Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Đến lúc không “soi” chỉ tiêu mà nhìn… chất lượng



“Một mặt chúng ta cố đẩy tăng trưởng lên mà không quan tâm chất lượng tăng trưởng, mặt khác lại yêu cầu kiểm soát lạm phát cũng rất nặng nề, nếu cố quá sức có khi lại “xôi hỏng bỏng không”. Nếu tăng trưởng cao mà là tăng ảo bằng việc bơm vốn vào các công trình để lấy kết quả mà không có hiệu quả thì nền kinh tế sẽ mất nhiều hơn được”, TS. Cao Sỹ Kiêm bình luận.

Nhìn năng lực để đưa ra chỉ tiêu
Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận, năm 2012, nhìn chung Chính phủ đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, nhưng do còn 5 trên 15 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch nên khó khăn của nền kinh tế vẫn còn lớn, hạn chế, yếu kém còn nhiều. Trong đó chỉ tiêu tăng trưởng GDP thấp hơn kế hoạch, chỉ tiêu tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP không đạt (29,5% so với 33,5%) kéo theo hai chỉ tiêu giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt thấp. Chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng cũng không đạt kế hoạch do có sự điều chỉnh số liệu gốc so sánh năm 2011.

Chính phủ cũng cho rằng, nhiệm vụ còn lại của những tháng cuối năm là rất nặng nề. Để đạt được mục tiêu tăng GDP cả năm ở mức 5,2% thì quý IV phải đạt mức tăng 6,5%. Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại, tích cực chuẩn bị các điều kiện cho tăng trưởng cao hơn trong năm 2013.


Sản xuất kinh doanh gặp khó khăn là nguyên nhân kéo GDP tăng trưởng thấp. (Ảnh: Hoàng Giáp)
Nhìn đúng năng lực của nền kinh tế hiện nay, TS. Cao Sỹ Kiêm – thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ ở mức 5,2% là phù hợp với tình hình xuất khẩu, đầu tư. “Một mặt chúng ta cố đẩy tăng trưởng lên mà không quan tâm chất lượng tăng trưởng, mặt khác lại yêu cầu kiểm soát lạm phát cũng rất nặng nề, nếu cố quá sức có khi lại “xôi hỏng bỏng không”. Nếu tăng trưởng cao mà là tăng ảo bằng việc bơm vốn vào các công trình để lấy kết quả mà không có hiệu quả thì nền kinh tế sẽ mất nhiều hơn được”, TS. Cao Sỹ Kiêm bình luận.

Niềm tin xen nỗi lo
Tại phiên thảo luận tại tổ ngày 24/10, các đại biểu tập trung phân tích kỹ tình hình kinh tế - xã hội. Về điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2012, TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chỉ rõ, đó là tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối khá tốt. Thị trường tiền tệ tuy còn khó khăn song vẫn duy trì lãi suất phù hợp, thanh khoản của ngân hàng khá tốt, và Việt Nam là một trong ít nước trên thế giới có tăng trưởng xuất khẩu cao (xuất khẩu tăng 18,9%, đạt 83,79 tỷ USD – PV).
Đồng quan điểm, TS. Trần Hoàng Ngân - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2012 là cán cân thương mại đã được cải thiện, khả năng cả năm chỉ nhập siêu 1 tỷ USD. Điều này đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể với thặng dư trên 3 tỷ USD. “Dự trữ ngoại hối tăng giúp nền kinh tế có thêm sức đề kháng để lo tập trung giải quyết nợ xấu. Điểm nữa là tỷ giá lâu nay giống con ngựa bất kham, nhưng hiện nay đang kiểm soát tốt”, ông Ngân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng lưu ý, tâm lý và niềm tin của thị trường chưa bền vững, khó khăn có thể kéo dài sang năm tới. Tình trạng lạm phát giảm, nhập siêu giảm nhưng lại cho thấy những dấu hiệu lo ngại về sự trì trệ của nền kinh tế; thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng dư thừa nhưng doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay; tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt sự thống nhất cao, nhưng việc thực hiện trên thực tế đến nay chưa mang lại kết quả rõ nét.
Nhiều ý kiến nhận định, việc lạm phát hạ nhanh hơn mức dự kiến, thể hiện qua chỉ số CPI tăng thấp (tháng 3 tăng 0,16%, tháng 4 tăng 0,05% và tháng 5 thêm 0,18%, sau đó trong tháng 6 âm 0,26% và tháng 7 âm 0,29%), cùng với việc nhập siêu giảm mạnh liên tục và xuất siêu trong 9 tháng cho thấy tổng cầu của nền kinh tế đang suy giảm mạnh; hai nút thắt của nền kinh tế là nợ xấu và hàng hóa tồn kho đang làm tắc nghẽn quá trình chu chuyển nguồn lực quốc gia. Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước 9 tháng chỉ đạt 67,3% dự toán, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây; khả năng thu những tháng còn lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Năm 2013: Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược
Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2013 là tạo dựng được nền tảng ổn định vĩ mô vững chắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế, theo hướng tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng hợp lý là bao nhiêu, lạm phát kiểm soát, nhập siêu mức nào vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, một số ý kiến đề nghị tăng trưởng kinh tế chỉ phấn đấu ở khoảng 4%-5%; có ý kiến đề nghị khoảng 4%-4,5%, cũng có ý kiến đề nghị khoảng 6%. Về chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, một số ý kiến đề nghị cần ưu tiên kiểm soát tăng dưới 5%, dưới 6%; cũng có ý kiến cho rằng chỉ số giá tiêu dùng không thể tăng thấp hơn năm 2012, đề nghị kiểm soát ở mức 1 con số như chỉ tiêu đề ra năm 2012. Đối với chỉ tiêu nhập siêu dự kiến khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương với 9,9 tỷ USD.
Về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, từ năm 2008 đến giờ, chúng ta loay hoay xử lý bất ổn nhưng chậm lồng ghép căn cơ cả trung và dài hạn để thay đổi “chất” kinh tế. “Chưa bao giờ tôi thấy các định chế tài chính quốc tế thay đổi dự báo hàng tuần và thật sự trong nước cũng không có tài cán gì hơn để dự báo. Do đó không thể nói mỗi năm tăng trưởng bao nhiêu thì cuối năm phải chừng đó. Quan điểm của tôi là cần nhìn lại 3 năm còn lại của kế hoạch 5 năm (2011-2015), đánh giá lại và có chương trình tổng thể hơn cho 3 năm để tăng chất lượng”.
Theo TS. Trần Du Lịch, chúng ta cũng nhắc nhiều đến hiệu quả đầu tư của Việt Nam cực thấp. Nếu khai thác tốt hạ tầng, đầu tư hiệu quả, GDP có thể đạt 7%. Để giải quyết hàng tồn kho, TS. Vũ Viết Ngoạn cho rằng, cần phải kích cầu thị trường thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ để xây dựng các công trình quan trọng, bởi ngành xây dựng đóng góp nhiều cho GDP, góp phần tiêu thụ hàng tồn kho cho DN sản xuất vật liệu xây dựng. Cùng với đó là khẩn trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đi liền với giải quyết nợ xấu; tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DN.
Chí Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét