Bỏ quy định Thủ tướng là Trưởng ban phòng chống tham nhũng
Theo dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội sáng nay, quy định Thủ tướng là Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng đã được bỏ. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nhất trí với sửa đổi này.
> 'Tham nhũng nghiêm trọng, gây bất bình trong xã hội'
Sáng 26/10, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trước Quốc hội. So với dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng trước, ngoài việc ít hơn 2 điều (108 so với 110), dự luật đã có nhiều chỉnh sửa.
Mô hình của Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng với 3 phương án sau khi xin ý kiến Thường vụ Quốc hội được Chính phủ thống nhất không đề cập đến trong luật. Quy định Thủ tướng là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương đã được bỏ.
Trước đó, Hội nghị trung ương 5 (tháng 5/2012) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban Đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Nguyễn Hưng |
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhất trí với việc sửa đổi này và cho rằng: "Việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm Trưởng ban là để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng".
Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài tài sản, thu nhập, Chính phủ nêu 2 ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng, đối tượng kê khai gồm người có chức vụ, quyền hạn theo quy định hiện hành và bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên; ý kiến thứ hai cho rằng, đối tượng kê khai cần quy định tất cả những người có chức vụ, quyền hạn theo khoản 3 Điều 1 của Luật hiện hành. Dự thảo Luật thể hiện theo ý kiến thứ nhất.
Theo Ủy ban Tư pháp, quy định của Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành quan điểm kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với tính hợp pháp về tài sản, thu nhập, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức hữu quan phát hiện hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, qua Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng cũng như qua kết quả giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy, việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế nhìn chung là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng là rất thấp.
Cả hai phương án được cơ quan thẩm tra đánh giá chưa khắc phục hết các khó khăn, bất cập song đã mở rộng được phạm vi đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung một số quy định cụ thể về xác minh tài sản.
Đối với việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra hành vi tham nhũng, dù được quy định với 5 khoản trong một điều (điều 68) song, qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc thực hiện còn gặp lúng túng và ở một số nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là trong Luật chưa quy định rõ căn cứ, cơ sở xác định trách nhiệm. Ví dụ như khái niệm về người đứng đầu, khi có hành vi tham nhũng xảy ra ở một bộ, ngành thì người đứng đầu được xác định là Trưởng phòng, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng hay Bộ trưởng...
Bên cạnh đó, ngay trong dự án Luật có những quy định còn chung, chưa rõ, có thể dẫn đến triệt tiêu hiệu quả của nhau, đó là “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự” (khoản 1 Điều 68) và “thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng” (khoản 1 Điều 72).
"Trên thực tế, việc thực hiện các quy định này dường như là một nghịch lý. Thủ trưởng càng tăng cường kiểm tra, thanh tra để phát hiện được càng nhiều hành vi tham nhũng trong nội bộ thì người đó lại càng phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra nhiều hành vi tham nhũng. Do đó, việc bao che, che giấu hành vi tham nhũng rất khó tránh khỏi", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận xét.
Ngoài ra, dù bổ sung quy định quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng song quy định chung như trong dự luật chưa bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, dẫn tới sự chồng chéo, chức năng, nhiệm vụ giữa Thanh tra Chính phủ với Bộ Công an và Viện KSND tối cao. Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định cụ thể phạm vi trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đối với công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng.
Để khắc phục được các nhược điểm trong quá trình thực thi luật, Ủy ban Tư pháp đề nghị, các nội dung của dự án Luật sửa đổi lần này cần bám sát vào những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật cũng như trong Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, kiên quyết khắc phục tính hình thức, khẩu hiệu trong các quy định; bảo đảm các quy định phải toàn diện, cụ thể.
Về phạm vi sửa đổi, nhiều ý kiến đồng ý với Tờ trình của Chính phủ là cần sửa đổi toàn diện, nhưng cũng có ý nhiều kiến đề nghị chỉ tập trung sửa đổi một số điều thật sự bức xúc đang gây khó khăn, vướng mắc cho việc thi hành luật và thể chế hóa kịp thời Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11.
Dự luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại tổ và hội trường trước khi biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.
Nguyễn Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét