Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Giữ tiền đồng lời gấp 3 lần USD


Chênh lệch giá mua bán ngoại tệ không còn lớn, lãi suất ngoại tệ không còn hấp dẫn, không chỉ tổ chức kinh tế, người dân nắm giữ ngoại tệ cũng lập tức bán ra để lấy tiền đồng gửi tiết kiệm có lợi hơn. Điều này khẳng định những chính sách điều hành vừa qua của NHNN đã và đang phát huy tác dụng tích cực.

Tỷ giá được duy trì ổn định suốt từ đầu năm đến nay. Theo đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn neo được chặt ở mức 20.828 đồng/USD. Trong khi tỷ giá mua bán của các ngân hàng tuy có đôi lúc biến động, song rất nhỏ.

Theo số liệu của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, 9 tháng đầu năm nay tỷ giá mua và bán ngoại tệ của các NHTM trên địa bàn giảm 0,79%, trong khi tỷ giá thị trường tự do giảm 1,7% so với cuối năm 2011. Một trong những yếu tố làm tỷ giá ổn định là do chênh lệch lãi suất giữa VND và USD được duy trì ở mức khá cao tạo lợi thế cho việc nắm giữ VND.

Ảnh minh họa

Giả dụ đầu năm 2012 người dân phải bỏ hơn 2,08 tỷ đồng để mua 100.000 USD mang gửi tiết kiệm ngoại tệ cá nhân trong ngân hàng sau một năm thu lãi được 2.000 USD (tương đương với gần 40 triệu đồng). Trường hợp quy đổi 100.000 USD đầu năm nay ra được khoảng hơn 2 tỷ đồng, gửi tiết kiệm với lãi suất tiền đồng lợi tức thu về sau 12 tháng vào khoảng trên 140 triệu đồng. Như vậy lãi suất tiết kiệm tiền đồng trong một năm qua cao gấp 3,6 lần so với lãi suất tiết kiệm ngoại tệ. Sự chênh lệch về lãi suất giữa VND/USD đã kích thích người nắm giữ ngoại tệ bán ra gửi tiết kiệm tiền đồng rất nhiều trong các ngân hàng.
Điển hình như TP. Hồ Chí Minh, theo số liệu 9 tháng đầu năm 2012 của NHNN, tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ từ dân cư giảm 14% so với cuối năm 2011, trong khi tiền gửi tiết kiệm tiền đồng từ dân cư tăng đến 28,4% so với cuối năm 2011.

Khi tỷ giá ổn định, đã kéo DN trở lại ngân hàng giao dịch, thay vì chạy đôn chạy đáo ra thị trường chợ đen để mua ngoại tệ. Không như những năm trước cung cầu luôn “rượt đuổi” nhau, là cơ hội cho giới đầu cơ làm giá lũng đoạn thị trường. Tỷ giá ổn định, DN thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu về bán ngay cho ngân hàng vì không kỳ vọng tỷ giá tăng và lãi suất ngoại tệ trên tài khoản về mức thấp nhất (0,5%/năm).

Bên cạnh đó, việc siết chặt tín dụng ngoại tệ trong khi lãi vay tiền đồng giảm 4-5% trong năm 2012 đã kéo chênh lệch lãi vay giữa tiền đồng và ngoại tệ xích lại gần nhau. Điều này thể hiện rõ nhất trên doanh số mua bán ngoại tệ trong các ngân hàng và con số dư nợ tính đến thời điểm tháng 9/2012.

Chẳng hạn, 9 tháng đầu năm 2012 tổng doanh số mua ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đạt 22,206 tỷ USD, bằng 54% so năm 2011, tổng doanh số bán ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn đạt 27,936 tỷ USD, bằng 72% so với cuối năm 2011. Trong khi đó theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm dư nợ cho vay vốn bằng ngoại tệ giảm 3,95% so với cuối năm 2011.

Chênh lệch giá mua bán ngoại tệ không còn lớn, lãi suất ngoại tệ không còn hấp dẫn, không chỉ tổ chức kinh tế, người dân nắm giữ ngoại tệ cũng lập tức bán ra để lấy tiền đồng gửi tiết kiệm có lợi hơn. Điều này khẳng định những chính sách điều hành vừa qua của NHNN đã và đang phát huy tác dụng tích cực, đặc biệt kỷ cương thị trường ngoại tệ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc điều hành tỷ giá. Kỷ cương trên thị trường ngoại tệ đã làm vắng bóng nạn đầu cơ ngoại tệ và nhập lậu vàng gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Ngay cả khi sự cố ACB cuối tháng 8/2012 tác nhân có thể xảy ra biến động mạnh lên tỷ giá, nhưng thị trường ngoại hối vẫn đứng vững.

Phạm Hà Nguyên

5 nhận xét:

  1. "...Giả dụ đầu năm 2012 người dân phải bỏ hơn 2,08 tỷ đồng để mua 100.000 USD mang gửi tiết kiệm ngoại tệ cá nhân trong ngân hàng sau một năm thu lãi được 2.000 USD (tương đương với gần 40 triệu đồng). Trường hợp quy đổi 100.000 USD đầu năm nay ra được khoảng hơn 2 tỷ đồng, gửi tiết kiệm với lãi suất tiền đồng lợi tức thu về sau 12 tháng vào khoảng trên 140 triệu đồng. Như vậy lãi suất tiết kiệm tiền đồng trong một năm qua cao gấp 3,6 lần so với lãi suất tiết kiệm ngoại tệ. Sự chênh lệch về lãi suất giữa VND/USD đã kích thích người nắm giữ ngoại tệ bán ra gửi tiết kiệm tiền đồng rất nhiều trong các ngân hàng..."

    Cái ông tác giả bài viết này hình như chưa học kinh tế bao giờ??? Đọc cái câu kết luận hết sức cảm tính theo kiểu A + B = C. Thế lạm phát ông bỏ đi đâu ??? Lạm phát ở Mỹ và VN như thế nào ???

    Trả lờiXóa
  2. Tác giả viết đúng đấy bạn MITTAIWAN. Lạm phát ở VN hay ở Mỹ không có vai trò gì trong tính toán này; chỉ có tỷ giá mới có vai trò. Tất nhiên, khi có lạm phát thì cả hai khoản đầu tư này đều giảm giá trị.

    Trong trường hợp tỷ giá không đổi, thì
    cùng một khoản tiền tương đương 100.000 USD, nếu gửi tiết kiệm bằng USD chỉ lãi 2.000 USD. Đầu kỳ là 100.000 USD = 2 tỷ; cuối kỳ có 102.000 USD, bán thu được 2,04 tỷ VNĐ (giả dụ tỷ giá vẫn là 20.000 VNĐ/USD).

    Nếu chuyển 100.000 USD thành 2 tỷ tiền Việt rồi gửi thì lãi tới 140 triệu đồng (lãi suất 7%). Đầu kỳ là 2 tỷ VNĐ = 100.000 USD; cuối kỳ có 2,14 tỷ VNĐ, nếu mua đô la sẽ được 107.000 USD.

    Như vậy khi tỷ giá ổn định, chênh lệch lãi suất là cho việc gửi tiết kiệm bằng VNĐ có lợi hơn, cả bằng tiền Việt lẫn quy đổi ra USD.

    Tuy nhiên, điều mọi người lo lắng nhất là tỷ giá không ổn định. Nếu trong năm, VNĐ bị phá giá tới 10%, ví dụ từ 20.000 VNĐ/USD xuống 22.000 VNĐ/USD thì trong trường hợp đầu, đầu kỳ là 100.000 USD = 2 tỷ; cuối kỳ có 102.000 USD, bán thu được 2,244 tỷ VNĐ (vì tỷ giá cuối kỳ là 22.000 VNĐ/USD).

    Trong trường hợp sau, đầu kỳ là 2 tỷ VNĐ = 100.000 USD; cuối kỳ có 2,14 tỷ VNĐ, thấp hơn 2.244 tỷ nêu trên. Nếu mua đô la sẽ được 2.140.000.000/22.000=97.300 USD, tức là tính theo tiền Việt thì có lãi nhưng tính theo đô la thì lỗ vốn.

    Cám ơn bạn đã quan tâm, theo dõi vấn đề này và viết nhận xét nhé.

    Trả lờiXóa
  3. Xin lỗi chú, cháu cũng công nhận Trường hợp 1 là tỷ giá giữa đồng VND/USD tăng với biên độ lớn (đồng VND mất giá nhanh và ở mức cao) dẫn đến việc gửi tiền USD rồi bán quy ra tiền VNĐ có lợi hơn, như ví dụ của chú là 2,244 tỷ VNĐ so với 2,140 tỷ VNĐ

    Tuy nhiên lãi ở trên chỉ lã lãi danh nghĩa, cháu chỉ đưa lại bài viết sau của anh Phan Minh Ngọc (1 người chú vẫn thường xuyên theo dõi bài viết qua blog) để chỉ ra rằng lạm phát thực chất có ảnh hưởng đến mức độ sinh lời khi gửi tiền dù cho tỷ giá ít biến động hoặc cố định)

    http://vietbao.vn/Kinh-te/Nguyen-nhan-dich-thuc-cua-bien-dong-ty-gia-va-lai-suat/20595685/90/

    Vấn đề thứ hai, hiện nay, gửi tiết kiệm bằng VND hay USD có lợi hơn? Câu trả lời cũng rất đơn giản và rõ ràng.

    Lãi suất danh nghĩa cho các loại kỳ hạn tiền gửi của VND luôn được duy trì cao hơn của USD chừng 3-4,5% ở các ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Dựa vào điều này, một số tác giả và kể cả các quan chức ngân hàng nhận định rằng gửi tiết kiệm bằng VND có lợi hơn vì lãi suất cao hơn.

    Đây cũng là một quan niệm hết sức sai lầm. Ví dụ, năm 2005 đem gửi 1.590.000 VND vào ngân hàng thương mại với lãi suất là 7%/năm (lãi suất giả định) thì sẽ được hưởng 111.300 VND tiền lãi vào năm 2006. Nếu đem 100 USD (tương đương 1.590.000 VND, với giả thiết tỷ giá là 15.900 VND/USD) gửi với lãi suất là 3%/năm (lãi suất giả định) thì sẽ chỉ được hưởng 3 USD tiền lãi, tương đương với 48.000 VND năm 2006 (với giả thiết tỷ giá là 16.000), đúng là thấp hơn nhiều so với gửi bằng VND.

    Tuy nhiên, cần chú ý là con số tiền lãi trên chỉ là lãi danh nghĩa, vì sau 1 năm, với lạm phát của Việt Nam là 8,23% và của Mỹ là 3,5%, thì số lãi thực thu được tính bằng VND chỉ còn 111.300 - 111.300*8,23% = 102.140 VND, và tính bằng USD là 3 - 3*3,5% = 2,89 USD. Tổng số vốn và lãi ròng thu được từ khoản tiết kiệm bằng VND sau một năm là: 1.590.00 - 1.590.000*8,23% + 102.140 = 1.561.583 VND.

    Con số tương ứng cho khoản đầu tư bằng USD là: 100 - 100*3,5% + 2.89 = 99.37 USD, hay tương đương với 99.39*16.000 = 1.589.920 VND, và tức là lớn hơn con số thu được nếu gửi bằng VND (lưu ý rằng tôi sử dụng mức tỷ giá giả thiết trong năm 2006 chỉ là 16.000, là mức khá thấp so với thực tế, để tiện bề so sánh). Bạn đọc có thể dựa vào cách tính này để tự kiểm chứng các mức thu ròng trong các khoản tiền gửi tiết kiệm của mình.

    Trả lờiXóa
  4. Bạn xem mình trả lời trong 2 bài dưới đây đăng trên Blog này nhé:
    (2) Nhận xét về 1 bài viết cũ của TS Phan Minh Ngọc
    (1) Nhận xét về 1 bài viết cũ của TS Phan Minh Ngọc

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa