Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

(3) Kinh tế Việt Nam 2012-2013: Cơ hội xoay chuyển tình thế?

Cơ hội xoay chuyển tình thế?*


II.    NĂM 2013: NHỮNG VIỆC PHẢI LÀM VÀ DỰ BÁO KẾT QUẢ


1. Những việc phải làm.

Phần này có nhiệm vụ đề xuất những việc phải làm trong năm 2013 theo một trật tự ưu tiên cho phép giải quyết tình trạng “tồn kho, ứ đọng” lâu năm các vấn đề, để nền kinh tế khôi phục các cơ sở ổn định vĩ mô và tăng trưởng một cách bền vững, đồng thời tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng bằng các hành động tái cơ cấu thực sự.

Để giải quyết nhiệm vụ đó, cần thiết phải có cách tiếp cận mới đến việc phân bổ nguồn lực cho các nhiệm vụ phải được ưu tiên giải quyết.

Thực chất của cách tiếp cận mới này là: ưu tiên phân bổ nguồn lực cho việc giải quyết các nhiệm vụ tái cơ cấu đã được xác định, cho nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, sau đó (còn bao nhiêu) mới dành cho nhiệm vụ tăng trưởng GDP. Tương quan cuối cùng này sẽ là căn cứ để xác định (mục tiêu) GDP sẽ tăng bao nhiêu trong năm 2013.
Cách làm này “ngược” với trình tự xử lý mối quan hệ phân bổ nguồn lực cho các mục tiêu vĩ mô của những năm trước, thường là xác định mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức “tiềm năng”, nghĩa là tập trung nguồn lực tài chính quốc gia cho mục tiêu tăng trưởng GDP sau khi đã trừ các khoản “chi thường xuyên” theo thông lệ, còn các nhiệm vụ khác như ổn định vĩ mô hay tái cơ cấu – như thực tế, dường như được quan niệm là những nhiệm vụ mà việc giải quyết chúng hầu như không cần đến nguồn lực tài chính nào.

Theo cách tiếp cận đó, xin đề xuất hệ nhiệm vụ kinh tế năm 2013 theo trật tự ưu tiên sau:

a/ “Trở lại” thực hiện những nhiệm vụ nền tảng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới ở tầm thế mới.

Những nhiệm vụ đó là: chuyển đổi cơ cấu sở hữu, chuyển dịch các quyền tài sản và phát triển cơ chế thực hiện sở hữu theo nguyên lý thị trường. Do quá trình cải cách thể chế bị “thả lỏng” để tập trung cho nhiệm vụ “đầu tư – tăng trưởng”, các vấn đề đất đai, doanh nghiệp nhà nước hay ngân sách nhà nước lại trở nên gay gắt trong mấy năm gần đây, tạo thành những ách tắc kinh tế - chính trị chủ yếu của quá trình phát triển kinh tế, là căn nguyên của tình trạng kém hiệu quả, mất cân đối vĩ mô và bất ổn ngày càng nghiêm trọng.
Đó là lý do để coi việc giải tỏa các ách tắc này là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của năm 2013.

Theo lập luận đó, việc tuyến nhiệm vụ cải cách thể chế ưu tiên năm 2013 là:

*   Giải quyết vấn đề ruộng đất: phát triển thị trường đất đai với những người chủ đích thực và phục vụ những người chủ đích thực (hàm ý chống các lực lượng hưởng lợi dựa trên đầu cơ và tham nhũng quyền lực). Trọng tâm là xây dựng Luật Đất đai đáp ứng các yêu cầu vận động của đất đai với tư cách là nguồn lực quan trọng bậc nhất của nền kinh tế theo nguyên lý thị trường; mấu chốt là giá đất thị trường (chỉ có thể xác lập được đúng khi đất đai và các quyền đối với đất được chuyển hóa thành và được thừa nhận là quyền tài sản được thực hiện theo nguyên tắc thị trường).

*   Cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước theo mục tiêu phát triển kinh tế thị trường (thúc đẩy cạnh tranh, xóa bỏ hay hạn chế độc quyền và thủ tiêu các ưu quyền, đặc quyền của doanh nghiệp nhà nước), trong đó tập trung “tái cơ cấu” thành công các tập đoàn [định vị lại (vai trò) chức năng và thay đổi cơ chế điều hành – quản trị của chúng].

*   Cải cách Ngân sách Nhà nước – một loại tài sản quốc gia thuộc sở hữu toàn dân - để xác lập cơ chế phân bổ nguồn lực – quyền lực mới trong nền kinh tế. Định hướng cơ bản là áp dụng nguyên tắc “ràng buộc ngân sách `cứng`” đối với hệ thống NSNN thay cho hệ thống ngân sách “ràng buộc `mềm`” hiện nay. Nhiệm vụ này phải được thực hiện khẩn trương với việc sớm thay đổi Luật NSNN.

*    Công khai, minh bạch các thông tin, số liệu kinh tế. Sự “tù mù” số liệu thống kê đang gây tổn thất kinh tế lớn nhưng khó đo đếm chính xác, đồng thời tạo ra một rủi ro lớn bậc nhất trong phát triển: không có cơ sở để dự báo và hoạch định chính sách kinh tế đúng, nhất là tại những thời điểm “hiểm nguy” như hiện nay.

b/ Nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế

Đây là nhóm nhiệm vụ ưu tiên trực tiếp, vừa có tác dụng tạo cơ sở nền tảng để đổi mới mô hình tăng trưởng, vừa giúp xoay chuyển chăc chắn tình thế kinh tế hiện nay.

Nhóm nhiệm vụ này bao gồm những nội dung sau:

*  Cải cách hệ thống ngân hàng thương mại, trong đó, khâu trọng tâm là xử lý tình trạng sở hữu chéo và liên kết nhóm lợi ích thao túng hệ thống ngân hàng và thao túng nền kinh tế.

*  Tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước: ưu tiên tái cơ cấu một số tập đoàn “mẫu” – Vinashin, Vinalines – theo nghĩa “làm tan những cục máu đông lớn” trong nền kinh tế. Sự tồn tại của những cấu trúc đã phá sản trên thực tế, nói khác đi, sự hiện diện của những “xác chết không chôn được” đang làm hao tổn đáng kể một khối lượng lớn nguồn lực quốc gia, vừa ngăn chặn quá trình lưu thông vốn bình thường trong nền kinh tế, lại chứng tỏ sự bất lực của Nhà nước trong việc giải quyết một cơ chế lỗi thời, qua đó, thúc đẩy xu hướng mất lòng tin vốn đang rất nghiêm trọng trong xã hội.

*   Tái cơ cấu đầu tư công: không nên hướng nỗ lực cao nhất cho nhiệm vụ “cắt giảm đầu tư công” – vốn là một giải pháp chỉ mang tính đối phó ngắn hạn và tỏ ra là bất khả thi hoặc chỉ làm tăng thêm tình trạng lãng phí và không hiệu quả trong đầu tư. Cần đặt trọng tâm tái cơ cấu đầu tư công vào việc thiết kế một cơ chế phối hợp có sự chế tài nghiêm túc giữa việc xác định và phê duyệt các dự án đầu tư công và năng lực thực hiện, không chỉ năng lực vốn tài chính mà đồng bộ các loại năng lực khác (ví dụ năng lực giải phóng mặt bằng, năng lực quản lý dự án, v.v.). Thực chất của nhiệm vụ này là phối hợp chính sách và hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính. Lâu nay, vấn đề phối hợp chính sách hầu như chỉ được tập trung xem xét ở tuyến quan hệ giữa Ngân hàng Nhà nước (máy bơm tín dụng) và Bộ Tài chính (máy bơm tiền chi tiêu Chính phủ) nên kết quả đạt được trong việc kiểm soát đầu tư công không cao.

c/ Đề xuất một số giải pháp cấp bách – ngắn hạn:

*    Thay đổi tư duy kế hoạch. Hiện nay, việc bị trói buộc trong tư duy và tầm nhìn kế hoạch hàng năm đang gây nên những hậu quả to lớn. Thứ nhất, nó dung dưỡng “chủ nghĩa thành tích”5. Thứ hai, nó không giúp mở tầm nhìn để thiết lập một chương trình khôi phục các cơ sở ổn định và tăng trưởng bền vững cũng như thực hiện bài bản các nhiệm vụ tái cơ cấu – thường là những công việc đòi hỏi một thời gian dài hơn nhiều (3-5 năm).
Đây là cơ sở để nêu kiến nghị lên Chính phủ và Quốc hội: Trong thời gian tới, thay vì triển khai kế hoạch từng năm như trước đây, chuyển sang thực hiện một Chương trình Hành động 3 năm (2013-2015), với nội dung là Chương trình Phục hồi sau Khủng hoảng và Thúc đẩy Tái cơ cấu nền kinh tế.

Đi liền với khuyến nghị này, xin đề xuất thêm khuyến nghị: bỏ chỉ tiêu tăng trưởng GDP theo quý và tăng trưởng GDP cấp tỉnh. Đây là hai chỉ tiêu thiếu nội dung kinh tế độc lập, không có cơ sở để đo lường chính xác. Và chúng chính là công cụ nuôi dưỡng “chủ nghĩa thành tích” đáng bị loại bỏ nhất hiện nay.

*   Hành động khẩn cấp: Kiến nghị Chính quyền các cấp trả ngay cho các doanh nghiệp các khoản nợ đọng công trình xây dựng đầu tư công lên đến hàng trăm ngàn tỷ, coi đây là giải pháp cơ bản để “cấp cứu” doanh nghiệp mà không làm “vỡ trận”. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần giải tỏa hai “cục máu đông” lơn nhất hiện nay – nợ xấu và hàng tồn kho.

*    Áp dụng Luật Ngân sách năm (thường niên) để bảo đảm tính pháp lệnh và hiệu lực chế tài đối với các mục tiêu - chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua.

2. DỰ BÁO 2013

Năm 2013 vẫn là năm khó khăn, thậm chí không kém năm 2012.

Lý do đầu tiên để nêu nhận định bắt nguồn từ tình trạng u ám, chậm được cải thiện và tiếp tục bất ổn (xét tổng thể) của nền kinh tế thế giới. Sóng gió kinh tế khu vực EU chưa lắng dịu, thậm chí còn bị đe dọa mạnh hơn. Kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề cơ cấu, không có cơ sở để giải quyết nhanh; làm cho xu thế giảm tốc độ tăng trưởng mạnh lên và chưa hãm lại được. Xung đột trên các vùng biển Đông Á, đặc biệt là xung đột Trung – Nhật, sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực khó lường. Các dự báo tổng thể về triển vọng kinh tế thế giới năm 2013 tiếp tục theo chiều hướng “ảm đạm” hơn.

Dự báo mới nhất (tháng 10/2012) về triển vọng kinh tế thế giới của ADB cho thấy xu hướng tăng trưởng GDP ảm đạm hơn của năm 2013 so với dự báo được nêu hồi tháng 5/2012 ở các trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới và của khu vực tăng trưởng kinh tế cao nhất và năng động nhất thế giới – châu Á. Cần lưu ý thêm rằng xung đột Trung – Nhật trên biển, nếu gia tăng cường độ, có thể làm u ám hơn các con số dự báo này ở mọi cấp độ - toàn thế giới và khu vực châu Á.

Lý do thứ hai để dự báo xu hướng tiếp tục khó khăn của nền kinh tế năm 2012 chính là các cơ sở tăng trưởng trong nước.

Những nguyên nhân để nêu dự báo trên nhìn chung là hiển nhiên và cơ bản đã được nêu ở các phần trên. Đó là:

-    Tốc độ tăng trưởng tín dụng quá thấp cho một nền kinh tế mà tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn, lại đang thời kỳ “đau yếu” nặng (đến hết tháng 9/2012, dư nợ tín dụng mới tăng 2,35%). Cũng khó kỳ vọng một sự gia tăng mạnh tín dụng trong thời gian tới vì cho đến nay, các yếu tố cản trở tăng tín dụng (các “cục máu đông” nợ xấu, hàng tồn kho và lãi suất cao) vẫn chưa có dấu hiệu được giải tỏa nhanh.

-    Xu hướng tổng cầu vẫn trì trệ, không thể cải thiện nhanh trong một nền kinh tế mà xu hướng “đi xuống” của tăng trưởng và nguy cơ lạm phát cao vẫn còn thường trực.

-    Tình thế phát triển đòi hỏi phải dành nguồn lực đủ lớn cho các hoạt động tái cơ cấu. Tuy cho đến nay vẫn chưa có cơ sở để xác định năm 2013 cần phải dành bao nhiêu vốn cho công cuộc này (tùy thuộc vào Chương trình hành động thực tế của Chính phủ nhằm mục tiêu tái cơ cấu), song nguyên tắc chung là cần ưu tiên cho nhiệm vụ này, và càng ưu tiên thực sự thì nền kinh tế càng có cơ hội thoát nhanh khỏi tình thế đầy nguy cơ hiện nay. Mà càng dành nhiều nguồn lực cho tái cơ cấu thì có nghĩa là phần vốn dành phục vụ tăng trưởng GDP trực tiếp càng ít đi.

Với khuyến cáo chỉ nên sử dụng chỉ tiêu tăng trưởng GDP như một chỉ tiêu định hướng, gợi ý thay vì tính pháp lệnh như hiện nay, trên cơ sở các lập luận nêu trên, trong năm 2013, Chính phủ và Quốc hội không nên quá chú trọng mục tiêu tăng trưởng GDP, càng không nên chú trọng đặt mục tiêu tăng trưởng cao (theo kiểu bám sát hoặc vượt “giới hạn tiềm năng”).

Việc xác định chỉ tiêu tăng trưởng GDP, cho dù chỉ là chỉ tiêu định hướng, cần tuân thủ nguyên tắc: cần ưu tiên phân bổ các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính – ngân sách, cho các nhiệm vụ tái cơ cấu và ổn định kinh tế vĩ mô trước khi xác định mục tiêu tăng trưởng GDP.

Theo logic đó, xin mạnh dạn nêu dự báo – và cũng đề xuất mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 (có thể và nên chỉ đặt) ở mức 3-4%.

Dường như bức tranh kinh tế 2013, với những đường nét vẽ ở trên, chưa có gì khởi sắc. Nhưng đó chỉ là bức tranh dựa trên những giả định “cứng” về các điều kiện “vật thể” – cả trong nước lẫn quốc tế - của quá trình tăng trưởng.

Nhưng bức tranh đó còn chừa lại một không gian cho sắc hồng: năm 2013 nếu được chọn là năm cho những hành động tái cơ cấu thực sự, mạnh mẽ và bài bản thì sự “tĩnh lặng”, thậm chí kể cả xu hướng “đi xuống”, của tốc độ tăng trưởng GDP vẫn báo hiệu một sự thay đổi có tính bước ngoặt theo hướng đi lên mạnh mẽ của nền kinh tế. Nếu điều đó xẩy ra – và có cơ sở để tin như vậy – thì triển vọng tạo một sự đột phá chiến lược sẽ trở thành hiện thực.

(Trích báo cáo cùng tên do Nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế Việt Nam PGS.TS. Trần Đình Thiên, Bùi Trinh, Phạm Sỹ An, Nguyễn Việt Phong thực hiện; các tiêu đề đã được đánh số lại)

---

1 Cách làm này dẫn tới chỗ các nhà hoạch định chính sách lẫn các chuyên gia kinh tế thường bị lôi vào cuộc tranh luận bất tận về mức độ tăng giảm GDP, chi li đến 0,1-0,2 điểm %, thực sự không có nhiều ý nghĩa

2 Mức độ nhạy cảm cao của nền kinh tế bắt nguồn từ tình trạng yếu kém kéo dài cũng đang được ghi nhận tại thời điểm hiện nay: sự “đảo chiều” của CPI trong tháng 8 và tăng vọt trong tháng 9 (2,2%). Ngoài một vài nguyên nhân thời vụ (giá cả một số mặt hàng tăng do bước vào năm học mới), sự “đảo chiều” mạnh như vậy được nhìn nhận chủ yếu do năng lực hấp thụ vốn quá yếu của nền kinh tế, làm lạm phát trở lại nhanh khi chỉ mới có sự thay đổi chưa đáng kể trong cung tín dụng (8 tháng tín dụng mới tăng 1,4%, trong đó, có 6 tháng đầu tín dụng tăng trưởng “âm”).

3 Tại cuộc họp Chính phủ tháng 8 vừa qua, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,3-5,5%. Nhưng nhiều tổ chức và nhà nghiên cứu cho rằng mức tăng trưởng GDP năm nay 5,1-5,3% là khả thi hơn. Hẳn chúng ta còn nhớ cuộc thảo luận sôi nổi tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa qua về mục tiêu tăng trưởng năm 2012. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Chính phủ “xin” Quốc hội cho hạ chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ mức 6,0-6,5% (đã được Quốc hội thông qua cuối năm 2011) xuống mức 5,5-5,7% với nhiều luận cứ thuyết phục. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được chấp thuận.

4 Giá trị kim ngạch nhập khẩu của nước ta tương đương 85-90% GDP. Trong cơ cấu nhập khẩu, có đến khoảng 90% là nhập khẩu đầu vào sản xuất.

5 Cách báo cáo kế hoạch theo từng 6 tháng và từng năm với lập luận chủ đạo “thành tích quý sau cao hơn quý trước” tạo cơ sở cho việc dễ dàng che lấp và biện minh cho thực tế yếu kém về chất lượng và hiệu quả - là những thứ chỉ được nhận diện đầy đủ qua dài hạn. Tệ hại hơn, như lập luận ở phần đầu công trình này chỉ ra, cách ứng xử đó còn giúp che lấp thực tế “năm sau đang xấu hơn năm trước”, gây ra ảo tưởng nguy hiểm về thực trạng và thực lực quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét