Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Từ chức: Phải có người làm gương?

Hy vọng ai làm gương đây ?


(GD&TĐ) - Nói đến từ chức thì phổ biến nhiều nhất phải là ở các nước trên thể giới, chỉ vì một câu nói hớ, hay đạo văn, điều hành kém thì những cá nhân lãnh đạo đều sẵn sàng từ chức và được xem là chuyện bình thường một khi mà sự tín nhiệm của cử tri không còn, uy tín giảm sút. Họ lựa chọn từ chức hay đợi cách chức là sự lựa chọn sáng suốt, có tính toán kỹ lưỡng trong hoạt động chính trị của mình.
Từ chức xét ở góc độ trách nhiệm, có thể nguyên nhân lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong bộ, ngành và địa phương đã để xảy ra những vi phạm, tiêu cực; hay không có năng lực lãnh đạo, sức khỏe không đảm bảo hoặc uy tín giảm sút do đời sống, sinh hoạt của cá nhân không lành mạnh...thì họ sẽ mạnh dạn từ chức để nhường cho những cá nhân khác lãnh đạo một bộ, ngành hay địa phương nhất định.
Việc từ chức đó là ý thức của cá nhân lãnh đạo tự xét mình không đủ khả năng tiếp tục lãnh đạo, đó là ý thức của một người lãnh đạo chân chính, dám làm, dám chịu, dám lãnh trách nhiệm cá nhân, chủ động từ chức khi cấp trên xét thấy chưa cần thiết hoặc không đề cập đến chuyện cách chức.

Ảnh minh họa/Internet
Ảnh minh họa/Internet
Có nhiều trường hợp người lãnh đạo trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có vi phạm, tiêu cực sớm muộn thế nào cũng bị cấp trên cách chức thì chẳng thà từ chức trước khi bị cách chức sẽ bảo toàn được chút uy tín để chuyển công tác nhằm đề bạt vào các chức vụ khác. Nhưng dù từ chức xuất pháp từ mục đích gì đi nữa thì chuyện từ chức đều xuất phát từ ý thức của cá nhân.
Vậy vấn đề đặt ra, một khi đã là ý thức, liệu có văn bản nào điều chỉnh vấn đề này được hay không? Có lẽ không cần thiết phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, vì ở đây cần thiết phải thay đổi nhận thức cá nhân, khi chuyển biến nhận thức thì từ chức cũng là chuyện thường tình. Việc không hoàn thành nhiệm vụ hay quản lý yếu kém xảy ra tiêu cực thì chuyện từ chức nó là đương nhiên.
Từ chức có nhiều mặt tích cực như: Củng cố uy tín nhân dân vào Đảng và Nhà nước; làm trong sạch bộ máy; nâng cao năng lực quản lý của bộ, ngành, cơ quan, đơn vị. Cũng như câu chuyện trật tự an toàn giao thông, mặc dù có quy phạm điều chỉnh rất nhiều nhưng một khi ý thức người dân chưa chuyển biến cũng khó lòng hạn chế được hành vi vi phạm pháp luật giao thông.
Từ chức cũng vậy, cần phải thể hiện tính gương mẫu, làm gương của cấp trên đối với cấp dưới thì mới có thể thực hiện được và đương nhiên khi đó việc từ chức là chuyện bình thường. Một vần đề đặt ra là xuất phát từ chuyện từ chức thì việc bố trí quản lý cán bộ từ chức như thế nào? Có thể chuyển công tác sang cơ quan khác; hoặc khi từ chức xuống làm nhân viên cũng trong một cơ quan đó hay về nghỉ hưu, mặc dù chưa đến tuổi. Vấn đề này thì cũng cần phải bàn thận trọng và cần thiết phải có văn bản pháp luật điều chỉnh về trường hợp bố trí, sắp xếp công tác cán bộ sau khi từ chức.
Thiết nghĩ, việc từ chức cần được xem là chuyện đương nhiên trong lộ trình cải cách hành chính trong thời gian tới, đặc biệt là cải cách nền công vụ ở nước ta. Nhưng để mạnh dạn từ chức trước hết cần phải có người làm gương; ý thức trách nhiệm đối với nhà nước và nhân dân của bản thân những người đứng đầu bộ, ngành và địa phương là yếu tố quyết định.
Riêng việc bố trí, sắp xếp, cán bộ sau khi từ chức thì vấn đề cần nghiên cứu và cần thiết phải có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vừa có tình, vừa có lý để động viên, khuyến khích việc từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ, có hành vi tiêu cực hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra các hành vi tiêu cực của những cá nhân lãnh đạo, đứng đầu cơ quan đơn vị ở nước ta hiện nay.
Đỗ Văn Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét