Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Vài cảm nhận về những bức thư chiến trường

Trong bài này có chuyện phê phán sự quan liêu của quan chức chính quyền trong việc tìm 1 ngội mộ liệt sĩ cụ thể, được xác định căn cứ vào hồi ức của một quân nhân Mỹ; đó là chỉ là cảm nhận riêng của người viết về 1 việc cụ thể; không phải để phê phán chính sách thương binh liệt sĩ của Nhà nước ta.



Những bức thư xưa


HM Blog xin đăng lại mấy comment của bạn đọc (QX, ThienNguyen và Kim Sóc) nhân sự kiện ông Panetta và tướng Thanh trao đổi những bức thư của những người lính của cả hai phía bị tử trận cách đây hơn 40 năm.

Một người chứng kiến cuộc chiến và đã định cư ở nước ngoài. Một người lớn lên không biết về chiến tranh nhưng lại cảm nhận sâu sắc về sự mất mát và biết giá trị của hòa bình.
Và cuối cùng, một người ám ảnh về một ngôi mộ của người lính đặc công bị tan biến bởi thời cuộc đã cuốn trôi nhiều giá trị mà người ngã xuống đã mang lại cho hôm nay.
Xin cảm ơn bạn đọc QX, Kim Sóc và ThienNguyen.

Bạn đọc QX – Cái nhìn từ bên kia đại dương
Mối quan hệ Việt – Mỹ trong bối cảnh chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ QP Hoa Kỳ tới Việt Nam là câu chuyện dài và rất tế nhị. Rất nhiều người Việt đã đứng ở hai phía của làn đạn chiến tranh và sự kiện trên có thế được nhìn nhận khác nhau.
Cuộc chiến đã qua gần 40 năm. Vì tình đất Mẹ, chúng ta nên dành thời gian hồi hộp theo dõi và cầu mong một điều tốt đẹp nào đó sẽ đến trong thời gian tới.
Những khó khăn hay những cản trở mà người Mỹ gặp hôm nay khi trở lại xứ sở xưa, là cái giá họ phải trả cho những gì họ tạo ra đối với một chính thể đã từng cởi mở đón tiếp họ ở miền Nam và xa hơn, lúc Việt Minh ở miền Bắc muốn người Mỹ giúp để đánh đuổi người Pháp. Ông Hồ Chí Minh từng viết thư cho Truman năm 1945 nhưng cuối cùng bức thư không có hồi âm.

Nhưng thôi, lúc này không phải là lúc để lao đầu vào chi tiết của những gì đã xảy ra và thành lịch sử để chỉ trích và cãi vã, dầu nên nhắc lại để thấy mọi sự đều trong cái khôn cùng “what comes around goes around” – có nghĩa na ná như anh trồng cây gì thì nó ra trái nấy, không nặng về đổ lỗi mà nặng về … gieo trồng gặt hái, tự nhiên, kể lại.

Lời nhắn cho quá khứ. Ảnh: Nguyễn Vinh Quang
Những khó khăn hay những cản trở mà người Việt gặp hôm nay khi muốn quay trở lại với đối tác xưa, là cái giá họ phải trả cho những gì họ tạo ra với một đối tác đã từng cố gắng quay lại ngay năm 1975, 1976, thập niên 80 và sau này, liên tục cho tới khi bang giao kinh tế và các lãnh vực khác dù lãnh vực quân sự và chính trị như vạt rừng còn đầy bom đạn chưa nổ.
Hệt như chuyện phía người Mỹ, phía Việt Nam cũng đang nhặt trái, hái quả từ cái cây mà mình đã trồng; nó là thanh long, dưa hấu hay khổ qua, me sấu thì đều là quả mà anh đã trồng cây, không phải nói để đổ lỗi mà là nói về cái tự nhiên của việc trồng trọt, tự nhiên, kể lại.
Tui hồi họp mong rằng hai phía hãy can đảm ăn cho hết hai sọt trái đắng trái chua loét đi để xong vĩnh viễn mà làm lại từ đầu; để không phải rơi vào cái cảnh “we come to be lonely together” – đồng sàng dị mộng, kiểu choàng vai bá cổ nhau bề ngoài nhưng trong lòng thì nghi kỵ nhau, phải sống trong cảnh “ông ăn chả bà ăn nem” – đong đưa trên hàng rào lênh khênh mãi chỉ để một ngày nào đó té xuống rêm cả mông.
Tui không dám tin nhiều nhưng cảm thấy có hy vọng khi nhìn bức ảnh thứ nhứt và bức thứ tư của loạt ảnh bảy tấm bên báo Wall Street Journal.
Khi ông Leon Panetta trao kỷ vật chiến tranh của một tử sĩ Việt Nam, ông ta nhìn trìu mến và ông Phùng Quang Thanh thì chăm chú đón nhận kỷ vật, vừa như xúc động vừa nghiêm túc.
Đến lượt ông Phùng Quanh Thanh trao kỷ vật chiến tranh của một tử sĩ Mỹ, cử chỉ của hai ông lại hoán đổi cũng hoán đổi hệt nhau.
Tui không tin hai ông bộ trưởng bộ súng ống binh linh có thể đóng kịch đến vậy, các bức ảnh thật sự ám ảnh tui.
Nó tạo một hy vọng về sự thật lòng của cả hai.
Kim Sóc – Cảm nhận về chiến tranh của người chỉ biết hòa bình
Để viết về cảm nhận của mình, khi nhìn thấy những tấm hình này, tôi không thể tìm ra tiêu đề. Có câu hát của Trịnh công Sơn viết khi hoà bình vừa lập lại: người chết nối linh thiêng vào đời. Liệu có thể lấy làm tiêu đề được không?

Trao đổi kỷ vật chiến tranh
Chiến tranh – chẳng bao giờ tốt đẹp. Anh bắn tôi và tôi bắn anh. Vậy thì hình ảnh 2 người đứng đầu quân đội 2 nước sau gần 40 năm trao cho nhau những kỷ vật còn lại của người lính phía bên kia làm sao lại gây xúc động đến thế.
Đứng đầu một quân đội, không cần diễn như người của bộ ngoại giao, và chắc cũng không thể là người dễ để lộ tình cảm, vậy mà nhìn nét mặt của 2 vị tướng này xem.
Khi ông Panetta trao lại cho tướng Thanh nhật ký của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn tôi nhìn thấy sự xúc động không thể giấu được của tướng Thanh. Xưa nay, tướng Thanh chưa bao giờ biết diễn và đã từng bị phê bình vì vẻ ngoài không chính khách, không gây thiện cảm của ông. Nhưng có lẽ vì thế, cảm xúc của ông trong bức ảnh này khiến ng ta thấy rất thật. Còn nét mặt của ông Panetta cũng đầy sự thông hiểu và chân thành.
Dù sao họ cũng là những quan chức đang tại vị. Cũng mang trọng trách và cũng ý đồ trong từng hoạt động của mình. Nhưng khi nhìn vào những bức hình chụp chi tiết trong seri ảnh, thì tất cả sự cảnh giác trước một trò ngoại giao đã biến mất trong tôi. Chỉ còn sự nghẹn lại.
Trung sĩ Steve Flaher còn rất trẻ, anh đã viết lá thư cho gia đình như thế này. “Trung đội của con lúc đầu có 35 người, nhưng rồi chỉ còn 19 người khi cuộc giao tranh kết thúc”, “Chúng con mất chỉ huy trung đội và nhiều đồng đội”.
Vốn ở một nơi được mệnh danh thiên đường của thế giới tự do, tôi không biết lý do gì đưa anh tới VN. Bị gọi ra trận, vì kiếm sống (Mỹ nổi tiếng là nơi trả lương cho lính rất cao) hay vì anh cũng mang một lý tưởng.
Steven đã bỏ xác rất xa quê hương, khi mới 22 tuổi. Lá thư của anh viết về cho mẹ đã không thể chuyển về quê hương cho đến tận 40 năm.
Nhật ký của anh bộ đội VN Vũ Đình Đoàn và tấm hình 2 cô gái trẻ: người yêu anh, hay chị gái, hay em gái hay 2 cô bạn cùng trường, tôi không biết. Anh chắc cũng như anh lính trẻ Mỹ kia, cũng chờ ngày được về nhà, cũng mong đợi được sống những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp và tràn đầy tình yêu.
Chiến tranh không cho các anh được điều đó, và không cho 5 triệu ng Việt, 600 ngàn ng Mỹ , và 100 ngàn người các nước khác bị cuốn vào cuộc chiến có được điều ấy. Nhưng chết là hết.
Người ở lại thì sao? Bao nhiêu gia đình và đồng đội đang tìm thân xác ng thân trong rừng? Miệt mài 40 năm qua? Bao nhiêu nấm mồ vô danh ở Trường Sơn và trên khắp dải đất VN này?
Bao nhiêu bà mẹ dạy giữa đêm trường, và nhớ con. Bao nhiêu ng vợ thèm hơi chồng và bao nhiêu đứa trẻ thèm có bố quát nó?

Suy ngẫm. Ảnh: Nguyễn Vinh Quang
Và bao nhiêu nấm mồ của những ng lính VNCH ở nghĩa trang Biên Hoà khiong hề được coi sóc và tủi phận hàng chục năm nay.
Bao nhiêu em bé bị chất độc da cam đang sống mòn mỏi và đau đớn. Bao nhiêu cựu chiến binh, thương binh với những vết thương sâu hoắm trên thân thể và trong tâm hồn. Thống kê chắc cũng đếm được số người.
Nhưng nỗi đau thì không thể thống kê.
Tôi từng nói với bạn bè rằng con đường từ sân bay về thành phố ở nơi nào cũng dài và chán ngán. Nhưng riêng đường từ Cam Ranh về Nha trang thì tuyệt vời. Biển xanh, trời xanh, hoa giấy rực rỡ trong nắng. Cuộc sống đẹp hết sức chân thực.
Giá trị của hoà bình và sự bình yên của cuộc sống luôn luôn cần cho tất cả con người, vạn vật, cây cối.
Những lá thư, nhật ký cũng thấm nước mắt nhớ mẹ, nhớ người yêu của hai anh lính trẻ, sẽ dạy chúng ta vô số điều. Nhìn những kỷ vật này, đọc những dòng chữ này, ai muốn chiến tranh?
Hàn gắn quá khứ. Học từ hôm qua và suy nghĩ cho ngày mai, Cầu mong hoà bình lâu dài cho tất cả chúng ta. Chỉ còn hoa và nụ cười.
Nữ độc giả ThienNguyen – Câu chuyện về chiến sỹ đặc công bị lãng quên ở Dakto
Những điều bình thường và không bình thường của cuộc chiến Mỹ – Việt làm tôi liên tưởng đến một việc mà tôi từng chứng kiến và có chút quan tâm nhưng tôi không có cách giái tỏa.
Năm 2005 tôi có dịp làm hướng dẫn cho một người Mỹ đến Việt nam chỉ ra địa điểm đã nơi bạn ông ấy đã chôn một đặc công tại phi trường Phượng Hoàng Đakto từ Tết Mậu thân.

Lẽ nào hôm nay có thể quên ngày hôm qua?
Theo lời kể của người chôn, Anh đặc công được phát hiện khi đã đột nhập vào phi trường, thân thể không trang phục chỉ có bùn đen bao quanh và bị thương khá nặng ở bụng, Họ nghĩ cấp cứu anh xong họ sẽ tra hỏi, nhưng anh đã chết trong lúc họ đang cứu anh.
Đang lúc chiến sự ác liệt nên họ đã vội hất anh nằm xấp xuống cái huyệt đào vội rồi chạy vội vào căn cứ. Chính người đi chôn cũng bị trúng đạn vào tay.
Chúng tôi đến đấy với tấm bản đồ được vẽ ra từ ký ức của người lính Mỹ đã chôn anh đặc công năm xưa.
Phi trường Đakto ngày nay chỉ còn trơ lại duy nhất đường băng, nơi dân chúng quanh đó phơi mì. Sau một hồi hỏi han, tiềm kiếm và xác định theo những con số đã ghi trên bản đồ.
Chúng tôi có được một điểm mà người dân quanh đó xác nhận là cách đó không lâu một người đi tìm phế liệu đã đào lên và gặp xương người nên vội lấp lại.
Người đến từ Mỹ kia còn mừng hơn cả tôi vì ông nghĩ rằng; Ông đã không phí công trải một chuyến đi dài và hoàn thành sứ mệnh được ủy thác, cũng như làm được một việc ý nghĩa là tìm ra hài cốt cho gia đình anh đặc công ấy.
Việc mà người Mỹ chôn anh năm xưa đã bị ám ảnh suốt gần 40 năm, đến khi ông quyết định sang VN thì trước khi đi ông bị tai nạn nên phải hủy chuyến đi và một người bạn ông đã tình nguyện thay ông làm việc đó.
Thế rồi ông ấy ra Hà nội gặp những nhân viên MIA ở đấy báo cáo sự việc và kêu gọi giúp đỡ tìm kiếm. Sau đấy ông ấy về Mỹ cũng có thuật lại sư việc cho ông Bùi Thế Giảng là đại sứ VN tại liên hiệp quốc lúc ấy kêu gọi để giúp tìm hài cốt mà ông đã chỉ.
Thế nhưng đã qua hai đời đại sứ ở liên hiệp quốc và bảy lần người Mỹ ấy đến dự tiệc năm mới VN tại New York.
Cùng với sự giúp đỡ của Ông ấy bệnh viện Việt – Đức nhận được nhiều trợ giúp trong đào tạo và trang bị cho bệnh viện nhưng chẳng ai đề cập đến chuyện tìm ngôi mộ trên.
Riêng cá nhân tôi đã đến huyện đội Dakto để báo sự việc trên. Sau vài lần có dịp đi ngang đấy tôi vẫn ghé vào nơi mãnh đất ấy để thăm như thăm một người thân mình vậy.
Rồi một lần vào tôi thấy mảnh đất ấy đã được phá ra trồng mì. Tôi lo lắng họ sẽ làm mất dấu vết nên mang câu chuyện kể lại cho vài người bạn, họ khuyên nên làm một tấm bia đặt ở đấy làm dấu.
Tôi đã đề trên tấm bia: Nơi yên nghĩ của một chiến sĩ đặc công hy sinh tết Mậu Thân. Hôm ấy người lái xe chở tôi thấy vậy cũng cảm động.

Giá người lính đó được nằm ở đây?
Hôm sau cậu có chở một người khách đi làm ăn ở khu vực đó có nhiều quan hệ vỏi chính quyền địa phương. Nên anh ta đến gặp tôi với ý định giúp tìm hài cốt đưa về nghĩa trang liệt sĩ. Thế là anh giúp tôi sắp xếp với huyện đội Dakto để tìm hài cốt.
Một tiểu đội lính đã đào với bán kính 6 mét nhưng không thấy gì cả. Nên đơn vị ra lệnh ngừng tìm.
Tôi cũng liên hệ với Tướng Chu Phát kêu gọi giúp tìm kiếm, nhưng được trả lời rằng tôi không phải người thân của anh đặc công kia nên các nhà ngoại cảm không thể kết nối được.
Nhưng mỗi khi có dịp đi qua đấy tôi vẫn ghé vào đứng nhìn mảnh đất mà thắp nhang khấn thầm”: nếu anh có linh thiêng thì phù hộ cho tôi cách gì đó để tôi có thể đưa anh về nghĩa trang để anh được vinh danh như bao liệt sĩ khác, như thâm tâm của người Mỹ kia mong muốn.”
Các quan chức VN chỉ cảm ơn người Mỳ nọ đã chỉ ra ngôi mộ và im lặng như chưa hề nghe thấy gì cả.
Có lẽ đây cũng là việc ”bình thường” như bao việc bình thường khác chăng?
Đọc thêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét