Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới sau 5 năm nhìn lại


TCCSĐT - Tháng 8-2012 vừa tròn 5 năm bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế mang tính hệ thống toàn cầu, tác động sâu sắc tới lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội của nhiều nước trên thế giới. Cuộc khủng hoảng này chứng tỏ, cơ cấu tài chính - kinh tế toàn cầu được thiết lập từ cuối Chiến tranh thế giới lần thứ II đã không còn phù hợp với điều kiện phát triển mới của thế giới đương đại.

Khủng hoảng bùng phát từ một sự kiện ít ai để ý

Cách đây vừa đúng 5 năm đã diễn ra một sự kiện ít ai để ý tới. Đó là sáng sớm ngày 9-8-2007, trước khi mở cửa thị trường chứng khoán của EU, Ngân hàng “BNP Paribas” của Pháp tuyên bố ngừng hoạt động tại 3 quỹ đầu tư của họ vì không thể xác định chính xác giá cổ phiếu theo các hợp đồng đã ký với các chủ đầu tư trên thị trường nhà đất Mỹ. Tuy nhiên, đến nay, sau 5 năm nhìn lại, sự kiện ngày 9-8-2007 được các chuyên gia nghiên cứu kinh tế thế giới xác định là thời điểm mở đầu cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới (sau đây gọi tắt là khủng hoảng) nặng nề nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930. Thậm chí, Tổng Giám đốc Ngân hàng “Northern Rock” (Anh) A-đam Áp-la-gát (Adam Applagart) đã nhận định, ngày 9-8-2007 là “cột mốc đánh dấu thời điểm thay đổi thế giới”.

Cuộc khủng hoảng đặt dấu hỏi nghi vấn về mô hình kinh tế thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản 


Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ nền kinh tế Mỹ, sau đó lan tỏa ra khắp thế giới, đặt dấu hỏi nghi vấn về mô hình kinh tế thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản. Theo nhiều chuyên gia kinh tế thế giới, mô hình này dựa trên một định đề rất cơ bản là “thị trường có khả năng tự điều chỉnh” và do đó sẽ tránh được khủng hoảng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này đã hoàn toàn bác bỏ quan điểm đó mà nguyên nhân cơ bản là hoạt động đầu tư mở rộng lan tràn, thiếu kiểm soát, đã dẫn tới cái gọi là “nợ xấu không có khả năng thanh khoản” mà thực chất là đưa hoạt động tiền tệ tài chính thành lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận (hay còn gọi là “kinh tế ảo”), tách khỏi nền sản xuất (còn gọi là “kinh tế thực”), dẫn tới việc làm sụp đổ toàn bộ tòa tháp tín dụng khổng lồ của Mỹ và nhiều nước tư bản phát triển, kéo theo sự suy giảm nền kinh tế nhiều nước trên thế giới, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa đang gắn kết nền kinh tế của hầu hết các nước.

Theo nhận xét của đa số các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, thời gian 5 năm qua chứng tỏ, nền kinh tế tư bản được xây dựng theo mô hình kinh tế thị trường tự do thiếu sự kiểm soát đã bộc lộ những khiếm khuyết mang tính hệ thống, có thể làm sụp đổ cơ cấu kinh tế và chính trị của xã hội hiện đại. Cao điểm của giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng là sự phá sản của Ngân hàng Mỹ “Lehman Brothers”, khi đó thị trường tài chính đứng trước nguy cơ không có khả năng thanh khoản, còn các nước ở phương Tây lâm vào trạng thái không thể kiểm soát được hệ thống tài chính thế giới, buộc phải tung ra những gói cứu trợ khổng lồ cho các ngân hàng tư nhân. Trên thực tế đã diễn ra quá trình chưa từng có là “quốc hữu hóa” nền tài chính Mỹ và các nước Tây Âu bởi các doanh nghiệp tư nhân không còn có khả năng duy trì sự tồn tại của chính bản thân mình.

Như vậy, trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, các khoản tiền khổng lồ của nhà nước đã được tung ra để thanh khoản nợ xấu không thể kiểm soát nổi của các doanh nghiệp tư nhân. Vì thế, nhiều chuyên gia phân tích kinh tế đã đưa ra nhận xét, trong cuộc khủng hoảng này, các ngân hàng, các nhà tài phiệt, các công ty xuyên quốc gia đã được chính phủ nhiều nước ra tay bảo trợ theo nguyên tắc bao cấp của chủ nghĩa xã hội!

Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận giải pháp tương tự. Tại diễn đàn chống khủng hoảng của Nhóm G20 diễn ra tháng 11-2008 tại Oa-sinh-tơn, trong cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ G.W.Bu-sơ, Thủ tướng Đức An-giê-la Mác-ken (Angela Merkel) từng cảnh báo rằng, cách hóa giải nợ xấu như Chính phủ Mỹ đã làm sẽ tạo ra những khoản nợ công khổng lồ mới còn lớn hơn nữa. Dự báo của bà A. Mác-ken hoàn toàn chính xác. Sau 5 năm, nợ công đã trở thành “căn bệnh ung thư” khó chữa trong nền kinh tế hàng loạt nước trên thế giới, kể cả Mỹ.

Mùa thu năm 2008, lãnh đạo các nước phương Tây đứng trước sự lựa chọn: hoặc bỏ mặc cho tất cả các ngân hàng và các hãng không còn khả năng tồn tại tuyên bố phá sản, hoặc cứu họ để các nước công nghiệp phát triển trên thế giới không rơi vào trạng thái hỗn loạn. Họ đã chọn phương án 2 mặc dù Thủ tướng Đức An-giê-la Mác-ken và những người ủng hộ bà tỏ ý nghi ngờ giải pháp này. Kết quả là, các nước trên thế giới đồng loạt tung ra các gói cứu trợ chống khủng hoảng lên tới khoảng 60 nghìn tỷ USD vào giữa năm 2009!

Đúng như dự báo của nữ Thủ tướng Đức, vào giữa năm 2009, thế giới chuyển sang giai đoạn 2 của cuộc khủng hoảng: tháng 10-2009, Hy Lạp rơi vào vòng xoáy nợ công, mở đầu cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Sau Hy Lạp, đến Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Bồ Đào Nha và không loại trừ khả năng sẽ còn nhiều quốc gia khác không tránh được “nanh vuốt” cuộc khủng hoảng này. Kinh tế Mỹ bắt đầu đi vào giai đoạn tăng trưởng chậm, còn kinh tế nhiều nước thành viên EU lâm vào tình trạng đình đốn, kéo theo sự phản kháng của phong trào “Đánh chiếm Phô Uôn” bắt đầu từ Mỹ và đã lan tỏa tới gần 100 quốc gia.

Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế hiện nay đang làm tiêu tan quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thị trường tự do không có sự kiểm soát của nhà nước là phương thức tốt nhất trong các quan hệ kinh tế. Lúc này, ở Mỹ và các nước phát triển cao khác, nhiều người đang suy nghĩ lại định đề này của chủ nghĩa tự do mới. Mỹ, nước tư bản phát triển số 1 thế giới và nhiều nước phát triển đã “quốc hữu hóa” hàng loạt ngân hàng và các hãng bảo hiểm lớn đang nối đuôi nhau phá sản.

Cuộc khủng hoảng chưa sớm kết thúc


Sau 5 năm nhìn lại, nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới khẳng định rằng, khủng hoảng sẽ chưa sớm kết thúc. Theo nhận xét của Nô-ren Rô-bi-ni (Nouriel Roubini), một trong các chuyên gia phân tích kinh tế hàng đầu thế giới thì cuộc khủng hoảng toàn cầu đang tiếp diễn dưới hình thức cuộc khủng hoảng nợ công có tính hệ thống trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ đưa EU đến nguy cơ tan rã. Ngoài ra, Nô-ren Rô-bi-ni còn dự báo giai đoạn 3 của cuộc khủng hoảng sẽ đến khi nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh và thị trường nhà đất ở quốc gia này sụp đổ. Theo ông, điều này có thể sẽ xảy ra vào năm 2013.

Còn Ken-nét Rô-gốp (Kennet Rogoff), Giáo sư Đại học Ha-vớt (Havard) của Mỹ, nhận định, thế giới đã lâm vào vào một chu kỳ kéo dài của tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, thu nhập giảm, mức sống của cư dân nhiều nước trên thế giới sa sút, sẽ kéo theo tình trạng căng thẳng và xung đột địa - chính trị. Theo Giáo sư Ken-nét Rô-gốp, thế giới vẫn chưa cảm thấy hết được những gì thế giới đang trải qua trong thực tế ngày hôm nay và sẽ bước vào kỷ nguyên mới được gọi là "tiêu chuẩn sống mới". Theo tính toán của vị giáo sư này, nếu loài người vẫn tiếp tục chạy theo “tiêu chuẩn sống Mỹ”, thì đến năm 2030, nhân loại phải cần tới 5 Trái Đất mới đủ!

Gioóc-giơ Xô-rốt (Geogre Soros), nhà tỷ phú nổi danh thế giới ở Mỹ cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay sẽ còn kéo dài thêm một thập niên nữa, thậm chí là xa hơn. Theo Gioóc-giơ Xô-rốt, chừng nào chưa hình thành hệ thống tài chính mới của thế giới, chưa cải tổ những cấu trúc cơ bản như thị trường tiền tệ và trái phiếu, chưa thay đổi các nguyên tắc hoạt động của các xí nghiệp tư nhân theo hướng nâng cao trách nhiệm xã hội thì thế giới vẫn chưa thể vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế hàng đầu ở phương Tây, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế hiện nay chỉ có thể vượt qua được vào khoảng những năm 2020-2025.

Hình thành mô hình kinh tế mới

Một đặc điểm khác thường của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay là trong khi Mỹ và các nước công nghiệp phát triển ở phương Tây khác lâm vào suy thóai thì các nước thuộc nhóm BRICS (Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Cộng hòa Nam Phi) vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng và trở thành đầu tàu của sự phát triển kinh tế thế giới.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sở dĩ các nước BRICS không bị “ngã gục” và vẫn duy trì nhịp động tăng trưởng trong cuộc khủng hoảng vừa qua là do họ phát triển kinh tế theo mô hình kết hợp cơ chế thị trường với vai trò điều tiết của nhà nước thông qua kế hoạch. Mô hình này chứng tỏ khả năng “miễn dịch” trong điều kiện khủng hoảng hiện nay.

Trong thế kỷ XX, trên thế giới từng có 3 mô hình phát triển kinh tế chủ yếu.

Một là, mô hình kinh tế “giả thị trường” quân phiệt hóa ở Đức, Nhật Bản, I-ta-li-a, Tây Ban Nha và một số nước khác. Mô hình này đã bị sụp đổ hoàn toàn sau Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Hai là, mô hình kinh tế thị trường Cây-nơ (Keynes), tức là mô hình kích thích tiêu dùng thông qua vai trò của nhà nước ở Mỹ và nhiều nước khác ở phương Tây. Mô hình này được phát triển đầu tiên ở Mỹ và sau đó được áp dụng ở nhiều nước khác sau Chiến tranh thế giới thứ II và tồn tại cho đến làn sóng suy thóai mới trong chu kỳ tích luỹ tư bản thứ V, bắt đầu từ năm 1970. Từ những năm 1970, mô hình kinh tế thị trường Cây-nơ chuyển hóa thành mô hình kinh tế thị trường tự do mới nhờ sự điều chỉnh linh hoạt và thích nghi ở mức độ cao. Mô hình kinh tế thị trường tự do đã tạo ra tạo ra thế hệ công nghệ thứ 5 dựa trên cơ sở công nghệ vi mạch, máy tính điện tử, mạng Internet, điện thoại di động, cho phép Mỹ và các nước phương Tây khác đưa nền kinh tế của họ từ trạng thái suy thóai thấp sang trạng thái phát triển, bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở các nước phương Tây.

Ba là, mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung được phát triển ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Mô hình này chỉ tồn tại đến cuối những năm 1980. Trong khi nền kinh tế Mỹ và các nước phương Tây sau khi hình thành thế hệ công nghệ thứ 5 đã chuyển sang làn sóng tăng trưởng thì nền kinh tế theo mô hình Liên Xô kém linh hoạt và năng động do kế hoạch hóa tập trung và quan liêu cứng nhắc đã không thể tạo ra thế hệ công nghệ thứ 5.

Ở đây cần lưu ý một hiện tượng lịch sử thú vị là thế hệ công nghệ thứ 4 dựa trên động cơ đốt trong và sản xuất dây chuyền được hình thành trong quá trình Chiến tranh thế giới thứ I, đạt đến đỉnh cao phát triển trong những năm 1920-1930. Cũng trong giai đoạn đó, quá trình công nghiệp hóa ở Liên Xô trong những kế hoạch 5 năm đầu đã hình thành nên thế hệ công nghệ thứ 4 tương tự như ở các nước công nghiệp phát triển ở phương Tây khác. Đây là yếu tố vật chất rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định tạo nên sức mạnh cho Liên Xô giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, sau đó đạt được những thành tựu vĩ đại như chế tạo vũ khí hạt nhân và đưa con người lên chinh phục vũ trụ. Tuy nhiên, về sau, do thiếu nhạy bén và kém năng động, Liên Xô đã không theo kịp tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đã không tạo ra được thế hệ công nghệ thứ 5 và đây là một trong những yếu tố quyết định khiến Liên Xô thất bại trong cuộc chạy đua “cùng tồn tại hòa bình” và cạnh tranh kinh tế với mô hình kinh tế thị trường tự do mới của Mỹ và các nước phương Tây.

Hiện nay trên thế giới đang tồn tại 3 mô hình phát triển kinh tế.

Một là, mô hình kinh tế thị trường tự do mới ở Mỹ và một số nước công nghiệp phát triển. Mô hình này đã chứng tỏ những hạn chế và bất lực trong cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính bùng phát từ Mỹ năm 2007 và lan tỏa ra trên phạm vi toàn cầu. Sau khi bùng phát khủng hoảng từ năm 2007, Mỹ và các nước phát triển cao khác đi theo mô hình này đang tiến hành các điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi và biến động mới trên thế giới. Ngày 21-07-2010, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma ký ban hành Luật tái cơ cấu Phố Uôn và bảo vệ người tiêu dùng (Wall Street Reform and Consumer Protection Act). Đây là chương trình cải cách toàn bộ hệ thống ngân hàng và tài chính của Mỹ.

Hai là, mô hình kinh tế thị trường kết hợp với kế hoạch hóa của các nước BRICS, trước hết là Trung Quốc, và một số nước Mỹ La-tinh, trong đó nhà nước đóng vai trò kiểm soát và điều chỉnh. Mô hình này đã chứng tỏ nhiều ưu thế. Bằng chứng là, trong suốt nhiều năm, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao kỷ lục, vào khoảng 9,6%/năm và vẫn tiếp tục giữ ở mức cao ngay cả trong điều kiện khủng hoảng kinh tế thế giới. Để so sánh có thể thấy, thời kỳ đầu quá trình công nghiệp hóa ở Anh kéo dài hơn 50 năm, ở Mỹ gần 50 năm, trong khi đó Trung Quốc hoàn thành thời kỳ đầu công nghiệp hóa chỉ trong vòng 10 năm.

Ba là, mô hình kinh tế dựa trên xã hội truyền thống của các nước Hồi giáo dưới tác động của yếu tố tôn giáo và quá trình toàn cầu hóa, đang từng bước thích nghi với điều kiện đặc thù ở khu vực nay nhưng không mang tính phổ biến.

Theo một số chuyên gia nghiên cứu kinh tế, mô hình kinh tế thị trường kết hợp với vai trò kế hoạch hóa và điều chỉnh của nhà nước sẽ có sức sống mạnh nhất trong quá trình phát triển thời gian tới. Cách đây hơn 80 năm, nhà kinh tế Nga Côn-đra-chép (Kondratiev), tác giả của Chính sách kinh tế mới của Lê-nin sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, đã từng nhận định, kinh tế thị trường tự do không có kế hoạch hóa sẽ không thể phát triển ổn định và không thể tránh được khủng hoảng. Nhà kinh tế này cũng đã từng dự báo, mô hình kinh tế thị trường kết hợp với kế hoạch hóa sẽ là mô hình phát triển của tương lai.

Hiện nay, các nước BRICS đang đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chủ đề chính trị và kinh tế cho giai đoạn mới trong sự phát triển thế giới trong 30-40 năm tới, trong đó họ đề xuất sáng kiến nghiên cứu xây dựng hệ thống kinh tế - tài chính thế giới mới vì hệ thống hiện nay dựa chủ yếu vào đồng USD đang tỏ ra bất lực trong điều kiện khủng hoảng và sẽ khó đứng vững trong những năm tới. Do đó, những năm tới sẽ là thời gian thử thách sự bền vững và sức sống của các mô hình phát triển kinh tế, trong đó cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trên phạm vi toàn cầu sẽ là phép thử nghiệt ngã nhất và đúng đắn nhất./. 

Lê Thế Mẫu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét