Chứng cứ và đánh giá chứng cứ là vấn đề khó nhất trong hoạt động tố tụng.
Đánh giá chứng cứ để xác định sự thật của hành vi phạm tội đã khó, đánh giá chứng cứ để xác định hành vi đưa và nhận hối lộ lại càng khó hơn.
Ai cũng biết hối lộ không còn là hiện tượng cá biệt mà nó đã là vấn nạn. Ở đâu cũng thấy hối lộ, ai cũng biết nhưng để chỉ danh ai, cơ quan nào thì cả là một vấn đề. Trừ một số trường hợp “bắt tận tay day tận mặt”, còn nếu chỉ có đơn, thư tố cáo hay tin đồn thì có đúng mười mươi cũng khó có thể quy buộc.
Tội phạm về tham nhũng nói chung, tội đưa và nhận hối lộ nói riêng là loại tội phạm “ẩn”, loại tội phạm “cùng sướng” nên rất khó phát hiện: yêu cầu được thỏa mãn thì bên đưa hiếm khi đi tố giác bên nhận hối lộ. Ví dụ: Muốn được vào làm việc tại một chỗ “thơm”, người ta bỏ ra hàng trăm triệu đồng đút lót. Sau khi “ấm chỗ”, chẳng ai dại gì đi tố về khoản tiền đút lót kia. Nếu ai đó có xì xào, xôn xao… thì sẽ “ăn” một câu hỏi: “Chứng cứ đâu?”.
Chứng cứ là những gì có thật nhưng sự thật bị che lấp bởi rất nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; người tố giác nếu không đưa ra được bằng chứng thì bị coi là “vu khống”, không cẩn thận có thể bị vô tù. Người ta ngại, thậm chí không dám tố cáo. Còn người bị tố cáo chẳng dại gì thật thà nhận tội, thậm chí còn “phản pháo” yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố người tố cáo tội vu khống.
Thực tế, ở miền Tây có vị giám đốc sở bị tố nhận hối lộ gây xôn xao dư luận nhưng chỉ bị đề nghị xử lý về mặt Đảng và cách chức giám đốc. Còn người tố lại thì bị bắt về tội vu khống và dư luận không thể không băn khoăn, lo ngại: Nếu mọi trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được người bị tố cáo nhận hối lộ lại quay ra xử lý người tố cáo về tội vu khống thì chẳng ai dám tố cáo nữa!
Dù pháp luật quy định người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ nhưng thế nào là bị ép buộc thì chẳng thấy cơ quan có thẩm quyền nào giải thích. Thích thì nói là bị ép buộc, không thích thì bảo là tự nguyện.
Còn nữa, pháp luật quy định người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Vậy là người đưa hối lộ có được miễn trách nhiệm hình sự và có được trả lại của đã dùng để đưa hối lộ hay không lại do cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng quyết định. Bản thân quy định này đã tạo ra sự “tùy tiện” khi hành xử đối với người tố cáo. Trong cuộc sống, cực chẳng đã người ta mới phải “đút lót” để mưu cầu quyền lợi nhưng nếu quyền lợi đó là chính đáng được pháp luật bảo vệ thì lẽ nào pháp luật lại không bảo vệ họ!
Pháp luật không nên đòi hỏi người tố cáo phải đưa ra bằng chứng, mà chỉ buộc họ phải chịu trách nhiệm về việc tố cáo, khi nhận được tố cáo, nếu cần cơ quan tiếp nhận phải yêu cầu người tố cáo làm cam đoan về nội dung tố cáo là sự thật. Việc thu thập chứng cứ là nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận đơn thư tố cáo, nếu sau khi đã xác minh không có căn cứ xác định việc tố cáo là đúng thì trả lời cho người tố cáo biết. Chỉ xử lý đối với những trường hợp lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để vu khống, hạ uy tín của người bị tố cáo.
Có lắm điều chưa hợp lý trong Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như Bộ luật Hình sự về chứng cứ, về “ứng xử” với loại tội phạm này. Thiết nghĩ Quốc hội nên sửa đổi, bổ sung các luật theo hướng bảo vệ, khuyến khích người tố cáo tham nhũng; người bị ép buộc, bị vòi vĩnh đưa hối lộ chứ không nên “ép uổng” họ như các quy định hiện hành…
ĐINH VĂN QUẾ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét