Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Lào ra sức cân bằng quan hệ với Việt Nam và Trung Quốc



Nhân sự kiện Lào trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhật báo Le Monde có bài ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế nước này với dòng tựa : « Lào : nước mới trỗi dậy của vùng Viễn Đông ».

Tờ báo nhắc lại, hồi Đại hội 9 của Đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào tháng 3 năm ngoái, tổng bí thư-chủ tịch nước Choummaly Sayasone đã tuyên bố những điểm ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế Lào như sau : Đảm bảo tăng trưởng 8%/năm, phấn đấu từ đây đến năm 2015 giảm tỷ lệ nghèo xuống còn 10%, cố gắng đạt chỉ tiêu 100% trẻ em được đến trường. Những lời hứa này đã được thực hiện với những biện pháp cải cách kinh tế và cải cách hành chính.

Kết quả đạt được thật khả quan : dự kiến tăng trưởng GDP của Lào năm nay sẽ đạt 8,3%, tức cao nhất vùng Đông Nam Á. Chưa hết, năm 2001 thu nhập bình quân đầu người của Lào chỉ có 300 đô la, nhưng năm 2011 con số này đã lên đến 1 200 đô la. Chính phủ Lào đang đặt chỉ tiêu đạt 1 700 đô la trong ba năm tới. Lào hiện đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ được lọt vào danh sách các nước có thu nhập trung bình.

Còn trong quan hệ ngoại giao, Le Monde cho biết, Lào đang ra sức phát triển quan hệ với cả Trung Quốc và Việt Nam. Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nước đầu tư lớn nhất tại Lào.
Nhà cầm quyền Lào đã giao nhiều diện tích đất đai của nhà nước cho các công ty Trung Quốc để trồng cao su và phát triển các dự án nông lâm nghiệp khác. Trong khi đó, Việt Nam lại là đồng minh lâu đời của Lào. Le Monde nhắc lại, hồi chiến tranh với Mỹ, quân đội Việt Nam đã đào tạo sĩ quan cho Lào và đã giúp những người cộng sản Lào chiến thắng hồi ngày 2/12/1975.
Le Monde cũng nói thêm, Trung Quốc vốn là đối thủ cạnh trạnh của Việt Nam tại Lào. Hiện tại, Trung Quốc muốn sử dụng Lào làm trụ chính trong việc xây dựng tuyến đường nối miền tây nam Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á.

Kinh tế thị trường ngày càng khẳng định vị trí

Theo báo Le Figaro, «Kinh tế thị trường đang thắng thế ». Trước tiên tờ báo đề cập đến trường hợp của Lào. Kinh tế Lào đáng phát triển nhanh, dự kiến năm nay sẽ đạt chỉ số tăng GDP cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nam cũng đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đây là thành quả của quá trình mở cửa kinh tế của Lào.

Còn tại Miến Điện, quá trình mở cửa hướng về kinh tế thị trường cũng đã được thế giới ghi nhận. Nhìn về Cuba, nước này cũng ngày càngcó động thái mở cửa kinh tế. Tuần rồi chính phủ Cuba còn nới lỏng thêm quyền xuất cảnh của người dân. Le Figaro cũng ghi nhận sự hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam từ mấy thập niên nay.

Tuy nhiên, theo tờ báo, hiện trong khu vực vẫn còn một nước « chưa chịu giang tay » chấp nhận nền kinh tế thị trường, đó là Bắc Triều Tiên. Tờ báo nhận định, thời đại Kim Jong-un cũng sẽ giống như thời Kim Jong-il là « bí ẩn » và « khi nóng khi lạnh ». « Nóng » tức là có thái độ nồng ấm với bên ngoài khi cần sự giúp đỡ lương thực của quốc tế, « lạnh » tức tỏ ra lạnh lùng với bên ngoài khi đề cập đến chủ đề vũ khí nguyên tử chẳng hạn.

Thế nhưng, trong xu hướng hội nhập kinh tế thế giới hiện tại, Le Figaro đặt câu hỏi : liệu chính quyền Bắc Triều Tiên có thể đóng cửa được bao lâu nữa ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét