Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Chính phủ đề xuất tăng lương thêm 100.000 đồng

Hứa, định không thực hiện. Trước áp lực khắp nơi, lại tính đến phương án khôi hài. Lại còn dự kiến phát hành 55.000 - 60.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2013... Muốn tăng lương mà vẫn muốn ôm đồm mọi thứ bằng nguồn vốn ngân sách thì không bao giờ giải quyết được chuyện này.


Sau khi tính toán lại các khoản chi, Bộ Tài chính dự kiến bố trí được khoảng 20.700 tỷ đồng để tăng lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng hiện nay lên 1,15 triệu đồng vào năm 2013.
Bộ trưởng Kế hoạch: 'Muốn tăng lương, phải giảm đầu tư'
Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ lộ trình tăng lương
Phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trước Quốc hội sáng nay mang lại thông điệp mới về điều chỉnh lương tối thiểu, sau khi Chính phủ nhiều lần xin lùi lộ trình vì không bố trí đủ 60.000 tỷ đồng cho năm 2013. Bộ trưởng cho biết sau khi tính toán lại cân đối ngân sách, chủ động cắt giảm các khoản chi, trong đó có chi đầu tư, Chính phủ quyết định vẫn giữ lộ trình tăng lương trong năm 2013. Tuy nhiên mức tăng sẽ thấp hơn so với dự kiến trước đó.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết bản thân cũng muốn tăng lương. Ảnh: Hoàng Hà

Cụ thể, lương tối thiểu của khoảng 8,3 triệu người lao động, người hưởng lương hưu, các đối tượng chính sách… sẽ được điều chỉnh tăng thêm khoảng 100.000 đồng so với mức 1,05 triệu đồng hiện nay. Thời điểm áp dụng kể từ 1/7/2013. Như vậy, theo tính toán của Bộ Tài chính, để có nguồn thực hiện tăng lương trong 6 tháng cuối năm 2013, ngân sách sẽ cần thêm 20.700 tỷ đồng, trong đó trung ương cần 18.400 tỷ, địa phương cần 3.300 tỷ đồng. “Do các khoản dự toán thu đã ở mức rất cao nên Chính phủ sẽ phải cơ cấu lại chi”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết.

Cụ thể, chi đầu tư công sẽ giảm 10.000 tỷ đồng, xuống còn khoảng 170.000 tỷ, nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn bội chi ngân sách. Chính phủ cũng dự kiến đề nghị phát hành 55.000 - 60.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong năm 2013, nhưng vẫn đảm bảo đúng kế hoạch phát hành cho cả giai đoạn 2012 - 2015. Ngoài ra, ngân sách trung ương cũng sẽ phải tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn.

“Đây là phương án tích cực và khả quan nhất mà ngân sách có thể cân đối được. Chính phủ hiểu rằng việc điều chỉnh này là mong muốn của tất cả các đối tượng hưởng lương, trong đó có cả cá nhân tôi”, người đứng đầu ngành tài chính chia sẻ.

Theo đúng lộ trình đã duyệt, lương tối thiểu của công chức và lao động trong các doanh nghiệp nhà nước sẽ tăng lên 1,3 triệu đồng từ 1/5/2013. Bộ Tài chính tính toán, để thực hiện điều này, Chính phủ sẽ phải bố trí nguồn thêm khoảng 60.000 - 65.000 tỷ đồng. “Việc này vượt quá khả năng cân đối của ngân sách”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết.

Trong phần phát biểu tại Quốc hội chiều 30/10, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận để tạo nguồn tăng lương, Chính phủ nhiều khả năng sẽ phải cắt giảm đầu tư công trong năm 2013.

Chính phủ lần đầu tiên trình bày khả năng lùi tăng lương là vào phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày 16/10 và chính thức đưa vào báo cáo tại đầu kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII (khai mạc 22/10).

Cũng trong phần phát biểu trước Quốc hội sáng 31/10, người đứng đầu ngành tài chính cũng dành thời gian để trao đổi xung quanh một số vấn đề được đại biểu quan tâm như gánh nặng thuế khóa đối với người dân - doanh nghiệp, quản lý giá và hàng tạm nhập tái xuất.

Trước nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ thu thuế hiện quá cao, đặt gánh nặng lên nền kinh tế, Bộ trưởng Tài chính cho rằng nhận định này là không chính xác, bởi khái niệm ngân sách ở Việt Nam, ngoài tiền thuế, còn nhiều khoản khác như thu từ đất, dầu thô, viện trợ… vốn ít được tính tới ở các nước khác.

Cụ thể, trong giai đoạn 2006 - 2010, thu ngân sách so với GDP là 24,9%, trong đó ngân sách trung ương là 17,9%. Nếu trừ các khoản thu từ đầu thì tỷ lệ này còn lại 19,2%, trong đó trung ương là 12,2 %. “Nếu tính theo đúng như các nước thì tỷ lệ động viên ở Việt Nam hiện chỉ khoảng 13,4%, ở mức trung bình thấp so với khu vực”, Bộ trưởng Huệ so sánh. Tuy vậy, người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết thêm, theo chiến lược cải cách thuế đến 2020, tỷ lệ động viên này cũng sẽ giảm dần.

Riêng với vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, Bộ trưởng cho biết đây là sắc thuế thông thường ở nhiều quốc gia, do đây là mặt hàng không tái tạo, không khuyến khích sử dụng. Ở Việt Nam cũng mới chỉ áp dụng đối với xăng, đồng thời mức thu (0,1 USD một lít) cũng thấp hơn khá nhiều so với mức 0,4 - 0,75 USD một lít của các nước trong khu vực.

Đối với một khoản thu khác đang gây xôn xao dư luận trong những ngày qua là phí sử dụng đường bộ, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết đây là khoản phí lẽ ra được áp dụng từ ngày 1/7/2012. Tuy nhiên, do các chính sách giãn giảm thuế, thời hạn này được lùi 6 tháng và dự kiến sẽ áp dụng từ 1/1/2013, sau khi cơ quan quản lý hoàn thành thông tư hướng dẫn.

“Khi thực hiện thu phí sử dụng đường bộ, sẽ tiến hành xóa bỏ tất cả các trạm thu phí thuộc ngân sách Nhà nước hiện nay. Các trạm đã chuyển giao cho nhà đầu tư theo hình thức BOT cũng sẽ kết thúc hoạt động khi hết hợp đồng”, Bộ trưởng cho biết.

Về vấn đề quản lý giá, đặc biệt là giá xăng dầu, người đứng đầu ngành tài chính chia sẻ với các ý kiến cho rằng giá bán lẻ trong nước hiện lên xuống không nhịp nhàng so với thế giới: “Tăng thì tăng nhanh, giảm thì giảm chậm”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng vấn đề này chỉ đúng về mặt hiện tượng, còn bản chất phụ thuộc vào việc điều hành giá trong khuôn khổ Nghị định 84.

Ông Huệ cũng thừa nhận những bất cập của Nghị định này, đồng thời cho biết văn bản đang trong quá trình được Bộ Công Thương và Tài chính sửa đổi. Bộ trưởng cũng cho biết trong năm 2011 và 2012, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán đối với quỹ bình ổn giá và Tập đoàn xăng dầu (Petrolimex). Ông cũng đồng tình với nhiều ý kiến của đại biểu, đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế thực hiện giám sát toàn diện công tác điều hành giá xăng dầu để phát hiện những bất cập, qua đó tiến hành chỉnh sửa quy định của pháp luật.

Nhật Minh

Tăng 100.000đ !?
Tăng 100.000đ không đủ bù trượt giá của nhu cầu cuộc sống tối thiểu nói chi những chuyện khác.Yêu cầu tái cơ cấu lại bộ máy, giảm nhân lực , giảm bớt biên chế thì lộ trình tăng lương sẽ thoáng hơn rất nhiều, nếu như cứ khư khư mang bộ máy công kềnh thì chuyện tăng lương để đáp ứng được nhu cầu cuộc sống còn quá xa vời .
Tốt nhất ko nên tăng lương ...
Lương tăng lên 1, Điện + nước + xăng + thực phẩm + dịch vụ + y tế tăng lên gấp mấy lần vậy tốt nhất chúng ta ko nên tăng lương mà giữ nguyên như củ và các dịch vụ kia cũng giữ nguyên thì tốt hơn ...
Chỉ cần tiết kiệm một chút thì sẽ có tiền tăng lương
Mức lương hiện nay quá thấp so với mặt bằng giá. Chuyện tăng lương không thể lùi lại. Tôi không hiểu tại sao khi nói đế chuyện tăng lương thì không thể có nguồn trong khi đó dự án xây trụ sở làm việc mấy chục ngàn tỷ, xây nhà bảo tàng 11 ngàn tỷ... và rất nhiều dự án khác có thể đề xuất một cách dễ dàng??? Chi phí công vẫn còn có thể giảm được để cho việc tăng lương !!! Tôi không tin là ta không có nguồn. Vấn đề quan trọng là có dám mạnh dạn cắt một số hạng mục chưa cần thiết không??? Nhiều hạng mục chưa cấp bách nên cắt bỏ để có nguồn tăng lương.
Không tăng thêm là bao
Công chức mới đi làm (mức cũ): 2,34 x 1.050.000 đ =
Công chức mới đi làm (mức mới): 2,34 x 1.150.000 đ = Vẫn vậy
Tăng lương
Nghĩ sao mà tăng 100.000 đồng trong khi vật giá đã đi tới đâu rồi. Nếu thế thì không cần tăng lương cũng được, vì như vậy người lao động vẫn nghèo.
Giảm bớt số lượng công chức để tăng lương
Một giải pháp sao không thấy đề cập là Giảm biên chế bớt số lượng công chức thừa, làm việc kém là có tiền để tăng lương ngay. Các doanh nghiệp đang chết, đang phải sa thải bớt người. Trong đó khối công chức thì không thấy giảm, chỉ đòi tăng lương ???
Tăng vậy thà không tăng còn hơn
Với mức tăng lương như vậy, thà không tăng còn hơn. Chính phủ nên cố gắng giảm lạm phát, để các mặt hàng tiêu dùng không tăng giá hoặc tốt hơn nữa là giảm giá thì người dân đã hạnh phúc lắm rồi. Tăng được 100.000 rồi giá cả lại leo thang ầm ầm lên thì cũng chỉ khổ người dân thôi.
Xin đừng tăng lương
Không hiểu sao Bộ trưởng lại nghĩ là tăng lương tối thiểu thêm 100.000đ, không biết tăng thế thì giải quyết gì cho người dân, thà đừng tăng lương mà Nhà nước hãy kiểm soát giá cả cho dân nhờ.
Lại tăng à?
Lại tăng lương, kéo theo tăng giá và bảo hiểm XH tăng. Chỉ nhóm người hưởng lương ngân sách là mong thôi chứ các doanh nghiệp thấy nói tăng là hết hồn. Trong lúc kiếm không ra, chi trả lương cơ bản đã khó nay cứ phải đóng BH thêm.
Xem lại!!!!
"Muối bỏ bể"
Mong chính phủ kiềm chế lạm phát
Việc tăng lương không quan trọng bằng kìm chế lạm phát. Lương tăng thêm 100,000 còn giá cả sinh hoạt tăng gấp 3, 4 lần. Đi chợ ai cũng viện cớ lương tăng để tăng giá bán hàng hoá ...
Tăng cũng như không
Tăng như thế cũng không cải thiện được đời sống CBCC, mang tính hình thức như thế chỉ làm giá cả các mặt hàng tăng lên mà thôi, thà giữ nguyên không tăng ổn định giá các mặt hàng còn hơn tăng như thế giá cả leo thang đời sống CBCC còn chật vật hơn. Mong các bác tính toán lại hợp lý hơn.
Không hợp lý
Có những cái cần giảm, cần bỏ sao ko xem lại mà cứ để người lao động chịu vậy? Thử xem 100.000đ một tháng làm được những gì khi mà giá cả cứ tăng liên tục như vậy!
Đúng người đúng việc thì mới đúng lương bổng
Vẫn ngân sách như hiện nay, tổ chức lại công việc cho hợp lý, sử dụng người cho đúng, thì nhân sự nhà nước chỉ cần đến một phần mười như hiện nay là quá đủ, lương sẽ tăng gấp 10 lần, mọi việc sẽ đâu vào đó. Còn vẫn tổ chức công việc và dùng người như bây giờ thì đừng tăng lương làm gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét