Giải pháp nào cứu rỗi văn hóa đọc?
07:28 | 28/10/2012
(Petrotimes) - Văn hóa đọc ở Việt Nam đang bị các phương tiện nghe nhìn… lấn át và đã có những biểu hiện lệch lạc. Người dân đang hằng ngày hằng giờ phải đối mặt với một môi trường đọc trên Internet đầy “khói bụi” độc hại... Những điều này khiến cho chúng ta chưa có được một nền văn hóa đọc theo đúng nghĩa. Nếu có thì cũng mới chỉ là một nền văn hóa đọc giải trí và bình dân.
Môi trường đọc: Thiếu và nhiều độc hại
Ở nước ta mấy chục năm qua, văn hóa đọc đã có những bước phát triển vượt bậc. Trước năm 1975, cả nước xuất bản hàng năm chưa đầy 4.000 tên sách, đến nay số lượng sách xuất bản gần 25.000 tên sách/năm, tăng hơn 6 lần, đạt mức hưởng thụ bình quân 3,3 bản sách/người/năm. Tuy nhiên, con số ấy mang tính hình thức vì trong đó có tới 80% là sách giáo khoa, các loại sách còn lại chỉ chiếm 20%. Đã thế, việc mua sách giáo khoa không phải để phục vụ nhu cầu tự thân của người đọc mà nhiều khi phải mua thì người ta mua. Như vậy, trên thực tế mỗi người Việt chỉ mua 0,6 quyển sách/năm.
Nguyên vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Tử Thành phát biểu tại hội thảo
Bên cạnh đó, hiện nay, ở nước ta chưa hình thành được một chiến lược phát triển văn hóa đọc trên bình diện quốc gia nhằm liên kết, phối hợp các thành phần, các lực lượng cùng tham gia phát triển văn hóa đọc; Mức hưởng thụ đọc của người dân giữa thành thị và nông thôn mất cân đối. Tỷ lệ người dân ở các địa bàn nông thôn và miền núi không bao giờ biết đến đọc sách ở mức rất cao! Nếu so sánh sức mua và cách đọc sách của người Việt với người nước ngoài, sẽ dễ dàng nhận thấy việc đọc sách của người Việt đang có “vấn đề” hay nói đúng hơn chúng ta chưa có văn hóa đọc theo đúng nghĩa. Còn ở ta, các thư viện vốn đã ít lại chỉ mở cửa vào giờ hành chính. Triển lãm sách quý ít diễn ra. Thông tin về sách mới thì ít ỏi hoặc theo kiểu truyền miệng. Hiếm khi thấy gia đình nào có một tủ sách đúng nghĩa, được duy trì qua nhiều thế hệ. Vài cuốn sách giáo khoa, giáo trình, truyện tranh và tạp chí - đó là một cấu trúc thường thấy. Thói quen mua sách thường xuyên vẫn có vẻ là một việc làm quá xa xỉ.
Đáng quan tâm là xu hướng đọc hiện nay của người dân ít nhiều có biểu hiện lệch lạc, đặc biệt là trong tầng lớp thanh, thiếu niên. Tuy đối tượng này đọc khá nhiều nhưng chủ yếu đọc những truyện tranh với nội dung đơn giản, vô bổ, thậm chí thiếu lành mạnh, ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận, đặc biệt các sách dày, nhiều tập. Sách bán chạy ở ta thường là sách giải trí thông thường, ít có giá trị tinh thần hoặc cung cấp cho người đọc kiến thức. Các sách có giá trị, đạt giải thưởng quốc tế thì bị xếp xó, tồn kho khiến không ít nhà xuất bản lao đao và dần dà phải chấp nhận chạy theo dòng sách giải trí phục vụ nhu cầu của độc giả nhằm đảm bảo độ an toàn trong kinh doanh. Những điều này khiến cho văn hóa đọc của Việt Nam khó được định hình, nếu có thì cũng mới chỉ là đọc giải trí và bình dân.
Trên thực tế, môi trường sống cũng không hề khuyến khích đọc sách. Chưa kể đến các điều kiện vật chất, sự đi lại và phương tiện giao thông của ta không thuận lợi cho việc đọc sách. Thêm vào đó, môi trường đọc sách của ta cũng chứa nhiều nội dung độc hại. Người dân chủ yếu đọc trên Internet. Trong khi đó, nhiều tờ báo mạng và trang tin điện tử hiện nay lại chứa đựng đầy dẫy những tin tức giật gân, có xu hướng thương mại hóa, chạy theo những thị hiếu dễ dãi và nông cạn. Môi trường đọc như vậy đã hằng ngày, hằng giờ làm xói mòn gu thẩm mỹ của độc giả, nhất là bạn đọc trẻ, khiến nhiều giá trị bị đảo lộn, thị hiếu và trình độ thẩm mỹ xuống cấp.
Cần dựng lại từ nền móng
Thực trạng trên cho thấy, để cứu vãn văn hóa đọc, việc xây dựng một chiến lược quốc gia về văn hóa đọc ở Việt Nam là điều cần thiết và cấp bách. Tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm nâng cao chất lượng văn hóa đọc, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia về văn hóa đưa ra như: Tạo ra nhiều sách hay; Đổi mới, đẩy mạnh công tác lý luận - phê bình; Cần có thêm các giải thưởng văn học quốc gia mang tên các nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sách trên các phương tiện truyền thông đại chúng; Bồi dưỡng, phát triển lực lưỡng sáng tác trẻ; Mở rộng và hiện đại hóa hệ thống thư viện, phòng đọc; Cần thành lập phố sách ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Tăng cường công tác quản lý báo chí, Internet và băng đĩa…
Ngày hội đọc sách với khẩu hiệu Đọc sách cho ngày mai được tổ chức tại tỉnh Lào Cai năm 2011
Tuy nhiên, theo nhiều học giả và những người mê sách, như thế là chưa đủ: Chúng ta cần phải gây dựng lại từ nền móng, phải bắt đầu từ gốc rễ, phải xây dựng hạ tầng cơ sở cho văn hóa đọc. Muốn vực dậy và phát triển văn hóa đọc trong quần chúng, phải thay đổi cả hệ thống giáo dục và nhận thức của người dân. Không phải cứ in ra nhiều sách là xây dựng được văn hóa đọc, bởi việc xây dựng văn hóa đọc phải là ý thức chung của toàn xã hội. Một khi việc đọc sách được phổ cập rộng rãi từ nhỏ tới lớn, hình thành và phát triển theo cả một chặng đường dài và cả quãng thời gian sống, con người mới phát triển và định hình được văn hóa đọc cho cá nhân mình. Từ đó, mỗi người sẽ chọn lọc dòng sách mình cần và thấy phù hợp với bản thân qua từng giai đoạn cuộc sống. Lúc đó tự bản thân mỗi người sẽ thấy việc đọc cần thiết như ăn cơm, uống nước hằng ngày.
Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho văn hóa đọc, chúng ta cũng cần phải xây dựng môi trường trong sạch, lành mạnh và có tính chất khuyến khích để văn hóa đọc phát triển. Theo ý kiến các chuyên gia, cần phải tổ chức “Ngày hội đọc sách Việt Nam” trên phạm vi cả nước. Đây là cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã đưa ra đề xuất chọn ngày 21/4 hằng năm là “Ngày hội đọc sách Việt Nam”. Ngày này gắn liền với sự kiện xuất bản cuốn “Đường kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách lý luận cách mạng đầu tiên của Việt Nam, nó cũng gắn liền với một sự kiện quốc tế liên quan đến sách, đó là “Ngày sách và bản quyền thế giới” (23/4 hàng năm). Nếu được đồng thuận và chấp nhận, ngày này không chỉ góp thêm một hình thức tôn vinh xứng đáng, mang tầm quốc gia cho văn hóa đọc mà còn là dịp để khuyến khích tất cả mọi người, nhất là giới trẻ khám phá niềm yêu thích đọc sách, là nấc thang thúc đẩy sự phát triển, nâng cao và “hiệu chỉnh” văn hóa đọc, đồng thời cổ vũ và động viên các tác giả sách, những người làm nghề xuất bản, phát hành, thư viện…
Vẫn biết, hy vọng vực dậy văn hóa đọc ở ta thực sự là cả một câu chuyện dài, cần nhiều tâm huyết, nhẫn nại và cả những giải pháp thông minh, đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành và một ngày hội đọc sách không thể quyết định sự sống còn của văn hóa đọc, nhưng hy vọng với những cách tổ chức sáng tạo, hiệu quả, ngày hội đọc sách hằng năm sẽ nhen lên những đốm lửa đam mê trong lòng công chúng, để việc đọc sách trở thành tự thân, tự nguyện. Với sách, đó mới là lẽ sống còn!
Liên Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét