Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

“Lời nguyền địa lý”: định mệnh hay lựa chọn?


Những tổn thương mà nền kinh tế Việt Nam liên tục hứng chịu trong thời gian vừa qua trong quan hệ thương mại bất đối xứng với Trung Quốc (*) đang đặt ra câu hỏi lớn: phải chăng “Lời nguyền địa lý” đang ứng nghiệm?

Cửa khẩu Lào Cai, nơi lượng hàng xuất khẩu chính ngạch qua 
Trung Quốc không lớn. Hàng chủ yếu đi theo đường tiểu ngạch. 
 
“Lời nguyền địa lý” (tyranny of geography) là nhận định của vị giáo sư người Úc Carl Thayer về vị trí địa lý không thể thay đổi, và ý nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ chỉ có một lựa chọn duy nhất là song hành và học cách chia sẻ với người láng giềng Trung Quốc trong suốt hành trình phát triển của mình. Việt Nam xuất hiện trên bản đồ thế giới với hình ảnh nhỏ bé nhưng đang phải gồng mình gánh trên vai sức nặng của người khổng lồ Trung Quốc. Đó không chỉ là sức ép về an ninh – chính trị khi Trung Quốc mạnh tay đầu tư phát triển quân sự ở khu vực Biển Đông – nơi hai nước có tranh chấp, mà hơn thế, còn là sức ép do khả năng bị tổn thương ngày càng tăng trong quan hệ thương mại. Nhờ sự gần gũi về địa lý, con đường buôn bán tiểu ngạch giữa hai nước đã phát triển rất nhanh chóng. Nhưng bên cạnh những thuận lợi cho người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam, không phải không có những thiệt hại do con đường tiểu ngạch mang đến.

Điều đáng lo đầu tiên là thị trường xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, khi Trung Quốc hiện là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và là đối tác nông sản hàng đầu. Những thiệt hại liên tục xảy ra gần đây cho các mặt hàng nông sản Việt Nam đã chứng minh rằng, việc hạn chế trong thị trường đã khiến con đường buôn bán tiểu ngạch với Trung Quốc không còn bền vững.
Không chỉ trong xuất khẩu, “Lời nguyền địa lý” cũng ứng nghiệm sang nhập khẩu khi mà hàng hoá Trung Quốc có thể xâm nhập thị trường Việt Nam một cách dễ dàng, trong khi còn quá nhiều nghi vấn về chất lượng và cả sự đe doạ đến thị trường nội địa, cũng như các mối quan hệ thương mại khác của ta, đặc biệt là với EU và Mỹ.
Gần đây, những tranh cãi về khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại giữa EU và Trung Quốc đã gây ra không ít lo ngại về khả năng liên luỵ đến Việt Nam. Nếu thực sự có một cuộc trừng phạt thương mại của EU với Trung Quốc thì Việt Nam sẽ là nơi nhận lấy số lượng hàng tồn đó. Các thương nhân Trung Quốc sẽ tìm mọi cách, núp bóng dưới danh nghĩa hàng hoá Việt Nam, đẩy số lượng hàng đó trở lại EU và chẳng chịu bất cứ rủi ro nào, bởi vì đã có Việt Nam đứng ra làm bình phong che chắn.
Mặc dù sẽ là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho Việt Nam nếu lệnh hạn chế ngoại thương của EU đối với Trung Quốc có hiệu lực, nhất là khi việc Việt Nam và EU đã khởi động vòng đàm phám thương mại tự do song phương, nhưng một kịch bản, tương tự như việc sản phẩm điện gió của Việt Nam “trúng đòn” trong trận đánh về mậu dịch Mỹ – Trung hồi đầu năm, có thể lặp lại: một hiệp hội gồm bốn doanh nghiệp Mỹ bị mất nhiều thị phần trong thị trường này đã đệ đơn tố cáo các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam bán hàng phá giá và cuối tháng 1.2012, bộ Thương mại Mỹ quyết định mở cuộc điều tra. Nhiều ý kiến nhận định rằng doanh nghiêp Việt Nam chỉ vạ lây vì bị nghi ngờ làm bình phong cho hàng Trung Quốc tuồn vào thị trường Mỹ. Rõ ràng, việc chấp nhận để hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu (hay sử dụng từng bộ phận) qua tên sản xuất của mình, dù có mang lại thêm một chút lợi nhuận nhưng sẽ gây tác hại lâu dài cho uy tín của hàng Việt, chưa kể chúng ta sẽ tiếp tục bị EU (cũng như các quốc gia khác) đưa vào “tầm ngắm”.
Những thiệt hại liên tục xảy ra với các sản phẩm Việt Nam có liên quan tới mối quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc là những cảnh báo rất thực tế về sự ứng nghiệm của “Lời nguyền địa lý” . Phá bỏ “lời nguyền”, mở đường đến sự phát triển phải chú ý đến ba điểm.
Đầu tiên và quan trọng nhất là đẩy mạnh chính sách đa phương hoá thương mại bằng các chiến lược dài hạn, giúp đẩy mạnh quan hệ với các đối tác truyền thống và tìm kiếm thêm các thị trường mới, để Việt Nam dần thoát khỏi sự phụ thuộc và nỗi lo bị thao túng thị trường từ phía Trung Quốc.
Hạn chế và kiểm soát xuất khẩu theo đường tiểu ngạch; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của thương nhân Trung Quốc bằng các cơ chế quản lý ràng buộc trách nhiệm như đăng ký buôn bán tại cơ quan chức năng hoặc phải lập chi nhánh hoạt động tại Việt Nam… để qua đó có thể yêu cầu thương nhân Trung Quốc thực hiện đúng cam kết với nông dân, doanh nghiệp và giảm nguy cơ bị thao túng, ép giá.
Cuối cùng, Việt Nam cần kiểm tra chặt chẽ hơn chất lượng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như yêu cầu các cơ quan cấp C/O và doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện đúng quy trình cấp giấy xác nhận nơi sản xuất hay cung cấp hàng hoá C/O (certificate of origin), thường thẩm quyền do phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cấp. Ngăn cấm các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tay cho hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường và phạt nặng các trường hợp không thực hiện đúng quy trình cấp C/O, từ đó sẽ có thể giảm thiểu khả năng bị trừng phạt hay trả đũa “oan” từ phía EU và Mỹ. Các doanh nghiệp và người sản xuất trong nước cũng cần thoát khỏi lối kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, thay vào đó là tư duy cải tiến trong cách sản xuất, đầu tư về chất lượng sản phẩm, gây dựng lòng tin của người tiêu dùng trong thị trường nội địa cũng như tạo vị thế ổn định trên trường quốc tế.
Địa dư là định mệnh nhưng nếu có chiến lược ứng xử tốt vẫn có thể thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ “định mệnh” đó!
Vũ Thành Công – Lê Trân
(*) xem trên SGTT các số báo ra ngày 6,11 và 13.6.2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét