Lo ngại cho nghiên cứu khoa học VN
Kết quả mới công bố của viện nghiên cứu xếp hạng tổ chức giáo dục, khoa học SCImago của Tây Ban Nha năm 2012 cho thấy vị trí của các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam có xu hướng đứng thấp mà một số chuyên gia trong nước cho là đã "tụt hạng."
Theo nội dung xếp hạng, về mặt số lượng, ở lĩnh vực nghiên cứu về giáo dục, công bố xếp hạng thực hiện với 3.290 đại học, viện nghiên cứu quốc tế của SCImago cho hay Việt Nam đứng hạng 14 trong 21 quốc gia ở khu vực Đông Á, xếp sau các nước như Malaysia (hạng 8), Thái Lan (hạng 9), Philippines (hạng 11).
Ở chỉ tiêu này, số lượng bài nghiên cứu về giáo dục của Việt Nam chỉ bằng 1/37 so với Đài Loan (hạng nhất) và 1/30 so với Hồng Kông (hạng nhì), với tổng số các bài báo khoa học trong ngành khoa học giáo dục của Việt Nam được công bố quốc tế là 39 trong khoảng thời gian 14 năm được so sánh từ 1996-2010 và có chỉ số trung bình là 2 bài mỗi năm.
Xếp hạng của SCImago về một chỉ số về việc được trích dẫn công bố quốc tế của bài báo, công trình khoa học, hay chỉ số H, cho thấy chỉ số này của Việt Nam đứng thứ 13 và ở mức 4 điểm, xếp dưới Philippines, quốc gia láng giềng Đông Nam Á vốn xếp thứ 10 với 6 điểm, sau Thái Lan (hạng 9, 8 điểm) và chỉ đứng trên Campuchia vốn xếp hạng 14 với 2 điểm.
Báo cáo xếp hạng trên ba nghìn trường, viện đại học, nghiên cứu thế giới cho hay có 4 tổ chức của Việt Nam lọt vào danh sách được xếp đợt này, nhưng đứng ở vị trí khiêm tốn, là Viện khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Xếp hạng của SCImago trong báo cáo năm 2012 về mặt công bố khoa học được bổ sung chỉ báo "lãnh đạo" ngầm chỉ định về tỷ lệ phần trăm tác giả chính của công trình khoa học công bố quốc tế là người trong biên chế của một cơ sở, trường viện được xếp hạng.
Chỉ số này đặt bên cạnh một số tiêu chí được đem ra so sánh, đánh giá khác đã biết như đầu ra, hợp tác quốc tế (với đồng nghiệp quốc tế), chỉ số tác động (đo ảnh hưởng của nghiên cứu), chỉ số chất lượng khoa học (nhắm vào tỷ lệ bài báo được công bố trên các tập san, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới), chỉ số chuyên biệt hóa, chỉ số xuất sắc...
'Không ngờ tệ như thế'
Phản ứng về kết quả xếp hạng mới công bố của báo cáo 2012 của nhóm nghiên cứu thuộc SCImago, tờ Dân trí đăng bài báo của nhà nghiên cứu, học giả Nguyễn Văn Tuấn từ Đại học New South Wales Úc và đồng nghiệp, coi đây là một "báo động" và "tụt hạng" về nghiên cứu khoa học và nghiên cứu giáo dục của Việt Nam.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu giáo dục mà BBC Việt ngữ hỏi ý kiến hôm 26/10/2012 có phản ứng khác nhau về công bố xếp hạng của SCImago.
Một trong số đó, PGS. TS Đặng Thị Thanh Huyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục cho rằng đây là một kết quả "rất tệ" đối với lĩnh vực nghiên cứu giáo dục nói riêng, nghiên cứu khoa học và ngành giáo dục nói chung của Việt Nam.
Trong khi cho rằng báo cáo của CSImago có thể chưa khảo sát đầy đủ kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục của các trường Đại học sư phạm và Viện Nghiên cứu khoa học Giáo dục quốc gia ở Việt Nam, bà nói:
"Tôi không hình dung là (kết quả) tệ đến như thế này. Với tư cách là một người đứng đầu một viện nghiên cứu về giáo dục, tôi thấy đây là một nỗi đau mà chắc chắn là phải khắc phục."
"Không biết là các lãnh đạo cấp trên có đọc thông tin này không, nhưng chắc chắn là đọc, phải có những chiến lược để khắc phục vấn đề này."
"Và nếu muốn giáo dục thay đổi, thì đúng là nghiên cứu khoa học về giáo dục phải thay đổi đi. Nếu với quy mô, số lượng và chất lượng như thế này, nó sẽ là một cản trở cho sự cải tổ giáo dục"
Lãnh đạo của Viện nghiên cứu trực thuộc Học viện Quản lý Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng cần phải xem xét tới khâu kinh phí và đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu khoa học.
Vì theo bà đây là một trở lực rất lớn đối với chất lượng, trong khi cải tiến phương pháp giảng dạy, đào tạo từ cấp giáo dục mầm non, phổ thông cho đến Đại học cũng có vai trò giúp cải thiện giáo dục trong tương lai.
Còn một chuyên gia về kiểm định chất lượng thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, người không muốn tiết lộ danh tính, cho rằng bảng xếp hạng của SCImago chỉ nhằm mục đích xếp hạng, không sử dụng đầy đủ các chỉ báo tổng quát cho phép đánh giá khách quan cũng như kiểm định về giáo dục, cũng như nghiên cứu khoa học. Ông nói:
"SCImago chỉ tính đến chỉ báo công bố quốc tế, không tính tới công bố trong nước, bỏ qua nhiều chỉ số kỹ thuật quan trọng, chi tiết và đặc trưng trong kiểm định giáo dục, khoa học.
"Chúng tôi không phủ nhận xếp hạng. Xếp hạng có ý nghĩa về động lực, nhưng không nên chủ trương coi xếp hạng là đánh giá cao nhất và duy nhất."
'Đào tạo quá tạp'
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng việc các trường, viện của Việt Nam xuất hiện trên các đánh giá quốc tế cần phải được coi là một ghi nhận ban đầu và không nên 'quá khắt khe' như một số nhà nghiên cứu người Việt Nam từ nước ngoài.
"Vấn đề là đưa ra giải pháp. Hiện trạng Việt Nam chỉ có vậy, làm sao có thể yêu cầu Việt Nam theo kịp ngay được với các trường, viện hàng đầu quốc tế?"
"Phải có thời gian. Liệu chúng ta có kinh phí đủ để cải cách không? Nhân sự có dám thay toàn bộ hay hàng loạt không? Ở đây còn có vấn đề bài toán xã hội nữa."
Riêng về cải thiện việc công bố quốc tế các công trình bài báo, khoa học, một trong các chỉ báo được nhóm xếp hạng của SCImago căn cứ, chuyên gia này đưa ra kiến nghị:
"Theo tôi cần cải tiến văn hóa công bố. Ở Việt Nam nhiều tác giả, nhóm tác giả còn chưa chú trọng công bố quốc tế.
"Việc đánh giá các đều tài, công trình nhiều khi coi nặng việc bảo vệ kết quả đề tài, nộp hồ sơ nghiệm thu, mà nhiều trong số đó thực ra có thể cân nhắc chỉ cần yêu cầu xuất trình bài báo công bố và công bố quốc tế là được.
"Việt Nam cần mạnh dạn với vấn đề 'chủ đề nhạy cảm', ở đâu có thể mời được chuyên gia, học giả quốc tế, như những người đoạt giải Nobel, thì nên mời họ vảo làm Tổng biên tập, Chủ tịch Hội đồng các tờ báo, tạp chí khoa học, và các tạp chí cũng nên song ngữ hóa, để quốc tế có thể theo dõi, tham khảo khoa học, giáo dục Việt Nam"
Riêng về vấn đề vai trò "hàng đầu" và "đạt chuẩn quốc tế, khu vực" của một số trường đại học, viện nghiên cứu, và trước một số chỉ trích cho rằng một số Viện đại học Quốc gia của Việt Nam chưa đạt được các kỳ vọng đặt ra, Giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học, trợ lý Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo, trong một trao đổi trước đây với BBC nói:
"Việt Nam cần xem lại quy hoạch phát triển đại học và bài toán chất lượng. Ngay một số Đại học được cho là hàng đầu như Đại học Quốc gia cũng xuất hiện khuynh hướng đào tạo quá tạp,"
"Từ đào tạo tại chức tới du học quốc tế, du học nội địa, đều làm, mà lẽ ra nên để cho các trường khác làm và tập trung vào các nhiệm vụ xứng đáng tầm vóc của mình hơn," cựu thành viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia bình luận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét