Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Phạm Ngọc Tiến: Thày bói xem gân



Thày bói xem gân 
          
Chủ nhật này trời ảm đạm, nhiều thứ buồn buồn chẳng còn tâm trí nào mà lục lọi ký ức để tốc ký cái truyện ngắn chủ nhật nên đành múa phím ghi ra vài dòng về chuyện thày bói. Tự để xem có làm vui chút ít nào được cho mình không. Thày bói xem voi là chuyện xưa, có ý giễu nhại mấy anh ăn ốc nói mò phán nhăng phán cuội. Còn xem gân thì hầu như ngày nay các thày bói đều chỉ mang lại họa cho những ai tin vào họ. Gân là vì thế. Là nắn gân là dọa dẫm những thứ rất vu vơ nhưng lại khiến người đời sợ hãi. Ai mà ngờ người mạnh mẽ như tôi cũng bị một phen mất mật vì phiền toái.

Thày bói xem voi là thế này đây (Tranh mượn từ mạng)

Số là thứ hai tuần rồi tôi có chuyến bay đi Chu Lai để vào Quảng Ngãi làm việc. Trước hôm bay, vào buổi tối có đám lễ 49 ngày mẹ bạn thân của tôi nên cả tôi cùng vợ đến thắp hương. Gia chủ có quan hệ rộng, dòng họ lớn nên đông khách. Vợ chồng tôi được xếp vào một mâm toàn bạn bè dạo lính tráng thời chiến tranh. Tiếng là lễ 49 ngày việc tang hẳn hoi nhưng các cụ có tuổi thăng về giời cũng được coi là cái phúc của cõi người, của gia tộc nên chuyện trò nâng chén cụng ly chẳng phải giữ gìn. Nghĩa là cuộc này có thể coi là được quyền vui. Đám lính tráng về già chúng tôi gặp nhau hay hồi cố tri tân nên rượu uống thả phanh, quăng quật nâng lên đặt xuống cứ gọi là tơi bời khói lửa. Gần tàn cuộc chuẩn bị đi về thì mâm tôi có thêm khách.
Chẳng ai khác là ông em rể chủ nhà bạn tôi. Tay này tuy cước sắc trong nhà là phận em nhưng so về tuổi tác thì hơn bọn tôi vài tuổi. Dù vậy cách xưng hô xã giao trong mâm chẳng có gì phải bàn, thân mật và ấm cúng. Nguyên tay này là một quan chức cấp cục mới nhận sổ hưu. Chức vụ, công việc chẳng nói làm gì nhưng tay ấy nổi tiếng về tài đoán số, xem tướng, định ngày…môn gì cũng thạo được khá nhiều người quan trọng nhờ vả. Vào mâm tôi tay thày tướng uống với mỗi người một ly. Đến lân vợ tôi bỗng nhiên tay ấy giật nảy mình rồi buông chén nhìn chằm chặm kiểu nửa như nhận tướng nửa như thôi miên. Trực giác của tôi mạnh, nhận biết rất nhanh tình huống này. Bỏ bu rồi tay ấy mà phán cái gì thuộc về thiên cơ của cái thằng tôi thì chỉ có nước ốm xác. Mới nghĩ đến thế tôi đã lâm vào trạng thái hồi hộp phập phồng. Quả nhiên không phải đợi lâu, sau chừng hai phút đồng hồ chằm chặm nhận diện tay ấy buông tiếng thở dài não nuột rất chi là đau khổ. Nguyên văn lời phán thế này:
          -Cái nốt ruồi của chị là thương phu trích lệ. Nếu ngày mai chị không đi chùa lễ phật thì anh Tiến sặc tiết. Chết bổ đầu xuống đất.
          Cả mâm rượu cười rung bàn. Thằng Tiến trọc thì có mà giời đánh không chết. Nhưng vợ tôi thì run bần bật. Tôi cũng ong ong cái thủ giờ ngắc ngư muốn rụng bởi tình thế vừa lâm vào. Sợ thì không, đời nào cái thằng tôi lại lo sợ hão huyền thế, chết chẳng phải dễ. Có điều thấy phiền vì hắn chưa hề biết hôm sau tôi bay đi Chu Lai. Cái sự đi này cả mâm rượu chỉ vợ chồng tôi biết. Phiền chính ở cái chi tiết trùng hợp ngẫu nhiên ấy. Đi máy bay mà bổ đầu xuống đất đúng quá còn gì. Tôi gạt đi, kiểu như phán vớ phán vẩn nhưng vợ tôi thì không thế. Là bác sĩ thuộc thành phần duy ý chí nhất trong các thành phần duy ý chí của xã hội ta nhưng vợ tôi hoảng hốt tột cùng. Ngay lập tức cô ấy phản ứng quyết liệt, mai anh phải ngừng chuyến bay. Mịa, dừng là dừng thế nào. Công việc của người ta có lịch sắp xếp có đoàn, người này người khác rồi đã hẹn hò địa phương bố trí thời gian làm việc. Anh phải hoãn. Không hoãn được. Phải hoãn. Không hoãn. Tay thày mặc kệ vợ chồng tôi co kéo đấu khẩu vẫn cứ nhìn chằm chặm rồi tiếp tục phán. Nếu anh không nghe lời thì cái họa này dứt khoát không thể tránh. Đoạn tay ấy phẩy tay bảo anh chị theo tôi vào trước bàn thờ bà để tôi tìm cách giải, hạn chế nguy hiểm. Tôi dứt khoát không nghe còn vợ tôi cun cút vào trước ban thờ vái như nhập đồng. Xong xuôi hắn ta hạ cấp độ nguy hiểm. Nếu mai bay sớm thì có thể miễn đi chùa nhưng ngay đêm nay phải kiếm bằng được oản về nhà thắp hương. Phương án này có thể chấp nhận được, vợ chồng tôi xin phép về sớm để đi tìm mua oản. Gọi là sớm nhưng cũng đã tầm 9 giờ tối đào đâu ra oản giờ này nữa hả giời. Tôi đã gạt đi nhưng tay thày vẫn nhiệt tình tiễn xuống tận xe. Hắn lại thủ thỉ khuyên tôi tốt nhất là đừng nên đi. Thấy tôi quyết tâm tay ấy không khuyên nữa chỉ nhìn tôi trừng trừng không chớp mắt rồi thật bất ngờ khóc rống lên, nước mắt như mưa, ôm chầm lấy tôi xiết chặt như thể là động thái tiễn đưa một người buộc phải vào cõi tử. Động tác ấy càng khiến vợ tôi hoảng nhất quyết đi kiếm bằng được số oản thày dặn để thắp hương giải dớp. Lọ mọ lùng sục đến mấy chợ rồi liều gõ cửa một gian bán đồ lễ đã nghỉ tối, nhận sự càu nhàu ca cẩm khó chịu của chủ quán, vợ tôi cũng mua được oản. Đêm ấy báo hại thắp hương xong nhưng vợ tôi quá sợ hãi cứ sùng sục vào ra không ngủ được. Tôi biết tỏng tay thày nốc say bí tỉ nên phán ẩu. Giả sử số tôi có tận nhưng về mặt nghề nghiệp cấm tiệt các loại thày lộ thiên cơ. Điều này nếu cố tình làm sẽ tổn hao âm đức và chuyên môn nghiệp vụ sẽ mất thiêng không còn linh ứng. Biết tay em rể bạn say là vì lĩnh vực khóc lúc uống quá đà tôi chẳng lạ. Bản thân tôi khối lần bí tỉ đã khóc như mưa như gió rồi. Đêm đó thấy quá căng thẳng tôi lén lần chai rượu làm một hơi cạn nửa để lấy men tửu lấp đầy giấc ngủ. Sáng sau dù phải đi lúc rất sớm cho kịp ra sân bay thay vì đi ta xi như mọi khi vợ tôi cẩn thận đưa tôi đến tận chỗ hẹn đoàn ở Bờ Hồ. Nhìn mắt vợ tôi như quả nhót mọng tôi chợt bật cười khi nghĩ đến cái tai họa bỗng dưng đổ xuống đầu mình. Rõ thật là họa phúc khôn lường.
          Vào đến Chu Lai, máy bay hạ cánh, ngay lập tức tôi phải bật máy thông báo đã an toàn. Rồi chuyến ra cũng thế. Báo đã xuống Nội Bài. Tôi nghe rõ tiếng thở trút được gánh nặng từ vợ. Mấy người cùng đoàn cứ bụm miệng cười khen ông trọc nom thế nhưng chu đáo phết. Chả muốn nhưng tôi cũng phải kể ra lý do. Ai nấy đều trợn tròn mắt khen tay thày kia dù gì cũng là người thành thực. Thì cả chuyện động trời thế mà dám phán ráo hoảnh không thật thì còn gì. Hoàn thành chuyến đi về nhà nguyên lành thân xác tôi cười cợt bảo vợ gọi cho thày thông báo chưa. Không ngờ vợ tôi bảo đã nói. Thày bảo rằng là nhờ mua được oản lễ nên tránh khẩn cấp được cái nạn mất mạng, cần phải lễ tạ. Bói với chả tướng, bố lạy thày. Cạch đến già không dám nốc say với tay này nữa. Khekhe….
 Hà Nội ngày 28/10/2012
PNT

38 THOUGHTS ON “THÀY BÓI XEM GÂN (TRUYỆN NGẮN CHỦ NHẬT)

  1. Bác nào đang bị vợ giận thì hãy tìm đến anh thày bói nghiệp dư này nhậu một trận thật đã . Nhớ mang vợ đi theo …
    Vợ thằng bạn tui đang giận chồng dài dài . Mãi đến khi bác sĩ thông báo ghi chồng bị ung thư , mới lo cuống lên và …huề . May là khối u của bạn tôi là khối u lành.
    Có những điều thường ngày đối với ta là quá đỗi bình thường , chỉ tới khi ta biết ngày mai ta sẽ vĩnh viễn không có nó nữa , lúc ấy ta mới biết điều bình thường ấy đáng quý như thế nào .
    • Để biết được điều đáng quý như trường hợp này e hơi bị chát LBN à. Tá hỏa mấy nhà liền. Nhà ông thày bói chắc cũng lục đục cả đêm để đấu khẩu chứ chả chơi. Khekhe….
    • Bác Nguyên nói đúng quá. Qua chuyện này chắc vợ chồng bác Tiến càng yêu nhau hơn. Hì hì… Bác Tiến sướng thật, tự nhiên gặp được ông thày phán có lợi mà miễn phí. Hai ông bà hôm nay chắc đang đèo nhau đi mua oản để lễ tạ. Tuần nào cũng thế thì hạnh phúc quá còn gì.
      Đúng là thỉnh thoảng cứ phải có một vài cú sốc lớn xảy ra thì mình mới giật mình, mới tỉnh lại, mới điều chỉnh lại cách sống để yêu mình, yêu vợ con hơn…, và mới thấy tiền bạc, danh vọng, chức vụ là vô nghĩa. Còn nếu cuộc sống cứ đều đều trôi qua, thì suốt ngày ta vẫn u mê, chìm đắm trong các thú vui chém gió và rượu chè. Kinh nghiệm bác Tiến là điển hình. Tự nhiên phát hiện ra bệnh tiểu đường, thế là khác. Rồi tự nhiên một hôm thấy mắt mờ đi. Thế là lại khác nữa… Nhưng khi tuổi đã già thì cố gắng đừng để xảy ra thêm sốc nữa. Sức tàn, lực kiệt, không chống đỡ được là đi đứt đấy.
      Cá nhân khác với đất nước; mình sốc nặng là chết, khổ mình, khổ vợ con, không kiếm được chồng khác, bố khác thay thế. Còn đất nước cứ hết khủng hoảng này sang khủng hoảng khác, nhưng lãnh đạo tin chắc là đất nước không chết được vì lớp dân này chết sẽ có lớp dân khác thay thế, thiếu gì. Rồi dù có khủng hoảng đến mấy thì bản thân tầng lớp lãnh đạo cũng không bao giờ chết, do đó họ rất yên tâm, không sợ khủng hoảng. Ta không thể bắt chước họ được. Hãy yêu lấy bản thân ta, gia đình ta.
      Chúc tất cả bạn đọc của bác Tiến có một ngày nghỉ chủ nhật vui vẻ, không có sốc. Hi hi…
      • Loại trừ khúc đầu LTM nói về gia đình anh Tiến. Khúc sau tâm đắc lắm. Cá nhân mình khác với đất nước. Mình thì ốm đau bệnh tật là chết còn đất nước anh ba, anh tư, anh năm… các anh ấy chả sốc gì đâu. Các anh ấy có làm gì di hại chỉ một nụ cười tươi rói, một câu tầm phào xin lỗi là xong còn mặc xác thiên hạ.
        Sau đó các anh lại dạy dỗ phải thế này phải thế khác…Khekhe…
        Đọc cái comment này thấy hết vui. Buồn thê thảm luôn.
  2. Chào bác Tiến, chuyện của bác vui quá, thế là cũng có kỷ niệm đẹp để sau này ôn lại. Mà cũng chẳng phải đợi lâu, hôm nay đã thành một chuyện hay để cho cả blog vui đấy. Có như vậy mới có trải nghiệm thực tế để viết truyện chứ. Theo em hiểu thì ở xã hội ta, khối người trong đời mình đã được người khác phán cho vài cái hậu vận đen đủi như thế. Em cũng đã được vài người tự dưng phán cho như vậy, nhưng em chẳng tin nên cũng chẳng nhớ, và chắc hầu như chẳng bao giờ đúng. Lạ là người ta toàn tặng các chuyện đen đủi chứ không thấy chuyện vui như bảo bác Tiến mai ra mua xổ số nhất định trúng 100 tỷ… Em chẳng tin vào tướng số, lúc nào cũng tâm niệm mọi thứ ta có đều phải tự bỏ sức lao động ra mà kiếm, chẳng bao giờ có lộc tự dưng rơi vào mình. Em cũng chẳng bao giờ mua xổ số hay đánh bạc gì đó.
  3. Đọc chuyện của bác, em lại nhớ đến 2 chuyện chính em chứng kiến, có thật, nhưng mà thầy nói đúng. Chuyện thứ nhất xảy ra vào năm 1983, khi bác ruột em mất. Bác ở ngay cạnh nhà em. Khi bác bị bệnh viện trả về, em và con bác thức đêm hôm chăm sóc suốt 2 tuần, cứ thấy bác có vẻ ngừng thở là em lại đổ sâm. Sau đó mệt quá, và nghĩ cứ sống thực vật thế cũng chẳng để làm gì nên hai đứa bàn nhau thôi không đổ sâm nữa. 7h sau thì bác mất. Khi tang lễ bác, cũng tổ chức ăn uống, cũng mời thầy cúng. Đang ăn, tự nhiên thầy bảo 1 đứa cháu bác (khoảng 25 tuổi) chỉ vài hôm nữa thôi sẽ đi rất xa và không về nữa. Anh ta mừng quá, bảo thế thì cháu sẽ được đi xuất khẩu lao động rồi, đã đi là cháu ở lại bên đó luôn, không về đâu. Thầy bảo đi xa nhưng số phận đen tối lắm. Mọi người cười bảo sang Tây làm sao đen tối được. Em ngồi nghe, thấy anh ấy sẽ được đi Tây, cũng mừng cho anh ấy. Đưa tang bác xong, đến hôm ra lễ mộ 3 ngày, anh ấy cũng ra, lúc về bị tai nạn giao thông chết ngay tại chỗ.
  4. Chuyện thứ hai xảy ra vào năm 1987. Ở cơ quan em ngồi cùng phòng với một chị có chồng là bộ đội, cũng làm công tác văn phòng ở 1 cơ quan thuộc Bộ QP – HN. Tầm anh ấy thì hầu như chẳng bao giờ có cơ hội đi nước ngoài. Hồi đó được đi lại càng khó. Hôm mùng 3 tết đến cơ quan chúc tết nhau, tự nhiên chị ấy nói chuyện với em, bảo hai vợ chồng mới đi xem bói. Thầy phán số anh năm nay được đi nước ngoài. Anh chị chẳng ai tin; em nghe xong cũng quên luôn. Gần hết năm trôi qua, chẳng có chuyện gì cả. Đột nhiên tháng 11 năm ấy, vừa nhìn thấy em đến cơ quan, chị vợ vội vàng gọi vào kể anh nhà vừa đi Campuchia. Hóa ra là anh ấy đi công tác tp HCM bằng máy bay quân sự; dọc đường bị bão, máy bay trục trặc, không hạ cánh được, cũng không đủ xăng để quay lại Đà Nẵng hay HN, do đó máy bay đã bay sang đỗ ở sân bay Pochentong, Phnom Penh, nghỉ ở đó 2 ngày vừa sửa chữa, vừa tránh bão. Thế là thầy bói phán đúng. Nghĩ vừa lạ, vừa buồn cười. Khe khe…
  5. Mải tán chuyện quên mất chuyện chính. Đọc chuyện của bác, sao mà em thấy số bác sướng thế, có được một người vợ quá thương yêu và lo xa cho chồng; bà ấy làm sao mà thuộc thành phần duy ý chí nhất trong các thành phần duy ý chí của xã hội ta được ? Có chăng là thành phần duy tình nhất trong các thành phần duy tình của xã hội ta. Duy ý chí nhất trong xã hội ta hiện nay là dân nghèo, suốt ngày cắm cổ làm việc để kiếm sống, chẳng còn thời gian và tiền bạc để đi cúng bái. Còn duy tâm nhất là đám có chức có quyền, càng lên to càng duy tâm, càng thờ cúng nhiều, càng thích xây chùa to. Cứ nhìn Đại Nam Quốc Tự và Bái Đính là thấy rõ nhất.
    • Nói như LTM thì vừa tin vừa không tin. Qua trải nghiệm 2 câu chuyện linh ứng có nghĩa là thày phán đúng. Bản thân thì lại không tin. Tôi tin có thế giới tâm linh nhưng chẳng bao giờ nghe mấy ông thày phán cả. Có khi bán tín bán nghi thế hóa hay chăng.
      Ở ta các quan đúng như LTM nói càng to càng duy tâm. Ông nào cũng có thày kề cận hết. Thế mới nguy. Còn mấy cái chùa to vật vã nhất nước kia kể làm gì. Đó không phải là chùa. Là nơi kinh doanh tín ngưỡng, lịch sự hơn là điểm du lịch tâm linh.
  6. Em thì duy tâm, tin ở những điều Phật dạy, tin là có thế giới bên kia, nhưng nó mơ hồ, xa vời quá nên không quan tâm. Đồng thời em không tin các thày bói, có chăng thì tin vào xem tướng vì cũng như xem phim chỉ nhìn mặt là đã đoán ra ai là người tốt, ai là người xấu… Không ai có thể giỏi để đoán cái gì cũng đúng được, huống hồ đám thầy phần lớn là không nghiên cứu sâu về khoa học dự báo, tâm linh, chỉ phán nhờ kiến thức thu lượm qua trải nghiệm thực tế và học lỏm của nhau. Là lãnh đạo nên đôi khi em cũng được chiêu đãi xem bói, song chẳng thấy gì đúng cả. Có thày còn bảo em tâm thức của anh mạnh hơn tôi nên tôi không xem được.
    Nhận thức này em rút ra được cũng là nhờ kiến thức chuyên môn. Em rất thạo 2 môn “Kinh tế lượng” và “kinh tế vĩ mô”. Kinh tế lượng là sử dụng hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn phương trình toán học để mô tả các mối quan hệ chằng chịt trong nền kinh tế, gọi là mô hình. Sau đó dùng mô hình để phân tích kinh tế, mô phỏng chính sách và dự báo phát triển. Có thể tham khảo ở đây:http://toithichdoc.blogspot.ch/2011/05/du-bao-bang-mo-hinh-kinh-te-luong-o.htmlvà ở đây: http://toithichdoc.blogspot.ch/2011/05/du-bao-bang-mo-hinh-kinh-te-luong-o_07.html . Cuối bài này em có đề xuất thành lập Hội khoa học kinh tế lượng Việt Nam. Mọi người vỗ tay rào rào, đề nghị em đứng ra thành lập và làm chủ tịch Hội (em không làm, đến nay Hội vẫn chưa ra đời). Em đã giảng chuyên đề này vài năm cho 1 dự án ở Bộ Tài chính với thu nhập trung bình 400 đô la Mỹ 1 ngày. Có vài hội nghị lớn báo cáo về mô hình ở Melia, Deawoo, Horison, định họp cả ngày, nhưng em mà đứng lên phát biểu thì coi như hết chuyện, và hội nghị giải tán luôn. Viết thế để thấy em đã đứng ở đỉnh cao của 1 ngành khoa học vào loại khó. Số người nắm vững nó rất ít. Từ đỉnh cao này, em đã đọc nhiều nghiên cứu kinh tế lượng của cả nước, chấm nhiều đề tài, luận án, kể cả của các thày dạy về kinh tế lượng… thấy hầu như các nhà nghiên cứu ở nước ta có sử dụng mô hình kinh tế lượng đều chẳng hiểu thấu đáo nó nên đều làm sai, dẫn tới kết luận chẳng có cơ sở gì cả. Nhưng vì có mấy ai hiểu được đâu nên chỉ biết thừa nhận thôi.
    Về kinh tế vĩ mô thì dễ thấy hơn. Như các anh chị thấy đấy, cũng một chuyện lạm phát, tăng trưởng, nhưng các nhà kinh tế của ta cãi nhau như mổ bò. Đó là do ngay từ khi đi học đã học kiểu thầy bói xem voi, ông thì hiểu kinh tế vĩ mô là cái tai, ông thì hiểu là cái đuôi… Rồi vận dụng để phân tích tình hình nước ta… Cùng 1 ông, nhưng phát biểu mâu thuẫn tùm lùm, mỗi hôm một sáng kiến mới, khuyến nghị chính sách thì đá nhau, lãnh đạo hoa mắt chẳng biết tin ai, tin ông ấy vào thời điểm nào… Bản thân lãnh đạo thì càng mù tịt, thôi thì quyết định theo tập thể, đa số (trừ khi quyết định theo lợi ích cá nhân, bè cánh). Kể cả ông độc tài nhất cũng vậy vì kiến thức của ông ta cũng là từ học qua đám đông bát nháo.
    Những chuyện này cũng y như chuyện bói toán. Hầu như thày bói toàn là đám học ít, học không đến nơi đến chốn, phán bừa, đúng sai ngẫu nhiên, không thể tin được. Cả nước chắc chỉ có vài thày thực sự có thể bói đúng, nhưng đám này thường ít xuất hiện, không phô trương.
    • Đọc cái comment thực chất là một bài viết của LTM thấy nể. Nhưng lại thấy buồn. Vì những người như LTM đâu có nhiều nhưng lại phiêu bạt đâu đâu.
      Những so sánh, phân tích rất hay nhưng hình như nó không hợp với giới chức lãnh đạo hiện nay thì phải. Từ một câu chuyện vu vơ vô thưởng vô phạt nhưng LTM khái quát khá đầy đủ về những gì truyện ngắn này không đạt tới. Cảm ơn rất nhiều.
  7. mới đọc qua một lượt mai sẽ đọc lại chừ muộn quá rồi,cảm ơn anh Tiến chuyên cần mỗi tuần một truyện!
  8. Bác ợ, chúng ta đang sống trong một xã hội đầy bấp bênh nên con người hay sợ những điều vu vơ, thế mới có đất cho những ông thấy bói nửa mùa phát triển. Và có nhiều loại hình dịch vụ ăn theo như hầu bóng mà nhiều khi tiền mất tật mang lại mua cái lo vao người. BD
    • Sống thiếu niềm tin ắt sẽ phải dựa vào những điều vô lối. Đó là hiển nhiên thôi.
  9. ông thầy bói của anh Tiến cho ngồi uống rượu với Công Lý ông này uốn vào phán cũng hay mà lên đồng múa cũng dẻo. Em đảm bảo gặp Công Lý ông thầy bói của anh tắt điện ngay. He He.
    BD
  10. Hôm lâu tình cờ ngồi uống gặp anh” Khôi tinh tướng”, có gửi lời hỏi thă anh, dạo này anh ấy uống cũng lên chân phán cũng hay. Tóc lại buộc búi tó đeo thêm quả kính đen ko khác gì thầy bói , bạn anh cũng toàn người hay mà lại không dám phán cho anh cái thầy bói nửa mùa dám “múa rùi qua mắt thợ” thật là không nhìn thấy núi thái sơn. HI HI
    BD
  11. NGƯỜI KHIẾM THỊ và CON VOI
    Kính bác Phạm Ngọc Tiến,
    Cảm ơn bác vì qua bài viết, tôi có cơ hội khảo lại nhìn nhận của mình.
    Nguyên, khi trao đổi về ý nghĩa câu chuyện, tôi đưa ra nhận xét rằng mục đích phê phán là „cách nhìn nhận tổng thể về hiện thực“; Bản thân những người khiếm thị đã rất CHÂN THỰC nói ra cảm nhận của mình: Giống cái gì thì nói là cái ấy.
    Nay khảo lại (trong đó có một bài của ông Trần Đình Sử) thì thấy nhìn nhận không quá sai lạc. Trong bài dẫn kèm có lưu ý nhân vật trong truyện kể của Việt Nam là „thày bói mù“ – Đây là chi tiết „bản địa“ đáng lưu ý.
    *
    Tại sao dân Việt không tin (đến mức khinh) bói toán và tại sao các thày Chùa hay làm việc này? Tôi lý giải như sau (đã có trình bày nhưng chưa nhận được sự đính chính; Hy vọng bác Tiến làm thạo về từ ngữ góp ý cho):
    - „Bói“ có gốc từ „bốc“, tiếng Tàu. Theo cụ Đào Duy Anh: „bốc“ là bói từ mai rùa, „phệ“ là bói từ cỏ thi. Nghề „bói“ thường „có sách“; nhưng vì sinh nhai mà nhiều „thày“ chưa đọc hết sách đã hành nghề nên „chất lượng“ không còn đáng tin nữa. Tôi nghĩ quá trình „thoái hóa biến chất“ này là lý do để dân gian (folklore; ghi chú thêm để khỏi bị xuyên tạc thành „dân thì gian“!) đọc trại „bốc phệ“ thành BỐC PHÉT. Đến PHÉT LÁC thì „niềm tin và hy vọng“ đã thành Zero! …
    - Đạo Phật lấy CHÁNH TIN chống MÊ TÍN.
    Tôi đã hỏi các Thày là tại sao trong các chùa hay có lệ „bói toán“? Các Thày giài thích có 2 nguyên nhân: Một là các sách bói toán thường bằng chữ Hán (Nho) mà các chùa thường là kho sách chữ Nho nên các Thày đọc thì cũng nắm được các phương thức cơ bản (xem hướng đặt bàn thờ, lễ động thổ hay khai trương cửa hàng, …). Thứ hai là đây cũng coi như phương tiện thu hút khách viếng để tuyên dương „chánh Pháp“. …
    Bản thân Lịch sử cũng chứng tỏ có thể vận dụng yếu tố TÂM LINH để làm VIỆC NHÂN NGHĨA:
    Trước khi xuất quân phạt Thanh, Hoàng Đế Quang Trung sai một người gieo một thúng tiền trước ba quân để „lấy quẻ“; Khi „gieo quẻ“ xong, ai cũng thấy là tất cả các đồng tiền đều cho tiềm THẮNG. Tôi đọc một tài liệu thì thấy viết rằng Vua Quang Trung đã cho đúc thúng tiền „chỉ có một mặt“ THẮNG, tất nhiên! (Tôi tin lý giải này)
    Việc vua Lê Lợi và Nguyễn Trãi cho viết chữ lên lá cũng là vận dụng như thế. Vấn đề cốt lõi chính là ở chỗ coi VIỆC NHÂN NGHĨA CỐT Ở (chỗ) AN DÂN.
    *
    Ý kiến và bài dẫn của anh Lại Trần Mai (?) rất hay; xin được đọc ghé.
    Trân trọng.


    Cám ơn bác VĂn Đức có lời ủng hộ nhé. Vì lĩnh vực tâm linh quá trìu tượng, tù mù, mơ hồ, nhưng nhiều khi vẫn đúng nên ai cũng sợ, không dám không tin. Chỉ một câu vu vơ của ông say rượu cũng làm cả nhà bác Tiến lắng mấy ngày, sau đó lại còn lo lễ tạ… Do đó, ai cũng có thể làm thầy được, người mù, người điên, người đã từng chết đi sống lại, chùa chiền càng là nơi thuận tiện vì dường như những người đó, chỗ đó gắn chặt với thế giới bên kia hơn. Bên cạnh đó, cũng không ít kẻ lợi dụng (với dụng ý tốt như Quang Trung, Lê Lợi và Nguyễn Trãi) hay dụng ý xấu để mưu lợi. Nhưng trong bất kỳ thời đại nào, khi trí tuệ và chân lý không phải là động lực của phát triển, thì xã hội sẽ không phát triển lành mạnh được, sẽ liên tục trải qua các khủng hoảng, hỗn loạn và méo mó. Thế hệ chúng ta đã chứng kiến hết, giờ là lúc trải lòng để hy vọng các thế hệ sau đọc để biết, để rồi tìm cách tránh.
    • Hình ảnh khiếm thị rất chuẩn bác Văn Đức ạ. Thường thì các thày bói đa phần nói dựa. Đó là những người võ vẽ biết chút ít nhưng lại hành nghề và họ phán sai là đương nhiên. Số này vô hại chỉ tỏ ra nguy hiểm nếu đối tượng mê mụ, tin tưởng.
      Thực chất các thày chùa am tường là vì họ hiểu biết và học hành đến nơi đến chốn. Và các thày chùa chỉ làm những việc nghĩa như đặt hướng nhà, động thổ, xem ngày giờ việc hiếu, hỷ, giải hạn…Bản thân việc ta gọi là bói toán cũng là những ngành khoa học như: Thuật phong thủy, Tử vi, Bát quái đồ, nhân tướng học….Tức là những việc thế này hoàn toàn có thể chấp nhận trong đời sống.
      Nhưng có dương ắt phải có âm, có cái tốt đương nhiên phải có cái xấu. Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy. Cuộc sống là thế nên xem ra cũng không thể thiếu mấy anh sờ voi bác ạ.
      Có vậy mới thành ra cuộc đời. Cảm ơn bác lần nào cũng rất công phu tìm hiểu, kiến giải.
      • Thưa bác,
        Xin gửi thêm 2 điều ngắn chợt đến vì tâm đắc:
        + Bác ủng hộ chữ “khiếm thị” làm tôi nghĩ thêm: Đó là sự không may, không “cố ý”. “Mù” thì đã có chút “định hướng” trong đó; nên có người mắt còn sáng (mà TỐI LÒNG) vẫn bị hỏi: MÙ À?
        + Khoảng 1973-4, tôi đến Công An Khu phố Hai Bà Trưng đăng ký hộ khâu. Ngồi đợi, tôi lấy sách hay báo gì đó ra đọc. Lúc ra cửa, thấy một bác đứng tuổi đến nói với tôi một nhận xét (“thiên cơ”) … đúng phoóc. Tôi ngỡ ngàng đến một lúc, và khi định tìm hỏi thêm thì cụ đã đi đâu không tìm lại được.
        Tôi cũng hay đọc “Horoskop” trên báo coi như những cảnh tỉnh thú vị. Các “thày” này bói toán theo sách hết, nhưng chắc cho cả một nhóm người nên nhiều khi chéo ngoe, cũng vui.
        Thân mến.
        • Mắt sáng lòng dạ tối tăm thì đúng là mù đặc rồi. Bác Văn Đức lúc trẻ được “thiên cơ” là diễm phúc lắm rồi. Thường thì con người ta tính tình, phước lộc vận hạn…bày ra trên mặt đến mấy chục phần trăm. Không khó để người nào có chuyên môn nhân tướng nhận ra những điều đó. Có điều phán thế nào thì lại tùy từng thày bác ạ.
  12. Tưởng bác kể chuyện cú “hạ cánh an toàn” sau nữa tháng “công tác’ của đ/c X
      • 3X-9D = 0
        X = 3D
        Đồng chí X mà tự giải được phương trình này thì coi chừng anh Tiến sẽ bị phê bình là blog anh đăng com không lành mạnh . Hu hu !!!
        • À ra thế. Mình có ngô ngọng đến mấy cũng phải hiểu. Hình ảnh 3D này giờ không còn độc quyền ở ý nghĩa công nghệ nữa rồi. Nhưng vẫn phải khe khe cười chứ biết làm sao.
    • Hãng không có ai tên là Khôi. Chỉ có ông Phạm Văn Khôi cộng tác viên có viết kịch vài kịch bản hài. Ông này tôi gọi là Khôi cơm. Tay này kính đen tóc dài là trúng phóc.
  13. Đùng rồi, em chưa biết tên Khôi cơm nhưng phán cũng vui, đợt trước anh Khôi cũng bị ốm nên không uốn được qua được đận khó khăn bây giờ lại đều như vắt chanh lại phán tưng bừng. Hi Hi
    BD
    • Ông này viết văn bản năng có mấy truyện hay phết. Phim hài cũng tốt nhưng không trường vốn. Có tên Khôi cơm là một dạo bán hàng cơm hộp. Lâu mình không gặp chẳng biết dạo này thế nào. Lão ăn mặc tóc tai đúng cách rất nghệ.
  14. Anh Tiến đọc mấy cái còm của em lại thấy buồn, khổ anh quá, buồn làm gì. Cái nước mình nó thế, hơn nữa, cũng phải cố tìm trong đó vài đốm sáng để có thể tạo ra niềm vui mà sống.
    Sống ở thời người ta không cần trí tuệ để phát triển, thậm chí tìm cách ngăn chặn và hủy diệt nó, thì giới trí thức chỉ còn nước phiêu bạt giang hồ hay đào sâu chôn chặt những gì mình biết để khỏi vướng vòng lao lý. Đây là nỗi đau của nhiều thế hệ trí thức.
    Không chỉ các nhà khoa học, các nhà văn các anh cũng có dám thể hiện đúng năng lực sáng tạo của mình đâu. Và từng người dân ? Có ai dám nói thật suy tư của mình về tình hình đất nước và cuộc sống bản thân ? Có ai dám đề nghị người bên cạnh nói thật suy tư của họ về xã hội chúng ta và tin vào những lời họ kể ? Khi mà xã hội không ai dám sử dụng trí tuệ, khi mà xã hội không có cái gì là thật, thì người ta còn biết dựa vào đâu để hy vọng, để đặt niềm tin ?
    Dĩ nhiên chỉ còn biết dựa vào ngoài xã hội chúng ta, tức là vào xã hội bên kia. Dương suy thì âm thịnh. Thế là đám thầy bói được thời phát triển. Có cầu ắt có cung. Cũng như chuyên cần đọc ắt có chuyên cần viết. Trước thì bói chui bói lủi, nay thì công khai, không chỉ ở mọi chùa chiền lăng miếu, các khu di tích, danh lam thắng cảnh, mà còn len lỏi vào mọi cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình; không có nhu cầu nghe cũng được phán hộ miễn phí như trường hợp của anh vậy. Trước thì cấm đoán, phê phán là mê tín dị đoan, tìm cách tiêu hủy mọi thứ liên quan đến xã hội bên kia; nay thì từ quan đến dân coi như một phần tất yếu của cuộc sống, là một nét của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
    • Nói thẳng nói thật. Rất tâm đắc với cái comment này của LTM. Nhà văn cũng chỉ có rất ít người dám nói lên ý nghĩ của mình, trăn trở của mình trước vận mệnh dân tộc, trước cường quyền trước những lẽ đời suy thịnh, trước tội ác trước sự ngu dốt mông muội đang ngự trị lên tất cả… Nhưng đó cũng chỉ là những phản biện không nằm trong tác phẩm.
      Tự nhiên có ý nghĩ muốn rũ bỏ tất cả, muốn trở về với con người bản thể muốn được yêu, được ghét, được làm những gì mình có mình muốn mình thích. Nhưng lại bất lực bởi còn có những bổn phận. Chua chát và cay đắng làm sao.
      Cảm ơn Lại Trần Mai đã khai mở một ngày bình thường này bằng những suy tư rất riêng nhưng lại đúng không thể đúng hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét