Những ngày này, hỏi bất kỳ ai tại tỉnh Đồng Tháp về vùng đất chim én trú ngụ, ai cũng có thể chỉ đường tường tận. Theo chỉ dẫn của những người dân bản địa, chúng tôi tìm về chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp (thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) trong buổi chiều chạng vạng. Lúc này, trước mắt PV là hàng chục ngàn con én chao lượn trên bầu trời. Nhiều người dân khẳng định, đây là lần đầu tiên họ thấy hiện tượng kỳ thú đến như vậy.
Đổ xô mục sở thị đàn én khổng lồHàng ngày, cứ khoảng hơn 17h, người dân khắp nơi lại đổ về chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp (xã Mỹ Hiệp) để chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ này. Theo quan sát của chúng tôi, nơi hàng chục ngàn con chim én tìm đến là khu đất trống rộng khoảng hơn 1.000m2, có những lùm lau sậy. Một số người dân địa phương cho biết, thời gian chim về nhiều nhất là khoảng từ 17 - 18h mỗi ngày. Sau một đêm nghỉ ngơi, vào khoảng 5h sáng, chúng sẽ bay đi nơi khác kiếm ăn. Lúc ấy, trong khu vực này chỉ còn lác đác vài con nhỏ.
Theo chân nhiều người dân tìm vào sát bên trong, nơi ẩn mình của đàn én, chúng tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy chim én đậu khắp nơi. Anh Nguyễn Văn Tám (24 tuổi, ngụ xã Mỹ Hiệp) thắc mắc: "Tôi không hiểu vì sao chúng lại chọn nơi đây làm tổ. Bởi nói đến các khu đất trống um tùm lau sậy thì tỉnh Đồng Tháp có rất nhiều. Một số người dân tại địa phương đoán rằng, chim én về có thể do khu vực này có nhiều thức ăn phù hợp với chúng".
Người dân ngụ tại xã Mỹ Hiệp cho biết, những ngày qua, nhiều người tò mò đã tỏa đi các hướng chim én bay để tìm hiểu xem tập tính sinh hoạt của chúng như thế nào và muốn biết nguyên nhân én bay về khu đất trống này làm tổ. Thậm chí, không ít người còn tìm cách nhử chúng bay về trú ngụ ở khu vườn nhà mình. Tuy nhiên, những việc làm này của người dân vẫn chưa thu được kết quả.
Từ khi xuất hiện đàn én bay về xã Mỹ Hiệp làm tổ đã có hàng ngàn người dân từ các xã, huyện của tỉnh Đồng Tháp đổ xô đến xem. Sau khi tin tức được truyền đi, rất nhiều người ở các tỉnh miền Tây cũng tò mò tìm đến. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Xem (56 tuổi, ngụ huyện Lai Vung, Đồng Tháp) tỏ ra ngỡ ngàng: "Hiện tượng hàng chục ngàn con chim ép bay về đây trú ngụ là việc chưa từng xảy ra ở khu vực này. Tôi đã hỏi nhiều cụ cao niên ở xã Mỹ Hiệp và đều được họ nói rằng, đây là lần đầu tiên én về đông như vậy. Thậm chí, nhiều cụ già còn đoán rằng, én về nhiều chắc chắn sẽ có "biến động lớn".
Chim trú ngụ trong bãi lau sậy.
Hàng trăm lời đồn đoán về đàn én
Trước hiện tượng thiên nhiên kỳ thú xảy ra trên địa bàn, người dân ở gần khu vực chợ đầu mối Mỹ Hiệp và các xã lân cận đều tỏ ra háo hức. Chị Mơ, tiểu thương buôn bán ở chợ đầu mối cho biết: "Lúc én mới kéo về, người dân đổ xô đến xem, không khí rất náo nhiệt. Hàng ngàn người tập trung chứ không phải ít. Hiện tại, không ai có thể lý giải được vì sao lại có hiện tượng kỳ thú này. Đa phần người dân cho rằng, chim én bay về đây trú ngụ là điềm may mắn cho người dân. Bởi chúng chỉ chọn những vùng đất có khí hậu dễ chịu mới làm tổ. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng mong muốn sang năm mới, họ sẽ gặp những điều may mắn, làm nông sẽ được mùa".
Bày tỏ thái độ vui mừng, hi vọng đàn én sẽ diệt rầy nâu trên cây lúa, ông Phan Văn Lai (70 tuổi, ngụ tại ấp 1, xã Mỹ Hiệp) cười nói, én còn có tên gọi khác là chim nhạn. Chúng có đặc tính rất đặc biệt, khác hẳn với nhiều loài chim khác. Én thường sống rất chung thủy và chỉ sống với tổ ấm của mình. Hơn nữa, chim én ngoài còn là người bạn thân thiết của nhà nông. Thức ăn chính của chim én là những loại sâu hại lúa và hoa màu. Đặc biệt, món "khoái khẩu" của chim én là rầy nâu. Đây là loại côn trùng hại lúa, người dân muốn tiêu diệt cũng rất khó khăn. Chim én là cách tốt nhất để tiêu diệt rầy nâu". Một số người dân cho rằng, chính vì những đàn rầy nâu nên chim én mới di cư đến vùng đất này. Bởi loài én thường tìm đến những nơi nào có nhiều rầy nâu để cư trú và sinh sản. Việc chúng kéo hàng đàn về khu vực chợ đầu mối ở xã Mỹ Hiệp khiến người dân trong vùng vui mừng, tin rằng đây là vùng đất yên lành.
Vợ chồng anh Lư Văn Thật, nhà rất gần nơi chim én trú ngụ.
Mặc dù vậy nhưng nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại cho "tương lai" của đàn én. Anh Huỳnh Sơn (30 tuổi, ngụ xã Mỹ Hiệp) cho biết, chim én về như vậy là điềm lành nhưng không biết chúng có trú ngụ lại lâu dài được không. Bởi chắc chắn sẽ có người tìm cách bắt chúng để làm mồi nhậu. Chim én không phải là loài chim ngon thịt nhưng đã từng có rất nhiều vùng tận diệt loài động vật này để đưa chúng vào nhà hàng. Chỉ cần một tấm lưới nhỏ được nhuộm đen, một cây tre dài và một con chim mồi là có thể tha hồ "giật én". Được biết, người "giật" chuyên nghiệp mỗi ngày có thể tóm được hàng trăm con bằng phương pháp này. Chính vì vậy, việc đàn én biến mất trong thời gian ngắn cũng không phải là điều xa vời.
Cùng chung quan điểm của anh Sơn, nhiều người cũng tỏ ra lo ngại chim én sẽ trở thành những đặc sản trong nhà hàng. Chính vì thế, ngay những ngày đầu chim kéo về, nhiều biển báo cấm săn bắt chim được người dân dựng lên để góp phần bảo vệ đàn chim quý. Cứ vào mỗi buổi chiều, hàng ngàn người lại dắt díu nhau ra xem hiện tượng kỳ thú này và bàn tán rôm rả cả một vùng quê. Họ mong rằng những cơ quan chức năng sẽ có sự bảo tồn kịp thời loại động vật tự nhiên này.
Những người "ăn bám" đàn én khổng lồ
Từ khi xuất hiện đàn én, nhiều người hiếu kỳ đến xem là cơ hội để người dân ở đây buôn bán. Được biết hiện nay, cứ mỗi buổi chiều, hàng quán tại đây mọc lên như nấm. Trên đoạn đường chưa đầy 300m có đến mấy chục người bán nước, đồ ăn. Việc buôn bán này phần nào gây ảnh hưởng đến đàn chim én. Nhiều người dân ngụ tại xã Mỹ Hiệp cho biết, chim én ở bãi lau sậy này sợ những màu sắc sặc sỡ. Cách đây vài ngày, nhiều người đem bong bóng bay đủ màu xanh đỏ đi khắp đường bán, vậy là chiều hôm đó, chim én cứ bay về gần đến lại quay đầu bay đi. Mãi đến khi trời tối hẳn chúng mới chịu về.
Nguyên Việt - Trúc Ly
Nguyên Việt - Trúc Ly
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét