là rất lớn.Vì vậy, năm 2013 cần tăng cường kiểm soát chi ngân sách hợp lý (bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm thâm hụt và đảm bảo ngân sách dài hạn.

Bên cạnh đó, ủy ban khuyến nghị cần khẩn trương đẩy nhanh triển khai xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong thời gian sớm nhất nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, khôi phục và thúc đẩy sự phát triển của thị trường liên ngân hàng.

Trả lời Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online gần đây, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, tình thế hiện tại của Việt Nam không còn cho phép thực hiện những giải pháp truyền thống như trên. Chẳng hạn, theo ông Cung, đề xuất tăng tổng cầu như tăng chi tiêu công, tăng đầu tư công là không thể thực hiện trong khả năng ngân sách khó khăn hiện tại.

Hơn nữa, đẩy nhanh tín dụng trong bối cảnh nợ xấu và tồn kho cao hiện nay là điều rất khó khăn. Giải pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thế giá trị gia tăng (VAT),… đã đi tới gần giới hạn.

Ngoài ra, những giải pháp giảm cung như tăng bảo hộ sản xuất trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật là rất khó khăn do các cam kết hội nhập.

Giải pháp nữa là tăng hiệu quả đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước rất khó đạt được hiệu quả trong ngắn hạn.

“Tóm lại, chúng ta không còn nhiều dư địa để kích thích kinh tế theo cách truyền thống. Mặt khác, những kiến nghị về gói tài chính để kích thích kinh tế là rất sai lệch”, ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét