Tang lẽ Cựu Hòang Sihanouk tại Phnom Penh
Do điều kiện nghề nghiệp khi còn công tác tôi đã may mắn được đến khá nhiều nước khác nhau trên thế giới, nhưng chưa bao giờ được đến Cămpuchia ngay bên cạnh Việt Nam. Đó là điều thôi thúc tôi giờ đây dù đã nghĩ hưu vẫn muốn "đi một chuyến" đến nước láng giềng "gần nhà xa ngõ" này xem sao. Và tôi đã làm được điều đó vào dịp cuối tháng 10 này, chỉ hơi tiếc một chút là vào dịp quốc tang Cựu Hoàng Norodom Sihanouk nên không được xem Hoàng cung và một số chương trình giải trí. Nhưng bù lại tôi đã có dịp tự tìm hiểu để bổ sung những khiếm khuyết trong nhận thức về đất nước và con người của đất nước đặc biệt này. Dưới đây là một vài cảm nhận như vậy.
Kiếm sống bằng hàng rong
Bên cạnh việc khẳng định về nền văn minh Angkor và sự phì nhiêu của đất nước này, tôi thật sự ngạc nhiên về mức độ chênh lệch giàu/nghèo quá đáng của đất nước giàu đẹp mà chỉ có 13 triệu dân này. Và sự cách biệt này rất dễ nhận biết qua nhà ở và phương tiện đi lại. Người giàu (hầu hết là quan chức nhà nước) đi xe ô tô loại sang nhất thế giới và ở trong các biệt thự sang trong có vườn rộng "kín cổng cao tường" trong khi người nghèo đều ở trong các ngôi nhà sàn truyền thống nhỏ bé, đơn sơ và đi lại chen chúc nhau trên các phương tiện công cộng. Suốt chuyến thăm tôi chưa thấy một người giàu nào đi bộ trên đường nhưng đâu đâu cũng thấy trẻ nhỏ và phụ nữ kiếm tiền bằng cách bán các thứ hàng lặt vặt hoặc ăn xin!
Trong dịp quốc tang này, nhìn bề ngoài thấy người dân Cămpuchia vô cùng tôn kính và yêu quý Cựu hoàng Norodom Sihanouk. Nhưng trong câu chuyện riêng tư thì thấy đó là cách để người dân bày tỏ sự không tôn trọng đối với chính quyền hiện tại và bản thân ông Hunsen! Đối với họ, chính quyền và chính sách của Hunsen không khác gì của Việt Nam. Có lẽ một điều duy nhất mà người dân Cămpuchia "ghen tị" là (theo họ) ở Việt Nam người giàu không quá cách biệt với người nghèo so với tình trạng cách biệt giàu/nghèo quá rõ ràng và lộ liễu tại Campuchia!. Điều này họ có thể đúng nhưng cũng có thể do họ không nằm trong cái chăn Việt Nam nên không biết trong chăn đó cũng có rận, và cả sâu nữa!
Người Cămpuchia cũng rất tinh tế trong việc đưa ra những câu chuyện tiếu lâm xuyên quốc gia, trong đó có câu chuyện nói rằng nếu người Việt ra đường sợ Công An bao nhiêu thì người Cămpuchia ra đường sợ Con Bò bấy nhiêu, vì chúng đều có quyền chặn người tham gia giao thông bất cứ lúc nào! Do đó, Công An Việt Nam = Con Bò Cămpuchia !!!
Phương tiện di chuyển của người nghèo ở CPC
Trong lĩnh vực đối ngoại, ta thấy một sự nhất quán trong quan niệm bạn/thù của người Campuchia, đó là cả 3 nước VN ,TL và Lào đều chiếm đất đai của họ; và do đó họ không ngần ngại treo bản đồ thời Đế chế Angkor ở các nơi công cộng . Nhưng khi có mặt người Việt Nam, người Cămpuchia kìm nén không nói xấu Việt Nam, mà chỉ nói xấu Thái Lan hoặc Lào...để người Việt Nam tự hiểu về bản thân mình! Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay khi vẫn còn chính phủ Hunsen, có lẽ người Cămphuchia vẫn coi trọng nhất quan hệ với Việt Nam như chỗ dựa để đối phó với Thái Lan. Tuy nhiên, như đã từng xảy ra trong quá khứ, đất nước có truyền thống của những bức tượng 4 mặt này rất có thể sẵn sàng thay đổi nếu được sự hỗ trợ của một thế lực bên ngoài. Đó là điều mà không chỉ Việt Nam mà cả Lào và Thái Lan cũng phải dè chừng./.
Trần Kinh Nghị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét