Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Không nên vịn cớ 'mất tiền thì không đăng'

Rất đồng tình với các phân tích của TS Thế.


Nhiều tạp chí rất uy tín vẫn đăng công trình nghiên cứu miễn phí, vì vậy nhà khoa học vịn cớ do mất tiền nên ít có công bố là không chính xác và phần nào ngụy biện. Khoa học Việt ít bài công bố quốc tế

Tiến sĩ Ngô Đức Thế.
Tiến sĩ vật lý Ngô Đức Thế, làm việc tại Đại học Quốc gia Singapore đưa ra ý kiến ở diễn đàn "Vì sao khoa học trong nước ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài". Trong bài viết, tiến sĩ Thế chỉ ra tầm quan trọng của việc công bố nghiên cứu và nguyên nhân khiến giới khoa học Việt ít có bài đăng trên tạp chí uy tín.
"Tôi xin tập trung vào nhóm các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật.
Công bố nghiên cứu là điều bắt buộc với người làm khoa học, bởi như thế các kết quả khoa học có thể được đánh giá. Một trong những nét chính của văn hoá khoa học là minh bạch. Nhà khoa học có nghĩa vụ phải công bố kết quả nghiên cứu kèm theo những phương pháp và cách tiếp cận vấn đề. Diễn đàn công bố thường là các tập san khoa học, nhưng trong vài trường hợp cá biệt, cũng có thể là các hội nghị khoa học (theo Nguyễn Văn Tuấn, Sydney, Australia). Không chỉ ngành nghiên cứu cơ bản như toán, vật lý mới công bố trên tạp chí, mà ngành khoa học ứng dụng lại càng cần công bố, vì tạp chí chuyên ngành là nơi phản biện tốt các kết quả khoa học.
Nhiều nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực này thường ngụy biện rằng: Chúng tôi làm những sản phẩm ứng dụng đem đến hiệu quả kinh tế nên chẳng cần đăng báo. Trên thực tế, rất khó đánh giá cái gọi là "hiệu quả kinh tế" của công trình ứng dụng này. Công bố khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có phản biện vẫn là cách tốt nhất để nhà khoa học chứng minh "hiệu năng khoa học" của mình.

Ngay cả với ngành mang tính ứng dụng cao như y học thì các nhà y học vẫn là những người rất nhiệt tình công bố trên các tạp chí chuyên ngành có phản biện (thậm chí quy trình đối với ngành y còn phức tạp hơn vì còn phải trải qua việc kiểm tra đạo đức y học). Tất nhiên, việc đếm số công bố khoa học trên các tạp chí Viện khoa học thông tin (ISI) không phải tất cả.

Đúng là rất phiến diện nếu chỉ đếm số bài báo trên các tạp chí, bởi còn nhiều các chỉ số khác để đánh giá chất lượng khoa học của một nhà khoa học, như chỉ số trích dẫn trung bình. Gần đây hãng thông tấn Reuters và Hội Vật lý Anh (IOP) tổng kết các quốc gia có nền vật lý mạnh, nếu đếm tổng số công trình khoa học, Trung Quốc vươn lên trên các nền vật lý lớn khác là Anh, Đức, Nhật để đứng thứ hai sau Mỹ, khiến cho nhiều quốc gia phương Tây "nóng mặt".

Nhưng chất lượng của nền vật lý Trung Quốc hoàn toàn thua xa các cường quốc vật lý (Anh, Canada, Mỹ, Đức, Pháp, Nhật) khi đánh giá chất lượng học thuật công trình của Trung Quốc dựa trên chỉ số khác là chỉ số trích dẫn trung bình). Điều đó có nghĩa là đếm số công trình công bố khoa học đúng là không đủ để nói lên chất lượng nền khoa học, nhưng nếu không có công bố khoa học thì nền khoa học đó cũng hoàn toàn không tồn tại.

Quan điểm "đăng bài báo trên tạp chí là tốn kém vì thế mà số lượng ít" là không chính xác và phần nào ngụy biện. Đúng là có nhiều tạp chí yêu cầu tác giả phải trả tiền xuất bản, thường từ vài trăm đến 1000 USD, nhưng cũng có rất nhiều tạp chí rất uy tín không thu tiền xuất bản như hầu hết các tạp chí thuộc hệ thống nhà xuất bản Elsevier và Institute of Physics (IOP, Anh).

Ngay cả trong hệ thống các tạp chí thuộc hệ thống IEEE, một hội nghề nghiệp tại Mỹ nhưng có hội viên trên toàn cầu, cũng có nhiều tạp chí đăng bài miễn phí. Không phải một tạp chí mất phí xuất bản mới có uy tín, cũng không phải là một tạp chí thu tiền xuất bản là không có uy tín. Uy tín của tạp chí hoàn toàn độc lập với việc nó có thu phí hay không.

Vì thế, các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể đăng các bài báo trên nhiều tạp chí uy tín mà không mất tiền xuất bản.

Chỉ có một xu hướng "tốn kém" mới đây là việc đóng chi phí để bài báo của mình được hoàn toàn mở, cho phép bất kỳ ai có thể đọc toàn văn miễn phí (open access charge). Nếu tác giả lựa chọn tính năng này khi đăng bài thì họ phải đóng lượng phí khá cao (có thể tới 1.000-2.000 USD), nhưng đây là tùy chọn không bắt buộc. Việc vịn cớ "mất tiền thì không đăng" lại là hết sức hài hước. Khi đề xuất kinh phí nghiên cứu của đề tài, nhà khoa học phải tính cả kinh phí xuất bản công trình trong kinh phí nghiên cứu đề tài. Theo tôi biết hiện nay các đề tài thuộc quỹ NAFOSTED đều có chi phí cho việc công bố khoa học.

Cách tiếp cận đăng bài báo của nhiều nhà khoa học Việt Nam là đi dự các hội nghị chuyên ngành, một số bài báo sau khi được trình bày tại hội nghị có thể được lựa chọn đăng trên một tạp chí chuyên ngành, và tác giả sẽ mất chi phí thông qua hội nghị (đầy đủ hơn phải tính cả chi phí cho người đi báo cáo).

Với cách tiếp cận này, các tạp chí đăng bài thường không có chỉ số ảnh hưởng (impact factor) cao mà tính tổng chi phí lại cao. Nộp thẳng bài báo lên tạp chí thông qua hệ thống trực tuyến là cách làm tiết kiệm nhất, đồng thời quy trình phản biện chặt chẽ hơn, tác giả cũng sẽ nhận nhiều phản biện giá trị hơn từ những phản biện tạp chí lựa chọn. Theo tôi được biết thì gần đây vẫn có nhiều nhà khoa học ở Việt Nam chưa hề biết làm như thế nào để nộp bài trực tuyến cho tạp chí mà vẫn chỉ theo con đường khá tốn kém là "dự hội nghị" và "công bố".

Tôi biết một số đồng nghiệp của tôi đang làm việc tại Việt Nam (kể cả trong các ngành khoa học ứng dụng và thực nghiệm) rất cố gắng để có nhiều công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế chất lượng cao. Những cố gắng của họ là đóng góp quan trọng để vực dậy nền khoa học Việt Nam. Cố gắng của họ rất đáng khích lệ và ghi nhận trong tình cảnh thu nhập nhà khoa học vẫn còn thấp như hiện nay cũng như chi phí nghiên cứu còn hạn hẹp.

Chính các đồng nghiệp ấy có thừa nhận với tôi rằng các bài báo gửi từ địa chỉ Việt Nam khó đăng hơn nhiều so với khi họ còn ở nước ngoài. Điều này xuất phát từ thực tế là kết quả khoa học Việt Nam không đạt độ tin cậy cao đối với cộng đồng thế giới, một thực tế khác là các chủ đề nghiên cứu ở Việt Nam không nhiều cái mới so với thế giới. Ngoài ra, phải thừa nhận rằng, kỹ năng viết báo của nhiều nhà khoa học trong nước (những người được đào tạo trong nước) còn hạn chế do phải viết bằng tiếng Anh. Điều đó cho thấy sự yếu kém thật sự của khoa học Việt Nam khi mà chủ đề nghiên cứu không thể tiếp cận thế giới và chất lượng nguồn nhân lực không cao.

Việt Nam cần cuộc cách mạng đổi mới bởi sự xuống cấp trầm trọng của nền khoa học và giáo dục. Một trong những yếu tố quan trọng cho sự đổi mới không ai khác là chính các nhà khoa học đang làm việc trong nước.

Diễn đàn "Khoa học Việt ít bài đăng trên tạp chí quốc tế"
Xem thêm
Tinh thần đoàn kết khoa học ở Việt Nam 'yếu kém' (18/01)
Lấy đâu ra tiền gửi đăng tạp chí nước ngoài? (17/01)
Tìm con đường riêng khi làm khoa học trong nước (16/01)
Nghiên cứu trong nước không hề kém cỏi (14/01)
Khoa học Việt Nam 'chưa đủ tầm công bố quốc tế' (13/01)
Ngô Đức Thế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét